Năm nay số khách hành hương ghi tên tham dự rất đông: cả trăm ngàn người về mừng lễ cả tuần, đó là không kể những người đi một mình, không thuộc nhóm nào và quyết định vào giờ chót. Ngày lễ chính là ngày 13 tháng 6, nhưng đêm hôm trước là một chuỗi các buổi canh thức, cầu nguyện, dâng thánh lễ liên tiếp diễn ra. Tất cả bắt đầu từ con đường nhỏ ban đêm đi từ khu phố Arcella, nơi ngày 12 tháng 6 năm 1231 khi Thánh Antôn đau nặng được đưa đến, khi đó ngài đang ở làng quê Camposanpiero cách Padue khoảng hai mươi cây số.
Bức tranh Cái chết của Thánh Antôn Pađua
Cảm thấy mình sắp chết, ngài ước muốn đến được Padoue, trong ngôi nhà thờ nhỏ Mẹ Maria mà ngài mong mình sẽ an nghỉ ngàn thu ở đó. Và thế là chuyến đi được lên đường dưới sức nóng khủng khiếp của đầu hè năm 1231. Nhưng đến một lúc đoàn xe phải ngừng lại ở căn nhà bên cạnh đan viện nữ tu gần Arcella và Thánh Antôn Pađua đã qua đời tại đây. Để nhớ lại đoạn đường đi trên trần thế về nơi vĩnh cửu và giây phút hấp hối tuy ngắn nhưng đau đớn của Thánh Antôn, theo truyền thống, giáo dân hành hương muốn đi lại con đường mà Thánh Antôn Pađua đi chưa xong. Nhưng không phải trong buồn bã, vì qua cái chết nhục thân, ngài có được đời sống vĩnh cửu, mối quan hệ rất sâu đậm này đã làm cho hàng triệu giáo dân hành hương trên thế giới qua nhiều thế kỷ gắn bó với ngài. Vì thế Thánh Antôn Pađua luôn hiện diện mỗi ngày. Và lễ hội tại đây kéo dài suốt tháng 6 là tháng dành riêng cho ngài.
Một quyển sách tiểu sử Thánh Antôn Pađua “Pregiamo con Sant’Antonio” của tác giả Giancarlo Paris, tu sĩ Dòng Anh em hèn mọn vừa ra đời, quyển sách sẽ rất hữu ích cho những ai muốn biết thêm về vị thánh cao cả làm nhiều phép lạ này. Đây là tập sách ghi lại nhiều lời cầu nguyện phong phú nhất, những lời cầu nguyện trích từ các bài giảng của ngài, các phép lạ, các biểu tượng liên hệ đến truyền thống dân gian của vùng nói lên lòng kính mến các thánh mà ngày nay họ còn để lại dấu tích thiêng liêng sáng chói cho lòng mộ đạo của giáo dân. Chúng ta cầu nguyện để xin ơn tha thứ, xin được sức khỏe, xin thoát chước cám dỗ, xin thắng nết hư tật xấu để được giải thoát khỏi nỗi buồn của mình…
Quyển sách gồm các lời cầu nguyện truyền thống như lời cầu nguyện Si quaereis et Tredicina, các lời cầu nguyện “tự phát” của người dân trên toàn nước Ý, làm chứng cho lòng kính mến sâu đậm và được lan truyền gần như ngay lập tức: từ thành phố Lombardie đến Campanie, từ Sicile đến Calabre, đến Abruzzes … Các ơn xin phát xuất từ các nhu cầu tiêu biểu cho cuộc sống phức tạp đương đại của chúng ta.
Các bài hương nguyện trích từ các bài giảng là những bài tạo cảm hứng nhiều nhất, bởi vì đó là lời của chính Thánh Antôn Pađua hướng dẫn cụ thể chúng ta vào thế giới nội tâm và linh đạo của ngài. Các bài giảng là những tác phẩm văn hóa và thần học của Thánh Antôn Pađua, dựa trên Sách Thánh và các bài đọc phụng vụ chúa nhật vào thời của ngài. Lửa trên triền dốc (Fuoco co piste) giữa Padoue và Bologne mang đến cho các nhà rao giảng một khí cụ hữu ích khởi đi từ giáo huấn trung thực và nhiệt thành của Tin Mừng. Thánh Antôn Pađua viết bằng tiếng la-tinh thời Trung cổ, văn phong uyên bác và thanh lịch. Thông thường, Thánh Antôn kết thúc bài giảng bằng một lời cầu nguyện, phần lớn là xin ơn tha thứ các tội lỗi của mình. Và từ những lời này truyền đi sự ấm áp cũng như sự ngọt ngào tuyệt vời mà Thánh Antôn biết cách truyền tải, với xác quyết lây lan tình yêu của một Người Cha không bao giờ bỏ chúng ta, chỉ có điều là chúng ta phải để cho Ngài đến với mình. Với lời cầu bàu này, ngài đã xây dựng tòa nhà theo Sách Thánh: “Căn nhà của tôi sẽ là căn nhà cầu nguyện.”
Marta An Nguyễn dịch