Linh đạo Phan sinh - một sự chọn lựa

Hiến Pháp (HP) của Dòng FMM đã khẳng định: “Chúng ta thể hiện ơn gọi của mình trong con đường Phan Sinh[3], bằng cách sống Phúc Âm giữa lòng thế giới, và bước theo Đức Kitô khiêm nhường, nghèo khó trong đơn sơ, bình an và vui tươi.” Linh đạo Phan Sinh luôn bàng bạc trong khắp luật sống của Dòng PSTSĐM, ngay trong lời khấn của từng chị em “Tôi hiến mình trọn vẹn cho Chúa Cha theo gương Mẹ Maria và Thánh Phanxicô.”

Linh đạo Phan sinh - một sự chọn lựa

Mary de la Passion
Nghị định quan trọng[1] của Toà Thánh đã ban hành cho Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ (PSTSĐM – FMM: Franciscan Missionaries of Mary) vào ngày 21 tháng 11 năm 1985, qua Thánh Bộ Phúc Âm Hoá Các Dân Tộc còn gọi là Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin. Trong Nghị định ghi: “Hội Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, có trụ sở chính tọa lạc tại Roma, do Mẹ Marie de la Passion thành lập ngày 6 tháng 1 năm 1877 và được nâng lên hàng Hội Dòng thuộc quyền Toà Thánh, do Nghị Định của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin ngày 12 tháng 8 năm 1885. Hội Dòng này là thành viên của Dòng Ba Thánh Phanxicô[2]

Những dòng trên phần nào xác định tinh thần của Vị Thánh Nghèo Assisi trong đời sống hiến dâng và phục vụ của các nữ tu PSTSĐM. Chính trong Hiến Pháp (HP) của Dòng đã khẳng định: “Chúng ta thể hiện ơn gọi của mình trong con đường Phan Sinh[3], bằng cách sống Phúc Âm giữa lòng thế giới, và bước theo Đức Kitô khiêm nhường, nghèo khó[4] trong đơn sơ, bình an và vui tươi[5].” Linh đạo Phan Sinh luôn bàng bạc trong khắp luật sống của Dòng PSTSĐM, ngay trong lời khấn của từng chị em “Tôi hiến mình trọn vẹn cho Chúa Cha theo gương Mẹ Maria và Thánh Phanxicô[6].”

Vậy cội rễ Phan Sinh của PSTSĐM phát xuất từ đâu và hình thành như thế nào? Điều gì đã mời gọi chị em chọn trở thành con cái Thánh Phanxicô Nghèo Khó? Làm thế nào để đào sâu và nhuần thấm tinh thần Phan Sinh? Mời gọi chúng ta hôm nay sống thế nào?

  1. Trực giác của Marie de la Passion

Từ lúc Dòng được thành lập, Marie de la Passion đã định hướng con đường đi cho Dòng, chọn lối sống theo tinh thần con thảo trong Hội Thánh. Chúng ta cùng ngược dòng thời gian, về lại với những quyết định, chọn lựa quan trọng đã làm nên sắc màu cho cuộc sống của hằng ngàn chị em PSTSĐM hôm qua, hôm nay và ngày mai.

  1. Ơn gọi trong Dòng thánh Clara: Trước lời mời gọi sống đời hiến dâng của Thiên Chúa, tâm hồn Hélène de Chappotin nhận thấy một ước muốn được chìm đắm trong tình yêu Thiên Chúa qua kinh nguyện chiêm niệm hơn là hoạt động. Dù thế, Hélène luôn tín thác vào sự hướng dẫn của Thiên Chúa qua các vị linh hướng, các ngài giới thiệu với Hélène một số Dòng đang hiện diện tại Nantes. Trong khi đó, tâm hồn Hélène từ lúc đọc được những cuốn sách truyện Thánh Phanxicô và “Những Bông Hoa Nhỏ”, luôn cảm thấy bị thu hút bởi đời sống đơn sơ và ơn gọi khó nghèo.

Đến năm 1860, Hélène de Chappotin 21 tuổi, chị đã chọn vào Dòng Clara nghèo khó tại Nantes, Dòng vừa đến thành lập tại đây.  Dù chưa bao giờ thấy bóng dáng của con cái vị Thánh Nghèo thành Assisi, khi vào Dòng chị cảm nhận những ngày được sống trong đan viện dường như đã lấp đầy nỗi khát khao sống tinh thần khó nghèo của chị. Chị như ngụp lặn trong bầu khí đơn sơ, vui tươi luôn bao quanh. Việc chiêm ngưỡng Chúa Giêsu Kitô khiêm nhường, nghèo khó, chịu đóng đinh theo tinh thần Phúc âm của Thánh Phanxicô và Thánh Clara đã thu hút chị cách sâu đậm. Trong chị, một khao khát được hiến dâng tình yêu cho Tình Yêu trong lòng Giáo Hội[7].

2. Thời gian trong Dòng Phạt Tạ: Vì muốn sống và yêu mến đức nghèo khó hơn những điều luật dòng đòi hỏi, Marie de la Passion đã dâng lời khấn đơn vào ngày 17 tháng 9 năm 1870. Có lần Mẹ đã viết: “Cho đến lúc này, chưa bao giờ tôi có thể nói: Dòng này thích hợp với tôi, dòng kia không thích hợp với tôi. Nhưng lúc ấy ơn gọi được xác định, ngoài sự cảm biết của tôi. Đức Nghèo chiếm hữu lòng tôi. Tôi trở thành con cái Thánh Phanxicô và không bao giờ thôi làm con cái của Ngài. Khi bị đẩy đưa một thời gian vào con đường khác và tiếng Chúa gọi trong lòng bị xao động, phá rối, không bao giờ tôi cầm lòng được một phút mà không xúc động nếu tai tôi nghe nói đến tên Dòng Chí Ái[8].”

Từ 1876 – 1877, khi rời Dòng Phạt Tạ, giữa bao ngả đường để chọn lựa, Mẹ và một số chị em muốn gia nhập Dòng Ba Phan Sinh vì khi rời Ấn Độ, Mẹ gặp các vị Tông Toà thuộc Dòng Ba Phan Sinh tại Giáo phận Tông Toà Coimbatour, các ngài đã tặng cho Mẹ cuốn Cẩm nang về Dòng Ba Phan Sinh[9].

3. Gặp gỡ cha Raphael d’ Aurillac: Khi Mẹ và hai Chị Marie de Sainte Véronique và Marie de Sainte Esprit đến Roma, muốn tìm gặp cha Tổng Phục Vụ Dòng Anh Em Hèn Mọn (TPV AEHM- OFM), nhưng một lần nữa, Chúa Quan Phòng sắp đặt Mẹ lại gặp cha Raphael và cha đã nhận làm vị linh hướng giúp đỡ Mẹ từ năm 1882 – 1904. Cha là người đã hướng dẫn Mẹ nhìn ra hình ảnh rõ nét của Thánh Phanxicô.

4. Một vài lý do khác mà Marie de la Passion nhận ra như là những dấu chỉ Chúa ban giúp Mẹ thêm xác tín vào sự chọn lựa linh đạo Phan Sinh cho Dòng Thừa Sai Đức Mẹ, đưa con thuyền của Hội Dòng cột chặt vào cây đại thụ Phan Sinh:

  • Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Léo XIII đã ban hành Thông điệp “Auspicato Concessum” vào ngày 17 tháng 9 năm 1882 (lễ thánh Phanxicô in Năm Dấu), nhân dịp sinh nhật 700 năm của Cha Thánh; Ngài giới thiệu về Dòng Phanxicô và mời gọi toàn thể Giáo Hội gia nhập Dòng Ba Phan Sinh để sống tinh thần từ bỏ của Phúc Âm. Đức Thánh Cha (ĐTC) nói rằng: Đây là ân huệ lớn lao cho thế giới, với sức mạnh của tinh thần Phan Sinh, Thiên Chúa có thể canh tân xã hội, đổi mới các tâm hồn… và các giá trị Phan sinh sẽ giúp hoán cải tinh thần thế tục. 
  • Đúng vào ngày ĐGH viết thông điệp (17/9/1882, lễ Thánh Phanxicô được in Năm Dấu) cũng là ngày Mẹ viết thư cho cha Raphael để xin gia nhập Dòng Ba Phan Sinh.
  • Marie de la Passion xin cha TPV Bernadino de Portogruaro, ba điều đều được cha chấp thuận:

+ Xin được gia nhập Dòng Ba Phan Sinh trong ngày kỷ niệm 700 năm sinh nhật Cha Thánh Phanxicô.

+ Xin được cha TPV và các cha Phanxicô hướng dẫn chị em, giúp chị em thấm nhuần linh đạo Phan Sinh; đồng thời xin cha Raphael tiếp tục làm linh hướng cho Mẹ.

+ Xin được giữ lại tên “Marie de la Passion” (Maria Hy Lễ của Chúa Giêsu chịu đóng đinh) khi gia nhập Dòng Ba Phan Sinh.

Ngày 4 tháng 10 năm 1882, Marie de la Passion và Marie de Ste Véronique chính thức gia nhập Dòng Ba Phan Sinh tại nhà nguyện Santo Bambino ở Aracoeli. Tuy nhiên, Mẹ vẫn còn một khao khát mà Mẹ hằng tha thiết, Mẹ đã mạnh dạn thưa cùng cha TPV, “xin cha đón nhận tất cả chị em của con hiện nay và tương lai vào gia đình Phan Sinh nữa…” Khi đó cha TPV đã nhân danh Thánh Phanxicô sẵn sàng nhận tất cả chị em hiện tại và tương lai. Ngài còn thêm: “Xin Chúa chúc lành cho tất cả các con[10].”

Điều mơ ước của Mẹ Marie de la Passion đã được Chúa Quan Phòng an bài, sắp xếp. Theo sự hướng dẫn của cha TPV, Mẹ đến gặp giáo quyền, được sự đồng thuận của các ngài và khuyên Mẹ nên viết thư trình ĐTC. Thư được đệ trình lên ĐGH Léo XIII qua trung gian cha Bernadino de Portogruaro, TPV Dòng AEHM lúc bấy giờ[11].”

Sau đó, ngày 19 tháng 11 năm 1882, ngày lễ nhớ Thánh Elisabeth de Hungary, Mẹ đã gởi cho chị em toàn Dòng một thư chung. Trong thư Mẹ kêu gọi, song vẫn luôn tôn trọng tự do của từng chị em: “… Cách đây hai mươi hai năm, Thiên Chúa khấng ban cho mẹ thấy vẻ đẹp của đức nghèo khó Phúc âm và sự đơn sơ của Thánh Phanxicô Assisi… Sở dĩ mẹ đã trì hoãn khá lâu trong việc chọn lựa một gia đình dòng tu là vì mẹ muốn tìm kiếm Thánh Ý Chúa cách chắc chắn rõ ràng hơn… Điều đã giúp mẹ mạnh dạn đi đến quyết định cuối cùng này là qua thông điệp của Đức Giáo Hoàng Léo XIII mời gọi toàn thế giới, các đấng chủ chăn cũng như các tín hữu gia nhập vào hàng ngũ của người Nghèo thành Assisi, vì lúc này hơn bao giờ hết, thế giới đang cần đến tinh thần bác ái và tinh thần từ bỏ Phúc âm để được đổi mới[12]

Trong kỳ tĩnh tâm ngày 24 tháng 8 năm 1882, Mẹ viết: “…Tôi càng tiến tới trong việc tập luyện tinh thần Phan Sinh, tôi càng nhận biết Thiên Chúa muốn tôi là một Phan Sinh. Thiên Chúa Quan Phòng thấy rõ lòng tôi luôn yêu mến đức vâng lời nên đã buột tôi đi theo một con đường mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Tôi đã từng muốn trở thành một nữ tu Dòng Thánh Clara Nghèo Khó, và bây giờ, sau hai mươi hai năm, với kinh nghiệm truyền giáo, trong tự do, không những tôi tự đặt mình bên chấn song sắt của con cái Thánh Clara mà còn phủ phục trước Thánh Phanxicô và các vị đại diện của Ngài để thưa: “Nầy con đây với tất cả chị em con…”. Ngày từng ngày tôi càng xác tín mãnh liệt hơn, đây quả thật là Thánh ý Chúa[13].”

Ngày 15 tháng 8 năm 1885, Mẹ Marie de la Passion nhận một sắc lệnh từ Toà Thánh ban phép Dòng Thừa sai Đức Mẹ đặt dưới sự hướng dẫn của Cha TPV Dòng AEHM với tên gọi Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ[14]. Sau khi Giáo Hội chính thức công nhận, cha TPV đã ra một chiếu thư ngày 30 tháng 8 năm 1885 chấp nhận hướng dẫn Dòng PSTSĐM[15]. Từ đó các BTTQ của Hội Dòng được các vị TPV hướng dẫn trực tiếp và Mẹ Sáng Lập đã chuyển đạt đến chị em trong cả Hội Dòng sứ điệp và tinh thần của Cha Thánh Phanxicô. Nền linh đạo Phan Sinh trở thành một trong những căn tính cốt yếu của Đoàn sủng Hội Dòng.

II. Linh Đạo Phan Sinh trong Đoàn sủng PSTSĐM

Đọc lại trang sử của Hội Dòng suốt những chặng đường từ thời Mẹ Sáng Lập đến về sau, căn tính Phan Sinh đã làm nên những nét nổi bật trong cuộc sống và sứ vụ của chị em PSTSĐM.

Những năm cuối thập niên 1950, thế giới đang còn phải tái thiết sau cuộc chiến tranh Thế giới lần II; trong lúc những cuộc nghiên cứu việc canh tân đời sống theo Tin Mừng trong Giáo Hội đã bắt đầu toả sáng và những nguồn tư liệu Phan sinh mới cũng đang được dần dần khai phá rất phong phú.

Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII kêu gọi Giáo Hội bước vào một cuộc canh tân cho phù hợp với thời đại, Ngài khai mở Công Đồng Vatican II năm 1962 và kết thúc vào năm 1965, bắt đầu một cuộc đổi mới tận căn với 16 Sắc lệnh được ban hành.

Trong đó Sắc lệnh Đức Ái Hoàn Hảo đã kêu gọi tất cả các Dòng tu triệu tập một Tổng Tu Nghị sau khi Công Đồng kết thúc, trở về với gợi hứng nguyên thủy của đấng sáng lập.

Trong cùng nhịp bước chung, Dòng PSTSĐM đã mở một Tổng Tu Nghị ngoại thường được tổ chức tại Roma năm 1966 do Mẹ Marie du saint Agnes chủ toạ đã nhấn mạnh đến mục đích riêng biệt của Hội Dòng: “Mẹ Sáng Lập đặt chúng ta vào trong gia đình Phan Sinh với sứ mạng chuyên biệt. Cha Thánh Phanxicô, khi chiêm ngắm về tình yêu sâu thẳm của Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc loài người, ngài khao khát biết bao được mang lấy mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa Kitô trên thân xác; ngài đã muốn hiến dâng trọn vẹn tình yêu cho Đức Kitô, noi gương Chúa Kitô khiêm hạ, đau khổ, chết vì sự khát khao các linh hồn[16].”

Tiếp đến, ba Tổng Tu Nghị 1972 – 1978 – 1984 – đưa ra những thay đổi cơ bản trong Hội Dòng theo hướng dẫn của Giáo Hội mong muốn. Mỗi kỳ Tổng Tu Nghị là những ngày chị em miệt mài trong suy nghĩ, kiếm tìm Ý Chúa sao cho những Nghị quyết của Dòng luôn theo sát với ước nguyện ban đầu của Đấng Sáng Lập, và ngày càng đào sâu hơn để ơn gọi Phan Sinh càng thêm tăng trưởng.

Tổng Tu Nghị 1972 – 1973 bắt đầu tiến trình viết lại Hiến Pháp theo mệnh lệnh của Công đồng Vatican II. Tổng Tu Nghị đã xác định rõ căn tính của PSTSĐM: “Là những phụ nữ Tin Mừng, như Thánh Phanxicô, chúng ta sống sự đơn sơ, bình an và vui tươi trong sứ mạng giữa lòng thế giới, nơi mà những cộng đoàn huynh đệ đặt trọng tâm vào sự hiện diện của Chúa Kitô ở giữa chúng ta trong Lời Chúa và Thánh Thể, là những dấu chỉ hữu hình về tình yêu của Thiên Chúa và sự hiện diện của Đức Kitô[17].”

Tổng Tu Nghị 1978 – 1979 ban hành Hiến Pháp mới được Giáo Hội phê chuẩn ngày 2 tháng 9 năm 1979. Trong đó, Hiến Pháp điều 5 đã khẳng định: “Chúng ta thể hiện ơn gọi của mình trong con đường Phan Sinh, bằng cách sống Phúc âm giữa lòng thế giới, và bước theo vết chân Chúa Kitô khiêm nhường, nghèo khó trong đơn sơ, bình an và vui tươi.”

Tổng Tu Nghị 1984, là giai đoạn cập nhật Hiến Pháp mà Bộ Giáo Luật (1983) yêu cầu cần có thêm phần Quy Tắc Bổ Túc. Một trong những quyết định quan trọng được TTN thêm vào nhằm giúp chị em đào sâu, thấm nhuần hơn linh đạo Phan Sinh: “Là những người của sự bình an vì công lý và hoà giải, chúng ta ưu tiên chọn sống nghèo khó vì một tình yêu lớn lao hơn.[18]

TTN 1990 tiếp tục đào sâu ơn gọi Phan Sinh trong thái độ hèn mọn và phục vụ theo gương Thầy Chí Thánh trong Tin mừng của Thánh Gioan. (Ga 13, 1-4).

Tiếp đến TTN 1996, những định hướng của TTN này nêu bật các khía cạnh của Đoàn sủng Phan Sinh: Như Thánh Phanxicô, chúng ta:

-          Sống công bằng như những người kiến tạo hoà bình.

-          Thái độ hoán cải thường hằng

-          Tích cực tham gia sự bất bạo động và sự hoà giải trong tinh thần hèn mọn

-          Đến với những anh chị em đang sống trong tình trạng bị loại trừ.

TTN 2002, Là dấu chỉ ngôn sứ trong tinh thần của Cha Thánh Phanxicô. Nếu Chị nhận biết ân huệ của Thiên Chúa…Từ đó chị em chọn chủ đề: “Những Phụ Nữ của Tin Mừng, làm sống lại các ân ban của Thiên Chúa cho một thế giới mới”

TTN 2008 với chủ đề “Là Phan Sinh, chúng ta được kêu gọi sống sự tự huỷ của Đức Kitô trong sự trung tín, sáng tạo và liên đới với thế giới khổ đau”. Điểm quy chiếu để triển khai chủ đề này là Kinh Thánh, Bút tích của Cha Thánh và Mẹ Sáng Lập.

TTN 2014 sắp tới, Hội Dòng lại tiếp tục đào sâu những thách đố mới trong thế giới hôm nay, để căn tính Phan Sinh ngày càng biểu tỏ sâu sắc hơn. “Như thánh Phanxicô, chiêm ngưỡng mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Giêsu để đáp trả tiếng kêu cứu của người nghèo và của hành tinh.”

 

III. Tương quan giữa Dòng FMM và OFM

Từ năm 1883, Mẹ Marie de la Passion mong muốn Hội Dòng trở thành Phan Sinh thực thụ, nên ngỏ ý với cha Raphael, Mẹ muốn gia đình nhỏ này được hưởng đặc ân Năm Dấu Thánh và Mẹ đã xin ĐTC ban cho Dòng ân huệ này [19]. Với đặc ân các Dấu Thánh, Bề Trên Tổng Quyền (BTTQ) của Dòng được cha TPV AEHM trực tiếp hướng dẫn, nhờ đó tinh thần Phanxicô sẽ lớn lên trong Dòng. Cha TPV là người có nhiều trọng trách, nên ngài sẽ đặt một cha đại diện ngài ở một tu viện Dòng AEHM nào đó thay thế ngài hướng dẫn BTTQ. Vị đó sẽ là người khôn ngoan, thận trọng để BTTQ được soi sáng trong các vấn đề của Dòng, vì thế khi có vấn đề gì chị em có thể trực tiếp xin ý kiến cha TPV nhờ đặc ân này. Hơn nữa là một Hội dòng Thừa Sai đi đến các miền truyền giáo xa xôi, Mẹ muốn chị em được các cha Phanxicô đến dâng thánh lễ, giúp giải tội, giảng tĩnh tâm, v.v…

Những mối tương quan giữa chị em và Dòng Phanxicô từ đó được tiếp nối … Các Vị TPV luôn giúp chị em trong nhiều quyết định lớn liên quan đến toàn Hội Dòng. Thời Mẹ Maie de St. Marguerite làm BTTQ, TTN được tổ chức năm 1956, bình thường TTN tiếp theo sẽ vào năm 1962, nhưng Mẹ thấy sức khoẻ không được tốt, cần chuyển giao trách nhiệm cho một chị em khác nên đến xin ý kiến cha TPV AEHM, cha đồng ý và TTN đã được tiến hành năm 1960 để bầu Mẹ Marie du Sacré Coeur là BTTQ mới cho Hội Dòng. Như thế, các Ngài không là người giải quyết vấn đề nhưng là người tư vấn giúp cho chị em có những quyết định quan trọng.

Một ví dụ khác liên quan đến Việt Nam (VN), sau 1975 Tỉnh Dòng FMM VN không liên lạc được với Trung Ương, có nhiều khó khăn nên vấn đề đặt ra là ai có quyền quyết định cho những người trẻ tuyên khấn? Lúc đó BTTQ Alma Dufault đã đến xin ý kiến cha TPV để giải quyết vấn đề này.

Hoặc để có thể bổ túc một điều trong Hiến Pháp (HP)  Dòng, hoặc nhiều vấn đề quan trọng khác, chị em luôn đến xin ý kiến cha TPV đế có sự cố vấn, hướng dẫn trực tiếp của Ngài.

Trong HP điều 172 có một đoạn liên quan đến việc bầu cử BTTQ của Hội Dòng: “Cha TPV Dòng AEHM chủ toạ cuộc bầu cử BTTQ; BTTQ chủ toạ cuộc bầu cử các tổng cố vấn”. Chúng ta biết rằng, không có một Dòng Phan Sinh nào đưa vào HP những điều liên quan trực tiếp đến cha TPV Dòng Phanxicô như thế; và theo HP của PSTSĐM, việc bầu cử BTTQ sẽ không có hiệu lực nếu không có sự hiện diện của cha TPV. Trong thực tế, Ngài không chỉ hiện diện trong buổi bầu cử mà thôi, Ngài luôn đến đó trước 2 hoặc 3 ngày, để dâng thánh lễ, cùng cầu nguyện chia sẻ với chị em, giúp chị em trong một số đề tài, đơn sơ tham gia các sinh hoạt đời sống với các chị đại biểu của TTN và sẵn sàng lắng nghe chị em khi các chị cần gặp Ngài để xin ý kiến.

Sau khi chị em đã bầu phiếu, chỉ mình cha TPV được hiện diện với hai chị có trách nhiệm kiểm phiếu, còn tất cả chị em ngay cả BTTQ cũng không được ở đó. Giây phút sau kiểm phiếu là giây phút cảm động nhất vì ai cũng đang nóng lòng chờ đợi kết quả cho biết BTTQ mới. Chính cha TPV là người công bố kết quả bầu cử, tất cả chị em hân hoan vỗ tay reo mừng. Chị trúng cử sẽ tiến lên và quỳ xuống trước mặt cha TPV và Ngài đặt câu hỏi cho chị: “Con có sẵn sàng đón nhận sứ vụ này không?” Khi vị BTTQ mới trả lời xong, Ngài chúc lành cho vị Tân BTTQ. Chị em nhìn thấy đó như chính Cha Thánh Phanxicô chúc lành cho BTTQ mới của Dòng. Chiếc nhẫn BTTQ từ thời Mẹ Sáng Lập truyền lại cho các BTTQ được đặt gần đó, sau khi chúc lành Ngài là người đeo nhẫn BTTQ cho BTTQ mới và chị chính thức nhận nhiệm vụ đối với Hội Dòng.

Sau đó chị em tiến lên chào BTTQ mới và cũng chào cha TPV, Ngài chúc lành cho từng chị em. Đó là mối thân tình mà đặc ân Năm Dấu Thánh đem lại cho Dòng PSTSĐM trong số các Dòng Phan Sinh.

Tương quan thân thiết đó hôm nay vẫn tiếp nối và còn biểu lộ bằng nhiều cách khác nữa. Mỗi năm ít nhất là 3 đến 4 lần cha TPV và Ban TCV của ngài gặp gỡ BTTQ và các chị TCV của PSTSĐM để chia sẻ, cầu nguyện chung, có thể cùng học hỏi một chủ đề nào đó, cùng nghiên cứu trao đổi với nhau và có bữa cơm chung, lần bên nhà PSTSĐM, lần bên nhà AEHM. “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau.” (TV 133, 1)

Viết theo tài liệu “Về Nguồn của FMM”

Maria, fmm.


[1] Nghị định  - Prot. 5149/85

[2] Hiến Pháp Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ tr. 7

[3] Hiến Pháp Cũ (C) 2.3

[4] 1 L 9,1

[5] Hiến Pháp Dòng PSTSĐM, đ. 5

[6] Hiến Pháp Dòng PSTSĐM, đ. 88

[7] Trích bài chia sẻ của Marie Thérèse de Maleissye

[8] Lm. Antôn Trần Phổ (ofm), Marie de la Passion, Đấng Sáng lập Dòng PSTSĐM, tr. 42

[9] Tài liệu Về Nguồn của Hội Dòng FMM

[10] Bút Ký của Marie de la Passion, tr. 36

[11] Bút Ký Marie de la Passion, tr. 41. Thư này được đệ trình lên ĐTC Léo XIII vào ngày 15/10/1882.

[12] Bút Ký của Marie de la Passion, tr. 41

[13] Bút Ký của Marie de la Passion, tr. 30

[14] Bút Ký của Marie de la Passion tr. 165.

[15] Bút Ký của Marie de la Passion tr. 166

[16] Bản thuyết trình ngày 22 tháng 5 năm 1966 của Mẹ Marie du saint Agnes, BTTQ

[17] Tài liệu TTN 1972, tr. 15

[18] Hiến Pháp (1984) đ. 50

[19] Ngày 16/5/1856, ĐTC Piô IX đã ban đặc ân này cho dòng các nữ tử của Cha Thánh Phanxicô Năm Dấu, gọi là Stigmatine Sisters được thành lập tại Ý, mục đích chăm sóc các trẻ em nghèo.