Học Viện Thần Học Liên Dòng Nữ khai giảng NK 2012-2013

Học Viện Thần Học Liên Dòng Nữ khai giảng NK 2012-2013

Sáng ngày 4.9.2012, Học Viện Thần Học Phaolô Nguyễn Văn Bình - Khối Liên Dòng Nữ đã khai giảng niên khóa 2012-2013 tại Hội trường lớn của Trung Tâm Mục Vụ - TGP Sàigòn.

Thánh lễ khai giảng do Đức cha Phụ Tá Phêrô Nguyễn văn Khảm chủ tế, cùng với Ban Điều hành, Ban Giảng huấn, cùng với khoảng 210 nữ tu sinh viên thuộc 3 lớp của Học viện Thần học Liên Dòng và gần 60 nữ tu sinh viên thuộc Học Viện Dòng Thánh Phaolô tham dự. Các sinh viên thuộc nhiều Hội Dòng khác nhau mặc tu phục của Dòng mình và góp chung vào “màu cờ sắc áo” thật phong phú của Học Viện trong ngày khai giảng.

Trong tâm tình tri ân cảm tạ Chúa, toàn thể các học viên hiệp dâng thánh lễ cầu xin ơn Chúa Thánh Thần cho năm học mới, cảm tạ Thiên Chúa vì muôn hồng ân Người đã tuôn đổ trên Học Viện Thần học Liên Dòng, trên các Hội Dòng và trên mỗi người trong suốt thời gian qua. Đây cũng là dịp để các Học viên tạ ơn tình thương quan phòng của Thiên Chúa, đã ban cho mình một môi trường thật tốt để học hỏi về Chúa, cùng với tình yêu thương và sự chăm sóc, đồng hành của Đức Cha, quý Giáo Sư, quý Bề Trên và quý Sơ trong ban điều hành.

Mở đầu thánh lễ, Đức Cha Phêrô chào mừng quý Sơ trong Ban Điều hành, quý Giảng viên và toàn thể các Học viên. Ngài nhắc nhở mọi người ý thức rằng chính Chúa Thánh Thần là Vị Thầy dạy Nội Tâm, là Đấng duy nhất có thể dẫn chúng ta đi sâu vào Mầu Nhiệm của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta chỉ là một “học trò” trong “ngôi trường của Chúa Thánh Thần”, các giảng viên là những người cộng tác với Chúa Thánh Thần, và mỗi người cũng được mời gọi để cho Chúa Thánh Thần dẫn vào Mầu nhiệm của Thiên Chúa. Từ đó có thể hiểu được Mầu nhiệm của con người và của cuộc sống, để có thể loan báo Mầu Nhiệm Chúa Giêsu Kitô cho anh chị em của mình.

 Trong bài giảng lễ, Đức Cha Phêrô nhắc đến thời điểm khá đặc biệt của việc khai giảng năm học mới, vào lúc Đức Thánh Cha công bố Năm Đức Tin được bắt đầu vào 11/10 sắp tới. Như thế cả năm học này được trải dài trong Năm Đức Tin của toàn Giáo Hội. Trong Năm Đức Tin này, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ mời đại diện tất cả các vị Giám Mục trên toàn thế giới về họp Thượng Hội Đồng Giám Mục tại Roma với chủ đề “Tân Phúc Âm Hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”. Trong bối cảnh đặc biệt đó Chúa muốn nhắn nhủ đến mỗi Học viên, các giảng viên cũng như mọi Kitô hữu rằng việc giảng dạy là sứ vụ rất quan trọng của Chúa Giêsu. Chính Tin Mừng truyền lại cho chúng ta nội dung việc giảng dạy của Chúa Giêsu và chúng ta cũng sẽ đi thi hành sứ vụ giảng dạy này. Tại hầu hết các giáo xứ, các Sơ đều đảm nhận công tác giảng dạy giáo lý hoặc hướng dẫn các Giáo Lý Viên để họ giúp các em nhỏ. Và ngay trong các công việc tông đồ cũng như công việc xã hội khác, các Sơ phải trả lời khi người ta thắc mắc về đạo, hoặc hỏi về Chúa, về Hội Thánh... Nhưng muốn giảng dạy tốt thì trước hết ai ai cũng phải học.

Đức Cha Phụ tá dí dỏm kể lại rằng truyền thống Do Thái chia cuộc đời ông Môsê thành ba giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài 40 năm. Trong 40 năm đầu ông sống trong triều đình Ai Cập để học những gì thuộc về sự khôn ngoan của thế gian, vì trong tương lai ông sẽ là một người lãnh đạo theo kiểu thế gian. Suốt 40 năm sau đó, do có biến cố xảy ra nên ông phải chạy trốn. Nhưng Thiên Chúa đã sắp xếp để ông đi sâu vào sa mạc, sống trong hoang địa. Để làm gì vậy? Cũng là để học. Ông học với Chúa, học trong thinh lặng, để được dẫn sâu vào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Và 40 năm cuối là giai đoạn giảng dạy, ông dẫn dân trong hành trình sa mạc và ông bảo ban, dạy dỗ họ. Như vậy ông mất 80 năm để học và chỉ có 40 năm để giảng dạy, để thi hành sứ vụ.

Còn Chúa Giêsu thì sao? Ngài chỉ giảng dạy trong 3 năm nhưng Ngài đã phải học trong suốt 30 năm. Học ở nhà với Đức Mẹ và Thánh Giuse, học ở trường với các thầy Rabbi, học ở cuộc đời bằng sự quan sát và suy nghĩ, rồi cuối cùng Chúa Giêsu mới đi giảng dạy cho chúng ta. Như vậy muốn thi hành sứ vụ giảng dạy trước hết chúng ta phải học. Điều này rất quan trọng, giúp chúng ta đâu là mục đích và động lực của những ngày học tập. Việc học chính là để thi hành sứ vụ và hơn nữa ngay khi học cũng đã là thi hành sứ vụ rồi. Sứ vụ đó là để chuẩn bị cho việc giảng dạy trong tương lai…

Tin Mừng thánh Luca kể về một người bị Thần ô uế nhập kêu lên rằng: “Ông Giêsu Nazareth việc chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi. Tôi biết ông là ai rồi, ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Ở đây có hai từ đối nghịch nhau là Thần ô uế và Đấng Thánh của Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh Cựu Ước hai phạm trù sạch và dơ rất quan trọng, điều thuộc về Chúa phải tuyệt đối thanh sạch nên người ta quan tâm kỹ đến các luật thanh tẩy. Ngược lại những gì ô uế, dơ bẩn là thuộc về ma quỷ, là những gì đối nghịch với Thiên Chúa. Như thế ngày hôm nay vẫn còn rất nhiều tình trạng bị quỷ ám, bị thần ô uế nhập, vì thế giới ngày hôm đang nay tràn ngập những chuyện đối nghịch với Thiên Chúa. Không chỉ đối nghịch mà thôi, người ta còn muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Và sự ô uế của ma quỷ theo nghĩa đối nghịch với Thiên Chúa đó len lỏi cả vào trong đời tu, vào cách suy nghĩ, những cảm xúc, lối phản ứng của chúng ta, mỗi khi chúng ta phản ứng trước cuộc đời không theo tinh thần của Chúa, mà chỉ theo tinh thần thế gian. Khi đó chúng ta không còn thuộc về Chúa nữa.

Vậy Phúc âm hóa là gì nếu không phải là trừ quỷ? Phúc Âm hóa chính là đem tinh thần Phúc Âm trước hết thấm nhập vào chính bản thân chúng ta, sau đó thấm nhập vào mọi thụ tạo. Lời nhắn nhủ thứ hai Chúa Giêsu trao cho chúng ta hôm nay đó là phải học LỜI của Chúa, để Lời thanh tẩy và Phúc âm hóa chính bản thân chúng ta trước. Nhờ đó chúng ta có thể thi hành tác vụ trừ quỷ theo nghĩa Phúc âm hóa, là đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập vào cuộc sống con người và mọi thực tại xã hội. Học như thế không phải là thu thập kiến thức, việc học này phải gắn liền với Linh Đạo, trong sự kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, Ngôi Lời Hằng Sống của Thiên Chúa. Trong đức tin, chúng ta học để thi hành sứ vụ giảng dạy và sứ vụ trừ quỷ…

Cuối bài giảng, Đức Cha Phêrô lại nhắc đến vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần là Đấng thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa. Không ai trong loài người biết được những gì nơi Thiên Chúa nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa. Ngài là Đấng duy nhất dẫn chúng ta vào trong mầu nhiệm của Thiên Chúa. Đức Cha cầu chúc cho mỗi người trong việc dạy và học biết mở lòng ra cho tác động của Chúa Thánh Thần là vị Thầy dậy nội tâm, để người dẫn chúng ta đi sâu vào trong mầu nhiệm của Thiên Chúa nhờ đó mỗi người có thể thi hành sứ vụ giảng dạy và trừ quỷ như Chúa mời gọi...

Bài giảng lễ của Đức Cha Phêrô giúp mỗi Học viên ý thức hơn về sứ vụ học tập của chính mình, và quyết tâm cộng tác với ơn Chúa để chuẩn bị tốt hành trang cho tương lai. Trong phần Lời nguyện Giáo dân, ngoài các ý nguyện cho Giáo Hội và thế giới, các đại diện Học viên đã tha thiết cầu nguyện cho các vị ân nhân đã quảng đại giúp đỡ Học viện về tinh thần cũng như vật chất, cầu nguyện cho linh hồn Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, Đức Hồng Y Phanxicô-Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Đức cha Louis Phạm Văn Nẫm, quý Giáo sư và quý ân nhân đã qua đời... Ngoài ra các Học viên cũng cầu nguyện cho Đức Hồng Y, Đức Cha Phụ tá, Cha Chủ Tịch Liên tu sĩ, Ban Điều Hành Học viện và Quý Giáo Sư, là những người đã hết lòng yêu thương và hướng dẫn các Học viên về mặt tri thức cũng như đời sống thiêng liêng. Mỗi Học viên đều ước nguyện gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp để trở nên những ân ban cho Giáo Hội, xã hội và những người mình phục vụ…

Thánh lễ Khai giảng kết thúc trong niềm hân hoan phấn khởi. Đức Cha Phụ tá Phêrô đã không ngại trời nắng, sẵn lòng làm “người mẫu” để chụp hình với toàn thể Học viên Niên khóa mới, cũng như với từng lớp của Học viện Thần học Liên Dòng. Sau thánh lễ thánh lễ khai giảng, các sinh viên trở về lớp mình để sinh hoạt với Sơ Chủ nhiệm, học hỏi Nội Qui và bầu chọn Lớp trưởng, các Lớp phó và các tổ trưởng để chuẩn bị cho chương trình Học kỳ I. Trời đổ một trận mưa lớn, nhưng ngay khi các lớp kết thúc buổi họp lớp chuẩn bị ra về thì trời quang mưa tạnh. Cảm tạ Chúa vì một ngày Lễ Khai giảng thật ý nghĩa, để lại những tâm tình làm “ấm lòng” những ai tham dự.

Chị em FMM có 3 Khấn Tạm theo học lớp Thần học Năm I và chị Ngọc Lan vẫn tiếp tục giảng dạy tại Học Viện. Các Khấn tạm khác hiện vẫn đang học lớp Thần học Năm I và Năm II tại Học viện La-San. Nguyện xin Chúa chúc lành cho mỗi người chúng con trong Niên khóa mới 2012-2013 này...

Sr. Ngọc Lan, fmm.