Úc – Một Sứ Mạng; Không Phải Một Công Việc

“Thiên Chúa là tình yêu. Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và làm thành dân của Người, ....”

Giới thiệu: Sr. Patricia Etoka đang truyền giáo ở Alice Springs, Trung Úc. Chị ghi lại một số mẩu chuyện hàng ngày về cách chị chia sẻ đức tin khi hỗ trợ người cao tuổi trong công việc của mình ở Anglicare (Viện Dưỡng Lão của Anh Giáo) - một tổ chức phi chính phủ (NGO) - được thành lập bởi giáo hội Anh Giáo.

Vào năm 2017, khi em hoàn tất Bằng Cử Nhân về Các Dịch Vụ Con Người và Cộng Đồng (Community and Human Services) – một nhánh của ngành Công tác Xã hội – em được sai đến Trung Úc, tại một thị trấn tên là Alice Springs. Alice Springs là thị trấn lớn thứ ba ở Trung Úc. Người thổ dân đã sống ở Alice Springs hàng chục ngàn năm. Giáo hội Công giáo được thành lập vào năm 1929. Tháng 1/1975, FMM đã đến Alice Springs. Đây là một thị trấn rất đa văn hóa bao gồm những người di cư từ các nơi khác nhau trên thế giới: Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ, Châu Phi và Thái Bình Dương.

Em khấn trọn ở Tỉnh Dòng Congo -Brazzaville năm 2009 và nhận bài sai sau đó. Trong 7 năm ở Sydney, em đã tham gia vào nhiều sứ vụ khác nhau với những nhóm di dân khác nhau, nhưng chưa có cơ hội làm việc với người dân địa phương. Ở Alice Springs, phần lớn là người địa phương (dân tộc bản địa). Em đã có kinh nghiệm làm việc đầu tiên ở Alice Springs trong công tác Bảo vệ Trẻ em, đây là một cơ hội tốt để biết về văn hóa thổ dân và làm việc cận kề với các gia đình này. Thật không may, em không có cơ hội để nói về Thiên Chúa hoặc Chúa Giêsu. Người thổ dân có đời sống tâm linh riêng, và nhận biết Chúa như một Vị Thần. Họ có ba Vị Thần giống như Chúa Ba Ngôi trong Giáo hội Công giáo.

Khi em kết thúc làm việc trong tổ chức Bảo vệ trẻ em, em đã xin một công việc làm nhân viên hỗ trợ gia đình. Cùng lúc đó, em tình nguyện làm việc với một tổ chức theo tôn giáo (Anglicare), trong chương trình ‘thăm viếng cộng đồng’, nghĩa là thăm viếng người neo đơn. Thăm viếng người lớn tuổi là niềm đam mê của em: em đã luôn luôn làm điều này khi ở Sydney. Cũng tổ chức này đã đề nghị cho em công việc làm người hỗ trợ cho những người cao niên. Ban đầu, em chấp nhận nó như một công việc tạm thời, sau đó niềm vui mà em trải nghiệm từ công việc đó đã làm em ngạc nhiên. Vì điều đó, em đã chấp nhận nó như một công việc lâu dài. Em đã tìm kiếm một công việc, nhưng em đã tìm được cả một sứ mạng.

Khi em hoàn thành bằng Cử nhân về Các Dịch vụ Con người và Cộng đồng, em cảm thấy như thể mình sẽ giải quyết được mọi vấn đề trong cộng đồng. Em đã được thu hút nhiều hơn cho việc thăng tiến phụ nữ và các bé gái. Thật ngạc nhiên khi em lại thấy mình dấn thân trong sứ vụ hướng nhiều hơn đến việc trao ban tình yêu, trao ban Chúa Giêsu cho người già. Niềm đam mê đã trở thành sứ mạng của em! Em sẽ chia sẻ với chị em một vài câu chuyện về cách em đem Chúa đến với những người mà mình phục vụ. Khi em bắt đầu làm việc ở Viện Anglicare, được biết rằng em có thể đề nghị với thân chủ để cầu nguyện theo các ý nguyện của họ. Em không chỉ giúp họ về nhu cầu thể lý hoặc vật chất, nhưng em cố gắng mang Chúa Giêsu đến nếu họ bắt đầu nói về Chúa. Nhưng đối diện với cuộc khủng hoảng trong Giáo hội về nạn lạm dụng tình dục (của Linh Mục và tu sĩ), nhiều người, thậm chí là Kitô hữu, công khai rằng họ vô thần.

Câu chuyện đầu tiên của em là về một thân chủ người Đức; ông tròn 91 tuổi vào năm 2019. Edgar vẫn mạnh khỏe, tự chăm lo cho chính mình, thậm chí làm vườn và lái xe. Ông mắc bệnh ung thư nhưng không muốn điều trị. Em có tương quan tốt đẹp với ông, nhưng ông không thích nói về Chúa. Một ngày nọ, ông kể rằng khi nhỏ, ông đã đến nhà thờ với mẹ vào dịp lễ Giáng sinh. Vì vậy, em hỏi liệu ông có mong muốn lãnh nhận Bí tích Rửa tội hay không; ông ấy từ chối và tức giận nên em liền đổi chủ đề. Sau vài tháng ông ấy nói rằng ông ấy sẽ ra đi sớm thôi. Em hỏi: “Ông sẽ đi đâu? Bởi vì đối với ông chỉ có hai nơi: thiên đàng (với Chúa) hoặc hỏa ngục (trong lửa), em đã cố gắng nói về Chúa một lần nữa. Nhưng ông nói: “Không, tôi không muốn”. Em hỏi: “Ông chọn xuống hỏa ngục à? Ông trả lời: “Đúng”! Vì thế, em chạy đến Chúa, xin ơn đức tin cho Edgar. Khi em đang tham dự Tu Nghị Tỉnh Dòng (2019), Edgar qua đời. Lúc trở lại, người quản lý cho biết Edgar đã đồng ý cho người đại diện Giáo hội Luther cầu nguyện cho mình. Em chưa bao giờ nói với người quản lý của mình về nội dung cuộc thảo luận với Edgar về Chúa. Em đã rất ngạc nhiên khi người quản lý nói rằng khi anh ấy đề nghị với Edgar về buổi cầu nguyện, Edgar nói: “Patricia đã chuẩn bị cho tôi về điều đó. Được, họ có thể cầu nguyện.” Thật là niềm vui lớn lao cho em khi ông ấy cầu nguyện trước khi trút hơi thở cuối cùng.

Một câu chuyện khác là về George, người Úc đến từ Sydney, 88 tuổi. Em trợ giúp vợ của ông; hai ông bà đều biết em là tu sĩ nhưng chưa bao giờ nói về Chúa. George có vẻ nghiêm nghị và không nói chuyện nhiều. Khi vợ ông nhập viện, George tiết lộ với em rằng ông bị lạm dụng tình dục khi mới học lớp 4 và đó là lý do tại sao ông không thích Giáo hội. Một lần khi em đến thăm George, ông nói với em rằng 4 người con trai của ông đã không nói chuyện với ông suốt 11 năm qua. Và khi em đi tĩnh tâm và dự Hội Nghị Tỉnh Dòng, em báo với ông ấy rằng mình sẽ đi vắng. Ông nhờ em đem tràng chuỗi của mẹ ông đi làm phép. Trước Giáng Sinh, khi em đến thăm, George đang xem tin tức về một người đàn ông bị cáo buộc vì giết vợ ngoại tình. Em hỏi George: “Liệu ông có làm vậy không? Ông trả lời: “Mẹ Maria sẽ không cho phép ông làm điều đó.”  Em rất vui vì George đã có lại đức tin. Bây giờ, khi em đến thăm, ông ấy cười rất tươi và luôn cho em kẹo hoặc trái cây để mang về.

Câu chuyện thứ ba là về Bill, người Mỹ. Ông ấy luôn buồn bã, và nói: “Tôi thích chị đến thăm vì luôn thấy nụ cười trên khuôn mặt chị.” Chúng em trò chuyện về các chủ đề khác nhau nhưng không phải về Thiên Chúa. Ông không lập gia đình, không có con và chỉ có một người chị đang sống ở Mỹ. Vài tháng trở lại đây, Bill đã bán chiếc xe của mình để trả nợ và luôn phàn nàn rằng lương hưu của ông không đủ để sống, vì phải trả tiền thuê cho căn hộ của mình. Một ngày nọ, em thu hết can đảm để giới thiệu với ông về Chúa. Em nói với ông rằng Chúa là một nhà bảo trợ, ông có thể nói chuyện với Ngài, và ông không cần phải đến nhà thờ. Từ đó em bắt đầu nói về Chúa. Một tuần trước Giáng sinh, khi em đến thăm ông và trò chuyện về Chúa như là Đấng quan phòng, ông cho em xem giấy chứng nhận Rửa tội được người chị gửi sang cùng với thiệp Giáng sinh. Ông được rửa tội vào năm 1956. Với sự đồng ý của ông, em đã tặng cho ông sách Tin Mừng và cầu nguyện cho ông.

Em rất biết ơn sự hỗ trợ mà em nhận được từ người quản lý của mình và cả nhóm. Tất cả đều là Kitô hữu thuộc các giáo phái khác nhau. Chúng em đoàn kết như anh chị em, với rất nhiều tình yêu, sự hỗ trợ, sự sẵn sàng, khiêm tốn, tôn trọng và thông tin tốt. Giống như cộng đoàn Phan Sinh vậy. Bên cạnh công việc đó, em còn dấn thân cho phụ nữ và thiếu nữ bị thiểu năng trí tuệ người thổ dân, với giới trẻ trong giáo xứ và cũng thường xuyên đến thăm những người cao niên trong giáo xứ.

Việc em mong muốn đưa những thân chủ của mình đến với Chúa nhắc nhở em về điều đầu tiên trong Hiến pháp: “Thiên Chúa là tình yêu. Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và làm thành dân của Người, ....” Điều đó cho thấy việc cứu rỗi các linh hồn quan trọng biết bao đối với mẹ Marie de la Passion.

Patricia Etoka, fmm