RIP - Xin cầu nguyện cho linh hồn thầy Tôma OFM

Xin chị em cầu nguyện cho linh hồn thầy Tô-ma OFM tại cộng đoàn Cư Thịnh mới về nhà Cha. Thầy là người thương mến cháu là chị Ánh Phượng FMM và thường cộng tác giúp chị em FMM cộng đoàn Suối Dầu trong nhiều hoạt động xã hội, giúp anh em dân tộc nghèo...

Trong niềm tin vào Đức Giêsu Kitô Tử nạn và Phục sinh, Tỉnh Dòng Thánh Phanxicô Việt Nam xin kính báo:

Thầy TÔ-MA HUỲNH THÔNG, OFM

Sinh ngày 04 - 02 - 1916, tại Bình Định, đã được Chúa gọi về 
lúc 04 giờ 30, 
sáng thứ Tư, ngày 12-02-2014 
tại cộng đoàn Phan-xi-cô Cư Thịnh Suối Hiệp – Diên Khánh – Khánh Hòa 
thọ 98 tuổi 76 năm khấn dòng

Thánh lễ và Nghi thức Tẩn liệm sẽ được cử hành 

lúc 04 giờ 30, 
sáng thứ Sáu, 
ngày 14 - 02 - 2014, 
tại cộng đoàn Phan-xi-cô Cư Thịnh 
sau Thánh lễ là nghi thức Tẩn liệm;

Thánh lễ An táng sẽ được cử hành 

lúc 08 giờ 00, 
sáng thứ Sáu, 
ngày 14 – 02 - 2014 
tại Nhà thờ Giáo xứ Cư Thịnh, 
do Đức cha Giuse Võ Đức Minh, 
Giám mục Giáo phận Nha Trang 
chủ tế Thánh lễ;

Sau đó, linh cữu của thầy được đưa đi hỏa táng tại Nghĩa địa phía Bắc Nha Trang.

 

Tiểu sử thầy Tô-ma Huỳnh Thông

Thầy Tô-ma Huỳnh Thông sinh 4-2-1916 tại Tuy Phước, Bình Định; Rửa Tội: 1916, Thêm Sức: 1925. Gia đình thầy có sáu anh trai và hai chị gái. Thầy Tô-ma là con út trong gia đình.

Năm 1925, vì nạn đói, Tô-ma theo cha vào Giã kiếm sống, rồi được phục vụ trong nhà cha Giuse Dụng.

Năm  1934, nhờ cố Hồng giới thiệu, Tô-ma được nhập Dòng Phanxicô tại Vinh, Nghệ An, và vào Nhà Tập ngày13-07-1937 tại tu viện Phan-xi-cô Vinh. Lớp Nhà Tập của thầy là lớp thứ ba trong Tỉnh Dòng Phan-xi-cô Việt Nam. Sau khi khấn tạm ngày 14-07- 1938, thầy được bề trên chuyển ra tu viện Phan-xi-cô Thanh Hóa cho đến năm 1939.

Sau đó, thầy về lại tu viện Phan-xi-cô Vinh. Một thời gian ngắn, thầy lại được chuyển vào Nha Trang để lo phụ xây cất nhà Dòng; và thầy khấn trọn tại đây, ngày 18-05-1942, tại Nha Trang.

Năm 1945, Nhật đến chiếm nhà, cả nhà Dòng chạy lánh nạn tại Quy nhơn; sau một thời gian, thầy lại kiếm đường về lại tu viện Vinh theo lệnh của bề trên và ở đó cho đến năm 1954, thời gian di cư vào Nam. Đến năm 1958, thầy được thuyên chuyển vào Thủ Đức để phụ xây cất Chủng viện Thủ Đức.

Tháng 5 năm 1964, được đổi về Nha Trang, thầy bắt đầu lo việc giúp trại phong tại đèo Rù Rì và nhà dưỡng lão tại dốc nhà Dòng.

Năm 1964, trại phong dời về Núi Sạn, nhà dưỡng lão dời về Rù Rì, lấy tên là nhà dưỡng lão Lạc Thiện.

Từ năm 1970, thầy dự định giúp bệnh nhân phong canh tác tại Cam Tân, nhưng sự việc chưa thành tựu bao nhiêu thì Đất Nước được giải phóng. Thầy Tô-ma Huỳnh Thông cũng bàn giao tại phong Núi Sạn và viện dưỡng lão cho ty Y Tế và Xã Hội vào năm 1981, rồi thầy về sống tại cộng đoàn Cư Thịnh, làm vườn, làm ruộng.

Tới năm 1990, các vị lãnh đạo chính quyền địa phương muốn thầy trợ giúp cho đồng bào Dân tộc tại Diên tân, Suối Tiên và Suối Cát.

Năm 1997, thầy lại trợ giúp các bệnh nhân phong tại Cam Phước Đông (nay thuộc thành phố Cam Ranh) và Cam Phước Tây (nay thuộc huyện Cam Lâm).

Vào Dòng, thầy Tô-ma phụ trách nhiều công việc khác nhau. Thầy có khiếu làm vườn, mãi đến tuổi 90, hễ có thì giờ rảnh là thầy chăm sóc vườn rau của tu viện.

Thầy cũng phụ trách đi hành khất để nuôi anh em ở Quy Nhơn thời lánh nạn và các chủng sinh ở Vinh trong một thời gian dài. Đặc biệt, thầy có năng khiếu ngành y: làm y tá mà không cần học hành chuyên môn gì cả. Ngoài việc chăm sóc bệnh nhân trong Dòng, thời đất nước chiến tranh, thầy đã chăm sóc các chú bộ đội bị thương tại Dòng Vinh. Thầy chế biến được nhiều thứ thuốc thông thường để giúp bệnh nhân, mặc dầu chưa bao giờ học ngành dược cả.

Nhưng công việc đáng ghi nhớ nhất của thầy là việc tông đồ xã hội. Hai trung tâm dưỡng lão Lạc Thiện ở gần đèo Rù Rì và trung tâm phong ở Xóm Nhỏ mang nhiều dấu ấn của Thầy; những người bất hạnh vì bệnh nan y hay nghèo khổ tàn tật đều được thầy Tô-ma chăm sóc tận tình và thương yêu như một người anh em.

Từ năm 1981, Thầy được chuyển về Cộng đoàn Cư Thịnh, và cũng từ đó, ngoài việc tiếp tục chăm sóc cho anh chị em bệnh phung, thầy còn dấn thân cách nhiệt tình vào các công tác xã hội, cộng tác với chính quyền và giáo quyền, lo cho anh chị em Dân Tộc cho đến những năm cuối đời.

Tuy tuổi già sức yếu vì đã ở ngoài tuổi 90, mắt đã mờ, nhưng thầy vẫn tiếp tục công việc xã hội, chăm sóc cho những người anh chị em Dân Tộc nghèo khổ vùng Diên Khánh.

Thầy Tô-ma được giáo quyền cũng như chính quyền và mọi người đánh giá cao vì tinh thần hăng say phục vụ người nghèo; thầy sống đơn sơ, đạo đức và đầy tình thương, một người anh em Phan-xi-cô gương mẫu. Thầy đã sống một tình thương không biên giới.

Khoảng bốn năm trở lại đây, với tuổi già sức yếu, sức khỏe càng ngày càng giảm nhiều, Thầy Tô-ma đã phải vào bệnh viện để cấp cứu nhiều lần. Thế rồi, vào 4 giờ 30 sáng, ngày 12-02-2014, Chị Chết đã đến rước Thầy về trong bình an và niềm phó thác trong tay Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Hưởng thọ 98 tuổi và 76 năm khấn dòng.