Bài giảng của cha Preyer, OFM ngày 4.10

Mẹ Marie de la Passion nói: “một chút nhỏ bé, dâng hiến chính mình hoàn toàn để Chúa hành động”. Một đời sống hèn mọn được thể hiện bởi tinh thần bên ngoài và sự khó nghèo bên trong.

FMM Tổng tu nghị - Lễ Cha Thánh Phanxicô 2014 – Ara Coeli

Dẫn nhập vào Thánh lễ:

Tháng 4 năm 1880 và  tháng 6 năm 1882, Mẹ Marie de la Passion đã đến Rome để giải quyết những khó khăn từ sự chống đối còn tồn đọng đe dọa gây trở ngại cho sự ổn định và phát triển của Hội dòng non trẻ. Cuộc hành trình sau này, vào tháng 6 năm 1882, đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong đời sống của Mẹ khi Đấng quan phòng dẫn đưa Mẹ đến tu viện Ara Coeli của các cha Phanxicô ở Rome, nơi mà chúng ta đang hiện diện sáng nay. Và hai nam tu sĩ đã trở thành những người ủng hộ trung thành và cố vấn khôn ngoan: đó là tu sĩ Bernadino de Portoguaro, tổng phục vụ và tu sĩ Raphael D’Aurillac, sau này trở thành người anh và cố vấn thiêng liêng cho các chị. Vào chính ngày này 4 tháng 10 năm 1882, tại nhà thờ Ara Coeli, Mẹ đã được nhận vào Dòng Ba của Thánh Phanxicô Assisi.

Sau này Hội dòng non trẻ, được thành lập ở Ấn Độ và Rome và cùng với một tập viện ở Pháp, đã gia nhập vào gia đình Phan Sinh và trở thành hội dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ. Quay trở về với cội nguồn Phan Sinh Mẹ Marie de la Passion viết: “

"Tâm hồn tôi giống như con chim non sổ lồng

Để hoàn thành việc truyền giáo, Hội dòng cần tinh thần của Thánh Phanxicô Assisi”

 

Bắt đầu tham dự thánh lễ này, chúng ta hãy nài xin Chúa để lãnh nhận tinh thần của Thánh Phanxicô là Thánh Thần của Chúa Giêsu Kitô:

 

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta

dấn thân vào cuộc mạo hiểm phi thường đầy hấp dẫn: Xin Chúa thương xót chúng con;

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta

Hãy để cho Tình Yêu Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta, hiến thánh chúng ta và kêu gọi chúng ta hiểu biết Ngài: Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta

Yêu mến và phục vụ Ngài, chia sẻ cuộc sống của chúng ta cho các tạo vật với lòng tôn trọng, khiêm tốn và hèn mọn: Xin Chúa thương xót chúng con;

 

Bài giảng dựa vào thư gửi tín hữu Galat 6, 14-18 và Tin Mừng Mt 11, 25-30

Chị em thân mến,

Hầu hết chị em đã đến Assisi và Vương Cung Thánh Đường Thánh Phanxicô. Trong ngôi nhà thờ thấp gần bàn thờ chính, chị em tìm thấy các bức bích họa, các bức tranh thể hiện những câu chuyện ẩn dụ Phan Sinh về khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời. Biểu tượng về đức Vâng Lời ngồi ở giữa hai biểu tượng một bên là nhân đức Đơn Sơ Cẩn Trọng và bên kia là nhân đức Khiêm Nhường.

... Chị (biểu tượng của Vâng Lời) trao cho thanh niên Phan Sinh một cái ách. Trên chóp của bức tranh chị em có thể thấy Thánh Phanxicô mang một cái ách được dẫn dắt bởi bàn tay của Chúa.

Trong khung vòm dưới cảnh này liên kết chặt chẽ với bức tranh, các chị sẽ thấy hình ảnh Chúa Kitô chịu nạn đã tự hủy, mang lấy hình dạng của một người tôi tớ bị cùm tay và được vẽ theo hình dạng của con người. Chúa Kitô đã hạ mình vâng lời cho đến chết và chết trên thánh giá.

Cái ách miêu tả trong các chuyện ẩn dụ Phan Sinh tượng trưng cho đơn sơ và khiêm nhường, vâng lời đi theo sau sự tự hủy của Chúa Giêsu Kitô trong cuộc khổ nạn để trao ban chính đời sống của Ngài. Thánh Phanxicô được cho là vị thánh đã bước theo lời mời gọi của Chúa Kitô mang lấy ách của Ngài và học từ Chúa Giêsu sự hiền lành và khiêm nhường sẵn sàng phục vụ.

Tôi không biết là Mẹ Marie de la Passion đã từng thấy bức tranh này chưa? Nhưng Mẹ yêu mến chiêm ngưỡng “tinh thần đơn sơ, nghèo khó và hy sinh” nơi Thánh Phanxicô. Mẹ viết: “Tôi nắm bắt được sự vĩ đại của tình yêu, và khó nghèo của Thánh Phanxicô, Cha của tôi (A, Ngài là cha của tôi) và gia sản của ngài là gia sản của tôi. Tôi thấy tình yêu, khó nghèo ngay trên Thánh Giá. Sự thật của tình yêu là tự hủy và tự hủy là để hòa lẫn vào trong Thiên Chúa, là sợi dây duy nhất!”

Sáng nay chúng ta hãy đào sâu thêm về ý nghĩa cái ách trong các bài đọc của Thánh lễ và trong những bức tranh này:

1) Ý nghĩa của cái ách: là tâm hồn đơn sơ và không khôn ngoan như thế gian khôn ngoan. Khôn ngoan nghĩa là tìm kiếm lợi ích cho riêng mình một cách ích kỷ; tâm hồn đơn sơ biểu lộ sự hiền lành, mở rộng tâm hồn cho tất cả, “trở nên mọi sự cho mọi người, sẵn sàng phục vụ trong bất cứ tình huống nào, nhưng cũng sẵn sàng rút lui khi điều tốt đã được hoàn thành” như Mẹ Marie de la Passion đề cập.

2) Cái ách có nghĩa: đến với Chúa Giêsu để nghỉ ngơi trong Chúa và để học hỏi những gì Ngài mạc khải cho chúng ta, nhờ đó chúng ta biết ngài hơn và trong Ngài chúng ta sẽ học nhận biết Chúa Cha. Theo lời mời gọi này, Mẹ Marie de la Passion yêu cầu chị em có một đời sống chiêm niệm, thờ phượng và cầu nguyện.

3) Cái ách nghĩa là: trở thành dụng cụ của Chúa, Đấng dẫn dắt chúng ta bằng cái ách; là một cái ách tầm thường trong bàn tay của Chúa, Mẹ Marie de la Passion nói: “một chút nhỏ bé, dâng hiến chính mình hoàn toàn để Chúa hành động”. Một đời sống hèn mọn được thể hiện bởi tinh thần bên ngoài và sự khó nghèo bên trong.

4) Cái ách có nghĩa là: trở thành một tạo vật mới mang dấu ấn của Chúa Kitô trong đời sống của chúng ta bằng sự bình an và lòng nhân hậu của Thiên Chúa.

Thánh Phanxicô mang lấy cái ách và bước theo chân Chúa Giêsu Kitô được bàn tay Chúa dẫn dắt như đã thấy trong bức tranh.

Phanxicô lúc còn trẻ bước theo lời mời gọi mang lấy ách. Chúng ta không thấy gương mặt của anh, có thể anh mang lấy khuôn mặt của tất cả chúng ta, anh tượng trưng cho tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta đều được mời gọi mang lấy ách của Chúa Kitô như Thánh Phanxicô đã làm. Nếu chúng ta bước theo lời mời gọi này mang lấy ách của mình và để Chúa dẫn dắt, như lời Mẹ Marie de la Passion đã nói:  

Rất có thể chúng ta sẽ không được công bố là á thánh trên bàn thờ, nhưng nếu chúng ta trung thành, chúng ta sẽ được công bố là á thánh ở trên trời và như vậy là đủ cho chúng ta. Chúng ta hãy cố gắng để xứng đáng với niềm vui đời đời này."

DOÃN HẰNG, fmm chuyển ngữ