LỘ TRÌNH CỦA HÉLÈNE 03

Trước đây 7 thiếu nữ không hề biết nhau, nhưng Thiên Chúa đã qui tụ họ lại để làm vinh danh Ngài… Mỗi người đến từ những gia đình, những nền văn hóa khác nhau. Họ có điểm chung là cùng vào dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, và cùng được sai đi truyền giáo...

BẢY THIẾU NỮ

Một lần kia, có bảy thiếu nữ…

Thiếu nữ đầu tiên người xứ Bretagne tên là Jeanne-Marie được lớn lên trong một trang trại. Tại đó, khi ánh sáng ban mai vừa xuất hiện và khi hoàng hôn buông xuống, cả gia đình tụ họp và cùng nhau cầu nguyện.

Tính tình Jeanne-Marie vui vẻ, hiền từ, nhạy cảm, yêu thích phục vụ, được mọi người yêu mến. Khi mẹ qua đời, Jeanne-Marie trở nên người giúp việc trong một trang trại láng giềng.

Một ngày kia, Jeanne Marie bày tỏ với chị Monic của mình (Monic là ngôn ngữ xứ Bretagne) veà ước muốn trở thành một nữ tu truyền giáo. Chị Monic nổi giận và nói :

- Em còn phải lo cho các em nhỏ nữa và phải biết thương bố chứ vì trước cái chết của mẹ, bố chưa hết đau khổ. Chị sẽ không bao giờ cho em đi đâu cả !

Jeanne-Marie không phản ứng lại và để cho cơn giận của người chị qua đi. Ngày 17 tháng 3 năm 1887 Jeanne Marie với vẻ rụt rè nhưng nhất quyết xin gia nhập vào Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ tại Saint-Brieuc.           

Thiếu nữ thứ hai cũng người miền Bretagne tên là Anne-Francoise, là một cô gái trầm lặng, thích đi chăn cừu hoặc thích làm việc gần bên mẹ mình hơn là chơi với bạn bè cùng trang lứa. Anne-Francoise thường đến nhà thờ để trang hoàng bàn thờ Đức Mẹ và kể chuyện vui buồn của mình với Đức Mẹ. Và khi bố qua đời, Anne-Francoise can đảm thay thế công việc của bố ở trang trại, lượm cỏ khô hoặc vắt sữa bò. Đôi khi người ta bắt gặp cô đang mơ mộng. Anne-Francoise muốn giao lại trang trại cho chị của mình là Eugénie để đi theo các nữ tu tại Saint-Brieuc. Nhưng mẹ của Anne- Francoise nói:

- Mẹ sẽ làm gì đây nếu không có con ? Mẹ sẽ không cho con đi đâu cả !

Năm tháng trôi qua, một ngày kia được mẹ đổi ý, Anne-Francoise thu xếp công việc của trang trại và xin chị Eugénie đảm nhận việc chăm sóc mẹ tại nhà chị. Rồi một buổi sáng đẹp trời, trái tim se lại nhưng tâm hồn nhẹ nhàng, chị ra đi không một lời từ biệt, đến gõ cửa Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ. Lúc đó chị được 23 tuổi.

Thiếu nữ thứ ba tên là Irma sinh tại Beaune vào ngày 28 tháng 4 năm 1866. Irma trải qua một thời thơ ấu khác với 3 thiếu nữ trên. Trong gia đình này người ta không bao giờ nói đến Thiên Chúa. Người cha trong gia đình làm thợ đóng thùng tôn, lương của ông không đủ để nuôi ba người con. Người mẹ luôn buồn phiền và Irma thường khuyến khích an ủi mẹ. Irma nói:

- Con sẽ là người con ngoan ngoãn luôn muốn làm vui lòng mẹ, thôi mẹ đừng khóc nữa !

Và Irma đã thành công làm cho mẹ nở nụ cười. Nhưng hỡi ôi! Mẹ em đã quá kiệt sức và qua đời để lại ba người con mồ côi. Rồi người cha tái hôn, nhưng bà mẹ ghẻ không thương Irma. Bà ấy không ngừng lặp lại :

- Con bé Irma này không làm nên trò trống gì cả !

Ở nhà trường bé Irma kết bạn với bé Alice, và cùng đi học giáo lý với bạn. Với một tâm hồn đầy kinh ngạc và thán phục, Irma khám phá ra tình yêu Thiên Chúa ! Bấy giờ Irma có thể chịu đựng mọi sự vui buồn với niềm vui phó thác bởi vì có Chúa Giêsu luôn ở với Irma.

Irma rước lễ lần đầu lúc 12 tuổi. Là một học sinh giỏi, Irma tiếp tục học cho đến khi tốt nghiệp bằng trung học và bắt đầu đi dạy tư.

Một ngày nọ, Irma đến làm quen với các nữ tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ và Irma được soi sáng, hướng dẫn. Irma sẽ là một nữ tu truyền giáo. Nhưng khi về bàn đến chuyện đó thì bão tố trong gia đình nổi lên !

Irma hy vọng với thời gian sẽ làm dịu bớt sự căng thẳng của bố mẹ, nhưng rồi không một mảy may thay đổi. Tuy nhiên thánh ý Chúa quan phòng trên tất cả mọi sự. Vì thế, đến một ngày Irma nói lời từ biệt gia đình và ra đi về phía tận cùng nước Pháp để xin vào Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ.

Thiếu nữ thứ tư tên là Pauline người Bỉ. Pauline bị mất mẹ sớm. Khi mẹ qua đời để lại 1 cậu con trai và 6 cô con gái. Một bà láng giềng nhận Pauline và Rosalie - chị của Pauline - đưa về nhà nuôi và cho đi học. Hai chị em cùng học tại trường dòng các Soeurs Ursulines và chuẩn bị rước lễ lần đầu.

Một ngày kia hai chị em cùng đi học giáo lý về. Pauline nói với chị:

- Em nghĩ trở nên thánh không khó lắm đâu.

Chị Rosalie trả lời:

- Em có chắc như vậy không? Những vị thánh đều là những người giàu có và thông minh!

Nhưng sau này họ mới khám phá ra rằng nhiều vị thánh là những người nghèo.

Vài năm sau, cả hai chị em cùng vào dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ.

Thiếu nữ thứ 5 tên là Clélia, người Ý, chào đời ngày 9 tháng 1 năm 1872 trong một gia đình tràn đầy yêu thương. Vì được gia đình quá chiều chuộng nên tính tình của Clélia tỏ ra thất thường và dễ nổi giận. Người anh của Clélia muốn trở thành linh mục, khiển trách em làm phiền lòng Thiên Chúa và những người thân yêu của mình.

Sau ngày rước lễ lần đầu, tính tình thay đổi, Clélia trở nên khôn ngoan, đạo đức và biết vâng lời. Anh của Clélia vào dòng Phanxicô và đi truyền giáo xa tại nước Trung Hoa. Từ ngày người anh đi xa, ngay cả những cuộc khiêu vũ cũng làm cho Clélia chẳng còn thích thú nữa và ngược lại có khi cô phải khóc. Clélia bị mẹ la mắng:

- Sao con buồn cười quá vậy, bạn bè của chúng ta sẽ nói gì đây ?

Làm sao giải thích cho bố mẹ của Clélia hiểu rằng những lạc thú của đời tạm này cô không màng tới nữa. Clélia chỉ nghĩ đến những người nghèo khổ, những người chưa được biết Thiên Chúa và cô mơ ước đi loan báo Tin Mừng cho họ, mơ ước đó làm cho cô rất hạnh phúc. Và khi Clélia nói lên ý định của mình thì gia đình bắt đầu chế giễu :

- Clélia mà đi tu à ? Ý tưởng đi tu chỉ nhất thời thôi. Nó sẽ quên ngay đó mà !

Nhưng Clélia vẫn giữ vững lập trường vì tin tưởng vào lời cầu nguyện của anh mình đang ở một miền truyền giáo xa xôi tận cùng thế giới. Và sau cùng, bố mẹ nói lên lời xin vâng với Thiên Chúa. Họ dâng cho Ngài hai người con yêu quí của họ. Trước tiên là người con trai rồi đến người con gái: Clélia vào dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ.

Thiếu nữ thứ 6 tên là Marianna cũng là người Ý. Nhưng tuổi thơ của Marianna không được ru êm bởi những nụ cười, những giọng hát của quê hương thần tiên này. Bố thì hung dữ, thường nổi giận bởi vì việc làm của ông không thích hợp và lương bổng thu nhập ít.

Mẹ thì buồn phiền, mệt nhọc, kiệt sức trong công việc khâu may. Ba người con không thể làm cho mẹ vui chút nào ! Khi Marianna lên 10 tuổi thì mẹ qua đời. Người dì nhận trách nhiệm lo cho hai cháu nhỏ, nhưng còn Marianna thì như thế nào ?

Một cha dòng Phanxicô, bạn của gia đình đến tìm gặp mẹ Marie de la Passion và với tấm lòng rộng mở, mẹ đón nhận người con mồ côi, Marianna vào nội trú nhà dòng.

Marianna được lớn lên nơi môi trường tu trì với các nữ tu bên cạnh “má Passion” như Marianna thường gọi. Tại nơi này Marianna thật hạnh phúc và được học hỏi tất cả những gì cần thiết để trở thành một nữ tu truyền giáo : học tiếng Pháp, tiếng Anh, học nội trợ, nấu nướng và cả học đàn, học vẽ nữa. Vài năm sau đến lượt Marianna trở thành một Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ.

Thiếu nữ thứ 7 tên là Catherine người Hoà Lan. Khi mẹ của em qua đời, để lại 6 người con mồ côi. Dân làng quyết định nuôi mỗi người một em. Riêng Catherine được đôi vợ chồng là công nhân đón nhận và xem Catherine như là một trong những người con của họ. Bọn trẻ đi học ở trường, ở lớp giáo lý và Catherine tập luyện cho chúng các trò chơi.

Vừa lớn lên, bé Catherine hiểu rằng sự hiện diện của mình làm cho bố mẹ nuôi thêm vất vả vì họ là những nông dân nghèo. Em quyết định giúp đỡ họ, sau những giờ ở trường, Catherine tìm một công việc nhỏ tại xưởng may của thị trấn.

Là người thức dậy đầu tiên nhưng lại đi ngủ sau cùng, Catherine sẵn sàng làm tất cả những gì có thể làm được trong công việc phục vụ. Em thường gởi gắm nơi Đức Trinh Nữ Maria mọi lo lắng ưu tư của mình. Lòng mến Chúa của Catherine ngày càng trở nên mãnh liệt hơn. Em ước mơ được dâng hiến cuộc đời mình cho Ngài và vào mùa xuân 1893 Catherine vào Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ.

Trước đây 7 thiếu nữ không hề biết nhau, nhưng Thiên Chúa đã qui tụ họ lại để làm vinh danh Ngài…

(Còn tiếp - Xin đọc phần IV)