Thư Cha Tổng Phục Vụ Ofm – Mừng Lễ Thánh Clara

Đại lễ mừng kính Mẹ Thánh Clara là một cơ hội giúp chúng ta suy tư về những vấn đề hiện nay, vốn là một thách đố thực sự đối với lối sống của chúng ta và việc bước theo Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

ĐẠI LỄ THÁNH NỮ CLARA 2020

Lá thư Tổng Phục Vụ Dòng Anh Em Hèn Mọn

CHÚA KHÔNG GIẢI THOÁT CHÚNG TA KHỎI LỊCH SỬ,

MÀ CỨU CHUỘC CHÚNG TA TỪ TRONG LỊCH SỬ

 

Chị Em Thanh Bần Clara thân mến,

Nguyện xin Chúa ban bình an cho các chị!

“Lạy Chúa là Thiên Chúa, này con đã bị bỏ mặc một mình ở đây”. Hẳn Chúa đã nghe tiếng kêu than thống thiết mà Mẹ Thánh Clara đã biểu lộ trong Đêm Vọng Đại Lễ Giáng Sinh năm 1252[1], khi thánh nữ không thể tham dự Đại Lễ Chúa Giáng Sinh cùng với chị em vì căn bệnh trầm trọng. Qua tiếng kêu than của thánh nữ, làm sao chúng ta không thể nhận ra tiếng than van của Chúa Giêsu khi Người chịu đau đớn trong Vườn Dầu? Làm sao chúng ta không nhận ra tiếng than van của rất nhiều anh chị em bị đe dọa vì Covid-19, khi lòng dạ con người đau buồn vì bị cách ly? Vào đêm hôm ấy, thánh nữ đã trải qua một nỗi cô đơn sâu xa: Thánh Phanxicô, người ở gần bên Thiên Chúa và là nguồn an ủi duy nhất của thánh nữ đã mất[2]; anh em xung đột với nhau; và thánh nữ một mình chống chọi với gánh nặng của bệnh tật. Thánh nữ trình bày sự cô đơn ấy cho Thiên Chúa và Người đã an ủi thánh nữ khi cho thánh nữ nghe được bài thánh ca mà anh em hát tại Vương Cung Thánh Đường Phanxicô.

Vì đại dịch Covid-19, một số cộng đoàn Chị Em Thanh Bần Clara buộc phải chấp nhận các biện pháp cách ly tối đa. Mỗi chị em phải ở trong phòng để hồi phục và tránh lây nhiễm, nên chị em không thể quy tụ trong ca cung hay tại nhà ăn. Đau đớn và buồn phiền biết bao! Các chị ấy nói với tôi rằng họ cảm thấy được an ủi khi theo dõi Đức Giáo Hoàng cử hành phụng vụ nhờ các máy thu thanh nhỏ, và việc nghe các bài giảng của người trở thành nền tảng của một lối sống giản lược vào những điều thiết yếu. “Đến giờ… anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình, nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy”[3].

Phải, Chúa không giải thoát chúng ta khỏi lịch sử, nhưng cứu chúng ta từ trong lịch sử[4]; Người không giải cứu chúng ta khỏi đại dịch Covid-19, nhưng cứu chúng ta trong đại dịch Covid-19; Người không giải thoát chúng ta khỏi sự cô đơn, nhưng cứu chúng ta khi chúng ta cô đơn; Người không giải thoát chúng ta khỏi sợ hãi, nhưng cứu chúng ta khi chúng ta sợ hãi.

Và khi cơn đại dịch bắt đầu xuất hiện, sự sợ hãi đã chẳng trở nên một phần trong cuộc sống hàng ngày và đồng hành với chúng ta sao? Sợ người khác, vì chúng ta phải bảo vệ bản thân; sợ sói dữ lẻn vào chuồng cừu; sợ sự dữ đang hoạt động trong  chúng ta; sợ truyền bệnh cho người khác; nỗi sợ hãi trở thành hoảng loạn, khi virút gây nguy hiểm cho tính mạng những người thân của chúng ta, và khi chúng ta bỗng thấy những triệu chứng báo động. Chúng ta run sợ, khi chứng kiến cái chết của Đấng Chịu Đóng Đinh nghèo khó, ngạt thở và trao phó thần khí trong tay Cha. Nếu virút corona làm cho chúng ta lung lay nghiêng ngả, ấy là vì thứ virút ấy tác động đến hơi thở thiết yếu bên trong chúng ta và hủy diệt hơi thở đó… Chị em sợ cách ly và sợ bị bỏ rơi khi phải giao phó chị em cho bệnh viện chăm sóc, khi chị em đã từng thấy chị em mình qua đời mà không có chị em bên cạnh.

Điều gây ấn tượng là thánh nữ Clara đã qua đời trong một bầu khí lạ lùng, dường như có sự hiện diện của thiên triều: Thánh nữ đã thấy Vua Vinh Hiển đến với mình[5], một chị em đã nhìn thấy đoàn trinh nữ đến gần giường bệnh thánh nữ và Đức Trinh Nữ cúi mình, dịu dàng đặt khuôn mặt của mình sát khuôn mặt của thánh nữ[6]. Thánh nữ thì thầm với linh hồn mình: “Hãy đi bình an, vì ngươi sẽ được nhiều người tháp tùng”[7]. Khi cánh cửa Các Thánh Thông Công được mở ra, làm sao người ta có thể chết một mình?

“Hỡi chị em và con cái của tôi, chị em đứng sợ; nếu Chúa ở với chúng ta, kẻ thù không thể hãm hại chúng ta. Chị em hãy tin tưởng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì Người sẽ giải thoát chúng ta”[8]. Sau nhiều tuần lễ sống với Covit trong đường hầm dài, có chị đã nói với tôi rằng người Mục Tử Nhân Lành đã giữ lời hứa này: “Không ai có thể giật chiên của Ta khỏi tay Ta”[9]. Họ tạ ơn Thiên Chúa vì chị em đã bày tỏ sự liên đới, vì chị em chu đáo cung cấp đầy đủ sự chăm sóc y tế, vì lời cầu nguyện miệt mài từ mọi phía, người trẻ cũng như người già, đã làm cho họ cảm thấy hạnh phúc đến nỗi họ có thể thoát khỏi bệnh tật.

Quả là điều không mấy thích thú khi đặt mình vào vị trí của người phong, kẻ mà người khác xa lánh. Tuy nhiên, khi người ta để mình được yêu trong tình huống ấy, thì sẽ xuất hiện hương thơm ngọt ngào biết bao; rồi không gian tiếp đón, hiệp thông và bác ái sẽ được mở rộng!

Vậy mà có một cộng đoàn khác đã quảng đại đáp ứng lời cầu khẩn của người nghèo đứng ngoài cửa, dù họ lo âu về những khó khăn tài chánh mà họ phải đương đầu khi bị cách ly. Họ lấy làm ngạc nhiên, vì các ân nhân cũng đến gõ cửa đan viện để đóng góp. Trong kinh nghiệm lâu đời và tuyệt vời, Giáo Hội có lý khi nài xin Chúa giải thoát nhân loại khỏi dịch bệnh, đói kém và chiến tranh”. Giáo Hội biết rằng cơn khủng hoảng y tế  đưa đến cơn khủng hoảng kinh tế, và cơn khủng hoảng kinh tế có thể đưa đến cuộc khủng hoảng xã hội. Thật vậy, nhiều chị em cũng quan tâm đến tương lai của những người thân yêu khi họ bị tác động bởi tình trạng thất nghiệp. Hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi tin tưởng vào Chúa Quan Phòng, vì cho đến nay Người đã không bỏ rơi chúng ta và sẽ không bỏ rơi chúng ta. Sống giản dị và tránh lãng phí, sống liên đới và nỗ lực làm những việc thiện mà chúng ta có thể làm.

Có lẽ sự kiện Covit-19 cũng sẽ là cơ hội để kiến tạo một thế giới mới, không còn đặt nền tảng trên mô hình thương mại và văn hóa theo xu hướng toàn cầu hóa, nhưng quay về với mô hình thương mại và văn hóa địa phương, gia đình và vùng miền[10]. Chúng ta không thể mơ tưởng một tầm nhìn mới về công việc, kinh doanh và kinh tế bao gồm nhiều khía cạnh hơn và đặt nền tảng trên sự liên đới, trong đó linh hồn và tính dễ bị tổn tương sẽ là nền móng phì nhiêu sao?

Chúng tôi hy vọng rằng chị em và lối sống khôn ngoan của chị em sẽ giúp chúng tôi dám xử lý cơn khủng hoảng ấy theo một cách mới mẻ. Trong thời kỳ cách ly, chúng tôi cũng đột ngột và bất ngờ bị bó buộc phải chấp nhận hạn chế không gian sinh hoạt và ở yên tại đó trong một thời gian dài giống như chị em. Điều đó hoàn toàn trái ngược với lối sống bình thường trong xã hội chúng ta, được mô tả như một xã hội mở rộng không gian (di chuyển, mạng xã hội, v.v…) và sống theo một nhịp điệu điên cuồng (“có ngay mọi thứ”, với vận tốc ngày càng nhanh hơn, v.v…). Qua kinh nghiệm đó, một số người chỉ ghi nhớ việc hạn chế sự tự do phát xuất từ sự kiện Covit-19, sự thách đố trong việc thấy mình phải đối diện với tình trạng nhàm chán, sự bạo lực trong các mối tương quan vì thiếu thông tin, tha thứ và chấp nhận người khác. Và chúng tôi nhận thấy sự phong phú nơi chứng tá của chị em: Dòng kín là một chiến trường nhỏ diễn ra nơi trung tâm của hành tinh, nơi mà chị em không dạy chúng tôi nhiều về việc fuga mundi như một hình thức xa lánh thế gian[11], nhưng dạy chúng tôi sống trong chiều sâu của không gian, thấu hiểu sắc thái của các giờ khác nhau trong ngày và thời hồng ân (Kairos) của Thiên Chúa, lời nói và sự thinh lặng nối tiếp nhau để kiến tạo mối tương quan hiệp thông, nhờ sự trợ giúp của Thần Khí. Đây là điều rất cảm động: Trong khi một số chị em lấy làm tiếc vì không thể tham dự Thánh Lễ, trung tâm của đời sống hàng ngày, họ đã chấp nhận hoàn cảnh ấy như một tiếng gọi thực hiện và củng cố “bí tích chị em”.

Bí tích ấy không chỉ làm cho anh Giêsu hiện diện, mà còn mang lại ơn cứu độ và sức khỏe, vì chúng ta đã nghiệm thấy rằng khi chúng ta chăm sóc cho chị em, chúng ta đang chăm sóc cho chính mình. Cũng vậy, khi chị em chúng ta chăm sóc cho người khác, họ đang chăm sóc cho chính mình.

Đan viện của chị em là nguồn cung cấp sự bình an, thanh thản, hy vọng và lòng thương xót cho những ai đang xông pha ngoài tiền tuyến. Trong sự bất lực mà chúng tôi trải nghiệm như các chị, vì chúng tôi không thể ra ngoài để trợ giúp người bệnh và kẻ túng thiếu, chúng tôi đã mạnh dạn cầu nguyện cùng với chị em để chuyển cầu cho người khác. Không chỉ cầu nguyện cho chúng ta hay những người cô đơn và ốm đau, nhưng chúng tôi còn cầu nguyện cho những người đang hy sinh sức khỏe và mạng sống để chăm sóc cho tha nhân.

Với mẹ thánh Clara, chị em hãy chăm chú nhìn ngắm Đấng Chịu Đóng Đinh Nghèo Khó, hãy lắng nghe tiếng Người đang kêu than: “Hỡi tất cả những ai qua đường, hãy nhìn và xem có ai đau đớn như tôi không”. Chúng ta hãy đồng thanh và một lòng đáp lời Đấng đang kêu than và khóc lóc: “Khi thường xuyên nhớ đến điều ấy, linh hồn tôi chìm đắm trong tôi”[12]. Ước chi lòng thương xót mà chị em có thể biểu lộ như lòng thương xót phát xuất từ trái tim của người mẹ, trở nên hương thơm ngào ngạt[13] có thể an ủi rất nhiều người đau buồn và bệnh tật, bằng cách ủng hộ các nhân viên y tế rất quảng đại và tận tụy, khích lệ các gia đình và sưởi ấm con tim của những người trẻ mà Chúa đang kêu gọi đi theo Người.

Thương xót là cùng đau khổ với người khác. Con virút nhỏ bé đã dạy chúng ta biết rằng tất cả chúng ta đều chung cảnh ngộ; nó tấn công người giàu và người nghèo, người quyền thế và kẻ thấp hèn, người công chính và kẻ tội lỗi mà không phân biệt. Khi liên đới với nhân loại đang đau khổ, chúng ta có thể kiên trì cầu nguyện mà hy vọng khi không còn gì để hy vọng: “Ơn phù trợ chúng con ở nơi Danh Chúa”[14]. Sự liên đới ấy biến đổi những ranh giới nhân loại để đón nhận mọi người, mọi sinh linh, ngõ hầu chúng ta có thể sống theo căn tính đích thật của mình là con người tương thuộc đang sống trong một ngôi nhà chung. Nhận thức ấy giúp chúng ta đảm nhận vai trò mà Thiên Chúa giao phó: Cổ võ nhân phẩm, bảo vệ cộng đồng nhân loại và môi sinh theo tinh thần Laudato Si’.

Trong năm nay, chúng ta kỷ niệm chứng tá của các anh em Phan Sinh tử đạo tiên khởi năm 1220, họ đã làm chứng bằng máu hồng. Như thánh nữ Clara, chúng ta đã chẳng được ban ơn tử đạo nhờ lòng kiên nhẫn chịu đựng[15], “cuộc thương khó kiên nhẫn”[16] sao? Cả hai loại tử đạo đều sinh hoa trái: Nếu Tertuliano đã nói rằng máu các thánh tử đạo là hạt giống sản sinh các Kitô hữu, thì công lao vất vả của lòng kiên nhẫn lại không phải là hạt giống sản sinh các Kitô hữu sao?

Chị Em Thanh Bần Clara rất thân mến, kính chúc chị em ngày Đại Lễ Thánh Clara hạnh phúc!

 

Roma, ngày 25 tháng Bảy năm 2020
Lễ Thánh Giacôbê Tông đồ

 

Tu sĩ Michael Anthony Perry, OFM

Tổng Phục Vụ và Tôi Tớ