Sứ Vụ Truyền Giáo

Trong những năm sống đời thừa sai bên Ấn Độ, đang khi khám phá ra những nền văn hóa mới, Mẹ Marie de la Passion đã thấm nhuần lòng trân trọng đối với kẻ khác mà Mẹ xem đó là các hình thức khác nhau của tình yêu. Mẹ đã vạch ra cho mình con đường nhờ những kinh nghiệm của đời sống thường nhật; đôi khi qua chiến đấu đau khổ, nhưng can đảm kiên cường và luôn luôn cậy trông phó thác. Trong tiến trình nội tâm này Thánh Thể hoạt động, thấm nhập, thống nhất trong Mẹ những yếu tố kết thành đoàn sủng của một Hội Dòng hiến thân cho việc truyền giáo phổ quát, đoàn sủng đặt trọng tâm vào Hy lễ và Thờ phượng Thánh Thể, nhằm làm cho Chúa Kitô hiện diện trước khi hoạt động tông đồ.

Từ những năm đầu mới thành lập, trong đau khổ và cầu nguyện, Mẹ đào sâu chiều kích thần học của sứ vụ phổ quát này, một sứ vụ đặt trọng tâm trong việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm cứu độ, và Mẹ tìm cách diễn tả “giới thiệu Chúa Giêsu trong tất cả, khắp mọi nơi và luôn luôn.” Mẹ đã hiểu về tất cả sự phong phú của từ “tất cả” bao hàm nhiều hoạt động ngoài lãnh vực chuyên môn, vượt mọi ranh giới địa dư. Còn từ “khắp nơi” và “luôn luôn” bảo đảm cho chị Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ ân huệ để sống hiến lễ trong mọi tình huống, mọi lứa tuổi, với tiếng gọi Phúc Âm Hóa từ bất cứ nơi nào.

Hội Dòng trong các thành phần của mình có thể làm mọi công tác bác ái từ thiện, thiêng liêng và thể lý (vật chất). Đó là một lời đáp trả cụ thể mà chị nữ tu có thể đưa ra trong bối cảnh của thời đại. Người ta mượn những lời sau đây để nói về Mẹ Marie de la Passion: “Chúng tôi là những người con đến sau trong Giáo Hội”. Sự thiếu chuyên môn có khi đặt thành vấn đề cho sự hiệu quả trên bình diện Hội Dòng, nhưng không làm bận tâm Mẹ Marie de la Passion. Mẹ nhận thấy đó như một phần của đặc tính Phan Sinh về hèn mọn, đàng khác một sự chứng tỏ chiều kích của sứ vụ truyền giáo hoàn vũ của Hội Dòng, là sẵn sàng cho đi tất cả...

Marie de la Passion viết: “Truyền giáo khắp nơi, có một ý nghĩa rộng hơn là ý nghĩa địa dư: đi khắp nơi có nghĩa là đón nhận những nguy hiểm tại các miền truyền giáo xa xôi nhất, tháp nhập vào những địa phương và những nền văn hóa chưa từng được biết đến, thoát khỏi mọi vấn đề chính trị, chấp nhận cách đơn sơ niềm vui Phan Sinh, tất cả những gì mà từ ‘khắp nơi’ có thể gợi lên là vất vả khó nhọc, như thế là đi vượt qua mọi biên giới trong một thế giới mà đối với FMM phải là không biên giới”.