Đời Sống Nội Tâm của Mẹ Marie de la Passion - Phần III

Mẹ là người hoàn toàn năng động. Làm và thực hiện, đó là ước mơ của Mẹ. Mẹ đặt giá trị của một người nơi cái làm chứ không nơi sự hiểu biết, nói hay nghĩ. Mẹ rất ưa thích lời của Thánh Phanxicô thành Sales : “Điều Chúa Giêsu yêu thích là ít lời nói, ít những suy tư và nhiều hành động.”

 

Đời Sống Nội Tâm của Mẹ Marie de la Passion

Giám Mục NOEL GUBBES

Chuyển ngữ : Elisabeth Trần Thị Quỳnh Giao, fmm

III. CÒN VĨ ĐẠI HƠN NỮA BỞI VIỆC THÀNH LẬP HỘI DÒNG TRONG GIÁO HỘI.

Giờ đây chúng ta đến điểm thứ ba, điểm làm cho Mẹ của chị em thật là một người vĩ đại qua việc thành lập Hội Dòng các Nữ Tu Phan Sinh, Thừa Sai Đức Mẹ, những người Thờ Phượng Thánh Thể và Hy lễ.

Ngày kia, tôi hỏi Mẹ Marie Jehanne d’Arc, trước kia là thư ký và củng là người tâm tình của vị Sáng lập, điểm trọng tâm và chính yếu của Mẹ Marie de la Passion khi thành lập Hội Dòng là gì ? Và lập tức, không cần suy nghĩ và do dự, Mẹ Jehanne d’Arc đã trả lời tôi : “là thành lập một Hội dòng Hy Lễ cho Giáo Hội và các linh hồn”

Đúng vậy, theo ý muốn của Thiên Chúa, đó là con đường đặc thù của Vị sáng Lập, được mạc khải cách lạ lùng cho Mẹ, ngay từ ngày đầu tiên bước chân vào Dòng Clara.

Và đó cũng là cuộc sống mà Mẹ để lại cho con cái của người. Đây không phải là lúc liệt kê lại lịch sử quan phòng của việc thành lập Hội Dòng của các chị. Và mẹ hiên ngang tuyên bố rằng: “Hội dòng không phải là công trình của tôi mà là công trình của Thiên Chúa” Và mẹ nói đúng.

Đặt nền tảng trên thập giá, và lớn lên trong thử thách gian nan, Hội Dòng được chúc lành do Thiên Chúa đã nhanh chóng toả lan trên hầu hết các bến bờ của đất nước. Bàn tay của Thiên Chúa đang ở đó. Các chị hãy vui mừng hoan hỉ, với lòng biết ơn sâu xa. Và nên nhớ rằng, bao lâu các chị trung thành ở trong tinh thần mà Vị Sáng lập đã gieo mầm cho các chị, thì sự chúc lành của Chúa và hoa trái dồi dào chắc chắn sẽ theo các chị.

Như tôi đã nói với các chị, ơn gọi của các chị bao gồm 6 điểm. Các chị là những :

1.        Nữ tu ;

2.        Phan sinh;

3.        Thừa sai;

4.        Của Mẹ Maria;

5.        Những người thờ phượng Thánh Thể;

6.        Làm Hy lễ.

Mỗi điểm trên đã được giải thích rất rõ ràng thời Tập viện của các chị. Nhưng điểm cuối cùng là điểm cơ bản, là dấu ấn riêng biệt và là lẽ sống của Hội dòng của các chị. Chịu đau khổ với Chúa Giêsu cho các linh hồn, chịu đóng đinh cùng với Ngài, đó là ơn gọi của các chị. Qua Hội dòng của các chị, Chúa Giêsu đã muốn biến đời sống hy lễ thành một ơn gọi thường xuyên trong Giáo Hội. Sự nghiệp đặc thù của các chị là làm hy lễ, nghĩa là chịu đựng cách kiên trì những thập giá nhỏ bé, kết hiệp cùng với Chúa Giêsu chịu đau khổ, biết rằng Ngài yêu thương các chị. Đến lượt các chị, các chị cũng phải yêu thương Ngài, ngay cả trong đau khổ, tận hưởng sựu hiện diện của Ngài trong tâm hồn các chị, làm việc và hoạt động cho Ngài, sống từ bỏ vì Ngài, chết với Ngài, cho Ngài và cho các linh hồn. Ngài muốn dùng các chị như một nhân loại mới. Ngài đã nhập thể trong lòng Đức Mẹ, đã nhận lãnh từ nơi Mẹ thân xác nhân loại mà Ngài đã tự hiến dâng, tự nộp mình đến chết và chết trên thập giá. Các chị cũng vậy, hỡi những linh hồn thiện chí, các chị được mời gọi tự hiến mình cho Chúa Giêsu, hồn lẫn xác, để phục vụ và đau khổ với Ngài cho Gíao Hội và cho sự cứu rỗi con người. Đó là ơn gọi đặc thù của các chị. Các chị không thể nhớ hết mọi sự, nhưng xin các chị hãy biết rằng, ơn gọi của các chị thật cao cả và Chúa Giêsu muốn các chị giữ một vai trò cơ bản trong Gíao Hội, một vai trò thiết yếu mà Ngài chỉ đòi hỏi một số ít người.

Các chị là hy lễ đặc biệt cho hàng giáo sĩ, cho những linh hồn, các chị phải hướng dẫn người khác và có nhiệm vụ đem Chúa Giêsu cho người khác. Đó là dấu ấn đặc biệt của phẩm chất của ơn gọi hy lễ của các chị : các chị phải là những nhân tố của hàng giáo sĩ sốt sắng trong Giáo Hội. Các chị là những tâm hồn tận hiến cho Thiên Chúa, như Đức Mẹ, sự trinh trong của Người đã đem nhiều hoa trái. Mẹ đã trở nên Mẹ Thiên Chúa và trao ban Chúa Giêsu. Mẹ cũng muốn chị em là những trung gian lan toả và đem Chúa Giêsu đến cho người khác. Mẹ đã là Nữ Phan Sinh Thừa Sai đầu tiên, vì Mẹ đã yêu thương Ngài trong tận đáy lòng mình, Mẹ đã sống và làm việc cho và với Người và Mẹ cũng đã tự hiến với Ngài trên núi Calvê.

Như vậy, hai điểm mạnh của ơn gọi các chị : bên ngoài, tính thừa sai của các chị- làm việc và hoạt động liên lỉ - với và cho Chúa Giêsu ; bên trong, với tư cách Hy lễ, các chị tự nộp mình cho Chúa Giêsu hoàn toàn, không do dự, và làm như vậy, trong tinh thần phan sinh là vui tươi, tin tưởng, phó thác và luôn yên nghỉ trong Chúa.

Đó là con đường mà vị Sáng Lập của các chị đã đi. Hai nhân đức mà Mẹ đã sống một cách anh hùng là vâng phục hoàn toàn và triệt để, và lòng trinh trong trong tâm hồn và con tim. Đó cũng là những đức tính của các thiên thần, nghĩa là những người được Thiên Chúa sai đến, những vị thừa sai.

Vị thánh mà vị sáng Lập của các chị giống nhiều nhất và cũng là vị mà Mẹ thường nhắc đến hầu như qua nhiều trang sách của cuộc sống nội tâm của mình là Thánh nữ Têrêxa Thành Avila. Vị thánh nầy có tiếng với các nhà mà thánh nhân đã thành lập và những bút tích thiêng liêng của mình, như chính Mẹ Marie de la Passion vậy. Có một tiểu sử của Thánh Têrêxa do môt vị hàn lâm người Pháp viết, tôi không nhớ tên, một tiểu sử nói về cuộc đời tuyệt diệu nhờ một phân tích tâm lý sâu sắc và rất chi tiết về thánh nhân. Trong những trang đó, có nhiều trang có thế áp dụng cho Mẹ Marie de la Passion hầu như từng chữ. Cũng cùng một tâm hồn cao cả, cùng một sự chiếm đoạt của Thiên Chúa, cùng những công trình với những mệt nhọc khó khăn ; những đau khổ thể lý và thần bí tương tự, cùng một trạng thái hy lễ. Và ngay cả trong cái chết, cả hai điều có cùng một đỉnh cao trong tư tưởng. Thánh Têrêxa, khi cảm thấy cái chết gần kề, bèn nói với vị Hôn phu của mình : “Ôi lạy Chúa, đã đến giờ con phải gặp Ngài rồi đó !” Mẹ Marie de la Passion, qua một tác động tương tự, trong lần lâm bệnh cuối cùng, dường như Mẹ không còn thuộc về thế gian nữa. Khi chị y tá, lo lắng về tình trạng sức khoẻ của Mẹ, Mẹ trả lời : “Hỡi con, hãy để Mẹ yên với Chúa.” Đó là một lời nói tiêu biểu. Qua đó chúng ta thấy được nỗi bận tâm thường hằng của Mẹ là cái gì : ở với Thiên Chúa của mình ; hiệp thông với Thiên Chúan; tận hưởng sự hiện diện của Ngài. Đó phải là cả chương trình và việc làm của chúng ta. Thiên Chúa của Mẹ luôn vẫn là bảo vật lớn lao và quý báu nhất của Mẹ.

Cùng với Cha Thánh Phanxicô, Mẹ có thể nói rằng : “Chúa là tất cả của tôi.” Đối với Mẹ, đó là chính yếu, vừa là lực thúc đẩy vừa là cái cuốn hút Mẹ liên tục, làm cho cả cuộc sống của mẹ hoàn toàn thành công.

KẾT LUẬN

Để kết luận, xin cho tôi được lập lại một từ vẫn thường có trên môi miệng của Vị Sáng Lập của chị em, lời làm thành chương trình sống đối với Mẹ, tóm gọn lý tưởng cao nhất của người phụ nữ, được thể hiện cách hoàn hảo nơi Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, mà chính Mẹ và các con cái của Mẹ muốn chọn làm mục đích sống.

 Mẹ Sáng Lập nói : “ĐỨC MARIA, là người nữ với quyền năng đích thật ; quyền năng trên Thiên Chúa, quyền năng trên các linh hồn, quyền năng chống lại ma quỷ.” Cần nhắc lại rằng, quyền năng ở đây, Mẹ muốn nói là thứ sức mạnh của tâm hồn hơn là kiến thức hiểu biết. Mẹ không bị vết nhơ của thế kỷ chúng ta, như người mẹ đầu tiên là Evà, mang căn bệnh tò mò vô bổ. Mẹ không hề vui thích trong những hiểu biết đủ loại không cần thiết cũng như một thứ khoa học rẻ tiền, như cùng đích cuối cùng là sự hiểu biết chứ không phải là hành động. Hành động của Mẹ không phải là những lời nói suông, đẹp, làm loé mắt người khác.

Người phụ nữ mạnh mẽ mà Kinh Thánh ca ngợi, đối với Mẹ là lý tưởng, chứ không phải người phụ nữ bác học. Nhân đức là một sức mạnh.

Mẹ là người hoàn toàn năng động. Làm và thực hiện, đó là ước mơ của Mẹ. Mẹ đặt giá trị của một người nơi cái làm chứ không nơi sự hiểu biết, nói hay nghĩ. Mẹ rất ưa thích lời của Thánh Phanxicô thành Sales : “Điều Chúa Giêsu yêu thích là ít lời nói, ít những suy tư và nhiều hành động.”

Là, chứ không ra vẻ… đó là ước nguyện thâm sâu của Mẹ. Không phải người nói : “Lạy Chúa! Lạy Chúa là người sẽ vào Nước Trời, mà là người thi hành ý của Cha”, người đi vào ân sủng và sự kết hợp thân mật với Ngài, đi vào trong thời gian và vĩnh cửu.

Điều làm cho Mẹ yêu thích nơi Thiên Chúa hơn nữa : sau tình yêu thương mà Ngài dành để cho ta là Quyền Năng và sức Mạnh của Ngài. Và trong những điểm nầy, Mẹ lại đâm rễ rất sâu trong Phúc Âm và hoàn toàn có tính phan sinh. Thánh Phaolô đã nói: “Khoa học làm con người phình ra trong kiêu căng, còn bác ái thì làm gương sáng.” Trong bức tranh về người phụ nữ mạnh mẽ của Kinh thánh, Mẹ ưa thích những lời sau : “Tâm hồn vị hôn phu của nàng tin tưởng nàng.” Chúa Giêsu cũng vậy, Ngài tin tưởng vào vị hôn thê của Ngài nếu nàng hoàn toàn tận tình với Ngài, nếu nàng là người phụ nữ mạnh mẽ.

Mẹ cảm nghiệm rất rõ rằng điều còn thiếu sót nơi nhiều tâm hồn, đó chính là sức mạnh giúp cho họ hành động. Trong Gương Chúa Giêsu, lời than vãn của linh hồn là : “Tôi tán đồng việc tốt lành, nhưng tôi không tìm gặp nơi bản thân sức mạnh để thi hành.” Mẹ của các chị thì lại vui mừng tìm gặp được nguồn của mọi quyền đích thật. Và Mẹ tìm gặp được nó trong một lời của Chúa Giêsu, trong sáng và rạng ngời : “Không có Thầy, các con không làm được việc gì.” hoặc lời của Phaolô : “Tôi có thể làm mọi việc trong Đấng ban sức mạnh cho tôi.” Và chính vì muốn thực hiện hai đoạn Kinh Thánh trên mà Đức Maria là người phụ nữ với quyền năng đích thật:

a.    Vì Mẹ không bao giờ và hoàn toàn không cậy dựa vào chính mình.

b.    Trái lại hoàn toàn cậy dựa vào Chúa Giêsu, sống kết hợp mật thiết với Ngài, đến nỗi không còn là Mẹ sống nữa mà là Chúa Giêsu sống và hành động trong và qua Mẹ.

Và đó là thứ quyền năng lớn lao và đích thật : tham dự vào quyền năng của Thiên Chúa, sống với Chúa Giêsu, hưởng nhờ Chúa Giêsu, lao động và đau khổ như và cho Chúa Giêsu, và như vậy hợp tác với công trình lớn lao là cứu độ thế giới mà Chúa Giêsu đã thực hiện.

Vị Sáng lập Dòng của các chị đi vào chi tiết về vấn đề quyền năng đích thật được trao tặng cho Đức Maria và con cái của Ngài khi trung thành noi gương Mẹ. Mẹ nói về một quyền năng bên ngoài và một quyền năng bên trong.

Quyền năng bên ngoài bao gồm việc đấu tranh quyết liệt và dũng cảm để đem về cho Thiên Chúa nhiều tâm hồn ; và chính với tính cách là những ngưởi thừa sai, Mẹ và các con cái của mình sẽ thể hiện được quyền năng đích thật nầy ở bên ngoài. Ngoài việc ĐứcTrinh Nữ Maria duy nhất đã dẹp được tất cả mọi bè rối trong thế gian, Vị Sáng Lập còn muốn lấy gương mẩu là Thánh Jeanne D’Arc, vị thánh nữ tướng binh, dù thân phận yếu hèn của nữ giới, đã vâng theo tiếng nói của Chúa Giêsu, đã làm được những điều kỳ diệu trong Gíao Hội và cho Quê Hưong mình.

Song dù công việc bên ngoài của Mẹ trong lãnh vực tông đồ có bề bộn đến đâu, thì điều nầy vẩn là phụ đối với Mẹ so với sức mãnh liệt của đời sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, trong vai trò hy lễ của Mẹ : đối với Mẹ, việc làm hy lễ như là một cuộc sống từng giờ phút, còn sinh hoạt của Mẹ bên ngoài đúng là khoảng cách.

Và chính trong phần nội tâm đặc biệt nầy mà Đức Trinh Nữ là mẫu gương và đồng thời là vị hướng dẫn. Chính Cha Raphael, trong khi đồng hành với Mẹ, không có gì đặc biệt, nhưng Ngài để cho tâm hồn Mẹ tự do theo hướng thích ứng của mình, là kết hiệp với Mẹ Maria, Người đã xứng đáng trao ban Chúa Cứu Thế cho nhân loại. Sống kết hiệp với Đức Maria, thừa sai và hy lễ và như Mẹ trao ban Chúa Giêsu cho thế giới đó là vai trò của người phụ nữ với quyền năng đích thật, uy quyền và mạnh thế trước mặt Thiên Chúa, cho ích lợi của thế giới. Và đó cũng là ơn gọi cao cả mà Mẹ của các chị đề nghị với các chị. Chính Mẹ cũng đã cao cả vì Mẹ đã mạnh mẽ. Và Mẹ mạnh mẽ vì Mẹ chỉ sống cho Thiên Chúa, nhờ Mẹ Maria.

Chị em hãy cảm tạ Thiên Chúa vể ơn gọi cao đẹp của chị em. Sau ơn gọi của Mẹ Maria, đây là ơn gọi cao quý và đẹp nhất mà chúng ta có thể ước mơ. Mẹ của chị em đã đi trước các chị và chắc chắn Người sẽ giúp các chị đi theo con đường của Mẹ. Nếu các chị hiểu rõ, các chị sẽ thấy được rằng các chị sẽ không là gì nữa, bởi Thiên Chúa sẽ hoàn tất của lễ toàn thiêu của các chị như một mảnh gỗ mà ngọn lửa biến thành tro bụi. Song các chị đừng sợ : như Mẹ Maria và với Mẹ, các chị sẽ chiếm hữu được Chúa Giêsu; và như Mẹ, các chị sẽ có được niềm vui trao tặng Chúa Giêsu cho các linh hồn, và cùng với Ngài, hưởng nhờ hạnh phúc. Bởi ở đâu có Chúa Giêsu, ở đó có thiên đàng.

***

Chuyển ngữ : Elisabeth Trần Thị Quỳnh Giao, fmm