MỘT CUỘC ĐỜI TRUYỀN GIÁO ĐỂ LẠI ĐÀNG SAU NHỮNG DẤU CHÂN…

Sau hơn 30 năm hiện diện ở một trong những ngôi làng bản địa của Paraguay, chị em FMM đã đóng cửa cộng đoàn ở đây, bỏ lại phía sau miền truyền giáo thân thương này. Các chị đã làm điều này trong niềm vui vì đã dành trọn những năm tháng ở đó cho cuộc đấu tranh bảo vệ những vùng đất tổ tiên của người dân...

MỘT CUỘC ĐỜI TRUYỀN GIÁO ĐỂ LẠI ĐÀNG SAU NHỮNG DẤU CHÂN

Sau hơn 30 năm hiện diện ở một trong những ngôi làng bản địa của Paraguay, chị em FMM đã đóng cửa cộng đoàn ở đây, bỏ lại phía sau miền truyền giáo thân thương này. Các chị đã làm điều này trong niềm vui vì đã dành trọn những năm tháng ở đó cho cuộc đấu tranh bảo vệ những vùng đất tổ tiên của người dân và trong tâm tình biết ơn vị Thiên Chúa của những người nghèo, Ngài đã đồng hành và trợ lực cho những người con bé nhỏ của Ngài.

Vào năm 1987, giấc mơ của Sr María Correa bắt đầu được hoàn tất. Năm 1985, chị bắt đầu hành trình đi đến khu vực xung quanh ngôi làng nhỏ được gọi là TAVAI, gần khu định cư của người dân bản địa, cách thủ đô của đất nước 313 km. Sau đó, vào ngày 20 tháng 3 năm 1989, Hội đồng trung ương đã chấp nhận mở cộng đoàn tại đó với sự đồng ý của Đức giám mục giáo phận, Mgr. Felipe Santiago Benítez.

Vào thời điểm đó tình hình của các cộng đồng bản địa không được tốt lắm. Nhiều người trong số họ đã phải chạy loạn hoặc tản mác bởi cuộc xâm lược và tàn phá trong vùng đất của họ. Các chủ sở hữu nông trang lớn bắt đầu phá rừng để bán gỗ và sau đó tạo lập vùng đất rộng lớn nhiều hecta để trồng đậu nành. Theo cách đó, đất đai, văn hóa, tôn giáo của thổ dân bị xâm lược, cưỡng bức và triệt hạ v.v. Tình trạng tàn nhẫn này vẫn tiếp tục gia tăng cho đến ngày nay.

Đó là bối cảnh mà chị em đã đến để hiện diện cùng sống với họ. Mục đích là để giúp đỡ và đồng hành với những khó khăn hằng ngày của họ, ở với họ trong một thời gian dài đủ để tháp nhập vào đời sống của họ trong thái độ tôn trọng và hiệp nhất để khuyến khích việc tự quản lý trong nhiều khía cạnh khác nhau. Công việc gian nan và khó khăn vì cách họ xử lý cuộc sống và thực tế rất khác với chúng ta. Vì vậy, chính họ đã đưa ra những giới hạn về mức độ chúng tôi có thể đến gần và đồng hành cùng với họ, họ diễn đạt với chúng tôi như sau: “Lời khuyến cáo là hãy quan tâm đến quyền lợi và bảo vệ đất đai của chúng tôi nhưng chúng tôi không muốn nhận phép rửa tội và trường học của các vị”.

Trong thái độ này, suốt 32 năm hiện diện ở giữa những con người này, chúng tôi cùng đi với họ, tôn trọng nhịp điệu, thời gian, phong tục và cách thức của những người dân bản địa. Chúng tôi đồng hành với họ trong những đòi hỏi ban đầu để đấu tranh và cùng bước đi với họ, trên tất cả là để tư vấn về quyền lợi, an ninh và bảo vệ vùng đất tổ tiên của người bản địa. Sứ vụ tại những miền đất này mời gọi nhiều sự dâng hiến, kiên nhẫn, cởi mở và tôn trọng nơi từng mỗi FMM khi đến với những con người rất đặc biệt này.

Các chị em đã trải qua những thời khắc khó khăn, ở bên cạnh những người dân bản địa đau khổ này để bảo vệ vùng đất của họ. Khi nói đến mảnh đất, chúng tôi cũng nói về cuộc sống, văn hóa, tôn giáo, vũ trụ luận, các nghi lễ thánh thiêng v.v. Chúng tôi thậm chí gặp những mối đe dọa từ nhiều phía. Chúng tôi vật lộn bên cạnh họ, vì chính họ, vì sự tôn trọng và chủ quyền của họ, vượt qua núi non, thật là thách  đố!

Thậm chí cả trong đêm! Chúng tôi đã trải nghiệm ý nghĩa của việc sống trong một bầu khí dễ thở, đau khổ vì đói khát công lý cùng với họ. Và giữa tất cả mọi sự, hơn bao giờ hết chúng tôi cảm nhận sự hiện diện yêu thương của Chúa, Người chẳng bao giờ bỏ rơi chúng ta. Chúng tôi vẫn trung thành với cam kết của mình để đồng hành với người dân bản địa cho đến khi họ đạt được sự tự trị. Giá trị của làm việc nhóm vẫn được giữ ngay từ buổi ban đầu. Nhóm này lấy tên là Sứ vụ Mục Vụ Cho Người Bản Địa và luôn phối hợp làm việc với CONAPI (Ban Điều Phối Quốc Gia cho việc Mục Vụ giữa những người bản địa Paraguay) phụ thuộc vào CEP (Hội Đồng Giám Mục Paraguay).

Hôm nay chúng ta có thể nói: ‘nhiệm vụ đã hoàn thành’ đến mức có thể trong suốt thời gian này, với sự tất cả sự cống hiến và thiện ý. Mục tiêu ban đầu là để lấy lại và bảo vệ đất đai, các cuộc đấu tranh, quyền lợi, cuộc sống của họ cũng được đồng hành bởi các hoạt động phát triển khác trong những năm này vì lợi ích của người dân bản địa; Ví dụ: tăng cường sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nhỏ, phục hồi nguồn dược liệu tự nhiên là đặc trưng của những người bản địa, với việc đào tạo các nhà cổ võ cho việc bảo vệ sức khỏe. Ngoài ra còn có cuộc đấu tranh cho việc nhìn nhận chính thức các nhà lãnh đạo đại diện cho mỗi cộng đồng bản địa, vì điều này cho phép họ có một số lợi thế khi nói đến quyền lợi của người bản địa trước chính quyền Nhà nước. Điều này sau đó tiếp tục mang đến quá trình chính thức hóa việc thành lập một tư cách pháp nhân được đảm bảo để quản lý các cộng đồng này, được công nhận là một Hiệp hội bản địa, có tên là TEKOJA YMA JEHEHA PAVÉ, nghĩa là: những người sống chung với nhau trong hiệp nhất và liên đới.

Toàn bộ quá trình này bao gồm việc thực hiện khảo sát, đo lường, định vị và tài liệu pháp lý của các vùng đất tổ tiên dưới quyền sở hữu họ. Có 20.000 hecta thuộc quyền của 20 cộng đồng bản địa, 13 trong số đó với đội ngũ được hỗ trợ bởi tổ chức quốc tế MISEREOR ngay từ ban đầu, và 7 cộng đồng được hỗ trợ bởi các tổ chức phi chính phủ khác. Điều này được thực hiện với việc triển khai liên tục bản đồ địa chất để định vị chính xác nhất tọa độ địa lý thuộc quyền của những người bản địa, để lại hồ sơ lâu dài và tài liệu pháp lý cho tương lai như là cách để bảo vệ đất đai của họ. Cuối cùng, thật đáng giá để chỉ ra rằng khi chúng tôi bắt đầu sứ vụ cho người bản địa năm 1985 họ đã nói không với việc rửa tội và giáo dục trong trường học. Tuy nhiên đến năm 2001, chính họ đã bày tỏ nhu cầu được học đọc và viết.

Ngày nay, họ đã có một số trung tâm giáo dục căn bản với giáo viên là người bản địa và 2 trung tâm giáo dục trung cấp với các giáo viên từ bên ngoài với hệ thông giáo trình phù hợp cho văn hóa bản địa và ngôn ngữ mẹ đẻ của họ được Bộ Giáo Dục công nhận. Chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa vì thời điểm thích hợp mà Hội Dòng đã gởi chúng tôi đến để đáp trả những gì chúng ta được mời gọi, để giúp họ bảo vệ vùng đất của tổ tiên và bảo vệ chính họ.

Sứ vụ này được hoàn tất nhờ sự quảng đại của mỗi chị em FMM. Chúng tôi đã đặt tin tưởng vào Chúa, Người đồng hành và bước đi với những người con nhỏ bé nhất của Ngài, và chính Ngài sẽ tiếp tục gầy dựng đời sống của những người dân với nhiều đau khổ và bách hại này. Chúng tôi tin rằng chúng tôi đã làm phần của mình; giờ đây, tất cả những gì còn lại là trao phó cho Thiên Chúa, Người sẽ hoàn tất công việc của Người.

Blanca Alvarenga, fmm