Tỉnh dòng Phanxicô tại Việt Nam: Mừng bổn mạng

 

Tỉnh dòng Phanxicô tại Việt Nam: Mừng bổn mạng

 

WGPSG -- Hôm nay, ngày 04.10.2012, Tỉnh dòng Phanxicô Việt Nam (Dòng Anh Em Hèn Mọn OFM) long trọng tổ chức Thánh lễ mừng bổn mạng tại nhà thờ giáo xứ Phanxicô Đakao.

Từ sáng sớm, những chiếc áo trắng (của các em tìm hiểu), áo nâu (của các thầy, các cha) đã đầy khắp sân nhà thờ. Các cha, các thầy, các em từ những cộng đoàn ở khắp nơi tụ họp về đây mừng bổn mạng Tỉnh dòng. Mỗi người một việc: tiếp đón, trật tự, chuẩn bị Thánh lễ… trong không khí vui tươi, thánh thiện theo tinh thần của cha Thánh Phanxicô Assisi.

Đúng 8g30, giáo dân và khách mời đã ổn định chỗ ngồi để xem diễn nguyện do các thầy học viện Phanxicô trình diễn. Diễn nguyện kể lại những tháng cuối đời của cha Thánh Phanxicô, khi tinh thần ngài bị dày vò trong nỗi cô đơn vì sự chia rẽ trong Hội dòng, thể xác ngài chìm trong đau đớn vì đôi mắt mù lòa, 5 dấu đinh rỉ máu… nhưng ngài vẫn tin tưởng bám chặt vào Thiên Chúa để có một tấm lòng rộng mở với con người và với thiên nhiên, để ngài có thể gọi anh mặt trời, chị mặt trăng, chị đất, anh nước, và ngay cả thần chết cũng được ngài gọi bằng cái tên rất thân mật: chị Chết.

Phần diễn nguyện kết thúc, cả nhà thờ lắng đọng trong giây lát để tưởng nhớ về vị Tổ phụ của gia đình Phan Sinh và chuẩn bị cho Thánh lễ.
Thánh lễ diễn ra lúc 9g30 với hơn 20 linh mục trong và ngoài dòng đồng tế. Chủ tế là Cha Phanxicô Xaviê Vũ Phan Long, Giám tỉnh Dòng Phanxicô.

Chia sẻ trong Thánh lễ, cha Giám tỉnh kể với cộng đoàn việc Cha Thánh Phanxicô được gọi là một con người mới, và thuộc về một thời đại khác. Sự mới mẻ ở đây không có nghĩa là một điều hoàn toàn khác lạ, có thể đảo lộn trật tự hiện hành; cái mới luôn dựa trên quá khứ, và đưa lại tính hiện đại cho quá khứ. Người ta chỉ có thể làm ra cái mới nhờ cái cũ, bằng cách làm sống lại điều đã có trước, làm cho tiếp tục nở hoa điều đã suy tàn hoặc đã chết. Lược sơ về Hội Thánh của thế kỷ 13, và cách sống của Thánh Phanxicô, người trả lời cho người đương thời: Có thể sống theo Tin Mừng mà vẫn trung thành với Hội Thánh… Cha Giám tỉnh nói: Trách nhiệm của chúng ta là thấy trong sứ điệp của Cha Thánh vẫn còn biết bao tiềm năng chưa được bung ra trong quá khứ nên nó vẫn còn rất hợp thời và hữu ích cho chúng ta cùng Hội Thánh. Ngài cũng mời gọi mỗi người trong gia đình Phan Sinh noi gương Cha Thánh Phanxicô tìm thấy đây là một ánh sáng đưa chúng ta vào Năm Đức Tin, củng cố tư cách Phan Sinh để trở nên hữu ích cho thế giới và cho Hội Thánh…

Thánh lễ tiếp tục trong sự sốt sắng của người tham dự, và trong tiếng hát thật hay của ca đoàn các thầy học viện Phanxicô.

Cuối Thánh lễ, trước khi ban phép lành, cha Giám tỉnh đã có lời cám ơn cha xứ, Hội đồng Mục vụ giáo xứ Thánh Phanxicô Đakao, và tất cả những người đã tham gia chuẩn bị, phục vụ để Thánh lễ mừng bổn mạng tốt đẹp, cám ơn khách mời đến từ các Dòng bạn…

Lộc của Cha Thánh cho những người tham dự là một túi bánh, và một… cơn mưa để mọi người có cớ ở lại hàn huyên, tâm sự, hỏi thăm, chia sẻ… Dù trời se lạnh nhưng khi chia tay ai cũng cảm thấy ấm lòng, và hẹn gặp lại vào ngày lễ bổn mạng năm tới.

TỈNH DÒNG PHANXICÔ VN: MỪNG BỔN MẠNG

LƯỢC SỬ DÒNG PHAN SINH TẠI VIỆT NAM

Đi mở nước Chúa ở những miền đất xa xôi, đầy phiêu lưu mạo hiểm, xưa nay vẫn là một truyền thống của Dòng Phanxicô.

Từ thế kỷ 12, đã có vết chân của các nhà truyền giáo mạo hiểm này vượt trùng dương, băng rừng băng núi đem ánh sáng Phúc Âm đến cho các dân tộc Á đông. Từ năm 1245-1314, đã có những vị hoặc đi một mình hoặc đi thành phái đoàn, thành công mỹ mãn hoặc có đi mà không có về…

Ở Việt Nam, vào thế kỷ 16, đã có những nhà truyền giáo Phanxicô đến mở Nước Chúa. Ngay từ năm 1583 và nhất là sau năm 1680, đã có những linh mục từ Phi Luật Tân qua truyền giáo và rửa tội được rất nhiều người, nhất là ở Nam Việt và Cao Miên. Có người nói số giáo hữu lên tới 30.000 người…

Nhưng vào khoảng năm 1750, Giáo hội bị bách hại, vì thế các giáo đoàn nói trên phải tan rã. Các cha còn tìm cách trở lại nhưng không kết quả. Người cuối cùng mà sử sách còn biết tới là cha Odoric de Collodi, làm cha sở Cái Nhum 13 năm, dưới triều Minh Mạng, bị bắt ra Phú Xuân, bị án đày lên Lao Bảo với các Chân phước Gagelin, Jacquard và chết rũ tù nơi rừng thiêng nước độc ấy vào ngày 23/5/1834.

Như thế, tuy anh em tu sĩ Dòng Phanxicô đã đến truyền giáo trên giải đất Việt Nam từ cuối thế kỷ 16, nhưng cho đến đầu thế kỷ 20, vẫn chưa thành lập một nhà dòng nào cho người Việt muốn sống đời tu trì theo tinh thần Thánh Phanxicô.

Một dịp thuận tiện đã đến để liên kết Dòng với giải đất mà một số con cái thánh Phanxicô đã từng hy sinh gian khổ đem ánh sáng Phúc Âm chiếu giãi sáng ngời. Tháng 11 năm 1928, Đức Cha Colomban Dreyer, một tu sĩ Phanxicô, trước đây một thời đã hoạt động cùng Cha Maurice Bertin ở Canađa, được Tòa Thánh cử làm Khâm mạng Tòa Thánh ở đế đô Huế. Đức Cha nghĩ đến việc lập Dòng, thể theo ý Đức Giáo Hoàng Piô XI đang khuyến khích các địa phận truyền giáo mời các Dòng tu đến giúp sức.

Đầu năm 1929, với sự chấp nhận và khuyến khích của Hội Truyền Giáo Paris, và riêng của Đức Cha Eloy, Giám mục Địa phận Vinh, công cuộc lập Dòng Phanxicô Việt Nam, và nhà đầu tiên ở Vinh, được giao cho một Tỉnh Dòng Pháp đảm nhận. Và cha Maurice Bertin vừa ở Nhật Bản về định chuẩn bị lập Dòng ở Tokyo và Nagasaki, được giao cho việc hướng dẫn anh em sang lập Dòng ở Việt Nam.

Ngày 21/11/1929, cha Maurice Bertin cùng với hai anh em là cha Hugolin Lemesre và thầy Jean-Marie Couden đặt chân lên hải cảng Đà Nẵng. Và suốt 17 năm trời, mặc dầu đã ngoài 60 tuổi, cha không ngừng vận dụng hết tài năng sức lực lo đặt nền móng vững chắc cho việc đào tạo giúp Hội Thánh Việt Nam, những tu sĩ Phanxicô và phát huy cuộc đời tu hành theo tinh thần của vị Thánh Nghèo trên đất Việt.

Thế kỷ 16-19, trong 250 năm, trải dài suốt bốn thế kỷ của lịch sử thời đại, có nhiều đoàn thừa sai Phan Sinh đem Tin Mừng đến cho dân tộc Việt Nam.

Sự nghiệp truyền giáo của anh em Phan Sinh ở Đàng Trong được thể hiện bằng những con số như sau:

- Số thừa sai là 80. 32 anh em đã gởi lại hình hài trên đất Việt. 
- Số họ đạo: 282 
- Số nhà thờ: 72 
- Số nhà nguyện: 50
- Số bàn thờ: 30 
- Số tu viện: 1

THÀNH LẬP DÒNG VÀ CÁC NHÀ

1927 Đức Cha Aiuti, Khâm mạng Toà Thánh đề xuất với Dòng OFM mở một địa điểm truyền giáo ở Đông Dương.

1929 Dòng Anh Em Hèn Mọn trở lại lập Dòng tại Việt Nam, với diễn tiến lịch sử như sau:

9/1/1929 Cha Tổng phục vụ Bonaventura Marrani OFM đề xuất việc lập Dòng ở Đông Dương với Đức Cha Colomban Deyer OFM Khâm mạng Toà Thánh tại đây

17/1/1929 Đức Cha Colomban Deyer chấp thuận và vận động thực hiện đề xuất

1/3/1929 Đức Cha Eloy, Đại diện Tông toà Vinh, đề nghị Dòng OFM đến lập tu viện tại Vinh

11/4/1929 Hội đồng Tỉnh dòng thánh Phêrô (Nước Pháp) chấp thuận lập Dòng tại Đông Dương

20/5/1929 Bộ Tu sĩ ký nghị định thành lập Dòng

9/10/1929 Phái đoàn lập Dòng, gồm cha Maurice Bertin, cha Hugolin Lemesre và tu sĩ Jean-Marie Couden lên đường sang Đông Dương.

1931 Xây tu viện Vinh, tu viện Phanxicô đầu tiên tại Việt Nam (giải thể năm 1954)

1933 Xây chủng viện Thanh Hoá (giải thể năm 1954)

1939 Xây tu viện Nha Trang (giải thể năm 21.12.1978)

1949 Tu viện Cầu Ông Lãnh

1950 Tu viện Đakao

1953 Tu viện Tiểu Cần (giải thể năm 1964)

1957 Tu viện Cù Lao Giêng (Chủng viện của Giáo phận Nam Vang cũ)

1958 Chủng viện Thủ Đức

1968 Học viện Du Sinh

1975 Cộng đoàn Bình giả

1975 Cộng đoàn Đồng Dài

1975 Cộng đoàn Suối Dầu

1975 Cộng đoàn Suối Thông B (giải thể năm 1995)

1976 Cộng đoàn Cư Thịnh

1976 Cộng đoàn Xuân Sơn

1978 Cộng đoàn Vĩnh Phước

1978 Cộng đoàn Thanh Hải

1978 Cộng đoàn Ngọc Thanh (sát nhập Vĩnh Phước 3.2008)

1978 Cộng đoàn Phù Sa (giải thể năm 2002)

1978 Điểm Quảng Thành (giải thể 28.9.1998)

1980 Điểm Cồn Eùn

1980 Cộng đoàn Xuyên Mộc (giải thể 2005)

1988 Điểm Dục Mỹ (giải thể năm 1994)

1989 Cộng đoàn Hoà Hội

1994 Cộng đoàn Đất Sét

1994 Giáo điểm Đồng Trăng

1996 Cộng đoàn Sông Bé

1997 Điểm Cần Giờ (giải thể năm 2008)

1997 Nhà Cần Thơ

1998 Nhà Văn Thánh

2008 Cộng đoàn Vinh

LINH ĐẠO

Ơn gọi và chân tính, nghĩa là đoàn sủng của Dòng Anh em hèn mọn trong Giáo hội và trong thế giới, được diễn tả cách cô đọng trong điều 1 của Tổng Hiến Chương Dòng:

“Dòng Anh Em Hèn Mọn, do thánh Phanxicô thành Assisi sáng lập, là một huynh đệ đoàn, trong đó các anh em được Chúa Thánh Thần thúc đẩy đi theo Đức Giêsu Kitô sát hơn; qua việc tuyên khấn, họ được thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, là Đấng họ yêu mến trên hết mọi sự, bằng cách sống Phúc âm trong Giáo hội theo thể thức mà thánh Phanxicô đã tuân giữ và đề xướng.

Các anh em, những môn đệ của thánh Phanxicô, phải sống Phúc âm cách triệt để trong tinh thần cầu nguyện và sốt mến và trong tình hiệp thông huynh đệ; phải làm chứng về đời sống hoán cải và hèn mọn; phải mang sứ điệp Phúc âm đến cho toàn thế giới trong tình bác ái đối với tất cả mọi người, và dùng hành động rao giảng sự hòa giải, hòa bình và công lý”

1. Chúng ta là một huynh đệ đoàn: Hội Dòng gồm những người “anh em” (frater) không tự ý chọn lựa nhau, nhưng là quà tặng của Thiên Chúa. Mỗi người được mời gọi đích danh bước theo dấu chân Chúa Kitô và chịu trách nhiệm về cả tập thể mình.

2. Chiều kích Ba Ngôi: Linh đạo của người anh em hèn mọn lấy Chúa Thánh Thần làm khởi điểm, chọn Đức Kitô làm trung tâm và quy hướng về Chúa Cha là cùng đích.

3. Sống Phúc Âm cách triệt để: “Luật và đời sống” của người anh em hèn mọn là Phúc Âm, là tin vui nhập thể. Nếp sống đó được biểu lộ cụ thể như sau:

- Sống trong tinh thần cầu nguyện và sốt mến;
- Sống trong tình hiệp thông huynh đệ;
- Làm chứng về đời sống hoán cải và hèn mọn; 
- Mang sứ điệp Phúc Âm đến cho toàn thế giới trong tình bác ái đối với tất cả mọi người;
- Dùng hành động rao giảng sự hòa giải, hòa bình và công lý;
- Tỏ bày sự tôn trọng đối với mọi loài thọ tạo.

4. Trong Giáo hội: Giáo hội là môi trường trong đó người anh em hèn mọn được mời gọi sống Tin Mừng và trổ sinh những hoa trái thánh thiện, để nhờ đó Thiên Chúa được tôn vinh và nhiều người được ơn cứu rỗi.

5. Theo cách thức của Thánh Phanxicô: Người anh em hèn mọn luôn quy chiếu về thánh Phanxicô và xem ngài như một trung gian và khuôn mẫu để giúp mình thực hiện dự phóng: sống và loan báo Phúc âm cùng với những anh em do Chúa ban cho (x. Di chúc 14-15).
(Dấu Ấn Mọn Hèn, trang 112-115)