MỘT THOÁNG SUY TƯ

Hành trình 80 năm của Tỉnh Dòng là một công trình kỳ diệu mà Thiên Chúa thương ban tặng cùng với bao đóng góp, hy sinh của các chị trong trách nhiệm và từng mỗi chị em. Bàn tay nối dài bàn tay, để dệt nên lịch sử Tỉnh Dòng hôm nay. Hạt mầm Đoàn sủng mà Chúa trao cho Mẹ Sáng Lập đã được các chị gieo trong những năm qua trên mảnh đất quê hương Việt Nam thân yêu này, nay đang đâm chồi nảy lộc như thánh Phaolô nói: “Apôlô trồng, Phaolô tưới nhưng Thiên Chúa mới cho mọc lên”. Chúng con xác tín vào tình thương cao vời của Chúa vì chính Ngài là Đấng làm chủ lịch sử, và mỗi tạo vật đều là khí cụ khiêm tốn trong bàn tay Ngài...

 

MỘT THOÁNG SUY TƯ

Đi ngược dòng sông để tìm về nguồn cội có lẽ chẳng bao giờ chúng ta “tìm được hình ảnh buổi chiều qua”, vì một giây phút trôi qua là đi vào quá khứ, hiện tại là điểm dừng để nối kết tương lai. Tuy thế từng mốc điểm của thời gian, chuyển tải biết bao biến cố vui buồn, thành công và thất bại để viết nên lịch sử của một đời người, một Hội Dòng, một dân tộc và từ đó mỗi người lại được hòa nhập trong giòng sông vĩ đại của lịch sử cứu độ - nơi đó Chúa đang hiện diện và đồng hành với dân Ngài.

Chính vì thế, mừng 80 năm hiện diện của Hội Dòng tại Việt Nam, và gần 40 năm thành lập của Tỉnh Dòng, tâm hồn mỗi chúng ta như đang dâng trào một niềm vui cảm tạ vì một chặng đường dài với biết bao thăng trầm thay đổi, một “bề dày lịch sử” được đan kết bởi hồng ân.

 

Nhìn về mình.

Là những người ở tuổi trung niên - lớp huấn luyện vẫn bị xem là “hụt hẫng” với “thời cuộc”, chúng em được nuôi dưỡng, lớn lên và “hình thành” với thật nhiều giới hạn. Nhưng xác tín rằng mình đang cùng Chúa bước đi, Đấng là tình yêu và trung tín ngay cả khi chân trời xem ra có bóng mây mù. Chúng em luôn hy vọng, lạc quan vì tin rằng dù chỉ một chút thiện chí, yêu mến, cố

gắng dẫu bất toàn trong muôn vàn công việc bé nhỏ của đời thường cũng làm vinh danh Chúa. Hình ảnh hai môn đệ ngày nào trên đường Emmau lại trở về trong em, họ đã gặp Chúa “lòng rạo rực” khi nghe Lời Ngài giảng dạy, và “xin Chúa ở lại”, chính nơi Bí tích Thánh Thể - Chúa đã ở lại bên kẻ thuộc về Người.

Hôm nay một số chị em đã kề vai để gánh vác trách nhiệm trong Tỉnh dòng, có lẽ bài học thiết thân nhất đó là rút kinh nghiệm cho những lần sai sót để rồi bắt đầu lại và tiếp tục lên đường, vì lệnh truyền của Thầy như vang vọng, thúc bách người tông đồ không thể dừng chân “anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Thái độ khiêm tốn của Mẹ Maria “con đường trong con đường”, cuộc đời Mẹ là một chuỗi lời Vâng tiếp nối lời Dâng đi theo Chúa, một mô hình tuyệt vời của mỗi Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ trong hành trình dâng hiến mà Mẹ Sáng Lập vẫn luôn nhắc nhở.

Về các chị.

Thắp nén hương chúng em nhớ về những chị giờ phút này đang hưởng hạnh phúc trên Nước Trời bên Chúa, chắc hẳn đang nhìn về Tỉnh dòng hôm nay. Cũng như 5 chị FMM thuộc Tỉnh dòng Thánh Tâm - Pháp đã lên đường truyền giáo 23/9/1932 đến Qui Hoà để phục vụ anh em bệnh phong. Từ những hạt mầm đầu tiên ấy, Đoàn sủng của Mẹ Marie de la Passion đã đâm chồi nẩy lộc trên vùng đất quê hương Viêt Nam. Rồi các cộng đoàn tại Vinh, Laqua, Bana được mở ra, nhiều ơn gọi rất trẻ đến xin gia nhập. Tại Qui Hòa có 4 chị Việt Nam xin vào tu: chị Catarina Trần Thị Thêm, chị Angela Dương Thị Lành, chị Félisi Lê Thị Tơ và Maria Hội, công việc phục vụ ở đây là lo cho bệnh nhân và các cháu mồ côi... nhưng rồi chiến tranh bùng nổ, năm 1945 - Nhật đảo chánh Pháp, chiếm đóng toàn cõi Đông Dương, các chị ngoại quốc phải trở về cố hương. Chị Hội vì lý do sức khoẻ về lại gia đình, còn 3 chị nhớ lời các Mẹ dặn: “Các con cứ ở đây, các mẹ sẽ trở lại...”

Dù mới là Tiền tập sinh, ba chị vẫn ở lại tiếp tục thờ phượng Thánh Thể, trung thành cầu nguyện và theo Chúa đến cùng, dù cuộc sống bấy giờ thiếu thốn về nhiều mặt... chờ đợi như thế trong 10 năm dài, ngày 6/7/1955, sau hiệp định Genève, đất nước chia đôi. Hai mẹ Charles Antoine, mẹ Ozite và 3 chị Magarita Phùng Thị Khoá, Héléna Trần Thị Mộ, Gioanna Nguyễn Thị Nghi từ Vinh đi vào. Một thời gian sau có chị Mađalêna Trương Thị Nghiêm và nhiều chị em khác với lòng yêu mến Chúa, muốn noi gương Cha Thánh Phanxicô sốt mến, đã dấn thân phục vụ “những chi thể đau khổ của Chúa” mãi đến hôm nay: “các Soeurs đã trở thành bàn tay nối dài của những đôi tay què cụt, và những bước chân đồng hành, nâng đỡ những bàn chân khập khễnh của chúng con...” (Thư cám ơn của bệnh nhân Phong dịp mừng Kim khánh các Soeurs).

Quả thực sau 19 năm phục vụ, với tấm lòng người mẹ bao la. Làm việc không nghỉ ngơi, mẹ Charles Antoine dù đã về bên Chúa, hình ảnh của mẹ vẫn không phai mờ trong tâm khảm anh chị em bệnh phong... rồi gần gũi hơn, với chị Margarita lúc này cũng đã an nghỉ trong Chúa. Làm sao quên được những ngày chị em đem Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt và hăng say phục vụ hầu đem lại một chút an ủi và niềm vui nhỏ cho những ông bà cụ tại khu dưỡng lão, neo đơn không còn ai chăm nom, thăm viếng.

Hoặc chị Héléna Mộ đã ngày ngày tận tình băng bó những vết thương, xoa dịu phần nào nỗi đau của anh chị em bệnh tật... Chị Madeleine Nghiêm trách nhiệm tại phòng làm chân tay giả, chị đã miệt mài tận tâm và nhiều sáng tạo để anh em có được những phương tiện cần thiết đi lại, làm việc... hầu cuộc đời còn một ý nghĩa. Rồi chị Gioanna Nghi thì chạy đây đó để tổ chức những trại nuôi heo, gà, cá, tôm, làm nước mắm... để tăng thêm chất lượng cho bữa cơm gia đình, hoặc tìm thêm công việc để anh chị em trong làng có chút thu nhập ổn định cuộc sống hơn.

Quả thật một cuộc đời dâng hiến cho Chúa để phục vụ Giáo Hội qua các chi thể đau khổ của Ngài, các chị đã làm cảm kích biết bao du khách lương giáo có dịp đến thăm:

“Chính nơi đây có một tình người cao đẹp

những mẹ hiền xoa dịu vết thương đau,

ngày đêm mưa nằng dãi dầu,

bàn tay áo trắng cứu bao con người.

Ôi đẹp quá Qui Hòa, ôi đẹp quá,

Đẹp tình người, đẹp trọn những ước mơ.

Yêu thương, hò hẹn, đợi chờ

Vì tình nhân loại, hy sinh cuộc đời...”

(Trích “Một lần ghé thăm” của thi sĩ Phong Linh)

Nhìn về những tháng ngày qua, trong sinh hoạt của Tỉnh dòng, có lẽ người mà chúng em ghi ơn hơn hết đó là chị Madeleine Triệu, nguyên Giám tỉnh Việt Nam đầu tiên, qua 15 năm phục vụ với tinh thần cầu nguyện, khiêm tốn, phó thác, chị đã gánh vác Tỉnh dòng trong giai đoạn có thật nhiều biến chuyển. Chị đã luôn phục vụ Giáo Hội, hiệp nhất với anh chị em trong đại gia đình Phan Sinh... Mỗi lần có dịp tiếp xúc với chị, chị em luôn tìm được lời khích lệ, nâng đỡ để vui tiến trong hành trình dâng hiến.

Mừng 80 năm Tỉnh Dòng, chúng em nhớ về các chị như truyền thống ngàn đời của dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”. Chúng em làm sao quên được những ngày mới bước chân vào đời dâng hiến, các chị đã tận tình hướng dẫn và đồng hành với chúng em, không những bằng lời giảng dạy, mà qua biết bao gương sáng, hy sinh, quảng đại mà chúng em còn ghi nhớ mãi. Trong bài gởi cho giới trẻ ngày 26/6/1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Những người đi trước chúng ta, trong số đó có những vị Thánh, những nhà tư tưởng và những người đã chịu đau khổ và chiến đấu, đã để lại cho chúng ta một gia sản quí báu mà ngày nay ta còn kín múc, một gia sản mà còn lâu chúng ta mới sử dụng cạn...”

Tuy thế, mừng 80 năm của Tỉnh Dòng, đó là một công trình kỳ diệu mà Thiên Chúa thương ban tặng cùng với bao đóng góp, hy sinh của các chị trong trách nhiệm và từng mỗi chị em. Bàn tay nối dài bàn tay, để dệt nên lịch sử Tỉnh Dòng hôm nay. Hạt mầm Đoàn sủng mà Chúa trao cho Mẹ Sáng Lập đã được các chị gieo trong những năm qua trên mảnh đất quê hương Việt Nam thân yêu này, nay đang đâm chồi nảy lộc như thánh Phaolô nói: “Apôlô trồng, Phaolô tưới nhưng Thiên Chúa mới cho mọc lên”. Chúng con xác tín vào tình thương cao vời của Chúa vì chính Ngài là Đấng làm chủ lịch sử, và mỗi tạo vật đều là khí cụ khiêm tốn trong bàn tay Ngài, “Vinh quang của Thiên Chúa là chúng ta sinh nhiều hoa trái” là như thế...

Mai Thi, fmm.