Điểm lại các sự kiện nổi bật trong tháng Chín 2012

 

 

WGPSG -- Theo truyền thuyết, Ngưu Lang Chức Nữ mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần vào tháng 7 Âm lịch. Gặp nhau rồi thì khóc mãi không thôi khiến cho trần gian ngập lụt nên mới có tên tháng 7 mưa ngâu. Tháng Chín bắt đầu từ giữa tháng 7 ta nên mưa dầy và nặng hạt hơn trước, những cơn mưa Sài Gòn ‘chợt đến rồi chợt đi’ nếu kết hợp với thủy triều lên sẽ làm đường phố biến thành sông. Dân thành phố phải thay đổi để thích nghi với sông trên phố; hơn nữa, còn phải nhanh nhạy để bắt kịp nhiều biến chuyển đang xảy ra trong Hội Thánh và ngoài xã hội.

1. Giáo Hội toàn cầu

Vào ngày đầu tháng Chín, báo đưa tin ĐGH Bênêđictô XVI sẽ đến Liban vào các ngày 14, 15 và 16 trong tháng. Nhân dịp này, ngài sẽ trao cho các nhà lãnh đạo cộng đoàn Kitô giáo tại đây Tông huấn hậu Thượng Hội đồng (THĐ) về Trung Đông được tổ chức năm 2010.

Trước chuyến viếng thăm của ĐGH, Đức TGM Fouad Twal, Thượng Phụ Jerusalem, đã nói với Đài phát thanh Vatican: “Chúng tôi đặc biệt chờ đợi Tông huấn hậu THĐ này. Tông huấn sẽ là bản tóm tắt những gì chúng tôi đã mong ước trong khi nhóm họp THĐ Giám mục”.

“Không ai sở hữu chân lý, nhưng chính con người thuộc về chân lý”, ĐTC Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh điều này trong Thánh lễ kết thúc buổi hội thảo truyền thống của các cựu sinh viên của ĐGH, “Câu lạc bộ môn sinh của Ratzinger”, vào sáng Chúa nhật 2 tháng Chín, tại Castel Gandolfo.

Ngay trước Thánh lễ an táng ĐHY Martini chiều 03-09, ĐHY Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa đã trả lời phỏng vấn của hãng tin Vatican Insider, nêu bật ĐHY Martini “là con người trung thành với giáo lý truyền thống của Hội Thánh”. Ngài đã dạy các tín hữu và những ai đang kiếm tìm sự thật rằng chỉ Lời Chúa mới thật đáng lắng nghe, đón nhận và bước theo, vì Lời Chúa cho thấy tất cả con đường của sự thật và tình yêu.

Cái chết của ngài, cho chúng ta cơ hội suy tư nghiêm túc về tính đa quan điểm cần có trong Giáo hội. Chúng ta cần phải tỉnh táo trước những dư luận trên các phương tiện truyền thông ảo. Ai đã đọc “Ánh sáng thế gian”, cuốn sách tâm tình của Ratzinger, đều tìm thấy trong đó dấu ấn của Martini. Và công trình to tát của vị hồng y Dòng Tên, cũng như công trình đồ sộ của Ratzinger, đều bày tỏ sự gắn bó sâu xa với sự thật của Tin Mừng. Giáo hội không thể hài lòng với chỉ một Ratzinger hay Martini mà cần cả hai. Ratzinger và Martini: hai lối nhìn, một Giáo Hội. Sự đa dạng trong Kinh cầu các thánh, được hát lên trong tang lễ ĐHY, theo nghi thức Milano, làm chứng cho điều này.

ĐTC Bênêđictô XVI là người đầu tiên ghi danh tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới Rio 2013, sẽ diễn ra ở Rio de Janeiro, Brasil từ ngày 23 đến 28 tháng Bảy 2013.

Hội nghị về Truyền thông xã hội và Tân Phúc âm hóa tại Bangkok, Thái Lan kéo dài năm ngày (từ ngày 3 đến 8 tháng Chín 2012) có sự tham dự của các giám mục thuộc vùng Nam, Đông Nam, Đông và Trung Á. Đây là Hội nghị lần thứ VIII của “Viện Giám mục về TTXH - Institute for Social Communications - BISCOM VIII) thảo luận về “Truyền thông xã hội: Lướt web, Mạng, Blog, Trò chơi, Nghiện internet - Thách thức và Cơ hội cho Sứ vụ Truyền thông tại châu Á”.

Hội nghị do Văn phòng TTXH của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) tổ chức. FABC là một Hiệp hội tự nguyện gồm 19 Hội đồng giám mục thuộc 16 quốc gia Á châu khác nhau, và các thành viên liên kết thuộc 9 quốc gia khác. Mục đích của BISCOM là trang bị cho các giám mục những kỹ năng và kiến thức cần thiết để sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại.

Đức TGM Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về TTXH, khai mạc BISCOM VIII vào ngày thứ Ba, 4 tháng Chín. Bài thuyết trình của ngài mang tựa đề “Loan báo và Làm chứng trên mạng: Các mô hình và chiến lược mới nảy sinh”, được mong đợi nêu bật các chiến lược để công bố sứ điệp của Chúa Kitô trong môi trường truyền thông mới mẻ.

Ngày 5 tháng Chín, 92 giám mục mới được bổ nhiệm trong hai năm qua tại các giáo phận thuộc Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc (Bộ Truyền giáo) đã được tham dự một Hội thảo chuyên đề do Bộ này tổ chức tại Roma. Các giám mục này thuộc 42 quốc gia của châu Phi, châu Á , châu Mỹ và châu Đại Dương. Tiếp nối truyền thống do Bộ TG khởi xướng từ năm 1994, Hội thảo nhằm đem đến cho tất cả các giám mục mới được bổ nhiệm tại các giáo phận hoặc các vùng truyền giáo, một thời gian để cầu nguyện, suy tư, đào sâu đời sống và sứ vụ giám mục, đặc biệt là trong những năm đầu có thể gặp những khó khăn.

Trong diễn văn của ĐTC nói với các Tân giám mục đang tham dự Khóa hội thảo trên tại Castel Gandolfo ngày 7-9-2012 có đoạn: “Khóa học này được tổ chức vào thời điểm rất gần kề Năm Đức Tin (ĐT), một ơn huệ Chúa ban cho Giáo hội để giúp những người đã chịu phép Rửa tội ý thức về ĐT của mình và truyền đạt ĐT đó cho những người chưa được cảm nghiệm vẻ đẹp của ĐT. Các cộng đoàn mà anh em là mục tử, cho dù ở các hoàn cảnh khác nhau, tất cả đều dấn thân trong việc rao giảng Tin Mừng lần đầu và trong công cuộc làm kiên vững ĐT này.”

Vào ngày thứ Tư 05-09 tại Berlin, các nhà chính trị và đại diện của xã hội dân sự Đức đã công bố một văn kiện kêu gọi các Kitô hữu vượt lên trên các chia rẽ giữa các Giáo hội Kitô giáo, Tin Lành và Công giáo. Tuyên ngôn mang tựa đề “Bây giờ là lúc Đại kết”, đã được soạn nhân kỷ niệm 50 năm khai mạc CĐ Vatican II và tiến tới việc kỷ niệm 500 năm cuộc Cải cách, vào năm 2017.

Qua Tông thư – Tự sắc PORTA FIDEI, ngày 11 tháng Mười 2011, ĐGH đã công bố Năm Đức Tin 2012 – 2013 của toàn thể Giáo hội. Cụ thể, Năm Đức Tin sẽ bắt đầu từ ngày 11 tháng Mười 2012, nhân kỷ niệm 50 năm khai mạc CĐ Vatican II, và sẽ kết thúc vào ngày đại lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, 24-11-2013.

Tiếp theo Tông thư của ĐGH, ngày 6 tháng Giêng 2012, lễ Chúa Hiển Linh, Bộ Giáo lý Đức tin đã phổ biến Bản Hướng dẫn mục vụ cho Năm ĐT. Bản hướng dẫn mời gọi toàn thể Giáo hội Công giáo ở mọi cấp, – cấp Giáo hội hoàn cầu, cấp Hội đồng Giám mục, cấp giáo phận, cấp giáo xứ, cộng đoàn, hiệp hội và phong trào, – cần có những chương trình cụ thể, theo gợi ý của bản hướng dẫn, để chuẩn bị, cử hành và sống một năm đầy ắp những sự kiện này theo tinh thần ĐTC đã gợi lên trong Tự sắc Porta Fidei thiết lập Năm ĐT.

Ngày 11 tháng Chín, nhân danh ĐTC, ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh Tarcisio Bertone đã gửi một sứ điệp cho ĐHY Vinko Puljic, TGM Vrhbosna-Sarajevo, thuộc Bosnia và Herzegovina, để chào mừng các đại diện của các Giáo hội và cộng đoàn Kitô giáo của các tôn giáo lớn trên thế giới, cũng như “người dân Sarajevo yêu quý”, và các tham dự viên Hội nghị Hòa bình Quốc tế lần thứ 26 tại Sarajevo do Cộng đồng Sant’Egidio tổ chức.
ĐHY viết: “Chúng ta vui mừng và phấn chấn nhận thấy cuộc hành hương vì hòa bình, được Chân phước Gioan Phaolô II khởi xướng tại Assisi vào tháng Mười 1986, tiếp tục đơm hoa kết trái”. ĐHY cũng nhắc lại ĐTC đã tiếp nối, cũng tại Assisi, “mối quan hệ giữa người có tôn giáo và những người không cảm thấy mình thuộc về một truyền thống tôn giáo nào, nhưng vẫn thành tâm tìm kiếm chân lý. ĐTC làm như vậy vì tin chắc rằng việc đối thoại sâu sắc và chân thành có thể giúp người tín hữu quyết tâm thanh lọc niềm tin của mình, và giúp người không tin mở ra với những vấn nạn lớn mà con người phải đối mặt và với Mầu Nhiệm bao bọc cuộc sống con người. Như thế, cùng nhau hành hương hướng tới sự thật sẽ trở thành cùng nhau hành hương hướng tới hòa bình”.

Tối 11-09, những người biểu tình phản đối một bộ phim Mỹ chế nhạo Mohamed đã nã đạn và đốt lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi, miền đông Libya. Cuộc tấn công đã làm thiệt mạng ông Christopher Stevens, đại sứ Hoa Kỳ tại Libya và 3 viên chức sứ quán. Sự kiện xảy ra đã gây bàng hoàng khắp thế giới, đặc biệt đối với Hoa Kỳ, nơi vừa diễn ra cuộc tưởng niệm các nạn nhân trong biến cố 11/9/2001, đúng 11 năm trước đây, khi tòa nhà Tháp Đôi của TTTM Thế giới tại Manhattan, New York, bị hai chiếc phi cơ khủng bố đâm vào và đổ sụp.

Sáng ngày 13-09, cha Federico Lombardi, SJ, GĐ Văn phòng báo chí Tòa Thánh đã ra thông cáo, nêu lên lập trường của Tòa Thánh về việc này: “Tòa Thánh lên án mạnh mẽ cuộc tấn công nhắm vào đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Libya dẫn đến cái chết của vị đại sứ và ba viên chức khác. Như đã nêu, không thể biện minh cho hành động bạo lực giết người của các tổ chức khủng bố. Tòa Thánh chia buồn và cầu nguyện cho các nạn nhân, đồng thời một lần nữa bày tỏ hy vọng: mặc dù đã xảy ra sự kiện bi thảm này nhưng cộng đồng quốc tế sẽ tìm được những giải pháp hữu hiệu trong việc khôi phục nền hòa bình tại Libya cũng như toàn vùng Cận Đông”.

Cũng trong ngày 13 tháng Chín, cha Boulos Wehbe, một Lm. Chính thống thuộc Gx. Thánh Micae ở Beirut và đang giảng dạy tại Đại học CG Notre Dame nhận định rằng chuyến tông du sắp tới của ĐTC đến Liban là một “phúc lành thực sự cho đất nước này và cho toàn bộ vùng Trung Đông”, cộng đồng CTG ở Liban rất mong đợi ĐTC sẽ mang đến một sứ điệp “hy vọng, quyết định và hòa giải”.

Hai ngày trước cuộc tông du của ĐTC, tối thứ Tư 12-09, các vị hữu trách các tôn giáo: Đạo Druze (tôn giáo bản địa tại Liban), Kitô giáo và Hồi giáo, được cảnh sát bảo vệ nghiêm nhặt, đã thực hiện cuộc gặp gỡ bằng cách cùng nhau tuần hành đến Viện bảo tàng quốc gia Liban. Đây là sáng kiến của Hiệp hội Gặp gỡ Kitô giáo-Hồi giáo, mang tên “Quy tụ bên Đức Maria”, với mong muốn phát lên một tín hiệu mạnh mẽ, nhằm đẩy mạnh cuộc đối thoại liên tôn.

Vào lúc 9g30 sáng (giờ Roma), ngày thứ Sáu 14-09, ĐTC đã lên đường đến Liban. Trước đó, trong buổi tiếp kiến thường lệ vào ngày thứ Tư hằng tuần, ĐTC đã hướng về Liban sau bài giảng giáo lý của ngài: “Tôi vui mừng về chuyến tông du sẽ cho tôi được gặp gỡ đông đảo các thành phần trong xã hội tại Liban, các vị hữu trách dân sự và tôn giáo, anh chị em Công giáo thuộc các nghi lễ khác nhau, các tín hữu thuộc những Giáo hội Kitô khác, các tín đồ Hồi giáo và đạo Druze địa phương. Tôi tạ ơn Chúa về sự phong phú này. Một sự phong phú chỉ duy trì được nếu có hòa bình và hòa giải. Vì thế, tôi kêu gọi mọi Kitô hữu ở Trung Đông, là người bản địa hay mới nhập cư, hãy trở thành những người kiến tạo hòa bình và tác nhân cho hòa giải.

Lúc 14g00 (giờ Beirut, tức 18g00 giờ Hà Nội) cùng ngày, chiếc phi cơ của ĐTC đã hạ cánh xuống phi trường Liban. Chào đón ĐTC có các quan chức Nhà nước Liban: TT Michel Sleiman, CT Quốc hội Nabib Berri, CT Hội đồng Bộ trưởng Nagib Miqati. Đồng thời, ra đón ĐTC còn có Đức Thượng phụ Giáo chủ CG Đông phương (nghi lễ Maronit) Béchara Boutros al-Rahi.

Trong diễn văn đầu tiên tại Liban, trước hết ĐTC đề cập đến chuyến viếng thăm Vatican của TT Michel Sleiman vào tháng Hai 2011. Trong dịp này, tổng thống đã đặt tượng Thánh Maron ở mặt tiền Đền thờ Thánh Phêrô. Pho tượng “thể hiện một di sản tinh thần lâu đời, khẳng định lòng tôn kính của dân tộc Liban đối với vị tông đồ tiên khởi và các đấng kế vị ngài”. Tiếp đến, ĐTC nêu lên mối quan hệ rất tốt đẹp giữa Tòa Thánh với Liban và nhắc lại mục đích chính của chuyến tông du đến Liban của ngài là ký và công bố văn kiện Ecclesia in Medio Oriente (Giáo hội tại Trung Đông).

Ngày thứ 1 tại Liban, ĐTC chủ tọa nghi thức ký và công bố văn kiện Tông huấn hậu THĐGM Trung Đông (khóa đặc biệt). Tông huấn mang tên “Giáo Hội tại Trung Đông”.

Ngày thứ 2, ĐTC nêu rõ những thách thức hiện nay Liban và Trung Đông đang phải đối mặt và khen ngợi những nỗ lực giải quyết, trong đó đáng kể nhất là con đường đối thoại, hợp tác, hòa giải và hòa hợp để cùng nhau vượt qua mọi thách thức.

Ngày cuối cùng của chuyến tông du, Thánh lễ được cử hành vào lúc 10g00 sáng, tại Beirut, thủ đô Liban. Đầu Thánh lễ, phát biểu chào mừng ĐTC, Đức Thượng phụ Béchara Boutros al-Rahi, Giáo chủ GH Maronit, đã nêu cao ý nghĩa của Tông huấn sẽ được ĐTC trao cho các GM Trung Đông: “Vạch một lộ trình cho các GH của chúng con đi đến mùa xuân”. Đức Thượng phụ cũng thay mặt toàn thể cộng đoàn dân Chúa tại Liban và toàn Trung Đông cám ơn ĐTC đã đến thăm và đem lại sự khích lệ lớn lao: “Chuyến tông du của ĐTC là một chiếc van an toàn vào lúc đang diễn ra tình hình bất ổn đối với các Kitô hữu, những người trung thành với lời hứa khi chịu phép Rửa Tội, đang chiến đấu để được gắn bó với mảnh đất quê hương mình, dù phải đương đầu với muôn vàn thử thách”.

Trong bài trả lời các câu hỏi do báo La Croix và hãng thông tấn Roma I. Media nêu lên, ĐHY Jean-Louis Tauran nói: “Kitô hữu và người Hồi giáo có chung một kẻ thù, đó là chủ nghĩa Hồi giáo quá khích”. Đối với ĐHY Chủ tịch HĐ Tòa Thánh về đối thoại liên tôn, chuyến tông du tại Liban của ĐGH đã đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong cuộc đối thoại giữa người Hồi giáo và người Kitô hữu.

Với tựa đề “Hy vọng của bình minh”, bài hát chính thức của Ngày Giới trẻ Thế giới Rio đã được giới thiệu vào ngày Lễ kính Thánh giá vinh hiển, thứ Sáu 14-9.

Ngày 17-09 , tại Roma, Đức TGM Claudio Maria Celli, CT Hội đồng Tòa Thánh về TTXH, đã cho biết bộ phim tài liệu giới thiệu những hình ảnh chưa từng được công bố về CĐ Vatican II sẽ được trình chiếu rộng rãi từ ngày 11-10-2012, nhân kỉ niệm 50 năm khai mạc Công đồng.

Trong số những hình ảnh được Viện tư liệu khai thác, có quang cảnh một phiên họp tại Đền thờ Thánh Phêrô, dưới sự chủ tọa của ĐGH Phaolô VI và Đức cha Karol Wojtyła, TGM Krakow (Ba Lan), sau này là ĐGH Gioan Phaolô II, đang phát biểu bằng tiếng Latinh. Các nhà làm phim đã khai thác hơn 200 giờ tư liệu đã có để thực hiện bộ phim dài hằng chục giờ chiếu này. Đức TGM Celli giải thích lý do thực hiện bộ phim “nhằm cung cấp một tài liệu thuần túy mang tính sử liệu về GH, liên quan đến những thời điểm nổi bật nhất” và mong với 14 cuộc phỏng vấn đặc biệt với các vị tham dự CĐ và các chuyên gia khắp thế giới, bộ phim sẽ mang đến cho mỗi người chìa khóa khám phá ý nghĩa của Công đồng.

Trong một bức điện gửi cho Rabbi trưởng Riccardo di Segni ở Roma ngày 20 tháng Chín, nhân những ngày đại lễ của Do Thái giáo, ĐGH Bênêđictô gửi “những lời chúc chân thành tốt đẹp nhất” trong dịp lễ Rosh Hashana, Yom Kippur và Sukkot của Do Thái giáo. Ngài viết: “Tôi hy vọng rằng người Do Thái và Kitô hữu, một khi gia tăng lòng tôn trọng và tình bạn với nhau, sẽ làm chứng với thế giới về các giá trị phát sinh từ việc tôn thờ Thiên Chúa duy nhất”.

Ngày 21-09, nhà xuất bản Vatican và nhà xuất bản Rizzoli của Italia đã ký một thỏa thuận liên quan đến việc xuất bản quyển sách mới nhất của ĐTC viết về thời thơ ấu của Chúa Giêsu trong Phúc Âm. Tại Italia, sách sẽ ra mắt vào lễ Giáng sinh sắp tới. Hai tác phẩm trước đó mang nhan đề “Chúa Giêsu thành Nazareth: Từ lúc chịu phép Rửa ở sông Jordan đến khi hiển dung” và “Chúa Giêsu thành Nazareth – Tuần Thánh: Từ lúc vào thành Giêrusalem đến khi phục sinh”.

Trong ngày 21 tháng Chín, tác giả Sylvain Gasser, La-Croix đã nêu câu hỏi “Liệu có chỗ cho máy tính bảng trong phụng vụ?” qua câu chuyện: Một vị bề trên tu viện nhắc nhở một tu sĩ trẻ đang sử dụng máy tính bảng thay thế cho sách nguyện trong giờ kinh sáng hãy dùng sách nguyện như các người khác. “Nhưng -vị bề trên nói tiếp-, tôi tự hỏi tại sao tôi lại phản ứng như vậy. Việc sử dụng một máy tính bảng không thích hợp bằng việc sử dụng một cuốn sách ở chỗ nào?...”

Vào ngày 23 tháng 9, ĐTC đã phê chuẩn việc bổ nhiệm 94 chuyên viên và dự thính viên từ khắp nơi trên thế giới tham dự Thượng Hội đồng GM lần thứ XIII, sẽ diễn ra tại Vatican từ ngày 7 đến ngày 28 tháng Mười 2012, với chủ đề “Tân Phúc Âm hóa để loan truyền Đức Tin Kitô giáo”.

Ngày 26 tháng Chín, theo Agenzia Fides: Giáo hội Đài Loan chuẩn bị cho Năm Đức Tin bắt đầu vào ngày 11 tháng Mười 2012 bằng cách: Tổ chức 4 hội nghị chuyên đề, ấn hành các tập sách mỏng, tổ chức thi sáng tác thánh ca về Năm ĐT dành cho các sắc dân bản địa. Các giám mục Đài Loan cũng muốn nhấn mạnh rằng con đường hướng tới Năm ĐT nằm trong tiến trình diễn ra Đại hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 50, nên việc chuẩn bị Năm ĐT cũng phải làm nổi bật lòng tôn sùng đặc biệt đối với Thánh Thể.

2. Giáo Hội Việt Nam

Tại Giáo Hội trong nước, vào ngày đầu tháng Chín, ĐGM Toma Vũ Đình Hiệu - CT UB Giáo dục Công giáo, đã gởi thơ cho học sinh sinh viên với nội dung: “Nền giáo dục Việt Nam trước sau vẫn trọng việc giáo dục nhân bản. Bên cạnh những kiến thức phải trau dồi, thì những đức tính này không thể bỏ qua hoặc bị xem nhẹ giá trị. Thật vậy, những đức tính nhân bản hàng đầu của một con người là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, vẫn luôn có giá trị qua mọi thời đại.”

Bản tin Hiệp Thông số 72 (tháng 9&10 năm 2012) của HĐGMVN với chủ đề “Chuẩn bị Năm Đức Tin” đã được phát hành vào ngày 8 tháng Chín.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc CĐ Vaticanô II (1962 – 2012) và để chào mừng Năm Đức Tin, Ủy ban Giáo lý Đức tin trực thuộc HĐGMVN (UBGLĐT) đã thực hiện 2 công trình: 1. Sách Công đồng Vaticanô II. 2. Sách Thần học ngày nay. Viễn cảnh, nguyên lý và tiêu chuẩn. Thần học ngày nay đã ra mắt vào đầu tháng Chín. CĐ Vaticanô II sẽ ra mắt trong tháng Mười.

Vào ngày 12 tháng Chín, giảng trong Thánh lễ tạ ơn về cuộc bàn giao trách nhiệm mục tử từ Đức TGM Stêphanô Nguyễn Như Thể sang Đức Tân TGM Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng tại nhà thờ Chính tòa Phủ Cam, ĐGM Giuse Võ Đức Minh đã nói: “Đẹp thay, ôi đẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi… Đối với Giáo hội VN chúng ta, đó là những bước chân của các nhà thừa sai thuộc nhiều dòng tu và nhiều quốc tịch khác nhau, từ năm thế kỷ qua, kẻ trước, người sau, đã cập bến tại nhiều cửa khẩu Đàng Trong, Đàng Ngoài của Tổ quốc; rồi ngược lên các dòng sông, bôn ba trên các nẻo đường đồng ruộng và núi rừng cheo leo hiểm trở… Chúng ta đặc biệt hiệp thông với hai Đức TGM khả kính của chúng ta để mượn lời Mẹ Maria, ca vang lên bài ca tạ ơn, bài Magnificat bất hủ, để chúc tụng, tôn vinh, cảm tạ Thiên Chúa Toàn Năng đã thực hiện những kỳ công trong cuộc đời của Mẹ và trong lịch sử Giáo hội VN chúng ta.”

Vào lúc 09g00 ngày 15 tháng Chín, tại VCTĐ Đức Bà Sài Gòn, đã có Thánh lễ đồng tế cầu nguyện cho Tôi tớ Chúa - ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, nhân kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 10 của ngài. Lm. Giuse Vương Sĩ Tuấn đã chia sẻ như sau: “Hãy trao cho ĐHY một cơ hội ở bất cứ đâu, bất cứ môi trường, hoàn cảnh nào, ngài luôn chụp bắt, vì đó là cơ hội đẹp nhất để thi hành 3 sứ mạng: Ngôn Sứ, Tư Tế và Quản Trị. Đó là cơ hội tốt nhất để Tin Mừng Chúa Giêsu được loan báo”.

Thánh lễ tưởng niệm 26 năm ngày mất của nhạc sĩ Hùng Lân (17.09.1986 – 17.09.2012) đã diễn ra lúc 9g30 Chúa nhật ngày 16.09.2012, tại nhà thờ Phanxicô, số 50 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đakao, Quận I, TPHCM. Đây cũng là dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhạc sĩ Hùng Lân (1922 – 2012). Trong bài giảng lễ, Cha Gioan Baotixita Trần Thanh Cao đã chia sẻ với cộng đoàn về cuộc đời của nhạc sĩ Hùng Lân: Cuộc đời của ông rất thầm lặng như bè trầm trong ban hợp xướng, nhưng giữ vai trò quyết định. Bè trầm khi nổi lên, thì nó tràn đầy và rất dũng mãnh. Một nhạc sĩ đạo đức, tài ba, sống và phục vụ âm thầm, rất khiêm tốm và khép mình trong chuyên môn, ít khi bộc lộ hoành tráng ra bên ngoài, nhưng ông có vai bè trầm, góp phần rất tích cực cho nền âm nhạc nước nhà cũng như nền Thánh nhạc Việt Nam.

Tiếp nối chủ đề “Đất chúng ta trổ sinh hoa trái” của kỳ họp mặt lần I, giáo phận Bắc Ninh đã tổ chức kỳ họp mặt lần II. Trong hai ngày 25 và 26 tháng 09 tại TTMV, các tham dự viên đã trao đổi thảo luận theo ba đề tài chính nhằm đưa ra những phương hướng mới cho hành trình của giáo phận miền Kinh Bắc trong thời gian tới.

Trong hai ngày 27–28/9/2012, tại TTMV TGP-SG, Ủy ban Mục vụ Gia đình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (UBMVGĐ) đã tổ chức Hội nghị thường niên lần III.

Bắt đầu từ ngày 28 tháng Chín, mỗi tuần, Trang Tin HĐGMVN có chuyên mục mới giới thiệu những bài viết ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, trình bày những điểm chính yếu và căn bản trong sách Giáo Lý HTCG. Những bài viết này không thay thế sách Giáo Lý, nhưng chỉ nhằm mục đích giúp cho nội dung giáo lý đến gần với nhiều người hơn.

2. Ngoài xã hội

Ở nước ta, trong tháng Chín có nhiều vụ động đất tại Sông Tranh (ST) gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Chuỗi động đất bắt đầu từ 22g00 ngày 22-9 và đạt đỉnh lúc 10g57 ngày 23-9 đã khiến cuộc sống người dân huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) đảo lộn hoàn toàn. Tuy nhiên, vào ngày cuối tháng, trong khi những trận động đất tại Bắc Trà My vẫn tiếp diễn thì dư luận lại không khỏi ngỡ ngàng về “Báo cáo đánh giá tác động môi trường thủy điện ST 2” của EVN. Báo cáo khẳng định rõ, thủy điện ST 2 “Không có khả năng gây động đất kích thích khi tích nước”!

Việc biến đổi khí hậu sẽ khiến lũ lụt, hạn hán xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn tại Đông Nam Á, đe dọa hoạt động trồng lúa và cuộc sống của hàng chục triệu người. Theo đánh giá của LHQ, Việt Nam sẽ là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Việc nhiều vị trong ban điều hành của các ngân hàng ACB, Eximbank… liên tiếp từ nhiệm cũng thu hút dư luận. Bốn vị sếp của ACB đã phải ra hầu tòa.

Nhìn ra thế giới, sự kiện biển Đông vẫn nóng với nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là giữa Trung và Nhật. Nhật đóng cửa hầu hết các nhà máy ở TQ; Tàu TQ Đài Loan vây Senkaku Điểu Ngư; công chúng Nhật biểu tình chống TQ, và ngược lại; TQ khoe sức mạnh hải quân ở Hoa Đông; Nhật thay đổi cứng rắn hơn trong ngoại giao và quân sự; TQ tố Nhật ăn cắp quần đảo Điểu Ngư… TQ mới đây đã đăng quảng cáo chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên hai tờ báo Mỹ hàng đầu thế giới dù đang còn tranh chấp căng thẳng với Nhật Bản.

Philippines vừa triển khai thêm 800 binh sĩ thủy quân lục chiến đến quần đảo Trường Sa và lập một trụ sở quân sự mới nhằm bảo vệ các lợi ích ở Biển Đông, điểm nóng tranh chấp với các nước trong khu vực.

Một chiến hạm của Nhật Bản bị từ chối cập cảng của Hàn Quốc trong cuộc diễn tập hải quân chung, trong bối cảnh quan hệ hai nước vẫn căng thẳng liên quan tới việc tranh chấp quần đảo Dokdo/Takeshima.

Các đại biểu tham gia hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Jakarta, Indonesia, đều nhất trí việc xây dựng một cách tiếp cận đa phương trong việc giải quyết các vấn đề ở vùng biển này.

Các sự kiện về Hàn Quốc, Mỹ và Pháp cũng thu hút sự quan tâm của công chúng:

Hàn Quốc đe dọa sẽ đáp trả mạnh mẽ bằng quân sự trước bất kỳ hành động khiêu khích nào của Triều Tiên trong lúc căng thẳng gia tăng dọc biên giới tranh chấp trên biển giữa hai nước. Ngày cuối tháng, Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc xâm phạm lãnh thổ và "kích động" đụng độ quanh biên giới tranh chấp trên biển, nhằm thu hút sự ủng hộ cho đảng cầm quyền trước bầu cử tổng thống..

Romney và Obama cạnh tranh quyết liệt ở Ohio. Dù các ứng viên đã chi hàng tỷ USD cho quảng cáo, kết quả bầu cử tổng thống Mỹ rất có thể được quyết định chỉ bởi vài nghìn lá phiếu của các cử tri lưỡng lự ở bang Ohio.

Lo ngại có những vụ tấn công các đại sứ quan sau vụ tại Libya, Pháp đóng cửa sứ quán 20 nước để tránh bạo loạn.

Tâm tình cuối tháng

Vào tháng này, nhịp cầu ô thước nối đôi bờ cho hai người yêu nhau được gặp nhau. Còn nhịp cầu nào sẽ nối liền tâm hồn những con người đang sôi sục vì lợi danh, vì tham vọng, vì muốn bá chủ thế giới, vì quá khích… đã và đang làm Biển Đông dậy sóng và làm các nước quan ngại trong những ngày tháng qua?

Chúng con xin dâng lên Chúa những ưu tư trong tháng về đời sống xã hội, về những lo lắng cho tương lai thế giới, nhất là tâm tình hiệp thông với những người đang hứng chịu những bất công khi theo đuổi đường Sự Thật và Sự Sống.