Lễ Tuyên Khấn Trọn Đời Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ

 

Lễ Tuyên Khấn Trọn Đời Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ

Suối Dầu - Nha Trang - ngày 29.9.2012

 Sáng ngày 29.9.2012, kính các Tổng Lãnh Thiên Thần, Hội Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ tổ chức Lễ Tuyên Khấn Trọn Đời cho hai Nữ Tu Têrêxa Nguyễn Giang Thủy và Lucia Lê Thị Kim Anh, tại Nhà nguyện Cộng đoàn Niềm Vui – Suối Dầu - Nha Trang. Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, nguyên Giám Mục Nha Trang chủ sự. Các Linh Mục đồng tế, Hội Đồng Tỉnh Dòng, các Tu sĩ Nam Nữ và quý thân nhân ân nhân các tân khấn sinh hiệp thông tạ ơn và chung lời cầu nguyện.

Linh đạo Phan Sinh là chị em sống Phúc Âm theo tinh thần của Thánh Phanxicô Assisi bằng nếp sống “bước theo Đức Kitô khiêm nhường, nghèo khó, trong đơn sơ, bình an và vui tươi…”. Như thế, ơn gọi Phan Sinh là bước theo Đức Kitô khó nghèo để loan báo Tin mừng cho người nghèo như Hiến Pháp FMM nêu rõ: “Tiếp tục sứ mạng của Chúa Kitô đem Tin Mừng cho người nghèo khó… chúng ta cũng được sai đi và hiến thân cho công cuộc truyền giáo phổ quát…bằng một cách thức riêng biệt trong Giáo Hội, là phó trót đời sống mình với thái độ sẵn sàng hoàn toàn như Mẹ Maria và múc lấy năng động tông đồ trong bí tích Thánh Thể” (HP điều 35).

          1.   Đức Giêsu con người nghèo :

Con người nghèo theo Kinh Thánh, trước hết là con người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, không thuộc về bản thân, hoàn toàn cậy dựa vào Thiên Chúa, không cậy dựa vào trần gian. Người nghèo là sở hữu của Thiên Chúa, gia nghiệp của Thiên Chúa, là của riêng của Thiên Chúa.

Đức Giêsu là người nghèo nhất trong số các người nghèo. Người nghèo nhất là người hạnh phúc nhất, vì Nước Trời là của họ. Đức Giêsu là người sống mối phúc thật thứ nhất trọn vẹn hơn cả. Người quả là phúc nhân.

Nghèo, theo Phúc âm, không là bất hạnh, mà là không sở hữu. Người nghèo chỉ làm tôi một mình Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới là quan trọng. Đức Giêsu là người nghèo, là Tôi Trung của Thiên Chúa.

Người nghèo là người tự do thư thái đối với của cải vật chất. Người  nghèo không có tham vọng. Đức Giêsu quả thực là người nghèo nhất, người tự do nhất, vì Người không chút bận tâm về ngày mai, không hề lo toan tích trữ, không cần chỗ nương tựa: chồn có hang, chim có tổ, Con Người không có chỗ dựa đầu (Mt 8, 20; Lc 9, 58).

Người nghèo không tự coi mình là quan trọng. Đối với người nghèo, tha nhân mới là quan trọng. Đức Giêsu chú trọng tới người khác, không chú trọng tới bản thân, không đòi hỏi người khác lo cho mình. Người chỉ kêu gọi người khác hãy tin vào Người, vì ai tin vào Người là tin vào Chúa Cha, Đấng đã sai Người, sẽ được sống đời đời.

2.  Thách đố cho đức khó nghèo

      Đức khó nghèo, lời khấn khó nghèo liệu còn có ý nghĩa gì trong một nền văn minh tiêu thụ, mà điều quan trọng nhất là tiêu thụ các sản phẩm, để cho kinh tế thương mại ngày càng phát triển, và xã hội ngày càng giàu có?

Liệu người kitô hữu có thể thực hành mối phúc thật đầu tiên mà Chúa Giêsu dạy trong Hiến Chương Nước Trời hay không? Liệu những người tu sĩ có thực hành được lời khấn khó nghèo? Có hạnh phúc khi sống đời khó nghèo, trong một thế giới chỉ chạy theo tiền của? Trong một thế giới mà người ta dửng dưng với người nghèo, sống nghèo phỏng có ích lợi gì hay không?

Một nguy cơ lớn cho thế giới chúng ta là sự thiếu quân bằng về sinh thái, vì lý do cạnh tranh của các nền kinh tế thị trường, liệu một linh đạo về khó nghèo có giúp ích gì cho nhân loại về vấn đề này hay không?

3.  Giải đáp của đời sống thánh hiến

Đức khó nghèo theo Tin Mừng tự nó có giá trị rất lớn, vì là noi gương Đức Kitô khó nghèo, là thực hành mối phúc thật thứ nhất. Hạnh phúc trong đời sống tu trì là câu trả lời hùng hồn cho vấn đề ý nghĩa của đời sống khó nghèo. Đời sống thánh hiến làm chứng chỉ có Thiên Chúa mới là kho tàng đích thực của trái tim con người. Và đúng như Chúa Giêsu đã nói, kho tàng của con người ở đâu, thì lòng con người ở đó. Người tu sĩ khó nghèo luôn luôn hướng về Thiên Chúa, chỉ nghĩ tới Thiên Chúa. Khó nghèo trong đời sống thánh hiến tự nó là một chứng từ có sức thuyết phục chống lại việc tôn thờ tiền bạc.

Ngoài ra những người sống khó nghèo theo Tin Mừng còn có những đóng góp to lớn với xã hội, khi họ tích cực dấn thân phát huy sự liên đới giữa loài người, phát huy lòng bác ái vị tha là điều rất cần thiết cho đời sống con người. Người sống đời thánh hiến thường không tính toán trong công việc phục vụ những con người nhỏ bé nhất, nghèo nàn nhất.

Người sống đời thánh hiến được mời gọi sống thanh đạm và hãm bớt các ước muốn. Họ từ bỏ chính mình và sống tiết độ bằng:

-         Đời sống huynh đệ đơn sơ nhưng hiếu khách: có những cộng đoàn nhỏ, rất nghèo, nhưng không đóng kín hay tiếc xót với khách qua đường; họ có nhiều cơ hội đón được Chúa.

-         Tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo : chọn lựa người nghèo là chọn lựa dứt khoát của Chúa Giêsu và Hội Thánh. Các Dòng Tu phải mạnh dạn, rõ ràng, dứt khoát trong chọn lựa những đối tượng ưu tiên cho công việc phục vụ của mình.

Hơn bao giờ hết, người tu sĩ hôm nay được mời gọi chia sẻ đời sống của những người cùng khốn, làm việc giữa những người nghèo và ngoài lề xã hội, âm thầm phục vụ không cần ai biết đến. Người sống đời thánh hiến cách trọn vẹn, luôn khao khát thông phần sự nghèo khó tột cùng của Đức Giêsu chịu đóng đinh.

Tinh thần khó nghèo của Đức Giêsu rất cần thiết cho thế giới hôm nay, một thế giới luôn không ngừng tranh chấp. Ngày nay có một con đường rất hợp thời, mới mẻ được Hội Thánh đề cao, để thực tập nhân đức khó nghèo, sống tinh thần khó nghèo, đó là con đường đối thoại.

Đối thoại là trường học khó nghèo tốt nhất, vì người muốn đối thoại, ngay từ đầu không sợ thiệt thòi, không sợ bị lừa, không sợ mất mát. Người muốn đối thoại sẵn sàng từ bỏ cái tôi ngay lúc ban đầu. Trong đối thoại, người khó nghèo sẵn sàng đón nhận người khác, đón nhận ý kiến, tư tưởng của người khác. Trường học đối thoại dạy cho con người biết lắng nghe cách chân thực, biết cho và nhận, biết tự hiến cho tha nhân và đón tiếp tha nhân vào mái ấm tâm hồn (ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc).

Đời tu là một bài ca tạ ơn Thiên Chúa. Tạ ơn vì đời sống thánh hiến được ban cho Giáo hội. Mỗi lần các Nữ Tu tuyên khấn vĩnh viễn “là dịp để chị em nhắc nhở nhau sống trung tín, sáng tạo trong hèn mọn và liên đới với thế giới khổ đau mà Hội Dòng đang mời gọi chị em làm chứng cho các giá trị của Tin Mừng trên Quê Hương Việt Nam qua những sứ vụ cụ thể của mỗi người” (fmm.org).

Cầu chúc hai Tân Khấn Sinh gặt hái được nhiều niềm vui hạnh phúc trong đời dâng hiến nhờ chiêm ngắm và đồng hành với Chúa Giêsu nghèo khó theo gương thánh tổ phụ Phanxicô Assisi.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An.