Tỉnh dòng Đài Loan - TÌM CHIÊN LẠC

Các bộ tộc thổ dân vẫn còn là một nhóm thiểu số chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội Đài Loan, mặc dù chính phủ đã có những nỗ lực rất lớn để cải thiện cuộc sống cho họ. Các giáo dân của chúng tôi thường phải vật lộn để vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống. Do đó, các việc thực hành đời sống đạo Kitô Giáo đang dần dần bị bỏ rơi...

Tỉnh dòng Đài Loan

TÌM CHIÊN LẠC

Đài Loan, nơi tôi đang thi hành sứ vụ, là một hòn đảo nhỏ nhưng rất phong phú trong những nền văn hoá đa dạng, như của những bộ lạc thổ dân ở các vùng khác nhau của hòn đảo. Đài Loan đã trải qua quá trình hiện đại hóa được 60 năm và đời sống xã hội khá gần với phong cách tây phương.

Chị em FMM chúng tôi sống trong giáo xứ Punun (tên của một bộ tộc) là một trong những bộ tộc thổ dân lớn nhất ở Đài Loan. Tộc Punun sống ở Tili, một ngôi làng nhỏ ở thung lũng quận Nantou, trung tâm của Đài Loan. Sự hiện diện đầu tiên của FMM nơi đây là vào năm 1967. Giáo hội Công giáo đã hiện diện nơi đây sau Đệ Nhị Thế Chiến. Thực tế, Tili đã thành một ngôi làng Kitô Giáo do các cộng đồng Công giáo và Tin Lành Cải Cách Presbyterian lãnh đạo. Bốn làng nhỏ còn lại quanh Tili cũng trải qua một tiến trình tương tự. Giáo xứ, bao gồm 5 chi nhánh, được xây dựng ở Tili từ năm 1957. Kitô Giáo đã hòa quyện vào trong nền văn hoá bản địa. Nhưng ngày nay, nền văn hoá phương Tây và sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã dần dần ảnh hưởng đến lối sống và các lựa chọn của họ, ảnh hưởng đến các lãnh vực khác nhau như kinh tế, giáo dục, tình trạng xã hội...

Nói chung, các bộ tộc thổ dân vẫn còn là một nhóm thiểu số chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội Đài Loan, mặc dù chính phủ đã có những nỗ lực rất lớn để cải thiện cuộc sống cho họ. Các giáo dân của chúng tôi thường phải vật lộn để vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống. Do đó, các việc thực hành đời sống đạo Kitô Giáo đang dần dần bị bỏ rơi: số người tham dự Thánh lễ Chúa Nhật giảm thiểu. Nhiều trẻ em không đi học giáo lý để chuẩn bị Rước Lễ Lần Đầu; một số thậm chí còn không được rửa tội.

Năm ngoái, Năm Thánh của Lòng Thương Xót, cộng đoàn chúng tôi đã cầu nguyện mỗi ngày với Kinh Năm Thánh. Điều này giúp gia tăng lòng nhiệt thành của chúng tôi để khuyến khích những người thờ ơ, nguội lạnh quay về với đời sống Kitô hữu. Tất cả chị em đã cố gắng tìm kiếm "con chiên lạc". Mặc dù bốn chị em chúng tôi có những công việc, khả năng, nền văn hoá và tuổi tác khác nhau, nhưng với niềm xác tín chung, chúng tôi rất hiệp nhất. Trong bữa ăn, chúng tôi luôn chia sẻ tin tức về các giáo dân, đặc biệt là những “con chiên lạc”. Tất cả chúng tôi đều thấy rằng việc thăm viếng các gia đình giáo dân là một trong những sứ vụ quan trọng nhất, mặc dù không phải lúc nào cũng hiệu quả. Ở vùng núi, giao thông rất khó khăn; bên cạnh đó, chỉ có một chị có thể lái xe hơi và xe máy. Vì vậy, chị em còn lại phải tự thu xếp việc đi lại.

Sr Martha, 94 tuổi, khá tự lập để sắp xếp việc thăm viếng những người bệnh liệt giường trong nhiều năm. Soeur chỉ cậy dựa vào Thiên Chúa hoặc đi bộ để thăm những người sống ở làng gần bên. Việc làm của Soeur thực sự đánh động nhiều người, cả những người Tin Lành Presbyterian; Sr thường được người khác giúp đưa đi và an toàn trở về nhà.

Sr Marie Helene, người đã ở đây hơn 30 năm, có một trí nhớ đáng nể về những người giáo dân. Vì vậy, chúng tôi có thể nắm bắt thông tin từ Soeur để hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của họ. Nhờ sự tươi vui và thân thiện của Soeur, những ai ít đến nhà thờ mà cần sự trợ giúp từ Giáo hội thường liên lạc với Sr!

Đối với người thổ dân, nghiện rượu thường là một vấn đề nhức nhối. Vì muốn cuộc sống bớt khổ, nhiều người Bunun uống rượu; từ đó gây ra các vấn đề nghiêm trọng khác về sức khoẻ hoặc hành vi của họ. Tôi biết việc đồng hành với những người nghiện rượu đòi hỏi phải được huấn luyện chuyên nghiệp, nhưng ở đây chúng tôi không thể phớt lờ những người đau khổ này. Năm ngoái, vào một dịp đặc biệt, tôi gặp anh S., một người đàn ông trẻ tuổi nghiện rượu. Anh ta vừa mãn hạn tù giam do việc thường xuyên lái xe trong tình trạng say rượu và nay đã quay về làng. Khi tôi gặp anh ta lần đầu tiên, trực giác đã báo cho tôi rằng anh ta sẽ chết sớm. Cá nhân tôi đã có nhiều kinh nghiệm cay đắng và cảm thấy hối tiếc vì thái độ của tôi đối với những người nghiện rượu, kể cả với chính người anh của mình đã bị gia đình tôi bỏ rơi. Đây là lý do đầu tiên khiến tôi đón nhận người này, mặc dù anh ta không Công giáo nhưng thực sự là con chiên lạc, thuộc về Chúa. Bây giờ, tôi vô cùng biết ơn Thiên Chúa, Đấng đã ban cho tôi cuộc gặp gỡ này và tôi cảm ơn cộng đoàn đã chấp nhận một số bất tiện một cách quảng đại.

Anh ta rất phiền hà! Anh ta hoàn toàn phớt lờ thời khóa biểu của chúng tôi và đến thăm tôi bất cứ lúc nào, mặc dù tôi đã từ chối một vài lần khi anh quá say. Đôi khi anh ta gọi điện thoại liên tục và làm tôi thấy bị quấy rầy... Tuy nhiên, tất cả sự kiên nhẫn của tôi dường như không phải là vô ích. Anh ta từ từ tin tưởng tôi và kể lại cuộc đời đau khổ cũng như thú nhận những lỗi lầm của mình... Tôi có thể thấy được nỗi đau trong lương tâm và sự thất vọng của anh S. về cuộc đời mình. Cuối cùng tôi đã hiểu lý do anh ta nghiện rượu. Tôi chỉ lắng nghe mà không lên án.

Nhưng thực ra tôi không biết làm thế nào để giúp và tôi đã băn khoăn liệu việc giới thiệu một chuyên gia cho anh có tốt hơn chăng! Cuối cùng, tôi xin một chuyên gia và một linh mục, cả hai vị đều khuyến khích tôi tiếp tục việc đồng hành này. Tôi hy vọng anh S. sẽ xưng tội và làm lại cuộc đời. Vào thời điểm đó, tôi không nghĩ rằng anh ta sẽ chết sớm. Khi trò chuyện, anh ta rất thường hỏi tôi: Soeur có thương con không? Ban đầu tôi phải giải thích cho anh ta nhiều lần về đời sống tu của tôi và loại tình thương nào tôi dành cho anh, bởi vì tôi lo lắng về những gì anh ta mong đợi ở tôi, mặc dù tuổi chúng tôi cách nhau khá xa.

Một lần khi cầu nguyện riêng, tôi suy ngẫm về điều đó và thừa nhận rằng tôi rất sợ rằng tôi có thể làm tổn thương S. và bản thân tôi sẽ gặp rắc rối. Khi đó, tôi nhớ lại một câu trong Kinh Năm Thánh: "Chúa ước cho các mục tử mang lấy thân phận yếu đuối để họ động lòng trắc ẩn đối với những ai mê muội và lầm lạc." Tại sao tôi lại do dự khi thương mến anh ta? Có phải sứ mệnh của tôi là làm cho anh ta cảm thấy được Chúa yêu mến và tha thứ? Sau đó tôi có thể trả lời: Vâng, tôi yêu mến anh. Điều đó làm anh cảm thấy hài lòng và khích lệ anh nhiều. Anh ta biết suy nghĩ hơn, nhưng chứng nghiện rượu thì không được cải thiện lắm.

Thật bất ngờ, anh S. đã đổi thái độ đối với tôi sau lần tâm sự đó. Dường như anh ta nghi ngờ sự quan tâm thương mến của tôi và cắt đứt liên lạc với tôi. Tôi đã phân vân không biết nên tôn trọng sự lựa chọn của S. hoặc đây là một thử thách khác cho tôi. Sau một tháng im lặng, tôi nghe tin anh ta nằm viện. Tôi cảm nhận cuộc đời của anh ta sẽ kéo dài không lâu. Tôi đã đi bước trước đến thăm nhà anh. Chúng tôi bắt đầu liên lạc lại nhưng không thường xuyên, vì bệnh tật của S. do rượu chè ngày càng tồi tệ hơn. Tôi đã đoán đúng! Anh S. đã sớm rời khỏi thế giới nhiều đau khổ. Nhưng tôi tự hỏi liệu những đau khổ của anh đã thực sự chấm dứt hay chưa? Tôi cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa đối với anh và tôi nhận ra cách nào đó anh đã sám hối, chẳng hạn như: anh ta đón nhận những lời cầu nguyện mà trước đây anh từ chối...

Lạy Chúa, con thực sự muốn học cách buông bỏ tất cả cảm xúc của mình !!! Sứ vụ của chúng tôi vẫn đang tiếp diễn. Tôi tin rằng qua việc phấn đấu như vậy chúng ta có thể hiểu được Chúa Giêsu yêu chúng ta như thế nào. Ngoài ra, tôi còn thấu hiểu rằng "Chỉ khi yêu ta mới có thể hiểu được tình yêu" (Marie de la Passion)

Clara Shoko Aoki, fmm.