Ấn tượng về Đức Giáo hoàng Phanxicô
Nguyễn Quốc Huy, Ofm. chuyển dịch
Những suy nghĩ của một chủng sinh của Tổng Giám mục Bergoglio
Đây là bản dịch “suy tư” của Luis Montesano, một chủng sinh năm thứ tư ở Buenos Aires.
Khi thánh Ignatio thành Loyola khám phá ra Đức Giêsu Kitô và để cho Người chiếm đoạt, ngài ước ao từ bỏ mọi sự, đi đến Đất Thánh và sống ở đó như Đức Giêsu đã sống, nghĩa là đi đến những nơi Người đã đi, và tìm kiếm những con người mà Ngài đã gặp. Vì thế, ngài đã từ bỏ cuộc sống của người quí tộc và sự nghiệp quân sự đầy hứa hẹn, và đi học thần học tại Paris, để cuối cùng thực hiện cuộc hành trình tới những Nơi Thánh đó.
Tuy nhiên, thánh Ignatio đã không bao giờ có thể thực hiện được ước nguyện của mình vì Chúa đã chuẩn bị cho ngài những con đường khác. Thực vậy, Chúa muốn ngài thành lập dòng Tên gồm những người bạn học mà ngài đã gặp trong thời gian theo học ở Paris. Công trình này của Thiên Chúa, được những con người thực hiện, sẽ là một trong những dụng cụ mà Chúa Quan phòng dùng để đem Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Vì thế, với sự trợ giúp của biết bao nhà truyền giáo đã trao phó cuộc đời cho Đức Giêsu Kitô, Giáo hội lan rộng một cách đáng kể từ Châu Âu sang Châu Á, và từ Châu Âu tới Châu Mỹ.
Ở vùng cực Nam Châu Mỹ, cụ thể là tại những vùng ranh giới xa xôi nhất của công cuộc phúc âm hóa khởi sự từ năm 1492, đức tin đã lớn mạnh, được khuôn đúc và trưởng thành, với sự giúp đỡ của các tu sĩ dòng Tên, trong số họ có một vị kế nhiệm thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Ngài được thụ phong linh mục lúc 33 tuổi, và là giám mục phụ tá giáo phận Buenos Aires lúc 56 tuổi. Năm 1998, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục giáo phận Buenos Aires và năm 2001 được phong làm hồng y bởi Đức Gioan Phaolô II.
Tôi có may mắn được gặp ngài nhiều lần khi ngài còn là Tổng Giám mục Buenos Aires. Năm 2000, tôi tham dự cuộc họp của các giáo lý viên tại Buenos Aires, dưới sự chủ toạ của Đức Jorge Bergoglio. Sau các buổi thảo luận, cầu nguyện và thánh lễ, ngài đến gần mỗi một giáo lý viên, chào hỏi họ và trò chuyện vui đùa với họ. Ấn tượng ngài để lại là một con người đơn sơ, bộc trực, dễ trao đổi.
Sau đó, tôi đã gặp ngài ở đại học Công Giáo Argentina, nơi tôi đang học luật. Đức Bergoglio là chưởng ấn của đại học này, và ngài đến tham dự một vài nghi lễ của nhà trường. Sau khi tốt nghiệp cử nhân, chúng tôi có cơ hội nói chuyện với ngài và ngài nhắc nhở chúng tôi rằng chúng tôi có bổn phận trở nên những người phục vụ, đem tất cả những gì chúng tôi đã lãnh nhận được vào việc phục vụ xã hội. Tôi nghĩ rằng đây cũng là tính cách của Đức Giáo hoàng Phanxicô: ngài không giữ lại điều gì cho bản thân, ngài không lo nghĩ khi người ta nghĩ tốt hay xấu về ngài, bao lâu ngài có thể đem hết tài năng của mình vào việc phục vụ những người thiếu thốn nhất.
Tôi cũng muốn chia sẻ một giai thoại nói lên một trong những tính cách của ngài khi còn là một linh mục: lấy Đức Kitô làm trung tâm. Một dịp kia, tôi làm việc với nhóm “Đêm Từ Thiện” thuộc một giáo xứ Đức Mẹ Guadalupe ở Buenos Aires. “Đêm Từ Thiện” là một hoạt động được tổ chức ở Buenos Aires: mỗi giáo xứ, mỗi tuần một lần, ra đi phân phát thực phẩm cho những người sống trên đường phố và nhất là đem Đức Kitô đến cho họ. Đức Bergoglio luôn luôn rõ ràng về thứ tự hoạt động: đầu tiên là chầu Thánh Thể, sau đó ra đi để gặp gỡ Đức Kitô nơi những người nghèo sống trên các đường phố, để phân phát chút gì cho họ ăn, để nói chuyện với họ, cuộc nói chuyện cho phép chúng tôi mang Đức Kitô đến cho những con người đó. Một dịp kia, chúng tôi muốn mở rộng thêm bán kính hoạt động “Đêm Từ Thiện” của giáo xứ, để đến với nhiều người hơn. Qua cha xứ, Hồng y Bergoglio đã nói với chúng tôi rằng: “Chớ vội vàng. Đây không phải là thức ăn nhanh, nhưng trình tự là trước tiên Đức Kitô, sau đó Đức Kitô và cuối cùng Đức Kitô”. (Điều này có nghĩa là Đức Kitô trong khi chầu Thánh Thể, Đức Ki-tô nơi người nghèo và mang Đức Ki-tô đến cho người nghèo). Tôi nghĩ rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ quan tâm đặc biệt tới những người nghèo khổ nhất, để mang Đức Kitô đến cho họ. Một cách nào đó, đối với Hồng Y Bergoglio, vùng ngoại biên của tổng giáo phận Buenos Aires chính là trung tâm. Bây giờ tôi nghĩ rằng, đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, trung tâm của Giáo Hội sẽ là vùng ngoại biên, những cảnh túng quẫn cùng cực ít người quan tâm đến.
Cuối cùng, tôi muốn chia sẻ với quí vị một vài ấn tượng tôi có được khi tôi có thể nói chuyện riêng tư với Hồng Y Bergoglio khi vào chủng viện. Thư ký của ngài là người lên lịch hẹn. Trước tiên, cuộc gặp gỡ được thư kí của ngài lên lịch, vị này bảo tôi: “Cho tôi số điện thoại di động để sắp xếp ngày giờ, nhưng rất có thể đức hồng y gọi trực tiếp cho thầy mà không cho tôi biết”. Quả vậy, ngày hôm sau điện thoại tôi reo lên và chính là hồng y Bergoglio. Hình như thư kí của ngài có biết sau khi ngài nói chuyện với tôi. Đây là một đặc điểm thuộc về nhân cách của ngài: ngài điều hành nhiều việc cách trực tiếp, không qua những người trung gian, và điều này chắc chắn mang lại cho ngài nhiều tự do hành động. Trong nhiều trường hợp, điều này cũng tạo nên nơi ngài là một con người không thể đoán trước được.
Tôi rất bồn chồn khi đi gặp vì đây là lần đầu tiên tôi nói chuyện với một vị hồng y. Khi đến nơi, tôi gặp một linh mục, bận áo sơ mi cổ côn màu đen, quần đen, và mang một đôi giày mòn đế. Ngài mang thánh giá trước ngực, chắc chắn đó là thánh giá mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đang mang bây giờ. Sau khi nói chuyện đùa với tôi, cuộc đối thoại trở nên thoải mái, ân cần như thể một người cha nói chuyện với đứa con trai của mình. Ngài lắng nghe tôi một cách chăm chú và cho rồi thỉnh thoảng góp lời nhận xét. Tôi có ấn tượng đặc biệt về lòng sùng kính Đức Maria, thánh Giuse và Bí tích Thánh Thể của ngài. Tôi cũng có ấn tượng về sự ưa thích toà giải tội của ngài. Ngài nói với tôi rằng một linh mục không thể quên toà giải tội, không có điều gì khẩn cấp và quan trọng hơn việc ngồi toà giải tội trong chương trình của một linh mục, vì đây chính là nơi Thiên Chúa sẵn lòng ban phát sự thương xót của Ngài. Ngài nói rằng ngài sẽ phó thác ơn gọi của tôi cho Đức Trinh Nữ Cực Thánh và cho tôi một tấm hình thánh Giuse mà kể từ ngày đó, tôi đã cầu nguyện mỗi ngày. Ngài xin tôi phó dâng ơn gọi của tôi và thừa tác vụ của ngài cho thánh cả Giuse. Ngày hôm nay, tôi cầu nguyện cùng thánh Giuse cho Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Ngày 13 tháng 3 vừa qua, ngày Đức Bergoglio được bầu làm Giáo hoàng, bởi Chúa quan phòng, tôi đang ở Buenos Aires (chủng viện nơi tôi học cách Buenos Aires 50 km), đi dạo quanh các nhà sách để mua cho thư viện đại chủng viện, nơi đây, nếu Chúa muốn, tôi sẽ làm việc trong năm nay. Khi nghe tin có khói trắng, chúng tôi đi đến đại học Công Giáo Argentina nơi chúng tôi có thể xem hồng y Tauran loan báo. Không thể tin vào những gì mắt thấy tai nghe, lập tức chúng tôi ôm chặt nhau và lắng nghe chăm chú những lời của đức tân Giáo Hoàng. Chúng tôi biết rằng có sẽ có một thánh lễ ở vương cung thánh đường Buenos Aires lúc 7 giờ tối, thế là chúng tôi tới đó. Nhà thờ đầy ắp và dân chúng (người trẻ, gia đình và các trẻ em, người lớn tuổi) tràn ngập hơn nủa công trường Plaza de Mayo. Thánh lễ tạ ơn đầu tiên đầy cảm xúc. Tại đó chúng tôi bắt đầu nhận thức rằng việc chọn đức Bergoglio làm Giáo hoàng là một lý do của niềm vui đối với Giáo hội hoàn vũ, nhưng nó là một sự chúc lành đặc biệt cho giáo hội Argentina. Kể từ ngày 13 tháng 3, nhiều người đã trở lại tham dự Thánh Lễ (sau nhiều năm không tham dự), các toà giải tội đầy người và các hoạt động của Giáo hội trở thành những tin tức trên các phương tiện truyền thông ở Argentina. Tôi nghĩ rằng đây là một cơ hội cho cho nhiều người trở về với Giáo hội và được giao hòa với Thiên Chúa.
Việc bầu chọn Đức Bergoglio cũng tạo nên niềm vui lớn lao trong chủng viện. Niềm vui phải được hướng dẫn bởi một trách nhiệm nặng nề, như một vị giám mục đã nói với anh em chủng sinh chúng tôi. Việc bầu chọn Đức Giáo hoàng Phanxicô đặt chúng tôi dưới “kính lúp” của nhiều phong trào và các Giáo hội địa phương khắp trên thế giới. Ngày nay Giáo hội dõi nhìn về Rô-ma như thường lệ, nhưng cũng quan sát Argentina nữa. Tôi thiết nghĩ đó là điều khiến chúng tôi làm việc nhiều hơn và tốt hơn, cầu nguyện nhiều hơn và đặt bản thân chúng tôi là một Giáo hội dưới sự bao bọc của Mẹ Maria, Đấng từ Lujan đang dõi nhìn và chúc phúc cho Giáo Hội Argentina.
---
Luis Montesano sinh ra ở Buenos Aires vào năm 1983. Anh là một luật sư và có bằng tiến sĩ Luật. Năm 2011, anh vào đại chủng viện thánh Giuse ở La Plata (Buenos Aires) và hiện đang học năm thứ tư ở chủng viện này. Trước đây, anh là một giáo lý viên, là thành viên của nhóm thừa tác vụ mục vụ Đại Học, thành viên của các nhóm trẻ khác, và dạy các môn luật và đạo đức tại đại học Công Giáo Argentina và đại học Austral ở Buenos Aires.
Nguyễn Quốc Huy, Ofm. chuyển dịch