ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI DI DÂN VÀ NHẬP CƯ VIỆT NAM

Đáp lại một trong những định hướng của Tổng Tu Nghị 2008, chị em FMM ở Đài Loan đã mời TD FMM Việt Nam gửi chị em đến Đài Loan để phục vụ người di dân và nhập cư Việt Nam. Và kết quả là, tôi đã đến Đài Loan vào năm 2009...

ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI DI DÂN VÀ NHẬP CƯ VIỆT NAM

Với tư cách là FMM trong sứ vụ truyền giáo phổ quát, chúng tôi có một lợi thế lớn là có thể đáp ứng những nhu cầu vượt ra ngoài nền văn hóa của chính mình. Chẳng hạn như Sr. Ngân Hoài, người Việt Nam đã được gửi sang Đài Loan vào năm 2009, đã học tiếng Hoa và hiện đang làm việc với những người lao động Việt Nam di dân tại Đài Loan, vào năm 2016 là 185.000 người. Dưới đây là những chia sẻ về kinh nghiệm của Sr. Anna.

Sau khi Đài Loan bắt đầu tuyển dụng lao động di dân, Hội nghị Vùng các Giám mục Trung Quốc ở Đài Loan đã gởi Thư Mục Vụ cho người giáo dân vào ngày 6/2/1989, yêu cầu các nhà tuyển dụng lao động nước ngoài "tìm ra một giải pháp cho vấn đề của những người lao động nước ngoài đang ngày càng trở nên nghiêm trọng" bằng cách xin mọi người "giúp đỡ một tay để những người lao động nước ngoài đang sống xa gia đình, giúp họ có được quyền hợp pháp để ở lại và làm việc tại Đài Loan và được hưởng một cuộc sống xứng đáng với phẩm giá con người và con Thiên Chúa."[1]

Đáp lại một trong những định hướng của Tổng Tu Nghị 2008, chị em FMM ở Đài Loan  sống "trong sự liên đới với những người đau khổ, nghèo đói, bị gạt ra ngoài lề xã hội, bị loại trừ: phụ nữ, trẻ em, người già, người di dân. Các chị em, Giáo hội, thế giới phải bảo vệ các thụ tạo, chăm sóc và bảo vệ sự sống"[2]. Kết quả của sự liên đới này là việc mời TD FMM Việt Nam gửi chị em đến Đài Loan để phục vụ người di dân và nhập cư Việt Nam.

Và kết quả là, tôi đã đến Đài Loan vào năm 2009, bắt đầu học tiếng Hoa tại giáo phận Hsinchu nơi mà tôi đã gặp nhiều nhà truyền giáo đến từ các vùng khác nhau trên thế giới. Điều này cho tôi kinh nghiệm được sống trong một Giáo hội hoàn vũ. Trong thời gian học tiếng Hoa, tôi đã dành những ngày Chúa nhật cuối tuần để phục vụ một cộng đoàn người Việt trong giáo phận. Đó là cơ hội cho tôi hiểu được hoàn cảnh của người di dân và nhập cư qua những chia sẻ của họ. Không lâu sau đó điều này đã trở nên rất thiết thực đối với tôi.

Tháng 10/2011, tôi bắt đầu làm việc tại Trung Tâm Phục Vụ Người Di Dân và Nhập cư (HMISC) của giáo phận Hsinchu như một nhân viên. Trung tâm này được thành lập vào năm 1997 để hỗ trợ những người di dân và nhập cư ở Đài Loan. Số người Lao Động Di Dân ở Đài Loan đang thay đổi một cách đáng kể. Theo thống kê của Bộ Lao động[3], số lao động di dân Việt Nam đã tăng nhiều trong 10 năm từ 2006 - 2016. Người lao động di dân Việt Nam ở Đài Loan phải đối mặt với những vấn đề như: phí tuyển dụng cao, ngôn ngữ và những rào cản văn hoá, việc bóc lột sức lao động, lạm dụng tình dục, lạm dụng thể xác hoặc tâm lý, bị trầm cảm, kiệt sức, tai nạn lao động, tình trạng sống bất hợp pháp, nạn buôn người, ngoại tình, mang thai, phá thai.

Chúng tôi phục vụ họ trong các lĩnh vực khác nhau, tùy thuộc vào trường hợp của họ. Khi học hỏi Thông điệp "LAUDATO SI", chúng tôi dành thời gian để suy nghĩ về vấn đề này: "Vì tất cả đều có sự liên quan lẫn nhau, nên việc quan tâm bảo vệ thiên nhiên không thể tương thích với chuyện hợp thức hóa việc phá thai. Làm thế nào để chúng ta có thể giáo dục cách thiết thực về tầm quan trọng của việc đón nhận người yếu đuối chung quanh chúng ta, cho dù điều đó làm cho chúng ta khó chịu hay không thể thực hành được, nếu chúng ta không bảo vệ được một bào thai, ngay cả khi sự hiện diện của bào thai đó tạo ra những khó khăn và bất lợi?"[4]

Chơi trò chơi với các trẻ em con của người nhập cư VN

Chúng tôi đã gặp thách đố trong trường hợp của một nữ công nhân sống bất hợp pháp đang mang thai và cô muốn giữ bào thai của mình bất chấp những vấn đề về tài chính. Cuối cùng, chị em chúng tôi trong tỉnh dòng đã trả tiền phạt và mua vé máy bay để cô ấy có thể trở về quê hương và sinh con một cách hạnh phúc. Cùng với lao động di dân Việt Nam, số người nhập cư Việt Nam cũng tăng lên từ năm 2006 - 2016. Theo thống kê của Bộ Nội vụ Cục Thống Kê Trung Quốc (Đài Loan)[5], người nhập cư Việt Nam chiếm số lớn trong các nước Đông Nam Á, sau Trung Hoa lục địa, Hồng Kông và Macao. Người nhập cư Việt Nam cũng phải đối mặt với những trở ngại khác nhau về ngôn ngữ và những rào cản văn hoá, thiếu hiểu biết về luật hôn nhân và thiếu kiến thức về các nguồn trợ cấp xã hội, trình độ về kinh tế xã hội thấp... Tôi đặc biệt quan tâm hơn đến những người di dân và nhập cư không phải là Công giáo, vì họ không có nhiều nguồn trợ giúp như những người Công giáo. Tôi đã từng đưa họ tới thăm viếng nhà chùa và giúp họ trình bày những nhu cầu của mình với các sư thầy; tìm một cố vấn tâm lý cho con cái của họ...

Nhìn lại sứ vụ của mình, tôi thấy rằng Chúa luôn ở với chúng tôi khi chúng tôi phục vụ dân của Người. Không phải ngẫu nhiên mà Chúa thường gửi "những thiên thần của Người" để giúp chúng tôi thực hiện kế hoạch của Người. Tôi nhớ một ngày khi tôi đi dạo dưới trời nóng; tôi đã gặp một người giáo dân quảng đại cho tôi đi nhờ xe để tôi có thể giúp đỡ những người bị giam giữ một cách thành công; những người khác đã chia sẻ của cải mình có cho những người di dân hoặc nhập cư đang có nhu cầu.

"Khi tôi phải đối mặt với khó khăn, phải bỏ đi những gì thân thuộc để ra đi đến nơi mà tôi không muốn đến... điều này có thể thật nghịch lý, lại là khoảnh khắc để tôi có thể mở cánh cửa của niềm hy vọng"[6]. Đó là những kinh nghiệm tôi có được trong sứ vụ của mình. Khi phục vụ người khác, chúng ta nhận được nhiều hơn cho chính mình: có thể là kiến thức, mối quan hệ, niềm vui, hạnh phúc, thậm chí thất bại. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta đã làm điều đó với Chúa và cho Chúa. Cùng với tình yêu của Chúa, sự quan tâm của chị em đã nâng đỡ tôi và cho tôi sức mạnh để thi hành sứ mạng của mình. Tôi cám ơn Chúa đã dùng tôi như khí cụ của Ngài trong thời điểm này.

Anna Ngân Hoài, fmm

 

[1] Trích từ http://www.catholic.org.tw/en/Document/documentquestion.html

[2] Trích Báo cáo của Sr. Suzanne Phillips tại TTN 2014, số 3.1.2

[3] Trích từ http://statdb.mol.gov.tw/statis/jspProxy.aspx?sys=220

[4] Trích Thông Điệp“Laudato Si” của ĐTC Phanxicô, số 120

[5] Trích từ http://statis.moi.gov.tw/micst/stmain.jsp?sys=100

[6] Trích thư số 2 của Sr Françoise Massy viết ngày 26/3/2017 tại Rome.