SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO TẠI KHANDALA-KUNE NĂM 1923

Năm 1925 nhà Khandala trở thành một cơ sở chính thức của FMM với một nhà nguyện nhỏ và có sự hiện diện của bí tích Thánh Thể. Mục tiêu ban đầu của chị em là khuyến khích việc giáo dục cho phụ nữ, sự độc lập kinh tế của họ hầu giảm gánh nặng đói nghèo ngay càng tăng trong các bộ lạc...

 

 

SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO 
TẠI KHANDALA-KUNE NĂM 1923.

Phải chi tôi có thể đem linh hồn của họ về cho Thiên Chúa”... Ước ao nồng cháy này của Thầy Zimmer Dòng Tên được các chị em FMM truyền giáo ở Kune-Khandala chia sẻ. Bộ lạc Kathkaris sống ở đồi núi và rừng rậm, vùng này còn thờ lạy thiên nhiên và nổi tiếng với tính cách độc lập riêng lẻ của họ. Đây là bài chia sẻ về những thách đố các chị em đã gặp trong công việc phúc âm hóa, giáo dục, trao trách nhiệm cho các phụ nữ, khai thác năng lực và sự sáng tạo của người Kathkaris.

Những nỗ lực chung của các tu sĩ Dòng Tên và nữ tu FMM đã phải khép lại sau một chặng đường dài, nhưng vẫn hy vọng một ngày nào đó các thế hệ Kathkaris tương lai sẽ được hưởng thành quả của các cố gắng ban đầu.

Khám phá sứ vụ truyền giáo.

Trong những tháng hè các cha Dòng Tên ở Bombay đã được gửi đến Khandala, như các Cha vẫn thường làm. Và một nhóm nhỏ sinh viên đã được giao cho Thầy Zimmer, một tâm hồn đầy hăng say trong hoạt động tông đồ. Thầy quí chuộng sự cô tịch mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, và có lần Thầy đi qua khe suối sâu chia cách Khandalavới khu rừng nguyên sinh bí ẩn. Nơi đó Thầy thường gặp những người bản xứ thường được biết dưới cái tên là Kathkaris. Họ luôn chạy trốn khi Thầy đến gần. “Phải chi tôi có thể đem linh hồn của họ về cho Thiên Chúa”. Ý nghĩ này cứ ám ảnh Thầy. Đúng rồi, Thầy sẽ làm được! Thầy đã dựng một cái lều dưới một gốc cây, ngày ngày cầu nguyện và làm những vật dụng bằng gỗ, thầy biết chắc là đang bị người ta quan sát qua các tàng lá dầy. Nhận thấy Thầy là một người của hòa bình, những người Kathkaris đến gần Thầy, chia sẻ các công việc của Thầy, dạy Thầy thổ ngữ của họ, một thứ thổ ngữ trộn lẫn các thổ ngữ Marathi, Hindi và Telegu. Trưởng bộ tộc đã tuyên bố: “Ông là một người đàn ông tốt, ông có thể ở lại với chúng tôi và dạy chúng tôi tôn giáo của ông”.

Các Cha Dòng Tên nghĩ rằng cần thiết lập một tổ chức chính thức hơn và chính quyền đã vui mừng chào đón việc này khi cho các Cha sở hữu ngọn đồi tại đó vào năm 1912, sau này trở thành cơ sở “Truyền giáo Kune”.

Người Kathkaris tin vào những thần thiện và ác, họ dâng những hiến tế cho các thần do dị đoan mê tín. Những hiến tế mạng người không hiếm. Người ta bị đánh đập không thương tiếc, bị chặt tay chân và bị mang vào rừng. Những người con gái đều am tường những bí mật của ma thuật.

Chỉ những tầng sâu của rừng già mới biết được đời sống bí ẩn của các bộ tộc sống nay đây mai đó này. Những vị tông đồ mới đã sống hòa bình chinh phục những bộ lạc ương ngạnh, hoang dại muốn giữ chặt tự do của mình. Buổi đầu các Cha vấp phải sự chống đối liên tục nhưng sự bền chí dựa vào Thiên Chúa kết cuộc đã phá vỡ những rào cản. Nhìn chung các dân tộc này hiếu hòa, hiền lành, vô hại và bản chất vui tươi. Khi Ngài Wellington đến thăm viếng họ, họ đã trang trí trung tâm truyền giáo và nhảy múa chào đón quan khách. Nhưng những người bộ lạc Kathkaris luôn giữ ý định làm chủ chính họ và không khuất phục bất cứ bó buộc nào.

Những FMM ở Khandala

Tháng 4.1923, Đức TGM Bombay, Đức Cha Alban Goodier, Dòng Tên nhận thấy các nữ tu nhà Thánh Antoine ở Bombay vất vả chịu đựng cái nóng gay gắt của mùa hè, nên đã đặt một nhà ở Khandala cho phép chị em sử dụng vào các kỳ nghỉ.

Sau một thời gian ở đó, Mẹ Giám Tỉnh Albert đã viết thư cho Mẹ Saint Michel bày tỏ ý muốn giữ lại nhà này cho Hội Dòng. Bề Trên Tổng Quyền đã chấp thuận. Đức Cha Goodier và Thầy Zimmer đã rất vui mừng đón tiếp các nữ tu đến cộng tác tại trung tâm cho công cuộc truyền giáo để lo cho những phụ nữ và những trẻ nhỏ mà các các cha không thể tiếp cận.

Các ngài không giấu chị em những khó khăn của miền truyền giáo. Tháng 10 năm 1923, chị em thuê nhà. Ngày 25 tháng 6 năm 1925, Đức TGM Goodier đã gửi thư cho Cha Riklin nói rõ với bề trên hội truyền giáo Bombay là Cha Rasquinha và Giám tỉnh của các nữ tu FMM về các điều kiện để các chị em cư ngụ tại Kune. Tu viện được đặt tên Đức Bà các Thiên Thần. Đất và nhà được giao cho các chị em tùy nghi sử dụng miễn phí. Đáp lại các nữ tu phải giúp trung tâm truyền giáo nhiệm vụ tông đồ là giúp cho các phụ nữ và trẻ em, dạy họ làm vườn và trang trại chăn nuôi. Chị em cũng giúp lo đồ thánh và áo lễ cho nhà nguyện. Cộng đoàn Kune gồm bốn nữ tu người Âu và hai chị hiến sĩ người Ấn Độ.

Chị em đã có một cô nhi viện nhỏ, một trường dạy văn hóa cho các thiếu nữ và một xưởng dạy cho các em học đan, thêu ren và làm hoa. Mẹ Suzanne đi Khandala chỉ để nghỉ ngơi nhưng rồi đã trở thành vị sáng lập thực sự và là bề trên đầu tiên của nơi đó. 

Năm 1925 nhà Khandala trở thành một cơ sở chính thức của FMM với một nhà nguyện nhỏ và có sự hiện diện của bí tích Thánh Thể. Mục tiêu ban đầu của chị em là khuyến khích việc giáo dục cho phụ nữ, sự độc lập kinh tế của họ hầu giảm gánh nặng đói nghèo ngay càng tăng trong các bộ lạc. Biên niên sử FMM năm 1953 đã ghi lại tình hình như sau: Một thánh đường lớn có dáng vẻ nghèo được dựng lên trên một vùng đồi cao vượt trên các sông, suối. Xa hơn nữa là tu viện, đó là miền truyền giáo Kune cách Khandala vài cây số. Một khu rừng xanh rì rậm rạp bao quanh các đồi núi và các thung lũng. Khi người ta nói đến truyền giáo là hàm chứa việc nói đến các linh hồn. Kune là nơi truyền giáo đầu tiên cho người Kathkaris, một bộ lạc được biết đến với tính tình luôn vui vẻ và độc lập. Các gia đình sống trong rừng già nhưng cũng xa đám cọp beo thường gầm rú cách vài cây số so với vùng cao nguyên có trung tâm truyền giáo. Sau thời gian ngắn thử nghiệm cho thấy một khởi đầu tốt cho việc truyền giáo ở Kune và cho các chị em FMM….

Những thách đố của việc truyền giáo.

Mô tả vắn tắt về tính cách và những thói quen của người Kathkaris cho ta đoán được vô vàn trở ngại cần được khắc phục trong công việc truyền giáo nơi đây. Tuy nhiên một chút kiến thức văn minh đã trợ giúp cho công việc. Vài tân tòng đã chịu rời bỏ cái lều tạm bợ của mình trong rừng để đến sống trong mái nhà rộng rãi hơn, tiếp theo là thử nghiệm trồng trọt để tự lo nhu cầu thực phẩm, điều này đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn. Không ai có thể hình dung ra biết bao kiên trì để giữ được các bé Kathkaris ở trường học, để dạy những người đàn ông cuốc đất và trồng lúa hoặc xây dựng xưởng dệt thảm.

Sự có mặt của các nữ tu người Âu đã gây xáo trộn lớn trong cộng đồng dân bé nhỏ này. Đàn ông thì nhốt mình trong nhà, phụ nữ và trẻ em thì bỏ chạy trốn hết. Chỉ sau lần thứ ba, thứ tư thì các em mới dám tiến gần để sờ vào tay các chị. Dần dần các lớp giáo lý được bắt đầu.

Trường học và xưởng dệt giống như một chuồng chim ồn ào đầy tiếng hát và tiếng nói không lúc nào yên lặng. Nếu việc may vá trở nên khó khăn hay tiếng động của các cuộn chỉ ren quá nhàm chán, và nếu cánh cửa không bao giờ đóng lại, thì đám trẻ con biến mất và chúng tôi chẳng biết phải tìm chúng ở đâu? Một vài đứa ở trong rừng nhưng phần đông trên cây ăn quả. Bất cứ lý do nào xem được là các cô đều có thể biến mất suốt thời gian còn lại trong ngày.

Một hôm một bé gái đi tới, miệng nhai một cái hạt màu xanh và vứt vỏ trái cây có các sợi bông óng mượt như tơ. Khi được hỏi bé nói là vỏ chẳng ngon và tiếp tục nhai hạt. Sau vài lời giải thích và chứng minh để làm vui lòng các nữ tu, mỗi ngày các bé gái đều đến với váy sari để đầy bông trắng như tuyết sau khi đã gỡ các hạt mà chúng rất thích ăn.

Cái mái hiên nghèo nàn ban đầu đã được thay thế bằng một công trình xây cất vừa dành cho trường học vừa là nhà xưởng làm ren và làm thảm. Khoảng hơn hai mươi phụ nữ làm việc ở đây cùng với các con họ. Đàn ông cũng có xưởng riêng cho họ. Một khi các định kiến trong những bộ lạc bị hủy bỏ thì sự thay đổi cũng nhanh chóng và những người theo đạo cũng tăng nhiều.

Trong thư gửi Đức TGM Bombay ngày 19/12/1927, Mẹ M. Suzanne bề trên nhà đã viết: “Toàn bộ công việc này chỉ ở giai đoạn đầu, chúng con hy vọng từ từ sẽ làm tốt hơn để giúp người Kathkaris trở nên những tín hữu tốt”. Việc thuần hóa bọn trẻ thì khó khăn nhưng mẹ vẫn bền bỉ áp dụng ý tưởng của mình. Năm 1930, Mẹ giám tỉnh M. Albert đã viết về kinh nghiệm của mình với Bề Trên Tổng Quyền như sau : “Con tin rằng công việc truyền giáo bé nhỏ chị em được tiếp tục ở đây là nhờ nhân đức và lòng quả cảm của Mẹ Suzanne. Phải ở tại chỗ mới đánh giá được biết bao là khó khăn. Người Kathkaris khó thuần hóa, dù vậy vẫn xảy ra điều tốt đẹp. Sẽ có mười lăm người được rửa tội vào lễ Giáng Sinh. Con đã nhẹ nhàng nói với Đức Cha rằng công việc truyền giáo bé nhỏ nơi đây thật đắt giá và không đem lại kết quả tương xứng, vì có quá nhiều lãnh vực cần được Phúc âm hóa. Ngài đã nài nỉ khi nói “Không, không, đừng bỏ công việc này. Chúng tôi sẽ gửi thêm nhiều nhà truyền giáo đến đây và sẽ làm nhiều điều hơn cho người Kathkaris”.

Năm 1931, Đức Giám Mục có vẻ như tán thành ý kiến của Mẹ Giám tỉnh M. Albert. Nhưng khi mẹ đề nghị sự rút lui của các chị FMM thì Đức Cha lại một lần nữa nhấn mạnh: “Không, đừng làm như vậy”. Vấn đề này trở đi trở lại liên tục vì có những lúc khó khăn nhưng tiếp đó cũng có niềm an ủi động viên. Những trải nghiệm lạ lùng thì không thiếu. “Mưa, mưa liên tục trong năm sáu tháng, đúng là tràn lũ khắp cả nước. Rêu và nấm xâm lấn tràn ngập trong nhà. Mái nhà giống như một cánh đồng cỏ. Không ngạc nhiên gì khi đi tìm giầy của mình lại thấy trong đó có con cóc đã chọn chỗ ở cho nó suốt đêm. Đôi khi gặp một con rắn hổ mang nằm ngủ an bình trong ổ gà. Có một buổi sáng chúng tôi đã khám phá thấy một con beo đang nằm trên mái ngôi nhà xưởng.”

Sau đó thì được báo có hai nhà truyền giáo từ Bombay đến. Cả trăm người dân gồm đàn ông, đàn bà và trẻ em đã ra nhà ga cách đó vài cây số để đón họ và để giúp mang hộ hành lý. Thật là ấn tượng khi nhìn thấy cảnh họ đứng đầy bên xe lửa. Khi tàu đến khắp nơi hét vang lên : “Mẹ kìa, chào Mẹ”. Tiếng vỗ tay không ngớt và những khách du lịch khác chẳng hiểu gì cả về đám đông đang tràn lan này. Người ta nghe được bình phẩm này : “Các nữ tu truyền giáo này thật hạnh phúc và thật sự được những người họ phục vụ yêu thương. Tại sao các chị lại có thể hy sinh những gì tốt nhất mà cuộc đời có thể mang đến để yêu thương những người mà các chị chưa hề quen biết?” Đó là một bí ẩn mầu nhiệm. Phúc cho ai có thể hiểu điều này, đó có thể là sự đụng chạm đầu tiên của ân sủng.

Các nữ tu không tiếc công sức hết lòng phục vụ vì sự tiến bộ của người Kathkaris, và các linh mục truyền giáo Bombay rất hài lòng với sự cộng tác của họ. Mẹ Miguela là một nhà truyền giáo đầy nhiệt tình khi học tiếng thổ ngữ của bộ lạc để đem ánh sáng phúc âm cho dân làng. Mẹ đã huấn luyện vài phụ nữ trước chuyên sống trong rừng. Lẽ ra họ phải học làm việc ở các xưởng thì người ta thấy họ đang bán trái dâu rừng đựng trong các giỏ kết bằng lá tại nhà ga Khandala. Khi Mẹ đi tìm họ thì họ trốn sau cây to. Mẹ rất kiên nhẫn. Mẹ băng qua núi đồi, đến những nơi lởm chởm đá sỏi để thăm viếng họ tại làng. Nhiệt tình loan báo Tin Mừng làm cho Mẹ không biết mệt mỏi. Sau vài năm phục vụ trẻ em nghèo tại Jabalpur và làm việc cùng chị Marie Assunta tại Puna, năm 1966 Mẹ Miguela trở về công việc yêu thích của mình tại Kune để sống cạnh người Kathkaris.

Theo những báo cáo các lần thăm viếng tỉnh dòng, năm 1949 những phụ nữ Kathkaris làm việc tại xưởng thêu đòi hỏi lương cao hơn giá trị công việc của họ. Các chị em đã bị họ chửi mắng khi đi thăm viếng trong các làng. Năm 1950 tình hình trở lại bình yên, công việc tốt hơn của các phụ nữ đã dể dàng tìm được thị trường ở Bombay.

Những lần viếng thăm các làng đã trở nên không thường xuyên và cần được tăng cường. Ngày 19/4/1952, cha giám tinh Dòng Tên, A.M. Coyne đã viết thư cho Mẹ Raymond Lulle trình bày kế hoạch triển khai cho người Kathkaris.

Các Cha có ý định dời trung tâm truyền giáo về đồng bằng để mở một trường học dành cho nam sinh. Các cha cũng muốn làm một cơ sở dạy học tương tư cho nữ sinh và sẽ giao cho một cộng đoàn nữ tu. Các chị em FMM là những người được thăm dò đầu tiên để làm việc ở trung tâm mới này. Để thực hiện kế hoạch này cần nhiều năm vì cần sự cho phép của chính quyền và tìm nguồn vốn cần thiết.

Trong báo cáo thăm viếng từ ngày 21 đến 25.6.1953 Mẹ Raymond Lulle đã bày tỏ lo lắng như sau: “Những cuộc thăm viếng các làng không nhiều lắm. Các cha còn thiếu một tổ chức truyền giáo tốt. Và chị em chúng tôi không thể làm gì được nhiều. Chúng tôi tìm được vài bệnh nhân và việc rửa tội thì hiếm hoi, họ không còn ước muốn theo đạo. Bề trên dòng Tên nghĩ không biết có nên tiếp tục truyền giáo tại đây. Đức Hồng Y cũng nói như vậy. Hiện tại chúng tôi tiếp tục và chờ để biết Thánh Ý của Chúa. Việc làm, cầu nguyện và hy sinh của chúng ta sẽ đưa các linh hồn về cho Chúa.”

Gió mưa là chuyện thường, năm 1956 đã gây lụt lội vào các tuần cuối tháng 7. Những hậu quả như đói nghèo, thiếu thức ăn, quần áo và củi đốt cho bếp và lò sưởi đã tạo cho dân chúng một tình cảnh đáng thương. Lụt lội và động đất đã gây ra nhiều tổn thất và nạn nhân trong vùng. Giáo hội và chính quyền đã cứu giúp những người dân bị thiên tai. Niềm vui và sự biết ơn hiện rõ trên khuôn mặt những người đã mất tất cả nay được cứu trợ vào ngày 15.8. Thánh lễ dược cử hành hôm đó là một sự kiện đầy ý nghĩa và cảm động.

Cha More của trung tâm nhận thấy trẻ em không được chăm sóc và nhà thương nên để cho các phụ nữ quản lý thì có hiệu quả hơn. Ngài đã viết cho Mẹ Raymond Lulle ngày 15/5/1957: “Công việc truyền giáo ở Kune luôn khó khăn. Người ta không biết tương lai sẽ ra sao, mặc dù vậy tôi tiên lượng rằng công trình ở Kune phải còn giữ lại và các chị em có thể tiếp tục công việc xuất sắc của mình tại đây.”

Thời gian kết thúc.

Mặc dù đời sống khó khăn và có nhiều thách đố. Các nữ tu FMM đã rất hạnh phúc hiện diện giữa người Kathkaris để ít ra cũng có thể cho họ những hướng dẫn tối thiểu về đức tin và về các lãnh vực thế tục. Nhiều giới trẻ Kathkaris đã hình thành thế hệ công giáo thứ hai. Nhiều em không thích đến trường lắm nhưng các em không bỏ Thánh lễ chủ nhật và các dịp lễ hội được tổ chức theo văn hoá của các em.

Không cần việc gì to tát nhưng nụ cười vẫn toả sáng trên gương mặt của các phụ nữ và các trẻ em. Đơn giản như việc phụ nữ và các trẻ em nhận được một món quà nhỏ ngày lễ Đức Mẹ lên trời cũng làm cho những người đàn ông rất vui và một nhóm người khá đông đến ca hát nhảy múa để thể hiện lòng biết ơn với các nữ tu.

Cha giám tỉnh dòng Tên cũng biết ơn sự hợp tác của chị em và cam đoan rằng chính quyền sẽ không cản trở việc tiếp tục sử dụng nhà nghỉ dưỡng. Song song với việc bày tỏ ước muốn gặp gỡ Mẹ Raymond, Cha Coyne kết thúc lá thư như sau : “Xin chị giám tỉnh vui lòng đừng nghĩ là tôi đã không biết ơn hết lòng về tất cả những gì các chị đã làm ở Kune...” Ngày 1 tháng 7 năm 1957 hai chị giám tỉnh đã gặp nhau để bàn thảo những cái được và cái không của vấn đề…

Chị em đã mở cửa lại ngôi trường nhỏ của mình và công việc truyền giáo đã tiếp tục trong vài năm. Một toà nhà mới được xây năm 1969 để các bệnh nhân của phòng khám từ thiện có thể được nhập viện. Nhưng tất cả mọi việc không xuôi chảy ở trung tâm truyền giáo. Sau nhiều cuộc gặp gỡ trao đổi, các Cha, các nữ tu và dân chúng đứng trước mối đe doạ phải trả lại cho chính quyền miếng đất nơi trung tâm toạ lạc. Đất này đã được các cha Dòng Tên mượn từ năm 1922 để làm việc giúp người Kathkaris. Các nhà truyền giáo quyết định rời bỏ nơi này trong luyến tiếc.

Ngày 3/1/1978 chị Elaine Nazareth bấy giờ là Giám tỉnh đã quyết định cùng với ban cố vấn. “Từ năm 1975 chính quyền đã đổi lại miếng đất các Cha dòng Tên cho chúng tôi mượn để làm việc cho người Kathkaris. Các Cha dòng Tên muốn tranh đấu cho công lý nhưng đã không thành công hoàn toàn. Năm 1976 chúng tôi đã bỏ lại ngôi nhà nơi chúng tôi ở và làm việc để đến ở trong một nhà xứ. Từ đó đến nay việc truyền giáo liên tục bị đặt lại vấn đề. Hiện nay các Cha dòng Tên đã quyết định rút khỏi Kune. Suốt 2 năm nay, sau nhiều cầu nguyện, suy nghĩ và gặp gỡ chúng tôi cùng đi tới kết luận là phải rút đi vì không thể và không an tâm để cho chị em sống một mình nơi đó…” Tu viện các nữ tu FMM đã phải đóng cửa vào ngày10/04/1978…

Trích từ báo Meeting Space của Hội Dòng tháng 5-6/2016 – chị Therese Thơ chuyển ngữ.