Trong Tông thư gửi tất cả người thánh hiến (21.11.2014), Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta “Nhìn về quá khứ với tâm tình biết ơn, sống hiện tại với sự nhiệt tâm và say mê, ôm ấp tương lai với niềm hy vọng”. Với tâm tình này, trong dịp chuẩn bị mừng 90 năm Hội Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ hiện diện trên Quê Hương (1932 - 2022), chúng ta nhìn lại quá khứ để nhận ra hoạt động của Thiên Chúa nơi các chị đi trước; và chăm chú lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần kêu gọi chúng ta đáp trả trong hiện tại; để cùng nhau xây dựng tương lai của Hội Dòng tại Việt Nam.
Mừng 90 năm hiện diện với bao thử thách hy sinh nhưng cũng tràn đầy ân huệ của Thiên Chúa. Sự hiện diện này được khởi đầu với công việc phục vụ các Bệnh Nhân Phong, hình ảnh sống động của Người Tôi Tớ Gia-vê (Is 49: 3.5 - 6). Qui Hòa là cái nôi đầu tiên mà cộng đoàn Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ được thành lập tại Việt Nam, trong nhiệm kỳ của vị Tân Bề Trên Tổng Quyền Marie Marguerite du Sacré Coeur. Đây là niềm vui lớn lao đối với Tỉnh Dòng Thánh Tâm Pháp, đã gắn bó cách đặc biệt và chia sẻ biết bao hy sinh để vun đắp xây dựng. Qui Hòa là ấn dấu việc Hội Dòng chúng ta mừng 50 năm được nhận vào Đại Gia Đình Phan Sinh (1882 - 1932), một biến cố trọng đại mà Mẹ Sáng Lập lúc ấy tràn ngập hân hoan. Soeur Marie Marguerite du Sacré Coeur đã gởi bức thư chung ngày 01.9.1932, mời gọi toàn thể chị em trong Hội Dòng canh tân tinh thần Phan Sinh.
Ngày 23.9.1932, Chị Giám tỉnh Marie Majella du Très Saint Rédempteur đã gởi 6 chị Thừa sai tiên khởi rời bến cảng Marseille và đặt chân đến Qui Hòa ngày 24.10.1932:
- Chị Marie Gisèle (về Nhà Cha ngày 14.01.1971 tại Hauteville - Lompnes, France)
- Chị Marie de Saint Foulques (về Nhà Cha ngày 17.01.1979 tại Gabon)
- Chị Marie de Saint Venant (về Nhà Cha ngày 28.7.1990 tại Chanly, Belgium)
- Chị Marie de la Résurrection (về Nhà Cha ngày 08.7.2001 tại CĐ Taubaté, Brazil)
- Chị Marie Martia du Sacré Coeur (về Nhà Cha ngày 28.8.1983 tại Cambo les Bains, France)
- Chị Marie Walberta (về Nhà Cha ngày 07.5.1994 tại Gooreind, Belgium)
Như thế, Đoàn Sủng của Hội Dòng tức là Ân huệ mà Thiên Chúa trao phó cho Mẹ Marie de la Passion (HP 2) đã được gieo vào lòng Đất Việt, miền đất mà trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, ước tính thấm đượm máu đào đến hàng trăm ngàn tín hữu để làm chứng cho đức tin Kitô giáo. Trong số đó có 117 Thánh Tử Đạo được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Thánh ngày 19.6.1988, và Thầy giảng Anrê Phú Yên được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Chân phước ngày 05.3.2000.
Các chị sống trong Cộng đoàn Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đầu tiên đã đặt hết tình yêu thương phục vụ Bệnh Nhân Phong. Qua công tác này, chị em đã hiến dâng đời sống phục vụ Giáo hội và góp phần cứu độ thế giới trong tình yêu mến, theo Đoàn sủng mà Chúa giao phó cho Hội Dòng. Các chị đã sống cách anh dũng kiên cường, đón nhận những khó khăn thời chiến tranh cũng như những gian nan thử thách khi bị cô lập, “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).
Hạt giống Đoàn sủng là ân huệ của Thiên Chúa đã gieo vào lòng đất Qui Hòa (1932), bốn năm sau được nảy mầm tại Vinh (1936). Nơi đây, Dòng Anh Em Hèn Mọn do cha Maurice Bertin và một linh mục và một thầy đã đến Vinh tìm đất và bắt đầu xây dựng năm 1931. Đức Khâm sứ Colomban Dreyer đã từ Huế ra chủ sự lễ Khánh thành ngày 8.12.1931.[1] Đầu năm 1935, cha Maurice Bertin đã khởi công xây dựng Đan viện Roubaix cho các chị Clara, sau hơn 10 tháng thì hoàn thành.[2] Tháng 5.1936, Tập Viện đào tạo các chị Hiến tu của Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ (Oblates FMM) cũng được thành lập tại Vinh sau 6 tháng xây dựng dưới sự hướng dẫn của cha Maurice Berlin, với sự đồng thuận của Đức Cha André Leonce Eloy, Giám mục Đại diện Tông Tòa Vinh và Đức Khâm Sứ Tòa Thánh, Đức Cha Colomban Dreyer.[3] Đây là năm kỷ niệm 700 năm phong thánh của Thánh Elisabeth Hung - ga - ri bổn mạng Dòng Ba Phan sinh, nên Cộng đoàn này đã nhận Thánh Elisabeth làm bổn mạng. Đây là nhà Huấn luyện các chị Hiến tu, với sứ mạng riêng là truyền giáo tại quê hương Việt Nam[4] dưới sự dẫn dắt của Mẹ Già Notre Dame de Bellecombe. Rồi đến Cộng đoàn Đức Mẹ Phù Hộ hiện diện ở La Qua - Quảng Nam (1937), thuộc hạt Trà Kiệu và Cộng đoàn Đức Mẹ các Thiên Thần hiện diện ở Bà Nà - Đà Nẵng (1939).
Và như thế, cách âm thầm tiệm tiến, Ân huệ của Thiên Chúa được bén rễ và nẩy mầm mọc lên (Mc 4, 27) nơi mỗi thửa đất tâm hồn. Ngày 24.10.1943, chị em đến Huế và được mời phục vụ tại Bệnh viện thành phố Huế. 14 chị em FMM làm việc chung với đội ngũ Y Bác sĩ Quân y, có một căn phòng ngay trong khuôn viên Bệnh viện. Ngày 27.03.1945, các chị bị đưa về tập trung tại cơ sở của các soeur Dòng Thánh Phaolô. Nhờ tình bác ái huynh đệ của Dòng Phaolô, chị em tá túc tại cơ sở này như một cộng đoàn và tiếp tục chăm sóc bệnh nhân. Tháng 6.1947, các chị ngoại quốc phải hồi hương. Sự hiện diện của FMM chỉ còn ở Vinh. 3 Cộng đoàn ở miền Trung: La Qua, Bà Nà, Huế đã phải khép lại. Đến tháng 12 năm 1954, Cộng đoàn Thánh Elisabeth tại Vinh phải đóng cửa, di cư vào Huế. Các chị Thừa sai phải hồi hương về Pháp và đưa vài chị em Việt Nam đi cùng để gia nhập Tập Viện tại Châtelets. Một số chị khác nhập vào Cộng đoàn ở Singapore, một số các chị trẻ chia sẻ đời sống cộng đoàn tại Tỉnh Dòng Madagascar. Còn tại Qui Hòa, từ năm 1945 các chị ngoại quốc buộc rời khỏi Trại Phong, chỉ có bốn em Đệ tử FMM ở lại giữ nhà. Ròng rã 10 năm (1945 - 1955) các em Đệ tử ngóng trông, chờ đợi các chị FMM trở lại. Các Đệ Tử đã chăm sóc con cái của bệnh nhân và tiếp tục duy trì ơn gọi Thờ phượng Thánh Thể như lúc còn các FMM hiện diện. Thật vậy, tất cả những điều tốt lành chị em lãnh nhận về vật chất hay tinh thần đều là ân huệ của Thiên Chúa ban cho.
Đầu năm 1955, có 5 chị FMM trở lại Trại Phong Qui Hòa:
- Chị Marie Charles Antoine (về Nhà Cha ngày 20.2.1986)
- Chị Marie Ozithe (về Nhà Cha ngày 20.12.2001)
- Chị Marie Margarita (về Nhà Cha ngày 28.3.2001)
- Chị Marie Hélèna (về Nhà Cha ngày 17.6.2011)
- Chị Marie Gioanna (về Nhà Cha ngày 13.7.2020)
Các chị đã lo liệu cho các em Đệ Tử được tiến bước trong giai đoạn tiếp theo. Lúc ấy chị Maria Hồi, vì lý do sức khỏe, nên xin trở về gia đình, còn lại ba chị Đệ tử được gởi sang Ma - cao gia nhập Tập viện:
- Chị Marie Catherine Trần Thị Thêm (về Nhà Cha ngày 11.01.1996 tại Marseille, Pháp)
- Chị Elisabeth Lê Thị Tơ (Marie Félicie, về Nhà Cha ngày 02.3.2020)
- Chị Angèle Dương Thị lành (Marie Kiamila, về Nhà Cha ngày 02.11.1985)
Bắt đầu giai đoạn 1958 - 1975
Tháng 4 năm 1958, chị Giám tỉnh Tỉnh Dòng Pháp –Việt, Pierre de l’Assomption đến Sài Gòn, đón tiếp chị em từ các nơi về và qui tụ tại Cộng đoàn Tập viện Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đà Lạt. Đây là cơ sở đầu tiên được thành lập ở miền Nam Việt Nam.
Hội Dòng đã gởi nhiều chị em Thừa sai từ các Tỉnh Dòng khác đến Việt Nam như chị Jeanne Marie Fauquembergue (Marie Domnine, về Nhà Cha ngày 02.4.2010) từ Beyrouth, chị Marie Suzanne Agnès (Suzanne Lozé, về Nhà Cha ngày 24.8.2013) từ France để tái lập Tập Viện FMM tại Đà Lạt năm 1959. Nhưng vì hoàn cảnh, Tập Viện phải ngừng năm 1967, rồi mở lại năm 1969 tại một ngôi nhà nhỏ hơn, cộng đoàn Tập viện Hiển Linh, Đà Lạt với chị Anne Marie Moysan.
Hạt giống Ân huệ của Thiên Chúa gieo ở Cộng đoàn Thánh Phanxicô - Qui Hòa (1932), nẩy mầm ở Cộng đoàn Thánh Elisabeth - Vinh (1936), lớn lên tại Cộng đoàn Đức Mẹ Vô Nhiễm - Đà Lạt (1958), trổ cành sinh nhánh tại Cộng đoàn Thánh Tâm - Gia Định (1958), Cộng đoàn Thánh Gia - M’Lon Thạnh Mỹ (1960), Thí điểm Kontum (1965), Cộng đoàn Ánh Sáng - Phan Rang (1969), Cộng đoàn Tin Mừng - Sài Gòn (1969), Cộng đoàn Thánh Elisabeth - Phước An (1969), Cộng đoàn Niềm Vui - Hà Dừa (1969). Chính chị Marie Thérèse de Maleissy Mellun đã thành lập 5 Huynh đệ đoàn mới, hội nhập môi trường sống… Rồi ân huệ của Chúa lại tuôn đổ, Bề trên Tổng Quyền Alma Dufault quyết định thành lập Tỉnh Dòng Việt Nam ngày 23.9.1973, bổ nhiệm chị Madeleine Nguyễn Thị Triệu làm Giám tỉnh đầu tiên. Biến cố này vừa tròn 41 năm sau, đúng ngày mà 5 chị FMM tiên khởi rời cảng Marseille đến Việt Nam (23.09.1932), thật là một sự quan phòng kỳ diệu của Chúa. Chị Marie Thérèse de Maleissy Mellun đã huấn luyện chị em và luôn dìu dắt, hỗ trợ Tỉnh Dòng “…như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết” (Mc 4,26 - 27).
Và đây khởi điểm từ năm 1975…
Ngày 30.4.1975, đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử đất nước Việt Nam. Với bức tâm thư ngày 05.5.1975 tìm ra giá trị Tin Mừng Đức Kitô qua biến cố; và thư luân lưu ngày 12.6.1975 của Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình mời gọi toàn thể giáo dân sống Phúc Âm, chị em cam kết cùng nhau sống Đoàn sủng cách trọn vẹn hơn trong bối cảnh mới của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Hiệp thông cùng toàn thể Hội Dòng, ơn gọi Thờ phượng Thánh Thể đã ban ánh sáng và sức mạnh cho chị em, tất cả cùng nhau ở lại, quyết tâm sống với quê hương, với đồng bào ruột thịt. Các chị ngoại quốc lần lượt từ giã lên đường. Với 48 Khấn Trọn, 8 Khấn Tạm, 6 Tập sinh, chị em ý thức là phải đảm nhận trách nhiệm thông đạt lại ân huệ mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ Marie de la Passion cho thế hệ trẻ; mặc dầu có nhiều giới hạn.
Năm 1975, chị em đã lập 3 Huynh Đệ đoàn tại Sài Gòn: Nhân Hòa (phường Sơn Kỳ, quận Tân Bình), Hy Vọng (Trương Minh Ký, quận Phú Nhuận), Cầu Sơn (phường 29, quận Bình Thạnh); nhưng chỉ một thời gian ngắn cả 3 Huynh Đệ đoàn đều đóng cửa. Huynh Đệ đoàn Sao Mai, Vĩnh Hải - Nha Trang và Huynh Đệ đoàn Suối Bình An, Suối Thông - Lâm Đồng được thành lập năm 1975 và vẫn còn hiện diện đến nay. Quan trọng hơn nữa là ngày 8 tháng 9 năm 1976, Tỉnh Dòng quyết định mở Tập viện tại Cộng đoàn Niềm Vui, Suối Dầu với chị Giáo tập người Việt đầu tiên, chị Anna Rosa Đặng Thị Vinh. Sau 7 năm, vì hoàn cảnh lại phải chuyển dời Tập Viện về Cộng đoàn Thánh Tâm - Tp. Hồ Chí Minh năm 1983.
Hạt giống Ân huệ của Thiên Chúa lại tiếp tục trổ cành sinh nhánh:
- Năm 1977, Hội Đồng Tỉnh Dòng quyết định thành lập Huynh Đệ đoàn Bêlem, Tân Đông thuộc Giáo phận Mỹ Tho.
- Năm 1978, thành lập Thí điểm Đồng Dài thuộc Giáo phận Nha Trang.
- Năm 1985, thành lập Huynh Đệ Đoàn Thánh Giuse, Bình Giã thuộc Giáo phận Xuân Lộc.
- Năm 1986, thành lập Huynh Đệ đoàn Đức Mẹ, Bình Giã.
- Năm 1987, thành lập Huynh Đệ đoàn Chúa Hài Đồng, Xuyên Mộc thuộc Giáo phận Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Năm 1991, thành lập Huynh Đệ đoàn Assunta, Hố Nai, Đồng Nai, giáo phận Xuân Lộc.
- Năm 1992, thành lập Huynh Đệ đoàn Emmanuel, chi nhánh Nhà Tỉnh Dòng, Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh.
Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn hiện diện và dấn thân phục vụ Tông đồ, một vài Huynh Đệ đoàn lại phải khép lại:
- Năm 1983, Thí điểm Đồng Dài khép lại chỉ sau 5 năm hiện diện.
- Năm 1984, Huynh Đệ đoàn Bêlem, Tân Đông đóng cửa sau 7 năm hiện diện.
- Năm 1993, Huynh Đệ đoàn Đức Mẹ, Giáo họ Gia Hòa, Bình Giã sát nhập với Huynh Đệ đoàn Thánh Giuse, Giáo họ Xuân Phong sau 7 năm chị em dấn thân phục vụ.
- Năm 1997, Huynh Đệ đoàn Assunta, Giáo xứ Bùi Chu, Hố Nai đóng cửa sau 6 năm hiện diện.
Ân huệ Chúa lại tiếp tục được gieo mầm ở một thửa đất mới thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội
- Hơn 20 năm sau ngày thống nhất đất nước, ngày 06.01.1996 chị em đặt chân dến Thí Điểm Truyền giáo ở thôn An Lộc, xã Yên Hồng, huyện Ý Yên, Nam Định. Sau 4 năm thử nghiệm, Cộng đoàn Thánh Hermin và các chị Tử Đạo được chính thức thành lập vào ngày 14.03.2000.
Ân huệ Chúa lại sinh cành trổ nhánh tại miền Thành phố:
- Năm 1998, bắt đầu Thí Điểm Nhà Khiếm Thị tại huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh. Sau 6 năm thử nghiệm, ngày 15.11.2004 Cộng đoàn Hélène de Chappotin phục vụ các em nữ Khiếm thị được chính thức thành lập.
- Huynh Đệ đoàn Thánh Clara được hình thành năm 2001 tại khuôn viên Nhà Mẹ của Tỉnh dòng.
- Nhà Bình Minh Santa Rosa de Viterbo được hình thành năm 2004. Sau hơn 2 năm thử nghiệm, ngày 04.9.2006, được chính thức trở thành Cộng đoàn Santa Rosa.
Và tiếp đến là các cộng đoàn thuộc Giáo phận Cần Thơ, Hà Nội, Phú Cường:
- Cộng đoàn Assunta 2, Sông Đốc – Cà Mau, thuộc Giáo phận Cần Thơ, được thành lập ngày 29.9.2007.
- Thí Điểm Đức Mẹ Mân Côi tại Giáo họ Khắc Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội được thành lập ngày 07.11.2012.
- Cộng đoàn Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại Huyện Củ Chi, thuộc Giáo phận Phú Cường, được thành lập ngày 09.8.2018 sau hơn 3 năm thử nghiệm.
Vì nhiều lý do một số Cộng đoàn và Thí điểm đã phải đóng cửa:
- Huynh Đệ đoàn Thánh Clara - Tỉnh Dòng khép lại năm 2005.
- Cộng đoàn Thánh Hermin và các chị Tử Đạo phải đóng cửa sau 15 năm dấn thân phục vụ, đặc biệt là trong lãnh vực y tế, lãnh vực xã hội, tạo công ăn việc làm cho người trẻ qua ngành may mặc. Cộng đoàn Thánh Hermine và các chị Tử Đạo đã di dời về xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, thuộc Giáo phận Vinh ngày 12.8.2011.
- Thí điểm Đức Mẹ Mân Côi đã khép lại sau gần 7 năm chị em hiện diện tại, và được chuyển giao lại cho Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội vào ngày 25/04/2019.
- Huynh Đệ đoàn Emmanuel sát nhập với Cộng đoàn Tin Mừng vào tháng 9 năm 2019.
- Cộng đoàn Thánh Giuse, Bình Giã sau gần 3 năm phân định, Tỉnh Dòng nhất trí đóng cửa vào tháng 8 năm 2020. Một sự từ bỏ, ra đi trong đau đớn và nước mắt nhưng dứt khoát sau 35 năm hiện diện dấn thân tại môi trường thân yêu này và chính nơi đây nảy sinh nhiều ơn gọi FMM.
Ân huệ Chúa lại tiếp tục được gieo mầm ở vùng cao nguyên, một thửa đất ở miền Gia Lai thuộc Giáo phận Kon Tum, nơi mà cách đây 54 năm (1965) chị em FMM được mời đến vùng ngoại ô thành phố Kontum rồi rút lui sau 6 tháng.
- Ngày 10.12.2019, 4 chị em chính thức hiện diện tại Thí Điểm Gia Lai, tá túc tại một ngôi nhà của ân nhân tại phường Hội Phú, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Các chị đã giúp cho các em nữ từ các làng ra tập trung học tại Nhà Thăng Tiến, Khóa đầu tiên ngày 01.6.2020.
Trong dịp mừng kỷ niệm 90 FMM hiện diện trên Quê Hương, 90 năm Ân huệ của Thiên Chúa được gieo vào lòng Đất Việt, Tỉnh Dòng chúng ta muốn nói lên tấm lòng ghi ơn sâu xa đối với các chị Thừa Sai, các chị tiền bối đã lìa bỏ quê hương, gia đình, hiến dâng phần tốt đẹp nhất của cuộc đời mình, hy sinh đóng góp trong việc khai hoang, xây dựng, gieo vãi, chăm sóc hạt giống Ân Huệ của Thiên Chúa cho thế hệ đàn em, cho Quê hương chúng ta. Từ Qui Hòa, sức sống của Mẹ Marie de la Passion và của Cha Thánh Phanxicô đã tỏa ra từ Bắc vào Nam, từ đồng bằng lên cao nguyên, từ Hà Nội đến Cà Mau.
Xin tri ân và tưởng nhớ các chị “cây cao bóng cả” của Tỉnh dòng đã về Nhà Cha hay đang trải qua quãng đời xế chiều tại các Cộng đoàn cũng như Tỉnh Dòng khác, xin nhận những tâm tình kính yêu và rất biết ơn của thế hệ đàn em đang thừa hưởng những di sản các chị để lại.
Hôm nay, 90 năm sau, về số lượng thì Tỉnh Dòng Việt Nam đã tăng đáng kể, có 146 Khấn Trọn, 59 Khấn Tạm, 12 Tập Sinh, đang hiện diện trong 15 Cộng đoàn và Thí Điểm Gia Lai cùng với 50 chị em đang truyền giáo ngoài biên thùy cũng như du học và kinh nghiệm truyền giáo. Nhờ ơn Chúa, trong sự hiệp thông với toàn Tỉnh Dòng và Hội Dòng, chị em cố gắng đáp lại lời mời gọi của Chúa qua các sứ vụ khác nhau, trung thành sống Đoàn sủng của Hội Dòng và thực thi các Giáo huấn của Giáo Hội.
Hôm qua, hôm nay cũng như tương lai, tình thương Chúa luôn tuôn đổ vùng đất Qui Hòa và các Cộng đoàn trong Tỉnh Dòng. Chúng ta ước mong rằng phẩm chất đời sống Phúc âm và về Đoàn sủng FMM cũng được tăng trưởng, góp phần vào sự cao quí của Ân huệ Thiên Chúa trao ban. Vậy Mừng 90 năm FMM hiện diện tại Việt Nam là cơ hội tốt nhất để nhìn lại quá khứ, sống hiện tại, hướng đến tương lai như một thân thể trong Hội Dòng, để lượng giá, tạ ơn, sám hối và sẵn sàng cho một hành trình mới. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ, đây là thời gian cầu nguyện, lắng nghe và phân định để cùng nhau bước đi trong hành trình biến đổi, ý thức trách nhiệm về việc bảo vệ, gìn giữ gia sản được giao phó theo lời tâm huyết của Mẹ Sáng Lập:
“Phải chi chị nhận biết được Ân huệ của Thiên Chúa,
Ước chi chị hiểu biết được Ân huệ đó,
Ước chi chị tương xứng với Ân huệ này,
Và đưa áp dụng vào cuộc sống cách đầy đủ trọn vẹn.”
(Marie de la Passion 20.12.1901)
[1] Trần Phổ, Lần giở trước đèn. Lược sử thành lập Tỉnh Dòng Anh Em hèn Mọn Việt Nam, (Lưu hành nội bộ, 2003), 14
[2] Tràn Phổ, Tỉnh Dòng Anh em Hèn mọn Việt Nam, Lược khảo lịch sử, Tập III, 23 - 28
[3] Lịch sử Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ tại Việt Nam, 1932 - 1975, 267 - 271
[4] Xem Europe - Asie p.125
VP Lịch sử Tỉnh Dòng - FMMVN.