Năm 1969 cha Corentin (Piere Savary) OFM mời chị em FMM tiếp tay phục vụ người dân tộc vùng Diên Khánh. Cha mở một nhà nội trú ở Hà Dừa cho người Rhadé và Raglay, giúp họ trong những vấn đề cơ bản về y tế và giáo dục. Để đáp ứng lời mời gọi này, ngày 31.3.1970 Hội đồng tỉnh dòng đã quyết định gởi 2 chị Marie Saur là y tá và chị Marie Hubert là giáo viên đến phục vụ tại miền Nha Trang và Diên Khánh. Vì chưa có cộng đoàn tại vùng này, hai chị sử dụng xe hơi như một trạm xá lưu động để đi đến phục vụ các làng dân tộc.
Ngày 30.5.1970 Hội dòng cho phép thành lập cộng đoàn tại Diên Khánh. Bốn chị được gởi đến Hà Dừa ngày 20.10.1970 là chị Cecile Barnadou, chị Agatha Trần thị Linh, Cecile Nguyễn Thị Điều, Anne Marie Phùng thị Phước và Maria Veronique Hoàng Thị Giá. Thời gian đầu các chị tá túc tại nhà một gia đình công giáo và đi làm việc tại nhà Nội trú ở Hà Dừa trong khi chờ đợi cha OFM xây thêm hai căn nhà sàn để làm nhà nội trú cho các em gái người dân tộc và nhà ở cho các nữ tu. Khi dời về nhà mới, các chị bắt đầu điều hành trung tâm này, bao gồm việc dạy học cho 30 em nội trú và công tác xã hội. Mỗi Chúa nhật, cha Corentin đi dạy giáo lý ở ngôi làng đông dân nhất, cách Nha Trang 60 km. Hai chị Marie Saur và Cecile Barnadou tháp tùng cha Corentin để chăm sóc y tế và giáo dục cộng đồng. Sau 1975, công việc y tế được tiếp tục bởi chị Assunta. Khi công việc phát triển và số học sinh nội trú tăng thêm, cơ sở Hà Dừa không đủ đáp ứng các sinh hoạt, các chị tìm được một mảnh đất rộng hơn tại Suối Dầu (Thôn Tân Xương, xã Suối Cát). Ba gian nhà gỗ ở Hà Dừa được tháo dỡ và chuyển về dựng ở Suối Dầu. Từ tháng 8.1972 các chị đưa các em nội trú dân tộc ở Hà Dừa về Suối Dầu.
Do chiến tranh, nhiều người phải di tản không có nơi sinh sống. Cha Corentin mở một trung tâm tiếp nhận người di tản ở Cây Cày (gần ga xe lửa, Suối Hiệp, cách Suối Dầu 7km). Mỗi buổi chiều 2 chị Cecile Bernadou và Marie Saur đến đây khám bệnh và phát thuốc, chị Marie Hubert, Marie Veronique Giá cùng với 2 đệ tử phụ trách lớp mẫu giáo bán trú Hoa Tiên với 120 cháu. Ngoài ra các chị còn mở khóa dạy cắt may cho phụ nữ do chị Cecile Barnadou đảm nhận cùng với một chị người dân tộc.
Năm 1975, chị em ngoại quốc phải rời khỏi Việt Nam, nhà nội trú giải tán, chị em fmm cũng tạm thời rời khỏi Suối Dầu trong một thời gian ngắn. Sau đó các chị quyết định trở lại, nhưng do cuộc sống còn nhiều bất ổn sau chiến tranh, các chị xin anh em OFM đến hiện diện tại đây. Nhóm anh em OFM đầu tiên hiện diện tại đây gồm có Cha Carôlô Phan Châu Lý, thầy Laurence và một số anh em nhóm cha Quế từ ký túc xá Phanxicô Nha trang chuyển về Suối Dầu. Cha Phêrô Nguyễn Văn Quý cũng gia nhập cộng đoàn trong năm 1976. Thời đó, cả nước đều tập trung vào sản xuất nông nghiệp, có 3 chị em fmm tham gia vào mảng kế toán hợp tác xã cùng các chị em khác tham gia lao động, hợp tác xã chia cho 2 nhà FMM và OFM 2 khoảnh ruộng gần nhau. Ngoài ra chị em còn trồng mì, làm bún và chăn nuôi heo gà để cải thiện bữa ăn. Cuộc sống lao động tuy thiếu thốn vất vả nhưng không thiếu niềm vui, nhất là không thiếu lương thực thiêng liêng từ ngôi nhà nguyện chung, nơi hai cộng đoàn OFM và FMM cử hành bí tích thánh thể hằng ngày. Nhà nguyện lúc ấy còn là nhà sàn gỗ, sau trận bão 1973 hầu như xiêu vẹo. Đến năm 1982, đánh dấu 800 năm sinh nhật cha thánh Phanxicô, nhà nguyện được xây lại trên nền gạch chắc chắn và rộng rãi hơn, có thể đón tiếp giáo dân chung quanh đến tham dự thánh lễ. Từ đó công tác mục vụ và giáo lý ngày càng mở rộng.
Cộng đoàn Suối Dầu tiếp tục sự hiện diện truyền giáo với ưu tiên phục vụ người nghèo nhất. Một trong những thành phần nghèo nhất ở đây là các trẻ em không có điều kiện đến trường. Năm 1982, chị em quy tụ hơn 60 em và mở lớp học tình thường trong gian nhà tôn vách đất gần bên bờ suối, do Sr. Anna Nguyễn Thị Minh đảm trách. Sau hơn 10 năm số học sinh tăng lên hơn 100, lúc này cộng đoàn Niềm Vui đã có một căn nhà ba gian mới xây. Chị em dùng làm lớp học tình thương và phục vụ một số sinh hoạt tông đồ khác như các nhóm tĩnh tâm hoặc cuộc họp mặt hằng năm của anh chị em PSTT miền Nha Trang. Đến năm 2008, khi các em nhỏ đã có điều kiện đến trường, lớp học tình thường kết thúc sứ vụ, cộng đoàn Niềm Vui lại sử dụng căn nhà ba gian này đón tiếp 40 em dân tộc nữ từ các buôn làng đến tạm trú để tiếp tục học hết cấp 3. Nhà nội trú vẫn tiếp tục hoạt động cho đến hè năm 2020 thì tạm thời đóng cửa để sửa chữa.
Mục vụ huấn giáo cũng là một trong những hoạt động ưu tiên của cộng đoàn Niềm Vui. Khi ấy nhà nguyện Suối Dầu thuộc giáo xứ Đồng Hộ. Đáp lời mời gọi của cha xứ, chị cộng tác việc huấn giáo cho hơn 100 gia đình thuộc xã Suối Cát và khoảng 500 anh chị em dân tộc: dạy giáo lý dự tòng và giáo lý thiếu nhi hằng tuần.
Do phải đi bộ từ các buôn làng để tham dự thánh lễ sáng Chúa nhật, nên sau thánh lễ sáng chị em cố gắng tìm nguồn cung cấp bữa điểm tâm miễn phí để họ có thể ở lại học giáo lý trước khi ra về. Ngoài ra chị em còn giúp vay vốn cho một số gia đình anh em dân tộc, trung chuyển học bổng cho các em học sinh, sinh viên nghèo.
Cộng đoàn cũng nhận ra nhu cầu chăm sóc y tế của người dân nghèo ở Suối Dầu. Vì thế khi có điều kiện và được sự đồng ý của địa phương, chị em mở phòng khám từ thiện, mượn cơ sở là một kho chứa nông sản của xã Suối Tiên nằm đối diện nhà thờ Đồng hộ. Hai chị Hoàng Giá và Thu Trang phụ trách phòng khám với sự cộng tác của thầy Yên OFM và chị Thể. Hàng tháng, phòng khám tổ chức khám lưu động cho anh chị em dân tộc ở Suối Lau và Suối Giót. Với sự hỗ trợ thuốc men của Hội Bác sĩ không biên giới, phòng khám hoạt động từ năm 1994 phục vụ người nghèo và người dân tộc, cho đến năm 2007 thì đóng cửa vì thời điểm này nhà nước đã có phòng khám địa phương.
Năm 1976, tỉnh dòng quyết định mở tập viện tại Suối Dầu, chị Rosa Vinh làm giáo tập với số tập sinh đầu tiên là chị Anna Thái Bình, Anna Hồng Loan, Maria Hoàng. Đến năm 1983, do hạn chế trong việc xin tạm trú, tập viện phải dời về cộng đoàn Thánh tâm. Đến năm 1993, tình hình tạm ổn, tập viện lại dắt díu nhau trở về suối dầu, tá túc trong 2 năm rồi chuyển về Thanh Hải Nha Trang. Đến năm 2011, cộng đoàn Niềm Vui lại mở cửa đón tiếp các em tiền tập sinh. Sau 7 năm, tiền tập viện dời đi nơi khác, nhường chỗ lại cho tập viện từ năm 2018 cho đến nay. Cộng đoàn trải qua 50 năm hiện diện với các thời phụ trách sau:
- Chị Agatha Trần thị Linh
- Chị Agnes Võ thị Thật
- Chị Matta Trần thị Chính
- Chị Anna Đặng thị Vinh
- Chị Matta Nguyễn thị Đặng
- Chị Terese Nguyễn thị Soi
- Chị Anna Nguyễn Thị Minh
- Chị Teresa Lê Thị Kim Vân
- Chị Maria Antoni Trần Thị Duyên Hường
- Chị Magarita Trần Thị Mỹ Khánh
- Chị Maria Lương Thị Hoa
- Chị Maria Chu Thị Đền
Trong số các chị PTCĐ, chị Agatha Trần thị Linh là người đảm nhận vai trò này lâu nhất trong nhiều nhiệm kỳ.
Với thời gian và sự chuyển mình của đất nước, hệ thống giao thông được xây dựng thuận lợi, Suối Dầu trở nên đô thị hóa, dân cư đông đúc hơn kéo theo nhu cầu mục vụ gia tăng. Năm 2016 Giáo xứ Suối Dầu được thành lập để đáp ứng nhu cầu của đoàn chiên đã tăng lên gấp nhiều lần. Nhà nguyện và mặt bằng sân được tạm thời sử dụng cho giáo xứ trong khi chờ đợi xây dựng nhà thờ của giáo xứ.
Nhìn lại 50 năm qua, cộng đoàn Niềm Vui vẫn còn hiện diện nhờ lòng xót thương và trung thành của Thiên Chúa. 50 năm vật đổi sao dời, biết bao thăng trầm gian khó, không thiếu những bất toàn bất tín, Thiên Chúa vẫn gìn giữ cộng đoàn trong niềm vui không ai lấy mất được.