Bài giảng
Của Đức Tổng Giám Mục José Rodríguez Carballo, OFM
Tổng thư ký Bộ Phụ trách Đời sống Thánh hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ
Anh chị em thân mến, nguyện xin Thiên Chúa ban bình an của Ngài cho anh chị em!
Trong bối cảnh của tu nghị và một số ý tưởng xuất hiện từ các bài đọc mà chúng ta vừa nghe, tôi muốn để lại cho chị em “ba từ ngữ” có thể giúp các chị trên hành trình hiện nay cũng như trong tương tai. Đồng thời cũng xem xét trong khuôn khổ của năm Đời Sống Thánh Hiến, như chị em biết, sắp bắt đầu và có ba mục tiêu rất cụ thể:
Nhớ lại quá khứ với lòng biết ơn,
Sống giây phút hiện tại với lòng đam mê
Và nhìn về tương lai với niềm hy vọng.
Lòng biết ơn, sự đam mê, niềm hy vọng: là ba mục đích mà thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đề nghị cho Giáo Hội trong thiên niên kỷ thứ 3 qua Tông thư NOVO MILLENNIO INEUNTE nổi tiếng của Ngài. Và chúng ta lấy ba từ ngữ này làm của riêng cho chúng ta. Đời sống thánh hiến và đời sống Phan Sinh được mời gọi đi cùng với Giáo Hội và là Giáo Hội, vì chúng ta là quà tặng cho Giáo Hội.
Và đây là “ba từ ngữ ” mà tôi muốn để lại cho chị em.
Từ ngữ đầu tiên là đức tin. Hãy là phụ nữ của đức tin ! Bài đọc thứ nhất đã nói rất kiên quyết về điều này. Đức tin xác định rõ tính chất của chúng ta. Nếu không có đức tin, chúng ta không phải là những người thánh hiến. Nếu không có đức tin, chúng ta không phải là tu sĩ. Chúng ta sẽ trở thành người tốt nhưng chúng ta sẽ không đóng góp được bất cứ điều gì. Đức tin xác định căn tính tận sâu thẳm con người chúng ta nhiều hơn cả ơn gọi Phan Sinh của chúng ta. Nhưng điều gì nói lên là có đức tin? Chắc chắn, như Đức thánh cha Beneđitô XVI nhắc nhở chúng ta trong Tông thư- tự sắc Cánh cửa Đức Tin mở ra vào năm Đức Tin, đức tin là sự tuân thủ của trí tuệ đối với toàn bộ chân lý mạc khải mà Giáo Hội dạy. Nhưng còn nhiều hơn thế, như thánh Phaolô nói, ngay cả ma quỉ cũng chấp nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, tuy nhiên chúng ta không thể nói ma quỉ là một kẻ tin.
Vậy đức tin là gì? Tín hữu là người thừa nhận những chân lý này và bước theo Chúa Giêsu. Có một sự khác biệt lớn. Ma quỉ không phải là một tín hữu vì ma quỉ không theo Chúa Giêsu. Kế đến, đức tin có nghĩa là yêu mến thực hành những chân lý đã được mặc khải mà Giáo Hội dạy cho chúng ta.
Tại sao? Nghĩa là đem những chân lý này vào trong đời sống. Bởi vì đức tin không có việc làm là đức tin chết, đó là đức tin không hiện hữu. Đức tin, là mở rộng tâm hồn chúng ta để Thiên Chúa có thể bước vào và biến đổi chúng ta. Nhờ đó chúng ta có thể bước theo Ngài và làm chứng cho Ngài bất cứ nơi nào mà chúng ta hiện diện. Trong ngôn ngữ La Tinh, đức tin nghĩa là tôi tin vào chị và phải biểu lộ ra bên ngoài là tôi tin tưởng vào chị. Vì thế, đừng tìm những định nghĩa phi thường về đức tin. Đức tin đơn giản là tín thác vào Chúa Giêsu, là mở rộng cửa tâm hồn của chúng ta và nói rằng con không hiểu nhiều điều, nhưng con tín thác vào Chúa.
Sau tất cả những điều đó thì Đức Nữ Trinh đã làm gì? Mẹ đã không hiểu Mầu Nhiệm. Mầu Nhiệm này vượt xa khả năng hiểu biết của Mẹ khi nghe Thiên Thần báo tin Mẹ sẽ trở thành Mẹ của Ngôi Lời. Mẹ đã nêu lên những câu hỏi. Những câu hỏi thật bình thường. Nhưng sau đó Mẹ đã tự hủy và thưa rằng: “ Xin hãy làm cho tôi theo như lời sứ thần”. Đây là đức tin trưởng thành, vượt trên lý trí. Điều này không có nghĩa là nó phi lý nhưng nó vượt xa lý trí.
Đức Thánh Cha Phanxicô trong thông điệp Ánh Sáng Đức Tin nói đức tin là “một tiêu chuẩn của sự biện biệt”. Điều này ứng dụng đặc biệt cho Tu Nghị. Tôi không biết chắc hiện nay các chị em đang ở giai đoạn nào nhưng chắc chắn là vẫn có những quyết định quan trọng đang ở phía trước. “Hãy để cho đức tin trở thành tiêu chuẩn của sự biện biệt”. Ở đây cũng thế, chúng ta đặt sự tín nhiệm của chúng ta vào đâu bởi vì nếu chúng ta quyết định dựa trên cơ sở của con người mà thôi thì chúng ta không thể mong đợi nhiều. Hãy là những phụ nữ của đức tin!
Từ ngữ thứ hai là các chị em làm chứng cho vẻ đẹp của đời sống huynh đệ. Tôi đưa ra điều này từ Tin Mừng của ngày hôm nay một cách nào đó đã nói cho chúng ta về vương quốc bị phân chia. Chúng ta là những người được thánh hiến, thừa nhận rằng đời sống huynh đệ trong cộng đoàn là một trong những khía cạnh thiết yếu của đời sống thánh hiến và thậm chí hơn nữa vì là phan sinh. Tình huynh đệ phải là nét đặc trưng riêng biệt của chúng ta. Nhưng hãy cận thận! Nó phải là một huynh đệ đoàn nhân hậu và nhân bản. Nếu đời sống cộng đoàn trong huynh đệ đoàn không làm cho các chị tăng trưởng như những phụ nữ thì không thể là nào là những phụ nữ Tin Mừng, và do đó cũng không thể là nữ Phan Sinh.
Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài phát biểu ứng khẩu tại đan viện đầu tiên ở Assisi (nghĩa là nó không phải là một bài phát biểu được viết ra văn bản nhưng tôi chắc chắn là ngài đã suy niệm sâu sắc về điều này), ngài nói với các chị Clara về con người. Chị em không thể là một cộng đoàn tin mừng nếu không có nhân bản. Điều đó không thể được. Vì thế, huynh đệ đoàn là nơi mà các giá trị nhân bản phải được sống. Tuy nhiên đây cũng là một vấn đề của đức tin. Thánh Phanxicô nói: “ Thiên Chúa đã ban cho tôi các anh em.”
Từ tầm nhìn này của đức tin mà chúng ta có thể chấp nhận sự khác biệt và có thể sống sự khác biệt. Các chị là một hội dòng quốc tế. Tôi biết là chị em tự hào về điều đó. Đúng, một hội dòng quốc tế phải chấp nhận tính đa nguyên. Tuy nhiên cần lưu ý! Phải có sự hiệp nhất nhưng phải có cả tính đa nguyên. Đa nguyên không cản trở sự hiệp nhất. Luôn luôn hiệp nhất, bất kể là chị em thuộc về một nền văn hóa nào, nhưng đồng thời đón nhận thách đố của tính đa nguyên. Đời sống huynh đệ là việc truyền giáo đầu tiên của chúng ta. Chị em là những thừa sai, và là Phan Sinh; điều này có nghĩa là hình thức truyền giáo đầu tiên chính là đời sống huynh đệ của chị em. Nếu không, như người ta nói bằng tiếng ý, và có một số người Ý ở đây nói rằng “đó là tất cả sự tinh khiết vô nghĩa”!
Ôi chúng ta nói biết bao nhiêu về huynh đệ đoàn! Chúng ta hãy nói ít hơn về huynh đệ đoàn nhưng hãy có những tấm lòng huynh đệ. Đây không phải là một ý tưởng xấu để đáp ứng cho việc ngừng sử dụng một số từ ngữ mà là để chúng ta sống tốt hơn. Loan báo vẻ đẹp của tình huynh đệ. Đây là ngôn sứ cho thời đại hôm nay trong một thế giới nói rất nhiều về liên đới nhưng lại cá nhân chủ nghĩa hơn bao giờ hết. Chúng ta phải nói ít đi nhưng làm chứng nhiều hơn về tình huynh đệ đích thực trong hạnh phúc, và niềm vui. Một huynh đệ đoàn buồn không phải là một huynh đệ đoàn!
Từ ngữ thứ ba đó là chị em là những phụ nữ của niềm hy vọng. Tôi không nói về sự lạc quan khi nhìn về tương lai của chị em nhưng hãy là những phụ nữ của niềm hy vọng. Một điều là chủ nghĩa lạc quan phát sinh từ “ chiến xa và chiến mã ” [1] của tôi, tôi sử dụng thuật ngữ này trong sách Xuất Hành – sức mạnh của tôi là ở số lượng. Hiện nay và thậm chí trong nhiều năm, chúng ta vẫn là nạn nhân về số lượng. Dù sao, nhìn và biết một chút về hội dòng của chị em, nó cũng giống như dòng của tôi, chiến xa thì gỉ sét và di chuyển về phía trước với nhiều khó khăn trong khi chiến mã thì mệt mỏi và già nua! Vì vậy có ít chỗ để lạc quan. Nhưng hãy chú ý! Lạc quan không phải là một nhân đức của tin mừng. Hãy nói cho tôi biết, chỗ nào trong Tin Mừng nói về lạc quan?
Hy vọng là một nhân đức của tin mừng vì hy vọng phát sinh từ đức tin. Như chị em thấy, chúng ta trở lại một lần nữa, tin vào Ngài vì với Ngài không có gì là không thể, như Tin Mừng thánh Luca đã nói với chúng ta. Và nếu không có gì là không thể đối với Chúa, như Thánh Phaolô nói và đã có kinh nghiệm về điều này: với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi có thể làm được mọi sự.
Vì thế tôi yêu cầu chị em hãy là những phụ nữ của niềm hy vọng! Đừng là môn đệ của Maria Madalena, như chị em đã nghe tôi nói nhiều lần, nước mắt khiến Madalena không thấy “Đấng Phục Sinh”. Madalêna khóc lóc vì một người đã chết, nhưng nay người đã sống lại. Hơn bao giờ hết, hãy là môn đệ của Chúa Giêsu, những người biết rằng với Chúa, không có gì là không thể. Thiên Chúa tiếp tục nói với chúng ta hôm nay, như đã nói với tiên tri Giêrêmia: “ Đừng sợ, thậm chí ngay cả trong tương lai.” Tôi biết là nói thì dễ. Tôi cũng sợ vì đôi khi tôi chưa là một người tin thực sự. Tôi nói với chị em: “ Hãy đi, chúng ta đang trên hành trình.” Hôm nay tôi đọc lại câu này trong sách tiên tri Giêrêmia: “Đừng sợ. Ta ở cùng con.” Đó là vấn đề của đức tin. Như chị em thấy, “ba từ ngữ” tôi nêu ra đưa chúng ta về lại với đức tin.
Chị em thân mến, xin Đức Nữ Trinh, Đấng có vị trí quan trọng trong linh đạo của Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, là người đồng hành với chị em trên hành trình của đức tin, của huynh đệ đoàn và của niềm hy vọng. Chúc chị em một hành trình hạnh phúc! Và có thể tiếp tục tu nghị trong bầu khí hiệp thông sâu xa, tôn trọng sự đa dạng, đó là nét đặc trưng của Hội Dòng chị em.
Via Giusti, Rome
October 10th, 201
DOÃN HẰNG, fmm chuyển ngữ
[1] Tv. 20, 7; Is 31:1