Giới thiệu: Tám thế kỷ trước, cha Thánh Phanxicô đã đến Ai Cập để gặp “người khác”, người mà đối với Công Giáo Tây Phương bị xem là kẻ thù. Có phải cha thánh đã đến đó với những kế hoạch cho hòa bình? Không! Ngài đến với tầm nhìn của Thiên Chúa Đấng cự ngụ trong ngài: một Thiên Chúa yêu thương hết mọi người mà không tính toán so đo. Cha thánh đã đến Damietta, nơi có sông Nile, một con sông rất quan trọng đối với nhiều nước Châu Phi, con sông đổ về biển Địa Trung Hải. Còn dấu chỉ gì được lưu lại ở đó như một sự nhắc nhớ không? Không, không có gì cả! Dấu chỉ đã được khắc ghi trong trái tim của cha thánh Phanxicô và ngày nay vẫn còn đó trong tâm hồn của anh chị em Phan Sinh cũng như nhiều người khác.
Các con cái Cha Thánh ở Ai Cập và ở nơi Đất Thánh đã kỷ niệm dịp 800 năm trong một năm thánh với những sáng kiến của đôi bên Kitô Giáo và Hồi Giáo: một dịp lễ để chúng ta, con cái Cha Thánh tái thích ứng sứ điệp của Ngài cho hôm nay, và đối với nhiều người, một sự khích lệ đi ra để đến gặp gỡ người khác .
Anh chị em Phan Sinh ở Pháp, trong sự hợp tác với Ủy Ban quốc gia về Tương quan với Hồi giáo (SNRM - Hội đồng Giám mục Pháp), đã tổ chức một “chuyến đi học hỏi đến Ai Cập để gặp gỡ các Kitô hữu và tín hữu Hồi giáo ở đó”: đó là cuộc gặp gỡ giữa các anh chị em Phan Sinh, Đa Minh, các cộng đoàn Ki-tô giáo địa phương và Hồi Giáo, đặc biệt tại trường Đại học Al-Azhar nơi có các nhà nghiên cứu và các vị giáo sư.
Một cuộc gặp gỡ đã được sắp xếp với chị em FMM ở Cairo. Đó là thầy Dominique Joly, ofm, hướng dẫn nhóm hành hương Phan Sinh ở Pháp, tháng 12 năm 2018 thầy đã bày tỏ ước muốn gặp mặt huynh đệ đoàn của chúng tôi vào ngày 23 tháng 11 năm 2019. Huynh đệ đoàn đã trả lời cuộc gọi của thầy và cuộc đối thoại đôi bên bắt đầu bằng e-mail và điện thoại, với đại diện của nhóm là Sophie Grandet Munin.
Thời gian đã định cho cuộc gặp gỡ dường như còn rất xa... Nhưng ngày 23 tháng 11 năm 2019 đã đến rất nhanh với một bất ngờ: kênh truyền hình KTO sẽ đồng hành với nhóm để đưa tin tức. Chúng tôi đã thấy hơi lo ngại! Nhưng chúng tôi cũng đã đồng ý. Những trao đổi mới giữa đôi bên đã diễn ra để định rõ ai, làm gì và làm như thế nào... Đây là chương trình mà họ sẽ ghi hình với chúng tôi: những khoảnh khắc trong đời sống huynh đệ ở trung tâm de l'Arche [trung tâm Hòm Bia Giao Ước] được hướng dẫn bởi chị Germine, cuộc gặp gỡ với nhóm hành hương sẽ ở lại với chúng tôi, cuộc gặp gỡ với một phụ nữ Kitô Giáo bị khuyết tật thể lý trầm trọng nhưng chịu đựng với một đức tin mạnh mẽ, và được đồng hành bởi một phụ nữ Hồi Giáo, cũng như việc phỏng vấn chứng từ trong đời sống thường ngày với một người chị em trong huynh đệ đoàn.
Và ngày “D” đã đến! Chúng tôi cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công việc của nhóm KTO. Họ sẽ đưa tin dài 40 phút, phải làm đi làm lại việc ghi hình trong nhiều giờ. Từ hôm trước, cô Louise, một trong hai phóng viên ghi hình, đến gặp chúng tôi để xem trước địa điểm và trao đổi với chúng tôi. Ngày hôm sau, cô đến vào sáng sớm để quay phim giờ cầu nguyện và bữa sáng của cộng đoàn. Sau đó, cô đi với chị Germine đến trung tâm de l'Arche, tọa lạc trong một khu phố rất sôi động ở Cairo. Ở đó, cô Louise ghi hình các bạn trẻ, các Kitô Hữu và người Hồi Giáo, những người khuyết tật: họ sống với nhau làm sao? Họ làm gì cùng với nhau?
Trong nhà, chúng tôi chuẩn bị mọi thứ cần thiết để đón tiếp nhóm khoảng 40 người, mà không quên sót - theo truyền thống tiếp đón của người Phương Đông – là chuẩn bị cà phê, trà, đồ uống và những chiếc bánh cake nhỏ và các loại bánh ngọt! Vào đầu giờ chiều, hai phóng viên ghi hình đã sắp đặt những gì cần thiết cho cuộc phỏng vấn giữa nhà báo Stéphanie với chị Rosanna Marin. Chúng tôi chỉ vừa hoàn thành công việc chuẩn bị thì nhóm đến. Sắp xếp ngồi theo vòng tròn trong khu vườn của cộng đoàn, thế là cuộc phỏng vấn bắt đầu. Các thành viên của nhóm là những người làm việc trong Giáo Hội hoặc ngoài xã hội, nên họ biết những khó khăn trong mối tương quan giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo ở châu Âu. Họ đã đến gặp người Công Giáo và Hồi Giáo ở đây, tại Ai Cập, để biết thêm về họ và có lẽ, để dự tính cho những phương thức gặp gỡ mới tại đất nước của họ ở Châu Âu.
Và chúng tôi, chị em FMM ở Cairo, chúng tôi đã sống ngày 23 tháng 11 năm 2019 này như thế nào?
Đó là một ngày tuyệt vời của sự gặp gỡ: gặp gỡ với đội ngũ KTO và với nhóm hành hương. Trong những cuộc trao đổi tự phát, chúng tôi đã khám phá ra rằng nhiều người biết đến chị em của chúng ta ở Pháp, ở Maroc, ở Ấn Độ...
Một ngày đầy thách thức!
Làm thế nào để chúng tôi sống cuộc gặp gỡ với người khác? Chúng tôi không thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt, nhưng chúng tôi lại tiếp xúc gần gũi với nhau mỗi ngày: trên đường phố, trong khu chợ, trên tàu điện ngầm, tại nơi làm việc, trong bài ca của vị tu sĩ Hồi Giáo báo giờ cầu nguyện, trong môi trường văn hóa xung quanh chúng tôi...
Làm thế nào để biến “sự gặp gỡ đụng chạm bên ngoài” này trở nên một cuộc gặp gỡ tương giao thực sự?
Từ những cuộc gặp gỡ có tổ chức, đôi khi chúng tôi bằng lòng với ấn tượng là mọi thứ đều đơn giản và yên bình. Nhưng khi kinh nghiệm mối tương quan trong thực tế hàng ngày, chúng tôi thấy rằng nơi đó có ánh sáng nhưng cũng có nhiều thách thức, dường như mọi thứ có vẻ rất phức tạp và chúng tôi cảm thấy bất lực và bị choáng ngợp bởi công việc.
Làm thế nào để giữ được niềm hy vọng?
Chúng tôi đã quay lại với kinh nghiệm của cha thánh Phanxicô. Chính tầm nhìn của Thiên Chúa đã thúc đẩy Cha Thánh ra đi đến gặp gỡ với Quốc Vương Hồi Giáo. Hành động thiện ý của Ngài không giải quyết được vấn đề: Cuộc thập tự chinh vẫn diễn ra, những khó khăn trong quan hệ với Hồi giáo vẫn còn... Nhưng Ngài đã thể hiện một hành động thiện ý làm cho Nước Trời lớn lên. Còn tôi thì sao? Có tầm nhìn của Chúa ở trong tôi không? Mối tương quan của tôi với Ngài như thế nào? Liệu tầm nhìn của Chúa ở trong tôi có làm cho tôi có khả năng thể hiện những hành động thiện ý để làm cho Nước Trời lớn lên không? Có phải chúng luôn đem đến cho tôi niềm hy vọng, ngay cả khi tôi cảm thấy các tình cảnh vượt quá khả năng của mình, ngay cả khi dường như đối với tôi không có gì thay đổi và tôi không thể làm gì nhiều?
Lưu ý: Chương trình được phát sóng trên kênh KTO với tiêu đề là “Egypte, quel dialogue possible entre chrétiens et musulmans ?” [“Ai Cập, cuộc đối thoại nào có thể xảy ra giữa các Ki-tô hữu với tín hữu Hồi giáo?”], trong phần: “Hors les murs” [“Bên ngoài những bức tường”].
(https://www.youtube.com/watch?v=aMX67IGcdHg)
Rosanna Marin, FMM
Cộng đoàn Zamalek – Cairo