Tâm tình Mùa Chay gửi Gia Đình Phan sinh Việt Nam
Giám Tỉnh FX Vũ Phan Long, OFM
Kính gửi toàn thể anh chị em trong Đại Gia Đình Phan sinh Việt Nam
Anh chị em thân mến, Yosa Buson (1716-1784) là một thi sĩ nổi tiếng của Nhật. Ông có viết một đoạn thơ haiku như sau:
“Đậu trên
cái chuông chùa,
Đang ngủ
Ô, cánh bướm”.
Đang sống trong Mùa Chay, hôm nay xin mời anh chị em suy nghĩ về giá trị của một vài yếu tố tưởng là tầm thường nhưng lại hệ trọng, trong đời sống chúng ta. Trên vành cái chuông đồng to, cái chuông từng tạo ra những tiếng rền đinh tai nhức óc, có một chú bướm nhỏ đang đậu, bất động, say ngủ. Tại sao chú bướm lại ngủ ở đây, chứ không ngủ ở nơi khác? Tại vì ở đây thinh lặng. Thật là thinh lặng. Thật là thinh lặng, cái chuông khổng lồ khi nó ngưng làm việc. Chú bướm triết gia! Thứ có thể ồn ào nhất lại có thể trở nên yên lặng nhất. Đây là triết Thiền. Phải chăng chú là cánh bướm Thiền?
Quả thật, có một lô-gích lạ lùng. Thứ có thể ồn ào nhất có thể trở nên yên lặng nhất. Thứ có thể mạnh mẽ nhất có thể trở nên yếu đuối nhất. Thứ có thể khôn ngoan nhất có thể trở nên điên rồ nhất. Phẩm chất của sự yên tĩnh, yếu đuối và điên rồ ở đây khác với quan niệm thông thường về yên tĩnh, yếu đuối và điên rồ. Các khái niệm này gợi đến “sự tự giới hạn” và “sự tự phủ nhận”, không phải là vì chính mình nhưng vì những người khác. Tự phủ nhận vì những người khác là một chọn lựa có tính sáng tạo. Cái chuông đồng to yên lặng vì con bướm nhỏ. Một người mẹ đi chầm chậm là vì đứa con bé bỏng. Thiên Chúa trở nên “yếu đuối” là vì con người (1 Cr 1,25). Qua Đấng chịu đóng đinh, Thiên Chúa đón nhận lấy trọn vẹn con người.
Thiên Chúa không chỉ yêu thương con người. Nếu như vậy, tình yêu của Thiên Chúa chẳng có bí mật nào. Đấy chỉ là một tình yêu thường tình của một vì Thiên Chúa thường tình. Khi Tân Ước bảo rằng “Thiên Chúa là tình yêu”, Tân Ước muốn mạc khải về phẩm chất ngoại thường cùa tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Quả thật, Người đã đến gặp con người, với biểu tượng cây thập giá. Một vì Thiên Chúa chịu đóng đinh! Đấng mạnh nhất trở thành yếu nhất ! Để làm gì? Cho chính Người?
Không đâu. Thiên Chúa tự phủ nhận chính mình vì những con người khác. Và đây chính là hình thái của tình yêu và hình thái của sức mạnh trong Tân Ước. Ô, chú bướm bé nhỏ, thật là tương phản giữa chú và khối chuông đồng. Chú có vẻ mong manh và tạm bợ so với khung cảnh. Điều vượt trên sự mong manh và tạm bợ, hẳn là vĩnh cửu. Nhưng vĩnh cứu mà không dính dáng gì đến sự chóng qua, thì có đáng quan tâm không? Kinh Thánh hỗ trợ chúng ta về điểm này. Sức mạnh là sức mạnh khi nó làm cho yếu thành mạnh. Vẻ đẹp là vẻ đẹp khi nó làm cho xấu thành đẹp. Khôn ngoan là khôn ngoan khi nó làm cho điên rồ thành khôn ngoan. Sự công chính là công chính khi nó làm cho bất chính thành công chính.
1 Thể thơ viết trên bưu thiếp, ngắn, với cách trình bày riêng. Nội San Thông Tin Tỉnh Dòng Thánh Phanxicô Việt Nam. Bình An và Thiện Hảo – Pax et Bonum 4 Vĩnh cửu là vĩnh cửu khi nó làm cho tạm thời thành vĩnh cửu. Thứ vĩnh cửu làm cho tạm thời trở nên vĩnh cửu thì khác với khái niệm thông thường về vĩnh cửu. Đây là một vĩnh cửu muốn đón nhận lấy trọn vẹn cái tạm bợ: “… Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20). Vĩnh cửu ở đây không phải chỉ là một khái niệm về thời gian, mà là một khái niệm đặc biệt về tình yêu. Khi tình yêu đến với cái tạm thời chóng qua và đón nhận lấy nó trọn vẹn, tình yêu được gọi là vĩnh cửu. Nếu không, vĩnh cửu chỉ là một khái niệm trừu tượng.
Cuộc sống của chúng ta dường như giống chú bướm trong bài thơ haiku. Đời sống chúng ta không bền vững như cái chuông chùa. “Bây giờ, hãy nghe tôi, những kẻ nói: ‘Hôm nay hoặc ngày mai, chúng ta sẽ đi đến thành nọ thành kia, sẽ ở lại đó một năm và buôn bán kiếm lời’, trong khi các người không biết cuộc đời mình ngày mai sẽ ra sao. Thật vậy, các người chỉ là hơi nước xuất hiện trong giây lát, rồi lại tan biến đi. Thay vì nói: ‘Nếu Chúa muốn, chúng ta sẽ sống và làm điều nọ điều kia’” (Gc 4,13-15). Đừng làm cho mình thành to lớn. Làm cho bản thân thành to lớn là một mục tiêu đầy tính tự phụ. Nếu thoát được lực hút này, chúng ta có thể duy trì “sức mạnh” thiêng liêng của chúng ta. Đây là điều ngôn sứ Isaia đã nói: “Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn, trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo. Nhưng những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh” (Is 40,30-31). “Những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh” về thiêng liêng, mà lại không bị đe dọa bởi tính tự phụ tự hão chết người. Họ yên nghỉ mà vẫn sôi sục hành động. Họ an tĩnh nhưng vẫn đang say mê dấn thân.
Ôi chú bướm… Chú tỏ ra rất tin tưởng. Chú đang ngủ say. Chú không ra sức làm cho mình to lớn (Ôi ! sao mà nhớ quá chuyện Con nhái muốn to bằng con bò !). Chú nói về vẻ đẹp của niềm tin và sự bình an. Tôi sẽ phải đọc lại Is 40,28-31 thôi.
Thưa anh chị em, dù ăn chay hãm mình sống Mùa Chay, chúng ta cũng không quên: Giờ Trái Đất năm nay sẽ bắt đầu từ lúc từ 20g30 tới 21g30 ngày 23-3, ngày thứ bảy cuối cùng của tháng ba hàng năm, và chúng ta đã biết đây một sự kiện toàn cầu do Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) phát động. Vào ngày này, WWF xin các gia đình và các cơ quan tắt đèn điện và các dụng cụ xài điện không cần thiết trong vòng một giờ (20g30-21g30). Chúng ta sẽ tích cực tham gia sự kiện này, như những năm trước.
Chúng ta hiệp thông cùng toàn thể Hội Thánh xin Thiên Chúa Ba Ngôi ban phúc lành cho Đức Bênêđitô XVI vì tất cả những điều tốt lành ngài đã làm cho Hội Thánh và thế giới. Chúng ta cũng cầu nguyện cho Mật nghị bầu Giáo hoàng sắp tới, để có một vị tân Giáo hoàng như lòng Thiên Chúa mong ước.
Xin chúc mừng lễ Thánh Cả Giuse và Lễ Truyền Tin cho toàn thể anh chị em. Mẹ Maria và Thánh Giuse là những con người sống sự thật về Thiên Chúa và về chính mình, nên đã làm được nhiều việc lớn lao. Chúng ta cầu cho nhau được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, biết sống là mình mà phục vụ.
Thân ái chào tất cả anh chị em trong cha thánh Phanxicô.
FX Vũ Phan Long, OFM