HỘI THẢO PHAN SINH VỀ VAI TRÒ LÃNH ĐẠO
Như tôi đã nói trong một bài viết của tôi về vấn đề này, mục đích tinh thần Phan sinh của chúng ta là sống Phúc Âm để trở nên giống Chúa Kitô. Nói cách khác, những tu sĩ Phan sinh chỉ đơn giản là những Kitô hữu và ơn gọi của người Kitô hữu là trở nên một Chúa Kitô khác (Cha Gerry Lobo).
Mỗi người chúng ta được kêu gọi một cách độc đáo để làm điều nói trên. Nghĩa là mỗi người chúng ta được kêu gọi đóng vai trò người lãnh đạo như Chúa Kitô.
Khi chúng ta nói đến những người lãnh đạo, chúng ta nghĩ đến Bề Trên Tổng Quyền và Ban Cố Vấn, đến các chị Giám Tỉnh và những Cố Vấn, những chị em giảng dạy, những chị em Quản Lý, những giám đốc các trường học..v.v… nhưng thật ra không phải như vậy. Mỗi Kitô hữu nhờ bí tích Rửa tội đều là một người lãnh đạo, và tất cả chúng ta cần thi hành vai trò lãnh đạo của chúng ta một cách hữu hiệu theo gương Chúa Kitô.
Tôi không có ý hạ thấp những chị em đang có quyền hành và cũng không nói rằng vai trò của họ không quan trọng. Tôi chỉ cố gắng làm cho mọi người hiểu một điều gì đó. Nếu chúng ta chỉ coi những người có quyền hành là những lãnh đạo, những người còn lại trong chúng ta sẽ chểnh mảng bổn phận làm lãnh đạo của mình. Vậy quyền lãnh đạo không phải là một cái gì cá nhân mà tập thể.
Người ta giao phó cho một số người những trách nhiệm là để giúp sự hoạt động tốt của Hội Dòng, của Tỉnh dòng, của cộng đoàn, của tổ chức… Do vậy khi người ta giao phó trách nhiệm cho một người nào đó là bởi vì họ tín nhiệm người đó. Họ tin rằng người đó sẽ đối xử công bằng với tất cả mọi người không phân biệt đối xử.
Công tác lãnh đạo Phan sinh của chúng ta phải là việc lãnh đạo có mang tính phục vụ đặc trưng trong cách lãnh đạo của người chăn chiên tốt (Mc 10,42-43; Mt 20,26; 1P 5,3). Chúa Giêsu, người mục tử tốt, không bao giờ có thái độ phân biệt trong vai trò lãnh đạo của mình. Tình yêu của Ngài là bao quát.
Vậy chúng ta, những người lãnh đạo, phải có khả năng yêu thương tất cả mọi người bắt đầu là những cộng đoàn của chúng ta, là tỉnh dòng, nơi làm việc của chúng ta và cả Hội Dòng. Nếu tình yêu nhờ được sống tốt nơi chúng ta và giữa chúng ta thì nó sẽ lan toả ra bên ngoài với những người khác. Vậy nếu tôi không biết đến chị em trong cộng đoàn của tôi đang cần đến tình yêu của tôi mà lại đi thể hiện tình yêu cho người khác bên ngoài, thì có thể nói tôi là một người giả hình. Chúng ta phải có khả năng yêu thương nhau mặc dù có sự khác biệt về quốc tịch, chủng tộc và màu da…
Nếu chúng ta không có khả năng yêu thương thì chúng ta sẽ có nguy cơ trở thành những người có trái tim cứng cỏi và đi đến chỗ chỉ điều khiển chỉ huy người khác. Muốn có khả năng yêu thương đó chúng ta phải có tinh thần của Chúa Kitô yêu thương không giới hạn.
Nhưng đôi lúc, khi thi hành vai trò lãnh đạo, chúng ta có khuynh hướng thiên vị. Chúng ta nghe một vài người nhưng có vài người khác đã không thể nào được chúng ta nghe. Có những tiếng kêu la được nghe nhưng cũng có những tiếng kêu vô vọng. Chúng ta tỏ ra yêu thương một vài người nhưng đối với người khác thì không bao giờ... Điều này không phải là việc lãnh đạo Phan sinh. Trước tiên người Phan sinh phải thể hiện tính cách quan hệ giao tiếp trong vai trò lãnh đạo của mình. Nói cách khác là sự hiện hữu Phan sinh là một hiện hữu quan hệ, sẵn sàng trở nên bạn hữu với nhau.
Một người lãnh đạo không ở trên người khác mà phải có khả năng đi cùng cấp bậc của họ.
Theo bản tính tự nhiên, con người có những điểm mạnh và những giới hạn. Qua đó chúng ta được mời gọi bổ túc cho nhau vì Nước Trời. Nếu tôi chấp nhận mình có những giới hạn thì tôi có thể hiểu và chấp nhận những người khác với giới hạn của họ.
Trong hoàn cảnh mà tôi tự nghĩ mình là người cầu toàn, cố gắng tạo cảm giác sai lầm rằng tôi biết và có tất cả, rằng tôi trông đợi mọi người nói “vâng, thưa chị, thưa anh” khi tôi nói ra điều gì, thì như vậy tôi không hành xử như một Phan sinh. Nếu tôi nằm trong diện đó thì tôi khó lòng mà chấp nhận những yếu kém và những giới hạn của người khác.
Như thế tôi đã trở nên một ông hay bà chủ, một người cầm quyền, một chỉ huy trưởng, một nhà độc tài… Quyền lực là một cái gì năng động giúp khơi động hoặc buông bỏ năng lượng trong công tác phục vụ chứ không phải để trở thành những chỉ huy. Trong Tin Mừng thánh Luca (Lc 24, 13-26) thuật lại kịch bản những môn đệ Emmau, Chúa Giêsu đã không để họ nhận ra mình lúc đầu cuộc gặp gỡ. Ngài chỉ đơn giản bước đi với họ, lắng nghe họ với một thái độ tiếp cận đơn sơ. Ngài đã tỏ ra mình như một bạn đường, một người có óc quan sát tốt, thân thiện và xây dựng.
Ngài đi ngang tầm với họ, là một người trong họ, theo bước chân họ để hiểu họ. Ngài cho họ không gian để họ có thể tự bày tỏ. Ngài đã hạ mình thấp xuống và đã cởi mở đón nhận để họ cũng có cơ hội cởi mở đón nhận và bày tỏ. Ngài không diễn thuyết mà đặt câu hỏi với họ để đưa tới những kết nối nhờ đối thoại. Không phải là sự lãnh đạo của một người giám sát mà của một đầy tớ (Ga 13, 12-15; Pl 2,3-8; Lc 22,26); người Tôi Tớ đau khổ (Is 52,13 -53,12) ở cuối sứ mạng của mình, Ngài đã tỏ mình ra cho các môn đệ và sau đó đã biến mất. Đó là hình ảnh mẫu vai trò lãnh đạo mà người Phan sinh của chúng ta cần phải làm theo.
Nếu chúng ta so sánh giữa sự lãnh đạo của Chúa Giêsu và của chúng ta, chúng ta sẽ thấy rõ những sự khác biệt. Chúa Giêsu không bao giờ nói đại loại như : “Này các bạn, các người có biết ta là Đấng Cứu Thế, là Vua vũ trụ, của trời và của đất, là Đấng có quyền lực trên mọi sự”... vv và vv…
Ngài đã hạ mình xuống tầm của họ và đã hoàn thành sứ mạng của mình bên cạnh họ, đã giao phó cho họ phần còn lại của nhiệm vụ thừa sai và đã ra đi. Mỗi người chúng ta nên tự hỏi câu sau đây khi được gương lãnh đạo của Chúa Giêsu soi sáng : “Tôi đã thi hành loại lãnh đạo nào trong cộng đoàn của tôi, trong trường học, nơi tôi làm việc, trong Tỉnh Dòng và trong toàn Hội Dòng?”
Yitiereh Immaculate, fmm.