Là FMM, chuyện « sai đi » đánh đông, dẹp tây không lạ ! FMM không giỏi như Gia cát Lượng bên Tàu, không siêu như Thánh Gióng bên ta… nhưng làm con cái của Marie de la Passion, chị em của Assunta và 7 chị Tử đạo, nên chung chung quăng vào đâu cũng quậy ra hồ, ra cháo !
Sau 5 tháng đến Châtelets, chưa kịp hiểu hết « tục lệ », « thói lề » của một cộng đoàn « kinh kỳ », tôi nhận thêm sứ vụ « không chuẩn bị dành cho tôi » ! Phụ trách nói : « Xin lỗi em… », « trách nhiệm truyền giáo của cộng đoàn… », « thay cho cả Tỉnh Dòng… », « quan trọng... », « em đã qua đào tạo, có bằng cấp… » ! Nhưng câu chốt cuối và phải hiểu câu chính là « … tìm người không ra ! ». Thì ra là không có ai !
Dạ ! Sao ? Việc gì ? À, làm tuyên úy của “Trung tâm vật lý trị liệu Châtelets”. Trước năm 2003 trung tâm này là cộng đoàn FMM Châtelets, có một nhà trị liệu. Sau khi bán xong, cộng đoàn dọn sang bên cạnh : Tập viện thời Mẹ sáng lập. Hiện nay, Trung tâm gồm 100 giường/ 87 phòng, 70 nhân viên y tế (bác sĩ, y tá, cán sự trị liệu, y công, nhà bếp etc). Nhà nguyện biến thành phòng tập trị liệu ! Không có phòng cho nơi phụng tự, các buổi chiều trong tuần, duy nhất một FMM được phép vào thăm các phòng bệnh, hoặc đưa Mình Thánh Chúa, tìm Cha giải tội, xức Dầu bệnh nhân, Chúa nhật được đến đẩy các xe lăn bệnh nhân qua nhà nguyện của cộng đoàn dự lễ !
Ừ thôi, sứ mệnh này quan trọng, nên được Sr Margarita, đang làm tuyên úy từ 5 năm, đã ở Pháp tròn 30 năm, nay xin sai về lại Tỉnh Dòng Đại Hàn. Chớp nhoáng chị ấy dẫn qua giới thiệu với ban Giám đốc, vài ban ngành, bàn giao …. Chớp nhoáng trình báo tên, tuổi, giấy tờ, lên Ban Đặc trách Mục Vụ của Giáo phận, Ban Đặc trách các Tuyên úy giáo phận. Chớp nhoáng viết thư cho Giám Mục.
Sr Margarita bay về quê hương soeur ấy ! Lúc bấy giờ vẫn còn bắt buộc mang khẩu trang, nên nhìn ai cũng qua màn mờ mờ của cặp mắt kiếng và khuôn xanh xanh của cái khẩu trang y tế ! Người Đại Hàn hay người Việt Nam đều có mắt bé (dù ta đây không hí nhưng vẫn bé hơn dân Tây !) hình như đa số nhân viên không phân biệt « soeur-tôi-này » với « Sr Margarita » ! Chiều chiều tôi rụt rè qua Trung tâm, nhè nhẹ gõ cửa phòng bệnh, tự giới thiệu “ nữ tu của cái nhà bên kia, xin được phép vào thăm, được không ạ!”. Người bằng lòng tiếp, người không tiếp, đó là số phận đương nhiên của một tuyên úy !
Hai tháng sau, nhận được Văn thư của Giám mục, Hợp đồng với Trung tâm, Ban Giám đốc trao cho tôi một bảng tên, trên đó ghi rõ ràng “Sr Goretti, Tuyên úy”. Vậy là rõ ràng, tôi đã có thẻ căn cước ! Vui quá, nay ai cũng biết mình tên gì, xem ra dễ dàng hơn ( đã nghĩ vậy) ! Hãnh diện ghê lắm, đeo vào, đi tơn tơn qua Trung tâm !
Ai dè, e hèm ! Bảng tên khá rõ nên nhận ra dễ dàng, thế là nhiều bệnh nhân chỉ cần nhìn thấy mình, đọc được chức danh thì lập tức từ chối trước khi nhận được lời chào. Lời từ chối chung chung là “ Cám ơn, tôi không cần tuyên úy” “ Gặp tuyên úy để làm gì vậy ?” “ Tôi không có đức tin” etc. Tuy nhiên, rất rất buồn cười, những bệnh nhân này vẫn theo dõi để xem “tuyên úy là ai, để làm cái gì”, rồi chính họ xin hẹn gặp để tôi đến nghe họ nói !
Điều này gợi cho tôi nhớ lại cái “thẻ căn cước” đầu tiên của mình năm 14 tuổi ( được Ba dẫn vào tận Ty cảnh sát, ưu tiên được chụp tấm hình rất đẹp, xúc động ký chữ ký non nớt lên tấm thẻ (đơn giản có thẻ căn cước để chứng tỏ mình hơi hơi lớn). Nhưng nhớ nhất là “Giấy chứng minh nhân dân” được cấp năm 1977: xem ra giấy này để chứng minh tôi là nhân dân của đất nước tôi, nguyên quán của … tổ tiên tôi, (không có nơi sinh) nhưng phải có nơi đăng ký hộ khẩu và dân tộc gì và tôn giáo gì. Ấy, chỗ này gây chú ý nè, thế là có khối người Viêt Nam thời ấy khai « không tôn giáo » !
Hồi đó, đi thi, đi xin việc, lật cái “Giấy chứng minh nhân dân” nhìn thấy Thiên Chúa giáo, thì lá đơn bay vèo vào dĩ vãng. Hồi này, bệnh nhân nhìn cái bảng cài trên áo, không cần biết tôi đến để NGHE để THĂM, họ từ chối trước cho an toàn !
Thế nhưng, có thẻ căn cước hay không, có bảng tên hay không, tôi vẫn là công dân của đất nước tôi, là FMM, là tuyên úy ! Sứ mệnh của tôi rõ rành rành, bệnh nhân quan sát, hỏi thăm nhau, tìm hiểu và … gọi tôi đến thăm họ. Tâm trạng dù vui hay buồn, khi bước vào một phòng bệnh, tôi bỏ ngoài cửa những băn khoăn, ưu tư cá nhân. Cầu nguyện thật thật nhiều, trước mặt họ tôi đơn giản phải là người mà Giáo hội và cộng đoàn gửi đến để NGHE những nỗi đau của họ, họ chỉ cần nơi trút ra cho nhẹ bớt. Họ là những “Anh Kitô”, tôi đón nhận họ, kín đáo,nhẹ nhàng, để chiều về thì chuyển cầu cho họ trước Thánh thể !
Căn tính là thế, có cần phô ra tờ giấy chứng minh không ? Căn tính phải được SỐNG, LÀ và PHẢI LÀ ! Nhưng dù sao, thẻ căn cước để nhắc mình ! ( có lẽ vì thế mà tôi vẫn thích thầy tu thì mặc áo cà sa ) ! Và tôi vẫn phải mang cái bảng tên vì đó là luật trong ngành!
Maria-Goretti Phương Lý, fmm