Marie de la Passion
người phụ nữ mạnh mẽ trong đức tin
“Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con,
và con đã để cho Ngài quyến rũ.
Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng.” (Gr 20,7)
Tâm sự này của Ngôn sứ Gêrêmia đã diễn tả đúng tâm tình của Cp Marie de la Passion : một con người đã được Thiên Chúa quyến rũ và Ngài đã biến đổi mẹ trở thành người phụ nữ mạnh mẽ trong đức tin và lòng yêu mến.
Chính vì thế mà mẹ đã được Hội Thánh ca ngợi trong Sắc lệnh tôn phong Chân Phước với những lời lẽ như sau : “Marie de la Passion, Người phụ nữ lỗi lạc, được đánh dấu bởi tình yêu Đấng Tuyệt Đối, người phụ nữ mạnh mẽ trong gian truân và đau khổ, luôn luôn giữ bình tâm, dễ dàng tha thứ và quảng đại… Người phụ nữ có một tâm hồn rộng mở với một trí thông minh xuất chúng và một ý chí kiên trì. Hoàn toàn hiến dâng cho Thiên Chúa của lễ đời mình để cứu rỗi các linh hồn. Người phụ nữ có một chỗ đứng vinh dự trong lịch sử Giáo Hội, và trong việc phát triển tinh thần truyền giáo. Người phụ nữ nổi bật được ca tụng về sự thánh thiện, lòng chân thành và tính cương trực.”
Nhưng khía cạnh mà tôi ngưỡng mộ nhất nơi Chân Phước Marie de la Passion đó là “người phụ nữ mạnh mẽ trong gian truân và đau khổ với một ý chí kiên trì”. Đây là chủ đề tôi muốn chia sẻ với anh chị em hôm nay :
Khi nói Marie de la Passion là người phụ nữ mạnh mẽ trong đức tin, chúng ta phải hiểu mẹ là người phụ nữ có ý chí mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm với óc sáng tạo và tính cương nghị, mẹ không sợ gian khổ, ngại khó khăn và cương quyết thực hiện cho bằng được điều mình nhận thức là tốt, là đúng. Sau này, trước lời đề nghị của cha Raphael, mẹ Marie de la Passion đã không ngần ngại ngồi ở hí trường Colyssée tại Roma suốt ba ngày liền để viết xong Hiến Chương Dòng. Với một cốt cách phi thường, mẹ tập trung vào việc phục vụ Tin Mừng và Giáo Hội theo mô hình kép của Maria và Matta : “vừa chiêm niệm vừa hoạt động”.
Trở về thời thơ ấu của tuổi lên 3, ta thấy cô bé Hélène (tên gọi trước khi vào dòng) đã thể hiện bản tính năng động sáng tạo của mình, chẳng hạn biết biến hình phạt “bị cấm đọc sách” thành “nhà văn tí hon”. Hoặc cô bé đã thể hiện óc suy luận của mình từ một trò chơi “búp bê” của trẻ thơ để tìm ra chân lý về tình yêu : yêu và được yêu, về hạnh phúc, về ý niệm vĩnh cửu… Điều này đã được ghi lại trong hồi ký của mẹ : “Hồi còn bé xíu, tôi chơi với con búp bê, tôi bỗng suy nghĩ: dại gì mà vất vả cực nhọc vì cái hình người không hồn này và tôi đã vất nó đi. Tôi biết yêu và được yêu mới thật là hạnh phúc !”. “Mỗi tối nằm trên giường, trước khi ngủ, tâm trí tôi suy nghĩ về các mầu nhiệm trừu tượng. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về ý niệm vĩnh cửu, đời đời! Kiếp kiếp chẳng cùng!”
Khi mới lên 5, cô bé Hélène đã tìm hiểu ý nghĩa của đau khổ qua việc nhờ người em trai họ lớn hơn mình 5 tuổi, chân đi giày dẫm lên dẫm xuống trên bàn tay mình và cô đã cảm nhận được sự đau đớn. Khởi đi từ kinh nghiệm đó, Hélène biết cảm thương người bị khổ đau, và cố tìm những dịp hy sinh để có phương tiện giúp người nghèo, chẳng hạn như “can đảm chấp nhận ngủ không đèn” để có tiền mua bánh cho họ.
Nhưng người phụ nữ mạnh mẽ nơi Marie de la Passion, lại cũng chính là người phụ nữ đầy từ tâm, giàu lòng trắc ẩn và luôn biết thương cảm. Khi mới lên 6, lúc nghe vị Giám mục đến thăm gia đình và nói về cảnh khổ cực, thiếu thốn ở miền truyền giáo, dân chúng không biết gì về Thiên Chúa, và tình yêu của Người đối với họ. Hélène đã xúc động kêu lên: “Thưa Đức Giám mục, con sẽ làm một nhà truyền giáo”. Hay để tỏ lòng trung hiếu với vua Henri V đang bị lưu vong, Hélène muốn mình là một Jeanne d’Arc để cứu vua như ước mơ của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu.
Năm 17 tuổi, Hélène được gặp Chúa trong giờ chầu Thánh Thể vào dịp tĩnh tâm với Hội Con Đức Mẹ tại Dòng Thánh Tâm ở Nantes, tiếng thì thầm : “Ta là Đấng yêu thương con, hơn con yêu thương Ta…” đã luôn vang vọng trong tâm khảm của mẹ, và mẹ đã bị Vẻ Đẹp của Tình Yêu đó chiếm đoạt, không mảy may tính toán, mẹ đã đón nhận lời mời gọi của Tình yêu và sẵn sàng đáp lại: “Nầy con đây”.
Tình yêu mạnh hơn sự chết! Hélène đã cảm nhận được tình yêu này qua cuộc gặp gỡ với Đấng Chịu Đóng Đinh, Tình yêu ấy đã biến đổi Hélène thành một con người của đức tin, của hy tế và từ đó mẹ luôn xác tín : “Tôi đã được thánh hiến cho Thiên Chúa, cùng đích của đời tôi chính là tình yêu”. Và động lực tình yêu này đã thôi thúc Hélène ngỏ lời với thân mẫu về ý định của mình. Chẳng bao lâu, ước nguyện ấy chính là nguyên nhân đưa tới cái chết đột ngột của người mẹ thân yêu! Đó là nỗi đau tột cùng ! Nhưng Hélène đã đón nhận điều đó trong niềm tin, và niềm tin ấy mỗi lúc càng thôi thúc cô nung nấu ý định dâng mình cho Chúa hơn.
Hành trình dâng hiến của Hélène khởi đầu trong cô tịch tại Đan viện thánh Clara. Nơi đây, Hélène được diễm phúc lãnh nhận ơn làm hy lễ cho Giáo Hội và các linh hồn qua tên gọi “Maria Hy Lễ của Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh”. Cuộc đời tưởng chừng như đã êm xuôi, nhưng vì lý do sức khoẻ, Thiên Chúa đã dẫn đưa Hélène đến một đoàn sủng mới trong Dòng Phạt Tạ với tên gọi “Marie de la Passion”.
Khi còn là một tập sinh, Marie de la Passion đã được sai đi truyền giáo tại Ấn Độ, mẹ đã lên đường với sự sẵn sàng triệt để như Đức Maria. Chính nơi miền truyền giáo này, mẹ đã có được những kinh nghiệm thừa sai thật phong phú, và thể hiện cung cách của một người phụ nữ mạnh mẽ trong đức tin, với lòng trắc ẩn và sự thương cảm. Mẹ luôn bận tâm lo lắng cho cảnh khổ cực của người phụ nữ bản xứ, và luôn tìm mọi cách để thăng tiến đời sống họ. Trong con người của Marie de la Passion luôn có sự hòa hợp giữa lòng thương cảm và tính cương trực.
Ân sủng không phá huỷ tự nhiên, chính nhờ ân sủng mà con người tự nhiên của Marie de la Passion đã trở thành con người chứng nhân thừa sai mạnh mẽ của Thiên Chúa, cho dù có gặp bao cảnh gian truân trong đời sống hiến dâng và phục vụ.
Kể từ giây phút được Thiên Chúa ủy thác cho việc điều hành một Tu Hội mơi, mẹ càng thể hiện phong cách của người phụ nữ dám nghĩ và dám làm. Mẹ ý thức rằng mình đang bắt đầu đi vào một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm trong kế đồ của Thiên Chúa. Nhờ trí thông minh và óc tổ chức tài tình, mẹ đã làm cho Hội Dòng có thể sát nhập và thích ứng nhanh với những nhu cầu của sứ mạng truyền giáo phổ quát. Đặc biệt, mẹ phải đương đầu với biết bao thử thách đến từ nhiều phía… Nhưng với lối ứng xử khôn ngoan, khiêm tốn, mẹ đã vượt lên những bi kịch của cuộc sống trong sự bình tâm. Đau khổ và thử thách đã giúp mẹ đi vào chiều sâu trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa, Đấng đã chạm trổ tâm hồn mẹ bằng những đau khổ để tôi luyện niềm tin của mẹ.
Qua những đau khổ và những thử thách ấy, mẹ đã khám phá ra rằng : “Sống bác ái trong chân lý và nói sự thật trong bác ái”, là một châm ngôn sống mà mẹ đã chắt lọc được qua những kinh nghiệm. Sự tự do nội tâm đã giúp mẹ kiên cường dám can đảm xin ra khỏi Dòng Phạt Tạ để minh chứng rằng mẹ muốn sống trong chân lý và bác ái của Thiên Chúa. Dù rằng quyết định ấy đưa đẩy mẹ tới một tương lai mờ mịt, một bến bờ vô định!
Bác ái – chân lý – hiệp nhất … là những hạn từ cốt yếu mà nhân cách của Chân Phước Marie de la Passion được Giáo Hội tôn vinh. Mẹ luôn luôn thao thức sống triệt để với ý tưởng đó. Mẹ nói : “Bác ái – chân lý – hiệp nhất là ‘một nhu cầu của tâm hồn tôi”, và trước giờ lâm chung mẹ luôn thì thào: “Bác ái hãy là cuộc sống của tôi, cuộc sống của tôi hãy là bác ái !, khi sống điều đó, chúng ta sẽ thực sự biết được hạnh phúc của tình yêu nối kết chúng ta với Thiên Chúa.
Sứ điệp “chân lý trong bác ái và bác ái trong chân lý” cho tới hôm nay luôn thuyết phục bao người phụ nữ đã, đang và sẽ dấn thân sống đoàn sủng của Hội Dòng trong thế giới.
Giữa bao thăng trầm của đời dâng hiến và phục vụ, Chân Phước Marie de la Passion đã không ngừng thể hiện một chứng tá ngôn sứ cho mỗi thời đại. Mẹ là người phụ nữ mạnh mẽ trong đức tin, luôn bước theo những thúc đẩy của Thần Khí để phục vụ cho sự sống, để trung thành với Hội Thánh và để xây dựng tính phổ quát của Hội Dòng trong sứ mạng truyền giáo. Đây chính là chìa khoá và bí quyết cho chúng ta hiểu tại sao Marie de la Passion đã có thể hướng dẫn Hội Dòng vượt qua bao hoàn cảnh khó khăn và phát triển mạnh mẽ trong 4 châu lục... Sau 27 năm thành lập, Thiên Chúa đã ban cho Hội Dòng 2004 nữ tu, để mẹ có đủ nhân lực sai đi phục vụ cho sứ mạng truyền giáo khắp nơi trên hoàn cầu.
Nhờ lời chuyển cầu của Chân Phước Marie de la Passion, nguyện xin Chúa giúp mỗi người chúng ta biết noi gương đại đảm của mẹ, sống chứng tá Tin Mừng cho thời đại hôm nay, xứng đáng là những người kitô hữu vững mạnh trong đức tin, nhằm nêu cao Sứ điệp “Sống bác ái trong chân lý, và nói sự thật trong bác ái” để xây dựng một gia đình yêu thương hạnh phúc, một xã hội công bằng và bác ái hơn.
Để khép lại chủ đề chia sẻ, tôi xin trích dẫn ý tưởng bài giảng của Đức Thánh cha Gioan-Phaolô II nói trong dịp lễ tôn phong Chân Phước cho mẹ Marie de la Passion : “Marie de la Passion đã để cho Thiên Chúa chiếm đoạt... mẹ lấy việc cầu nguyện và chầu Thánh Thể làm nguồn lực cho hoạt động truyền giáo. Vừa chiêm niệm vừa hoạt động, mẹ nhiệt thành và can trường hiến trọn đời mình cho sứ mạng truyền giáo phổ quát của Hội Thánh với thái độ sẵn sàng đầy sáng tạo”.
Anne-Marie Thiên Lý fmm.