Tunisia - Diễn đàn Xã hội Thế giới tại Tunis
Từ ngày 26 đến ngày 30 tháng 3 năm 2013, các thành viên của Ủy Ban Dân Sự Xã Hội Thế Giới đã gặp nhau tại Diễn Đàn Xã Hội Thế Giới Lần Thứ XII ở Tunis. Diễn đàn có biểu ngữ mang tên “Nhân Phẩm” và câu khẩu hiệu “Một thế giới khác là điều có thể”.
Diễn đàn Xã Hội Thế Giới không những là nơi người ta có thể thảo luận các ý kiến một cách dân chủ, đưa ra những suy tư sâu sắc hơn, trao đổi kinh nghiệm, có cơ hội để nói về những các mạng lưới và phong trào xã hội, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác, mà còn có thể đưa ra những đề xuất trong lãnh vực xã hội dân sự. Diễn đàn này cũng là dịp để người ta biểu tình chống lại chủ nghĩa tân tự do và sự thống trị của hệ thống chủ nghĩa tư bản trên thế giới cũng như chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa đế quốc.
Điều tạo nên sự đặc trưng cho Diễn Đàn Xã Hội Thế Giới chính là tính đa nguyên và sự đa dạng của nó. Nó như một lời đề xuất việc tản quyền cho các mạng lưới hiệp hội và phong trào, đã cam kết để có những hành động cụ thể hướng tới việc xây dựng một thế giới khác với quan điểm chung về công bằng, hướng tới sự phát triển bền vững trong liên đới với tha nhân.
Vào thứ hai, ngày 25, vị Đại Diện Tông Tòa đã cử hành lễ khai mạc ở nhà thờ chánh tòa thánh Vinh Sơn Phaolô và thánh Olive. Lễ khai mạc của Diễn Đàn Xã Hội Thế Giới (WSF) đã diễn ra vào chiều ngày thứ Ba ngày 26 tháng 3, với cuộc diễu hành truyền thống mà tất cả những tham dự viên đều tham gia với tất cả sự đa dạng sắc tộc và văn hóa, và trong sự phong phú về tư tưởng và mục tiêu của họ.
Khoảng 30.000 người và 4500 tổ chức từ khắp nơi trên thế giới đã về tham dự WSF 2013 kéo dài bốn ngày. Về chương trình chúng tôi ghi nhận có những chủ đề khác nhau để thảo luận: việc di dân, sự tự do lưu thông của người và hàng hóa, và các vấn đề xung đột và hòa bình. Người ta cũng tìm thấy những vấn đề liên quan đến giới tính. Một số chủ đề đề cập đến các vấn nạn về quyền kinh tế và xã hội: quyền sử dụng nước và khử nhiễm, về nông nghiệp; việc cung cấp thực phẩm đầy đủ, việc xuống cấp và hủy hoại môi trường…
Vào ngày 27, diễn đàn đã thảo luận về những vấn đề mang tính cách mạng: các cuộc nổi dậy, nổi loạn, các cuộc chiến tranh dân sự và các cuộc biểu tình đã làm suy yếu hệ thống chính trị trong khu vực Maghreb, vai trò chính yếu của công bằng xã hội. Đây cũng là thời gian suy tư về tương lai của các cuộc cách mạng và các cuộc nổi dậy làm rung động cả khu vực và thế giới, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia hướng tới việc xây dựng một thế giới mới.
Vào ngày 29 và 30, hàng chục nhóm chia sẻ, thảo luận về các vấn đề trên đã được tự tổ chức bởi các mạng lưới, các phong trào và các tổ chức hiện diện, để cùng nhau xem xét và đề xuất những hành động cụ thể hướng tới việc xây dựng một thế giới mới như chúng ta mong muốn và ủng hộ. Ở thời điểm kết thúc đã có gần 1.000 các cuộc họp nhóm, hội nghị, hội thảo và gặp gỡ... Nhiều hoạt động bế mạc đã được tổ chức vào chiều ngày 30 tháng 3, như cuộc diễu hành trong tình liên đới với người dân Palestin như một phần của Ngày Trái Đất.
Trong diễn đàn này có sự tham gia rất năng động của các anh chị em Phan Sinh. Đoàn đại biểu gồm một OFM là điều phối viên của văn phòng JPIC ở Rôma, một OFM người Indonesia làm công việc mục vụ sinh thái Phan Sinh, một OFM trình bày bài nói chuyện về việc biến đổi khí hậu, một giáo dân trẻ đang làm việc với Tổ chức Phan Sinh Quốc Tế và một nữ tu Phan Sinh người Ấn Độ thuộc Hội Dòng Các Chị Em Học Viện Của Thánh Phanxicô. Trong nhóm có sáu chị em FMM, trong đó năm chị đến từ các Tỉnh Dòng Algeria - Libya - Tunisia và một chị đến từ Tỉnh Dòng Senegal.
Nói tóm lại, Diễn Đàn Xã Hội Thế Giới WSF năm 2013 chính là thời gian để trao đổi kinh nghiệm qua các hoạt động thực hiện trong các hội thảo, là thời gian để tranh luận các ý kiến và các lãnh vưc khác nhau, để đi đến thỏa thuận một cách dân chủ theo như khẩu hiệu “Một thế giới khác là điều có thể”. Tôi muốn biểu lộ tất cả niềm vui của tôi khi được là chính mình để tham gia vào diễn đàn. Nó đã mang đến cho tôi cơ hội để tiếp nhận các thông tin, để trở nên ý thức hơn và đặc biệt là thời điểm cùng nhau suy tư cách hỗ tương.
Tôi có thể nói rằng đây chính là cơ hội để củng cố lại những phân tích và các đề xuất đã được các phong trào xã hội khác nhau đưa ra, và củng cố lại thế mạnh vững chắc là chiến lược xây dựng lại xã hội, kinh tế và chính trị. Trong quan điểm này, đối với tôi hoạt động trong các mạng lưới là điều cần thiết không thể thiếu trong cuộc đấu tranh này, nếu như xã hội dân sự muốn trở thành một lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một thế giới mới.
Georgette NGOM, fmm / Mauritania-Senegal