Con Đường Hội Nhập Xã Hội (I)

Các chị đã mở các lớp Bổ túc Văn Hoá cho các em nghỉ học dở chừng và đã quá tuổi, kêu gọi các anh chị bệnh nhân có trình độ văn hoá giúp dạy các em, mở Phòng đọc sách với trên 300 đầu sách dành cho anh chị em bệnh nhân trong Bệnh viện đến thư giãn, hoặc để cập nhật thông tin, tăng thêm kiến thức, nhằm giúp họ quên bớt đau đớn... Tục ngữ Việt Nam có câu: “Vạn sự khởi đầu nan”, quả không sai cho con đường hội nhập của con em bệnh nhân phong Quy Hoà trong giai đoạn khởi đầu...

Con Cháu Bệnh Nhân Phong Quy Hoà

Con Đường Hội Nhập Xã Hội

Kỷ niệm 40 năm thành lập
Tỉnh Dòng Thánh Tâm Việt Nam 1973 - 2013

(kỳ 1)

Xem tiếp kỳ 2: http://fmmvn.net/tin-tuc/p2/c20/n3206/Con-Duong-Hoi-Nhap-Xa-Hoi.html

Sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975), trường Cấp I của Trại Phong Quy Hoà vẫn sinh hoạt đều đặn, song dường như chỉ là một công việc để xóa mù, cho các em biết đọc biết viết, không một hướng mở… tương lai. Tại sao vậy? Vì xã hội? Vì hoàn cảnh? Vì thiếu nhân sự? Tất cả đều là những dấu chấm hỏi cho những cuộc sống đã quen chịu đựng và chấp nhận thân phận bị mọi người lãng quên mà đôi khi dân gian vẫn thường gọi: “số mệnh”.

Đến một ngày, ngày mà người tin vào Thiên Chúa gọi là “giờ của Chúa” còn người đời vẫn thường nói: “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà” đã mở ra cho con em bệnh nhân phong Quy Hoà một khúc ngoặt mới. Một khúc ngoặt có thể nói không những cho con cháu bệnh nhân phong Quy Hoà mà còn cho cả “xã hội nhỏ” tại đây.

Soeur Marie Thérèse, fmm đến thăm trường Cấp I Quy Hòa - 1992

Vào những ngày cuối năm 1988, trời Đông đang chuẩn bị sang Xuân, một cuộc viếng thăm khá bất ngờ của các anh trong ban Biên tập tờ báo Công Giáo và Dân Tộc với các Trưởng Hướng Đạo Sài Gòn dành cho Quy Hoà đã khai thông một sứ vụ có lẽ không ai, trong bối cảnh của Quy Hòa lúc bấy giờ dám nghĩ đến, “thăng tiến việc học tập của con em bệnh nhân”.

Sau những thủ tục hành chính với Ban lãnh đạo bệnh viện, nhóm thiện nguyện đã đến thăm chị em Phan Sinh sau giờ cơm tối. Trong buổi gặp gỡ ngắn ngủi chưa đầy một giờ, sau những thăm hỏi thân tình, anh Nguyễn Văn Soi, một tu sĩ thuộc Dòng Đức Mẹ Người Nghèo[1], đại diện trao tay các nữ tu một triệu đồng[2] dành cho việc giúp con em bệnh nhân đi học. Sau đó cả nhóm cùng đến Hội trường bệnh nhân để gặp các em học sinh đã được Ban Hội Đồng bệnh nhân và các thầy cô giáo quy tụ tại Hội trường. Một trong hai chị FMM trẻ trong cộng đoàn được chỉ định là người hướng dẫn, dù rằng từ khi đặt chân đến Quy Hoà (5/1987), đây là lần đầu tiên chị được bước vào phòng hội này. Thật kinh ngạc vì một đoàn trẻ con đông đảo đang chen chúc đứng ngồi bên những bàn dài bằng đá… những khuôn mặt lem luốc lờ mờ qua ánh sáng phát ra từ vài bóng đèn điện tròn càng tăng thêm bầu khí ngột ngạt, nóng bức quyện với mùi mồ hôi cháy khét … Phản ứng tự nhiên ban đầu, chị phải bước ra ngoài để thở, nhưng khi vừa bước ra, một chú bệnh nhân[3] đang ngồi bên gốc cây Phượng liền đứng lên cản lối và nói: “Soeur ơi, các em nhỏ ở đây khổ lắm! Từ 2 giờ sáng, có em phải lên núi gánh than; có em phải ra biển đánh cá. Chúng không được đi học.” Nghe lời nói này đã làm chị chùng bước và một lời đáp trả có lẽ chưa kịp suy nghĩ đắn đo: “Chú yên tâm, con sẽ ở lại”.[4] Ngay lập tức chị đã quay vào và tích cực giúp linh hoạt buổi tối hôm ấy cách sinh động không ngờ.

Từ buổi tối gặp gỡ nầy, con đường giáo dục văn hoá cho con em bệnh nhân phong Quy Hoà dần hình thành… Được sự nâng đỡ, hỗ trợ của chị em trong cộng đoàn, và sự đồng thuận ngầm của Bác sĩ Trần Hữu Ngoạn, Giám đốc và Chú Lê văn Thái, Phó Giám đốc, chị đã dùng số tiền lãi từ một triệu đồng của nhóm thiện nguyện để đóng bàn ghế[5], quét vôi trường, bồi dưỡng thêm cho thầy cô giáo của trường Cấp I Quy Hoà[6] nhất là tổ chức lại việc dạy và học; kêu gọi phụ huynh đưa các cháu đến trường, mở lớp Mẫu giáo cho các cháu từ 3 đến 5 tuổi. Gởi 2 cô : Nguyễn thị Lệ Hiền và Hồ thị Xuân Hương vào Sài Gòn tham dự khoá học Mầm Non 6 tháng[7]. Học xong 2 cô trở về tiếp nối lớp Mẫu giáo. Song song chị mở các lớp Bổ túc Văn Hoá cho các em nghỉ học dở chừng và đã quá tuổi. Kêu gọi các anh chị bệnh nhân có trình độ văn hoá giúp dạy các em. Mở Phòng đọc sách với trên 300 đầu sách dành cho anh chị em bệnh nhân trong Bệnh viện đến thư giãn, hoặc để cập nhật thông tin, tăng thêm kiến thức, nhằm giúp họ quên bớt đau đớn... Tục ngữ Việt Nam có câu: “Vạn sự khởi đầu nan”, quả không sai cho con đường hội nhập của con em bệnh nhân phong Quy Hoà trong giai đoạn khởi đầu. Để chuẩn bị cho năm học sắp tới (1990 – 1991) Quy Hoà sẽ có bảy em học xong lớp Năm và phải được tiếp tục việc học, nhưng phải làm thế nào?

Năm 1988, đất nước bắt đầu chuyển mình với chính sách “đổi mới” của nhà nước. Tuy nhiên, việc ứng dụng trong giáo dục vẫn chỉ là nhỏ giọt, chương trình giáo dục vẫn còn trong thời bao cấp. Trong khi đó, cuối năm 1989, chị đã ký hợp đồng với cơ quan trông coi việc xuất – nhập của bệnh nhân trong bệnh viện và quản lý thực phẩm cho bệnh nhân toàn viện cộng thêm khâu bếp tập thể của bệnh nhân ăn hằng ngày[8]. Vài ba lần trong tháng, sau khi sắp xếp công việc trong Bệnh viện tạm ổn, với chiếc xe đạp chị vượt qua đường đèo đá để đến phòng Giáo dục. Sau nhiều lần gặp thầy Trưởng phòng Giáo Dục – Đào Tạo thành phố Quy Nhơn , chị vẫn chưa nhận được câu trả lời cụ thể. Mãi đến một ngày khoảng đầu tháng 8 năm 1990, thầy trưởng Phòng Giáo Dục đành phải chịu thua trước sự kiên trì một cách ngây ngô của người nữ tu, thầy buộc lòng phải nói rõ: “Nói thật với Soeur, bây giờ Soeur đến các trường Cấp II của thành phố; gặp Hiệu trưởng, nếu họ đồng ý nhận các em, soeur xin họ cho một văn bản gởi Phòng Giáo Dục, bấy giờ tôi mới có thể giúp Soeur. Còn bây giờ tôi không thể, vì nếu tôi đưa các em đến mà Nhà trường họ không nhận thì tội các em.” Khi nghe xong câu nói này chị mới hiểu vấn đề, nhưng để nghe được câu này chị đã mất gần một năm “trơ gan cùng tuế nguyệt”[9]. Dù vậy vẫn còn hơn không! Tuy nhiên, khi hiểu được vấn đề, chị lại càng lo lắng hơn, vì bản thân chẳng quen biết với bất cứ vị hiệu trưởng nào, cũng chưa hề biết trường Cấp II ở đâu? Chị rời phòng Giáo Dục và ra đi như một kẻ vô định… Dưới cái nắng gay gắt của trưa hè, chị đạp xe ngang qua nhà thờ Chính toà, ghé vào hang đá Đức Mẹ “xin Mẹ hướng dẫn con.” Sau đó, chị tiếp tục đạp xe đi và bất ngờ chị nhìn thấy một bảng hiệu nhỏ thật khiêm tốn của trường Cấp II Trần Hưng Đạo; chị ghé vào và may mắn đã gặp thầy Hiệu trưởng Hồ Văn Sanh, trưa hôm ấy thầy nghỉ lại ở trường. Qua một cuộc trao đồi ngắn ngủi về ước nguyện cho con em bệnh nhân phong và yêu cầu của Phòng Giáo Dục Quy Nhơn , thầy đã nói với chị: “Soeur cứ đưa các em ra đây đi. Ngày xưa tôi cũng gặp hoàn cảnh khó khăn, nhờ có người giúp đỡ nên tôi mới có ngày hôm nay. Vậy soeur cứ an tâm, tôi sẽ giúp lại các em.” Thầy đã trao cho chị một tờ giấy gởi Phòng Giáo Dục đồng ý tiếp nhận các em Quy Hoà ra học tại trường của thầy. Cầm tờ giấy trong tay chị thật cảm kích trước tấm lòng từ ái của thầy. Liền ngay đó, chị trở lại phòng Giáo Dục và nhận được sự xác nhận của thầy Trưởng Phòng. Tâm trạng lúc này vừa mừng vừa lo. Mừng vì đã thấy được chút ánh sáng trong việc tìm ý Chúa; lo lắng vì không biết bước tới sẽ thế nào? Vì trong chị chẳng có một chương trình hay dự định gì cả ngoài một ước muốn mạnh mẽ, một khao khát mãnh liệt là phải giúp các em vượt qua mặc cảm và tháp nhập vào xã hội trên đôi chân của mình, một chân đạo đức và một chân kiến thức. Từ đó, từng bước và từng bước chị cùng với các em con bệnh nhân phong Quy Hoà đã vượt khó để được tiếp tục việc học theo sự hướng dẫn và sắp xếp của Chúa Thánh Thần.

Trước hết, chị phải gặp gỡ, trao đổi với cha mẹ của các em. Vì lúc bấy giờ thế giới bên ngoài đối với anh chị em bệnh nhân phong vẫn còn là một con số bí ẩn, nên việc để cho những đứa con yêu quý bước vào đó là một hành động liều lĩnh đối với họ. Hơn nữa, các em đi học thì ai có thể phụ giúp thêm cho cuộc sống gia đình trong thời buổi “gạo châu, củi quế” này; chị đã cố gắng động viên, khích lệ và hứa sẽ cố gắng hết sức để lo liệu cho các em từ việc ăn ở, đến chi phí học hành, thậm chí từng tấm áo để có thể không bị ngăn cách và thua thiệt với các em học sinh bên ngoài; đồng thời cũng giúp họ ý thức một hướng mở ra cho cuộc sống tương lai của các em được tốt đẹp hơn khi các em được tiếp tục việc học. Thêm vấn đề khác, từ Quy Hoà đến trường học Quy Nhơn phải qua cái đèo núi dài hơn ba cây số, đường sỏi đá gập ghềnh, làm thế nào các em có thể đi về mỗi ngày dưới thời tiết khá khắc nghiệt của miền Trung, nhất là những lúc trời mưa bão! Thật may mắn cho các em, khi các nữ tu Dòng thánh Phaolô tại Quy Nhơn đã mở rộng vòng tay cho các em nội trú tại nhà các chị để đi học. Kế tiếp việc làm hồ sơ cho các em nhập học, lại thêm một bước khó mới vì các em chưa có một tờ giấy hợp pháp chứng nhận cho bản thân, cho gia đình và cho việc học. Giấy Khai sinh, hay Hộ khẩu đều không có và Học Bạ của trường cũng chưa hợp pháp vì việc học trong Quy Hoà như đã nói chỉ trong nội bộ mà thôi. Tuy nhiên, các em đã được sự hổ trợ của các cấp chính quyền cũng như Phòng GD – ĐT thành phố Quy Nhơn, của Ban Giám Đốc Bệnh viện, nhờ đó đầu niên học 1990 – 1991, bảy em con bệnh nhân đầu tiên đã ra học trường Phổ thông Cấp II Trần Hưng Đạo – Quy Nhơn.

Những tháng ngày đầu tiên, việc tháp nhập môi trường của các em khá tốt, được sự thương yêu nâng đỡ của thầy Hiệu trưởng và quý Thầy Cô đã giúp các em tiếp thu việc học rất khả quan, gia đình các em cũng rất an tâm khi các em được các chị Dòng Phaolô quan tâm hướng dẫn. Vì thế các em Quy Hoà ra học tại Quy Nhơn đã được Phòng GD – ĐT Quy Nhơn đánh giá cao, cũng như được các Thầy Cô Hiệu trưởng của các trường Trung Học Phổ Thông của Quy Nhơn biết đến. Nhờ đó, những năm kế tiếp, các em học xong chương trình Cấp I tại Quy Hoà tiếp tục ra Quy Nhơn học Cấp II dễ dàng hơn. Cụ thể, năm học kế tiếp 1991 – 1992, khi chị đến gặp cô Hiệu trưởng trường Cấp II Lê Hồng Phong là một trường điểm của thành phố để xin cho lớp thứ hai được học tại trường. Cô hiệu trưởng rất vui lòng và sẵn sàng nhận các em vào học[10].

Tuy nhiên về mặt xã hội, kiến thức về bệnh phong không lây lan còn khá giới hạn trong dân chúng. Năm học đầu tiên 1990-1991, đến giữa học kỳ II, một biến cố xảy ra, phụ huynh của các học sinh trong các lớp của trường Trần Hưng Đạo biết con của họ học chung lớp với con bệnh nhân phong Quy Hoà; họ đã có những kiến nghị với nhà trường vì sợ con mình bị lây bệnh. “Nếu Thầy Hiệu trưởng vẫn để cho con bệnh phong học chung với con họ, họ sẽ rút con họ đi nơi khác”. Thật khó khăn cho quý thầy cô của trường, vì thế thầy Hiệu trưởng phải tổ chức một cuộc họp với phụ huynh và chị đã đứng ra giải thích cùng bảo đảm cho phụ huynh các cháu yên tâm. Chị phải lấy chính bản thân làm chứng vì chị là người đã từng sống với họ; ngoài ra còn có các nữ tu FMM khác đã sống gần 40 năm phục vụ trong bệnh viện mà đâu có bị lây bệnh; nhờ đó làn sóng khó khăn dần dịu lại…

Xem tiếp kỳ 2: http://fmmvn.net/tin-tuc/p2/c20/n3206/Con-Duong-Hoi-Nhap-Xa-Hoi.html

[1] Sau một thời gian anh đã xuất tu.

[2] Số tiền này vào những năm cuối thập niên 80 và đầu 90 là số tiền khá lớn

[3] Ông Giuse Phan Tấn Hoà, một Câu biện của Họ Đạo Quy Hoà.

[4] “Ở lại” buổi tối hôm ấy và cũng ở lại làm việc tại Quy Hoà. Vì cho đến tối hôm ấy, tôi vẫn chưa dứt khoát trong tư tưởng việc ở lại Quy Hoà hay không?

[5] Chú Hồ Văn Gấm, một sĩ quan Võ Bị Cộng Hoà, bị bệnh đến sống tại Quy Hoà từ năm 1972, đang là Chủ tịch Hội Đồng Bệnh Nhân, và là một thợ mộc nghề tay trái nhưng rất khéo tay, đã qua đời năm 1992 tại Quy Hoà.

[6] Các Thầy Cô vẫn nhận trợ cấp lương tháng từ Ban Giám đốc Bệnh viện.

[7] Cô Nguyễn thị Lệ Huyền, bệnh nhân còn lành lặn; cô Hồ thị Xuân Hương, con bệnh nhân

[8] Chị đã đi làm từ tháng 9 năm 1989, và ký hợp đồng chính thức ngày 15 /12/1989.

[9] Bà Huyện Thanh Quan, Thăng Long Thành Hoài Cổ, trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, Nxb Văn học, 1978, tr. 681

[10] Năm 1991, Cộng đoàn FMM Quy Hoà mua nhà ở Quy Nhơn, nên Trường Lê Hồng Phong gần nhà các em tạm trú hơn Trần Hưng Đạo, tiện việc các em đi lại trong thành phố.