NHÌN LẠI 40 NĂM TRƯỚC
NHỮNG BƯỚC ĐẦU THÀNH LẬP CỦA TỈNH DÒNG VIỆT NAM
“Nước Thiên Chúa như chuyện một người gieo hạt giống xuống đất…
Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên…”
(Mc 4, 26-27)
Thời kỳ thai nghén
Lần giở lại những trang lịch sử của Hội Dòng, chúng ta thấy Tổng Tu Nghị đặc biệt của Hội Dòng năm 1966 đã cho ra những tập tục mới và đề nghị những hướng canh tân về đời sống huynh đệ, như sự đồng trách nhiệm giữa các chị em, sự cộng tác giữa các cộng đoàn và giữa các Tỉnh Dòng… Đặc biệt Tổng Tu Nghị này đã thiết lập những kỳ họp miền, làm cơ quan phối hợp có trách nhiệm nghiên cứu những vấn đề thuộc về mỗi vùng truyền giáo. Lúc đó có chín vùng truyền giáo trong Hội Dòng và các chị hữu trách cứ mười tám tháng thì gặp nhau một lần. Kỳ họp miền tại Kobé cho Viễn Đông và Úc, từ ngày 28/10 đến ngày 19/11/1969, có Sr Marie Thérèse de Maleissye, Sr Suzanne và Sr Madeleine Triệu tham dự. Chị em cùng nhau tìm hiểu và giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống tu trì Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ cùng với sứ mạng của chị em; việc huấn luyện khởi đầu, thành lập những chương trình, canh tân phụng vụ, cơ cấu về quản lý và “quản trị”…
“Chúng tôi xem xét lại những gì đã thực hiện và cố gắng học hỏi về những gì chúng tôi có thể đưa đến thêm nữa tại các đất nước nơi chúng tôi sinh họat. Những nhà thành lập trong thời gian qua đều hướng về những người nghèo khổ nhất… ước gì chúng tôi sống nghèo hơn bà con lối xóm, họ biết thế, cảm phục và giúp đỡ chúng tôi !”(Thư chung trong những năm 1960 đến 1972, ngày 8/3/1970). Vào tháng 3/1970, Soeur Marie Thérèse de Maleissye sang Việt Nam lần thứ ba và thăm các Huynh Đệ Đoàn mới thành lập. Vào thời đó, Việt Nam thuộc Tỉnh Dòng Thánh Tâm gồm có 89 nữ tu; trong đó có 58 nữ tu người Việt (50 Khấn viễn vĩnh, 3 Khấn tạm, 5 Tập sinh: 50, và 33 nữ tu người ngoại quốc (23 Pháp, 3 Iphanho, 2 Nhật, 1 Ecoss, 1 Inland). Có các Huynh Đoàn hiện diện ở Sài Gòn, Phước An, Phan Rang và Hà Dừa (sau đổi về Suối Dầu), các chị em muốn suy nghĩ về việc dấn thân và lượng định về lối sống của mình. Công thức Huynh Đoàn là số ít chị em, bốn hay năm người và sống đời sống gần gũi với bà con lối xóm, nên cuộc sống ấm cúng, gần gũi hơn, nơi đây cái gì cũng được chia sẻ : cầu nguyện, công việc, niềm vui, nỗi khổ… Sau một năm thí nghiệm, các chị gặp lại nhau tại Trung Tâm Văn Hóa Chăm vào tháng 12/1972 để cùng xem xét và trao đổi (dịp Soeur Marie Thérèse thăm Việt Nam).
Sau đó Soeur Marie Thérèse de Maleissye tổ chức tại Đà Lạt một khóa học cho các chị đại diện các cộng đoàn và huynh đoàn, xác định một số điều về tài liệu của Hội Đồng Trung Ương Mở Rộng đã nhóm họp tại Grota giúp chị em đưa ra thực hành. «Việc suy nghĩ chung là chủ yếu để đạt một sự đổi mới thật sự về đời thánh hiến. Không phải chỉ thay đổi một vài thói quen hay cách làm, những là cùng nhau tìm ý nghĩa tại sao phải thay đổi và thay đổi thế nào tại nơi chúng ta đang sống với những gì chúng ta phải canh tân cá nhân và nội tâm. Tu nghị cộng đoàn sẽ giúp chúng ta, nhưng cũng nhờ cách sống huynh đệ hơn, cùng chia sẻ với nhau hơn, cùng tìm kiếm trong những tài liệu của Công Đồng và trong tinh thần của Mẹ Sáng Lập, những tài liệu của Hội Đồng Trung Ương không phải là những công thức thần diệu, những nó bắt chúng ta phải theo bước chân Chúa Kitô, thường thì đưa chúng ta đến nơi chúng ta không muốn đến» (chia sẻ của Sr Thérèse de Maleissye trong khóa học). Sau khoá học, Hội Đồng Tỉnh Dòng xem lại các thành viên trong các nhóm: phụng vụ, tinh thần Hội Dòng, ơn gọi và những việc dấn thân truyền giáo, Hội Đồng cũng quyết định là phải có một Soeur lo về thông tin cho các cộng đoàn, và nhóm huấn luyện gồm các chị đặc trách người trẻ ở mọi cấp.
Sau Hội Đồng Trung Ương Mở Rộng tại Grottaferrata từ ngày 15/6 đến ngày 13/8/1970, vì lý do hoàn cảnh và các vấn đề khác biệt mà chị em gặp phải trong hiện trạng nơi miền truyền giáo, nhiều nước bắt đầu họp tu nghị Tỉnh Dòng ở từng miền. Tỉnh Dòng Thánh Tâm, thuộc nước Pháp đã có tu nghị Tỉnh Dòng tại Paris năm 1971, về phần Việt Nam cũng có tu nghị họp tại Đà Lạt tháng 5/1971, do Soeur Marie Thérèse chủ sự và Soeur Suzanne VinSon là thành viên Hội Đồng Tỉnh Dòng kiêm Bề Trên nhà ở Đà Lạt. Có tất cả hai mươi bốn Soeurs tham dự. Trong viễn cảnh đồng trách nhiệm và tính tập đoàn, tu nghị giúp ý thức chung về hiện tình của đất nước, để tìm cách sống căn tính của Hội Dòng tại Việt Nam trong lòng Giáo Hội và quê hương, hầu trở về với điểm chính yếu của đời sống Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ. Trong tình hình đó, «Hội Dòng tại Việt Nam, ước muốn hoàn toàn sát nhập vào một Giáo Hội vừa đầy sức sống, vừa đau thương mà Hội Dòng xin chia sẻ hy vọng và đớn đau. Vậy Hội Dòng phải tuần tự trao bánh lái của chiếc thuyền nhỏ của mình cho con cháu dân tộc Việt Nam, chính họ cảm thấy rõ những nhu cầu và những khát vọng của dân tộc mình» (Thư của Soeur Marie Thérèse de Maleissye).
Để chuẩn bị cho bước tiến này, tu nghị quyết định tổ chức trong năm tới những khoá huấn luyện về những chủ đề như : tâm lý học, náo hoạt nhóm, quản lý, linh đạo Thánh Phanxicô và Mẹ Marie de la Passion, Tỉnh Dòng giao việc này cho Soeur Genevieve de Monredon cộng tác cùng với các Cha Phanxicô để phiên dịch Hạnh Mẹ Sáng Lập, và Soeur Marie Assunta dịch những tài liệu thiêng liêng của Mẹ Marie de la Passion vừa được xuất bản. Theo đề nghị của Ban Cố Vấn Tỉnh Dòng, Bề Trên Tổng Quyền Sainte de Saint Agnès và Ban Cố Vấn của Mẹ bổ nhiệm Soeur Madeleine Nguyễn Thị Triệu làm cố vấn Tỉnh Dòng, Soeur là người Việt Nam đầu tiên thay cho Soeur Suzanne VinhSơn làm Bề Trên cộng đoàn Đà Lạt, Soeur Georgette Moalie về làm Bề Trên nhà Gia Định và Soeur Denise Autin Bề Trên nhà M’lon.
Từ năm 1968 đến 1973, có nhiều khoá học được tổ chức ở Đà Lạt, có hai khoá giúp về văn hoá + lịch sử nước Việt Nam và tình thế xã hội + chính trị, được xem xét lại theo quan điểm Tin Mừng. Cả hai khoá đều đáp lại nhu cầu và suy nghĩ của tất cả chị em, nhất là chị em Việt Nam cảm thấy rất cần thiết. Tháng 12/1971, Soeur Marie Thérèse trở lại Việt Nam lần thứ năm. Tu nghị Tỉnh Dòng vừa kết thúc được vài tháng và không đầy một năm là là Tổng Tu Nghị, đang được toàn thể Hội Dòng chuẩn bị rảo riết, nên Soeur Marie Thérèse quyết định tại chỗ và suy nghĩ cùng với chị em trong tu nghị Tỉnh Dòng về chủ đề : «Sứ vụ Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ tại Việt Nam.»
«Cho đến hôm nay, định hướng của Hội Dòng là đem Tin Mừng đến cho mọi người và đặc biệt cho lương dân… nhưng một trong các nhu cầu xem ra gồm tóm mọi nhu cầu khác đó là : giúp đỡ mọi người cho họ được làm con Thiên Chúa, họ được sống và phát triển đúng theo những gía trị nhân bản… chúng tôi nghĩ sẽ tiến hành cách nầy : trước tiên gây ý thức cho mỗi cộng đoàn và mỗi chị em về hoàn cảnh nghèo khổ của bà con hàng xóm… gây ý thức cho những người sống gần gũi chúng tôi những giá trị mà chính họ có, để họ có thể sống như những con người thật sự… và sau cùng chúng tôi dấn thân hành động… theo anh sáng Tin Mừng và với tinh thần của Thánh Phanxicô» (Suy tư của Hội Đồng Tỉnh Dòng về những định hướng của Hội Dòng tại Việt Nam).
Nhưng tình hình chính trị không mấy khả quan. Soeur Madeleine Triệu, Phó Giám Tỉnh từ Sài Gòn đã viết cho Soeur Marie Thérèse ngày 04 tháng 05… người ta đang chờ những trận chiến chung quanh thành phố Quy Nhơn, để giữ an toàn cho miền nam tỉnh Bình Định, chị em Quy Hoà chúng tôi ở vị trí thuận lợi để quan sát ! trong hoàn cảnh bi đát này, một số chị em phải rời khỏi bệnh viện, tập trung về nhà mẹ : Soeur Monique, Soeur Séraphine và Soeur Gabidle đã đến Thánh Tâm, một số chị em khác đã đến tiếp đón. Vì Soeur Jacquecline Millecamps và Mẹ Charles Antoine nghĩ chỉ giữ lại một số ít các Soeurs vừa cần đủ để chăm sóc bệnh nhân phong… tại Sài Gòn, cuộc sống bình thường. Tôi cũng hay nhận được tin tức từ Phước An, Soeur Assunta bận rộn chăm sóc bệnh nhân người di cư… vì là mùa gieo, các Thầy Dòng Biển Đức cho các em học sinh nghĩ học để phụ giúp cha mẹ về việc đồng áng. Nhờ thế các nữ tu dạy học có thể đi thăm bà con di cư tại gia, nhưng không có xe, tội cho chị em phải cuốc bộ ! Mặc dù hoàn cảnh đen tối, nhưng cuộc sống vẫn tiếp tục, Soeur Francoise Masquelier cho biết : có hai Soeurs đã đến Phan Rang giúp người Chăm từ Cao Miên sang, Cha Corentin không muốn giữ các cháu người dân tộc ở lại đêm, các cháu phải đi đi về về từ Cây Cày đến Nha Trang mỗi ngày. Bà con người di cư sống rải rác khắp nước thành những trại rất đông, chính quyền cũng tìm cách ổn định nơi ăn chốn ở cho họ… nhưng khó mà ổn định được trong khi đất nước đang ở trong hoàn cảnh này.
Tình hình náo động vì bất ổn không ngăn trở Tỉnh Dòng Thánh Tâm, phía Việt Nam nhóm họp hội đồng từ ngày 24 đến ngày 29 tháng 07 năm 1972 tại Đà Lạt, có sự hiện diện của Soeur Marie Thérèse. Vì trước Tổng Tu Nghị sẽ nhóm họp vào mùa thu trong năm, các Tỉnh Dòng còn họp tu nghị một lần nữa, những cuộc thăm do được thực hiện trên toàn Hội Dòng ở cấp cơ sở (về vấn đề duyệt lại HP một phần và phần khác là phân chia các Tỉnh Dòng). Tại Rôma, cũng suy nghĩ về đoàn sủng Hội Dòng và về các khía cạnh quan trọng của ơn gọi Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ : nghèo khó, truyền giáo…
«Nghèo khó - truyền giáo » cũng là những chủ đề chính của tu nghị Tỉnh Dòng tại Việt Nam. Chúng tôi suy nghĩ dựa theo kinh nghiệm sống hàng ngày trong khuôn khổ cụ thể là đời sống của đất nước, « nơi mà nghèo khổ được tỏ ra qua muôn hình vạn trạng nơi đồng bào chúng tôi cùng chung sống, nơi mà sứ vụ truyền giáo phải được thực hiện trong cuộc sống hàng ngày» (trích bài khai mạc Tu nghị Tỉnh Dòng do Soeur Marie Thérèse, ngày 24/7/1972). Việc huấn luyện người trẻ và việc thường huấn là hai chủ đề khác, để giúp biện biệt, để huấn luyện chị em tại Việt Nam tiến về năm 2000. Tỉnh Dòng quyết định đóng cửa nhà đệ tử và mở tại cư xá Đà Lạt một phòng đón tiếp các đệ tử có hoàn cảnh khó khăn về tài chánh được tiếp tục học tập. Vấn đề huấn luyện các nữ tu trẻ và vấn đề huấn luyện thường xuyên là hai đề tài được chú ý đặc biệt.
Chuẩn bị gần cho việc tách Tỉnh Dòng
«Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình… » Soeur Marie Léone (Denise Autin) được sai đến truyền giáo tại Việt Nam từ 1970, một năm sau chị được bổ nhiệm làm Bề Trên cộng đoàn M’Lon, với cả tấm lòng và trí thông minh, Soeur phục vụ trung tâm trẻ em người dân tộc, Soeur vừa lo trường học và nhà nội trú. Vào ngày 6/8/1972, Soeur bị chết trong một tai nạn cùng với Soeur May Linda Enriquez vừa đến từ Phi Luật Tân. Mẹ Marie de Saint Agnès cũng đã được Chúa gọi về từ ngày 28/1/1972, Soeur Luigiga Vittoria Slini, Phó Tổng Quyền đã cùng với Hội Đồng Trung Ương khai mạc Tổng Tu Nghị ngày 25/9/1972, Soeur Madeleine Đỗ Thị Công đã tham dự trong tư cách là đại biểu. Ngày 7/10, Soeur Alma Dufault, quốc tịch Hoa Kỳ được đắc cử Bề Trên Tổng Quyền. Ngày 24/10, sau những ngày chuẩn bị học tập về tiểu chuẩn với những nguyên tắc chung về việc thành lập các Tỉnh Dòng, các tu nghị viên đã bỏ phiếu thành lập các Tỉnh Dòng và Á Tỉnh Dòng trong Hội Dòng. Nước Pháp được chia làm hai Tỉnh Dòng: Tỉnh Dòng Miền Bắc và Tỉnh Dòng Miền Nam, nước Việt Nam thì chị em Việt Nam xin ở lại một thời gian nữa với Tỉnh Dòng Thánh Tâm, nhưng lại được nhập vào trung ương để «được giúp đỡ, chuẩn bị ngày chị em hoàn toàn tự lập » (Tài liệu TTN 1972).
Tổng Tu Nghị vừa kết thúc thì hai chị Tổng Cố Vấn : Soeur Lourdes Palma và Soeur Bernadette Savey lên đường đến kinh lý ở Việt Nam từ ngày 9/6 đến ngày 3/7/1973. Đất nước Việt Nam sau ba mươi năm bị chiến tranh tàn phá, tương lai vẫn còn mờ tối, mặc dù đã có lệnh ngừng bắn. Chị em Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ thời gian này có chín nhà : ba cộng đoàn lớn, năm huynh đoàn và tập viện, tổng số chị em là 95 gồm 86 chị người Việt, 18 chị người Pháp, 3 chị người Iphanho, 2 chị người Trung Hoa, 2 chị người Nhật, 1 chị người Ecốt, 1 chị người Thụy Sĩ. Trong đó có 78 chị đã khấn trọn, 8 chị khấn tạm và 9 tập sinh. Nhìn chung các chị em còn trẻ, cởi mở với thời điểm và tìm kiếm để sống điều cốt yếu trong đời tu trì. Năm 1973, Soeur Bernadette Savey và Soeur Luordes Palma đã có cuộc kinh lý, hai Soeus đã được chị em tiếp đón nồng hậu, hai Soeurs thấy chị em vui tươi, hạnh phúc… và cũng nhận ra gần đây Tỉnh Dòng hướng về việc truyền giáo cho người dân tộc, cách sống Việt Nam hóa các giờ kinh phụng vụ bằng tiếng Việt theo nền văn hoá dân tộc (về cử chỉ, tư thế, biểu tượng…), nhiều nữ tu được huấn luyện về nghề nghiệp hay công việc truyền giáo, có một sự cởi mở với các nước vùng Á Đông, có những chị em trẻ mong ước được sang Pháp học, các cộng đoàn chị em rất sống động, hăng say lo việc truyền giáo, lo cho người đồng bào ngheo khổ nhất tại những vùng đông dân cư, có đồng bào di cư, những người dân tộc thiểu số, người phong cùi, những tù nhân vừa mới được ra tù, những sinh viên tại Sài Gòn… Về nhà cửa, cơ sở của chị em thì đơn giản, nghèo nàn. Nhóm đào tạo cũng năng động, gần gũi với giới trẻ đang tìm hiểu đời tu, và cố gắng để thực hiện những gì cần thiết trong việc hướng dẫn, huấn luyện cho các em về đời tu, tâm lý và hội nhập trong sự hiểu biết về chính trị. Hai Soeurs kinh lý quy tụ tất cả các chị em từ các cộng đoàn về để giúp chị em ý thức sống mạnh mẽ về tinh thần đồng trách nhiệm.
Không bao lâu sau đó, chính Soeur Bề Trên Tổng Quyền Alma Dufault và hai Soeurs Tổng Cố Vấn Maura O’Connor và Lourdes Palma đến thăm chị em Việt Nam khi đất nước đang còn căng thẳng và tương lai mù mịt. Đây là lần đầu tiên một Bề Trên Cả của Hội Dòng đến thăm chị em tại Việt Nam, một biến cố lịch sử, một sự kiện vĩ đại đối với chị em Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ tại Việt Nam. Tại Sài Gòn, gần 600 học sinh Trường Thiên Ca Gia Định đã xếp hàng rào danh dự tiếp đón Mẹ Bề Trên Tổng Quyền và hai Soeurs Cố Vấn rất long trọng và thân tình theo tính đặc trưng người dân thành phố Sài Gòn.
Soeur Alma xin gặp chung các chị em, các huynh đoàn Phan Rang, Nha Trang và Buôn Ma Thuột (Phước An). Soeur xin chị em sống phần quan trọng nhất của Tu nghị là đồng hoá tinh thần của tu nghị và sống tinh thần đó trong hiện tại của đất nước Việt Nam. Tại Quy Hoà, Mẹ Giám Tỉnh đến thăm nhà mồ côi và bệnh viện, thời gian quá eo hẹp nên mẹ phải thăm vội tất cả các phòng dịch vụ… hai chiếc xe chở các mẹ đi qua một vòng những nơi có người ở, nào là bà con di cư, những ông bà già lão, xe lăn bánh trên các con đường hai bên có những căn nhà dành riêng cho từng gia đình hoặc từng nhóm người… Cộng đoàn M’Lon bé nhỏ rất vui và hạnh phúc được giới thiệu với mẹ về các em người dân tộc
Tại Đà Lạt, Mẹ Alma đã vào nhà thờ và đặt trên bàn thờ bó hoa hồng mà một bé gái vừa dâng, mẹ gặp gỡ cộng đoàn và tập viện, sau đó mẹ đi đến Toà Giám Mục chào kính thi hài Đức Cha Hiền, “người Cha của Giáo phận Đà Lạt” vừa được Chúa gọi về. Cuộc gặp gỡ nào cũng phải đến giờ chia tay, trước lúc chia tay mẹ Tổng Quyền nhắc nhở chị em : «Chị em hãy chuẩn bị kỹ tu nghị Tỉnh Dòng, qua việc học tập các tài liệu của Tổng Tu Nghị, nhưng cứ hy vọng mọi sự đều có kết quả tốt ! Chị em hãy cầu nguyện và suy nghĩ kỹ để chọn Tân Giám Tỉnh, và tất cả chị em hãy hợp nhất với chị Tân Giám Tỉnh, bây giờ chúng ta biết nhau hơn và sẽ cùng nhau xây dựng trong tinh thần hiệp nhất, chúng ta xa cách nhau về không gian nhưng chúng ta cùng sống trong một đoàn sủng, cùng một tinh thần mà Mẹ Marie de la Passion đã để lại. Tôi xin chị em hãy tham gia vào đời sống của Hội Dòng, mỗi chị em đều có trách nhiệm và tôi đặt tin tưởng nơi mỗi chị em ! » (Tin 11/1973).
…NGÀY 23 THÁNG 09 NĂM 1973, VIỆT NAM ĐƯỢC NÂNG THÀNH TỈNH DÒNG THỨ 43 CỦA HỘI DÒNG.
Nước Việt Nam từ năm 1932 «đã là một thành viên của Tỉnh Dòng Thánh Tâm », nhưng con tim thừa sai của bốn Giám Tỉnh và tất cả những chị em đến từ nước Pháp đã làm cho Việt Nam nên gần gũi và được quý mến nhất. Với nhiều lo lắng, bồi hồi… chị em đã dâng lời cầu xin thiết tha lên Thiên Chúa cho Việt Nam suốt một chặng đường dài trong chiến tranh… nhờ ơn phù trợ của Thánh Tâm Chúa Giêsu cho nước Việt Nam được phát triển và phồn vinh. Người em út của các Tỉnh Dòng luôn ghi ơn sâu xa Tỉnh Dòng Pháp, là một trong những Tỉnh Dòng tiên khởi của Hội Dòng. “Kẻ này gieo, người kia gặt, Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không phải vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả, còn anh em được vào hưởng công lao của họ và như thế cả người gieo lẫn người gặt đều hớn hở vui mừng” (Ga 4,36-38).
Những bước đầu của Tỉnh Dòng mới
Ngày 17 tháng 12 năm 1973, chị Madeleine Nguyễn Thị Triệu được bầu làm Giám Tỉnh tiên khởi, Tỉnh Dòng Việt Nam. Từ đầu năm 1973, tại Paris cuộc ngừng chiến đã được ký kết giữa miền bắc và người Mỹ, họ đã rút quân trước ngày 27 tháng 03. Các Giám Mục tại miền nam Việt Nam tố giác những lập trường quá khích và cổ võ sự hoà giải. Thật đáng tiếc, hiệp ước Paris bị cả hai bên vi phạm, không còn thấy một giải pháp do quân đội.
Hoa Kỳ tự thoả thuận sẽ rút quân và giao tranh chấp cho người Việt, để cho người Việt tự lo quyết định chiến tranh hay hoà bình. Phải hai năm đấu tranh trong đau khổ nữa để lặng im tiếng bom đạn và tiếng rên siết của những thương binh và người chết. Cùng với tất cả anh em trong nước và trong Giáo Hội địa phương muốn cộng tác xây dựng hoà bình. Tỉnh Dòng non nớt cần đưa ra những đường hướng mạnh mẽ cho sứ mạng của mình :
· Trong tư cách là Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, sự dấn thân của chúng tôi là : làm chứng về niềm tin Kitô giáo, truyền giáo trong tinh thần hèn mọn, kính trọng các giá trị văn hóa, đạo đức, luân lý, và chân thành đối thoại với các tôn giáo… đào sâu đức tin, vượt qua những thói theo thuyết hỗn hợp, thuyết chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa nghi thức, học hiểu và áp dụng giáo lý…
· Chứng tá về tình huynh đệ Kitô giáo toàn cầu cách sâu sắc, đặt nền tảng trên đức kính mến do Chúa ban và coi mọi người là con của Chúa Cha và anh chị em của Chúa Giêsu Kitô… hiến dâng chiều kích vũ trụ của tình huynh đệ Phan Sinh, xây dựng hoà bình, loại bỏ tính bạo lực…
· Chứng tá về đức nghèo Kitô giáo ; cách sống nghèo, được những người nghèo chung quanh hiểu biết, làm việc cho vấn đề phát triển mà không quên công việc chính của chúng ta là phúc âm hoá, dù ở miền quên hay thành thị, trao ban những gì chúng tôi có và những gì chúng tôi là, nghĩa là Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô và chính con người chúng ta (Tin tức, tháng 11/1973).
Tu nghị Tỉnh Dòng đầu năm 1974 đã soạn thảo một dự phóng chung cho Tỉnh Dòng mới : «Qua việc chiêm ngắm Chúa Kitô, Lời và Bánh, xây dựng những cộng đoàn huynh đệ ; sống chia sẻ và phục vụ, Làm chứng cho niềm hy vọng tại đất nước Việt Nam đã bị chiến tranh tàn phá. »
Chị em đề nghị một dự phóng, kế hoạch hoá các việc từ thiện tông đồ theo câu hỏi sau : “Sự dấn thân của cộng đoàn chúng ta có đáp lại các nhu cầu của bà con tại địa phương không ?”. Để thực hiện dự phóng này, Tỉnh Dòng nhờ một nhóm vừa được tổ chức và sẽ có các nhóm khác như : nhóm huấn luyện, nhóm phụng vụ, nhóm tài chánh, nhóm dịch thuật… rất cần để giúp chị em của Tỉnh Dòng đi vào luồng khí canh tân do Công Đồng Vatican II và các tu nghị của Hội Dòng khơi dậy. Các quy chế Tỉnh Dòng đã được sửa và đã được toàn thể chị em đón nhận.
Trong tinh thần của Tổng Tu Nghị 1972, tất cả chị em đều tìm cách để dấn thân hơn ở những nơi được sai đến, để sống sứ điệp của Chúa Kitô hơn. Điều này đưa chị em cởi mở nhiều đối với các sáng kiến do chị em đề nghị, một thái độ đón nhận các kinh nghiệm truyền giáo của chị em chia sẻ cho nhau, và với lòng biết ơn thật sự về «quyền thất bại », nghĩa là một thí nghiệm không thành công, nhưng chỉ là một giai đoạn đưa đến một sự dấn thân sống động hơn. Trong tinh thần đồng trách nhiệm, tiền định những cách sáng tạo, để giúp Tỉnh Dòng thực hiện cách cụ thể tinh thần của Tổng Tu Nghị. Tất cả mọi chị em chấp nhận nhau trong tình huynh đệ theo những chọn lựa của Tổng Tu Nghị về vấn đề «tính đa dạng», đó là sự bổ túc các khả năng và cách nhìn, làm nên sự phong phú cho Tỉnh Dòng (Tài liệu TNTD 1974).
Sau cùng, học về những đòi hỏi của việc huấn luyện khởi đầu phải được nối tiếp bằng việc huấn luyện cơ bản và nhân vị trong tăng trưởng, tiến đến sự trưởng thành. Tỉnh Dòng mới ngày càng tăng trưởng trong ơn Chúa. Đến tháng 3/1974 đã có 87 chị em, phục vụ trong 4 Tu Viện, 5 Huynh Đoàn và 1 Tập Viện với nhiều sứ vụ:
Quy Hoà : Bệnh Viện Phong có một nghìn bệnh nhân, những ông bà không có gia đình, những người di cư và các cháu mồ côi vì chiến tranh, chị em phục vụ trong các lãnh vực : trường tiểu học, vườn trẻ, trung tâm y tế, nhà nội trụ và tiếp đón…
Đà Lạt : việc giáo dục, nhà nội trú cho sinh viên, tiếp đón các nhóm đến học tập hoặc nghỉ ngơi (tại Tu Viện Tỉnh Dòng, do địa điểm hẹp, nên các Bề Trên quyết định đón cửa trường tiểu học, chỉ còn giữ vườn trẻ và trường kỹ thuật thương mại). tại đây cũng có Tập Viện Hiển Linh.
Sài Gòn - Gia Định : nhà giữ trẻ, trường tiểu học, vườn trẻ, nâng cao chất lượng sống cho phụ nữ. Chị em cũng dấn thân phục vụ các sinh viên : mở thư viện, phòng hội, tạo bầu khí yên tĩnh để sinh viên có nơi học tập và tra cứu…
M’Lon : dấn thân phục vụ bà con người dân tộc thiểu số miền cao nguyên, dạy học, huấn luyện cho phụ nữ, thăm viếng các gia đình tại các làng, có hai Soeurs làm việc tại Bệnh Xá.
Phan Rang : chị em hiện diện giữa những người lương dân, mở nhà nội trú cho giới trẻ đang theo học tại các trường tiểu học và trung học tại thành phố.
Nha Trang : chị em giúp đỡ người di cư, mở vườn trẻ, nhà nội trú cho sinh viên, phát thuốc cho các làng lân cận.
Buôn Ma Thuột : chị em dấn thân giữa người dân tộc Bru, một Soeur dạy tại trường học của giáo xứ, và một Soeur phục vụ tại bệnh xá.
Phước An : chị em dấn thân giữa đồng bào di cư, người lương dân, mở nhà trẻ, vườn trẻ, trung tâm chăm sóc, dạy giáo lý, huấn luyện cho các bạn trẻ, phụ nữ…
Và từ đó đến nay, các thế hệ FMM khác nhau đã tiếp tục vun trồng hạt giống Đoàn Sủng FMM trên quê hương đất nước thân yêu, để tiếp tục thể hiện khuôn mặt yêu thương của Đức Kitô cho anh chị em mình…
Lược trích Lịch sử Tỉnh Dòng.