Không đánh, không mắng, các trường mầm non ở Mỹ ‘phạt’ trẻ như thế nào?

Những trường mầm non ở Mỹ cũng rất coi trọng khả năng đọc sách độc lập của trẻ em, nhưng việc này chỉ dành cho những lớp mầm non tương đối lớn. Giáo viên sẽ dạy trẻ viết và đánh vần những từ đơn giản, cũng dạy chúng đọc những quyển sách về khoa học, đời sống, kỹ thuật và nghệ thuật…, bồi dưỡng cho chúng thói quen giữ an toàn, khỏe mạnh và vệ sinh. Vì vậy các trường mầm non ở Mỹ không hề thiếu sách, họ rất quan tâm đến khả năng tự đọc sách của mỗi đứa trẻ...

Không đánh, không mắng, các trường mầm non ở Mỹ ‘phạt’ trẻ như thế nào?

Gần đây liên tục xảy ra tình trạng ‘bạo hành trẻ em mầm non’, sự việc này khiến dư luận xôn xao, mọi người đều phẫn nộ. Trước xu hướng bạo hành trẻ em bị phát hiện ngày càng nhiều, người bạn tôi có con học mầm non ở Mỹ có chia sẻ, vì sao ở Mỹ bạo hành trẻ em hầu như rất hiếm xảy ra ở trường học.

Vậy ở nước Mỹ, làm thế nào để tránh khỏi vấn đề này?

Cô bạn tôi có con gái được trực tiếp trải nghiệm nền giáo dục mầm non Mỹ nhận xét rằng, giáo viên ở Mỹ “không quản học sinh”, họ quản lý theo kiểu “tự do mở rộng”. Vì thế nên sẽ không có áp lực lên giáo viên nhưng trẻ em lại có kỷ luật và nghe lời. Những điều này là thật sao? Ai cũng biết trẻ em mầm non hiếu động và hành động “tự do” như thế nào, trường mầm non ở Mỹ làm sao để khiến trẻ nghe lời, và họ có các hình phạt với trẻ như thế nào?

Ở Mỹ, hành vi đánh đập hành hạ trẻ em đều là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Trong các trường mầm non, nghiêm cấm tất cả hình phạt về thân thể. Bởi vì trẻ em còn quá nhỏ, cho nên bất cứ hình phạt thân thể nào đối với chúng cũng đều là một loại ngược đãi.

Và vì nuôi dưỡng những mầm non là công việc cực kỳ quan trọng và đòi hỏi kỹ năng được đào tạo chuyên nghiệp, ngay từ khâu quản lý việc kinh doanh trường mầm non đã phải rất chặt chẽ.

 

Tiêu chuẩn trường mầm non của Mỹ

Mỹ rất coi trọng việc thành lập trường mầm non. Ví dụ ở California, các nhà trẻ, trường mầm non không có giấy phép sẽ bị phạt 200 USD một ngày, thậm chí có thể quy vào hành vi vi phạm luật hình sự.

Về việc lựa chọn đội ngũ giáo viên, các tiểu bang ở Mỹ lựa chọn giáo viên mầm non thường đòi hỏi có trình độ đại học, giấy chứng nhận tư cách và thông qua kiểm tra lý lịch. Một số tiểu bang có những yêu cầu nghiêm ngặt hơn, sẽ đòi hỏi giáo viên mầm non có bằng thạc sĩ trở lên.

Ở California, các nhà trẻ, trường mầm non không có giấy phép sẽ bị phạt 200 đô la Mỹ một ngày, thậm chí có thể quy vào hành vi vi phạm luật hình sự. (Ảnh: pixabay.com)

Bởi ở Mỹ, người ta xác định được sự quan trọng của một giáo viên mầm non, không chỉ là cô bảo mẫu, chăm bé, mà còn dạy bé từ những điều nhỏ nhất để hình thành kỹ năng sống và nhân cách. Hơn nữa, bé hàng ngày tiếp xúc với cô giáo, những hành vi, cử chỉ của cô đều sẽ hằn sâu trong tâm trí trẻ, cô giáo mầm non không thể là người thiếu nhân cách, nóng nảy, cộc cằn, thậm chí ngoại hình cũng không thể quá khó coi.

 

Vì sao các giáo viên mầm non ở Mỹ không nghiêm khắc quản lý trẻ em?

Từng có một người mẹ Trung Quốc có con theo học ở mầm non Mỹ phàn nàn rằng: “Tôi bảo giáo viên đúng giờ cho con tôi uống nước, nhưng cô ấy không hề làm theo”.

Còn giáo viên này thì trả lời rằng: “Nước uống đặt ở ngay nơi đó, nếu em ấy khát có thể tự lấy uống, chúng tôi không muốn ép buộc trẻ em”.

Nhìn qua thì giống như giáo viên kia rất không quan tâm đến trẻ nhỏ, nhưng không lâu sau đó người mẹ này phát hiện tính độc lập và khả năng thích ứng hoàn cảnh của con mình tốt hơn rất nhiều.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nhận ra rằng, giáo viên mầm non ở Mỹ yêu quý trẻ em là thực sự xuất phát từ trái tim, và rất sẵn sàng biểu đạt tình cảm của mình một cách tự nhiên nhất và chân thành nhất. Họ theo nghề vì sự yêu thích và đam mê, chứ không phải vì tiền, đi làm không phải là để kiếm miếng cơm manh áo, mà làm gì cũng phải có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm ở trong đó. Thế nên đã là cô giáo mầm non thì chắc chắn phải yêu trẻ và luôn tìm tòi sáng tạo trong công việc, sẵn sàng áp dụng những phương pháp giáo dục tiên tiến và nhân văn nhất.

 

Vì sao giáo dục mầm non ở Mỹ vô cùng tự do và mở rộng?

Nói đến nền giáo dục ở Mỹ, ấn tượng đầu tiên của rất nhiều người chính là sự tự do, rộng mở, học sinh có thể tự lựa chọn ngồi trên bàn hoặc ngồi dưới sàn, trực tiếp gọi thẳng tên giáo viên… Thật ra đây không phải không có nguyên tắc, mà là người Mỹ tôn trọng sự tự do, cho trẻ em quyền bình đẳng và môi trường để thể hiện bản thân.

Nói đến nền giáo dục ở Mỹ, ấn tượng đầu tiên của rất nhiều người chính là sự tự do, rộng mở.(Ảnh: pixabay.com)

 

Tuy nhiên, quy định vẫn sẽ là quy định, bất kỳ sự tự do nào cũng phải nằm trong khuôn khổ nhất định và không làm ảnh hưởng tới những người khác. Các trường mầm non ở Mỹ rất nghiêm khắc đối với vấn đề thời gian, đi trễ 10 phút thì cổng trường sẽ đóng cửa, nếu quá 10 phút sẽ bị phạt.

Các trường mầm non tư thục thì thời gian tương đối thoải mái hơn, nhưng nếu tan học trễ hơn giờ quy định thì trường học có thể bị phạt tiền tính theo mỗi phút.

Ngoài thời gian nghiêm khắc thì các trường mầm non ở Mỹ đối với quy phạm hành vi (quy tắc ứng xử) cũng rất nghiêm khắc. Đứa trẻ mỗi ngày sẽ mang về một “thẻ hành vi” yêu cầu phụ huynh ký tên, trong thẻ có 10 mục: 1. Học tốt, 2. Có trách nhiệm, 3. Có lịch sự, 4. Giao tiếp tốt, 5. Dũng cảm, 6. Không chú ý, 7. Thiếu sự chuẩn bị, 8. Không có ý thức trách nhiệm, 9. Quấy nhiễu học tập, 10. Hành vi không an toàn. 5 mục đầu tiên là tích cực, 5 mục sau là tiêu cực.

Và giáo viên đều có ghi chép nhận xét trẻ mỗi ngày. Vậy nên có thể nói, vấn đề tự do không có kỷ luật ở Mỹ như lời đồn đại là không hề tồn tại.

 

Các trường mầm non ở Mỹ phạt trẻ em như thế nào?

Sau khi đọc những điểm trên, chắc rằng chúng ta sẽ ngờ vực: Giáo viên không thể đánh, không thể mắng học sinh, vậy rốt cuộc họ phải dùng biện pháp gì để xử phạt những đứa trẻ mắc lỗi, ngỗ ngược? Câu trả lời rất đơn giản. Biện pháp đó chính là “cấm túc” (không cho phép đi khỏi khu vực đã quy định)

Dựa theo độ đuổi của các bé mà thời gian cấm túc cũng không giống nhau. Ví dụ, trẻ em 2 tuổi ngồi 4 phút, trẻ 3 tuổi ngồi 6 phút. Đừng nghĩ chỉ vài phút, đối với trẻ em, đó đã là một khoảng thời gian rất dài. Việc tách trẻ ra một mình vừa làm trẻ bình tĩnh trở lại vừa khiến chúng muốn được quay trở lại với các bạn nên phải kiềm chế bản thân mà cải biến hành vi cho phù hợp hơn. Cho nên đây có thể nói là “tuyệt chiêu” của các giáo viên mầm non ở Mỹ.

Việc tách trẻ ra một mình vừa làm trẻ bình tĩnh trở lại vừa khiến chúng muốn được quay trở lại với các bạn đây cũng là “tuyệt chiêu” của các giáo viên mầm non ở Mỹ. (Ảnh: immica.org)

 

Ở Mỹ, chắc chắn giáo viên sẽ không được phép động chạm gây tổn thương cho cơ thể cũng như tinh thần trẻ nhỏ. Việc bạo hành là điều kinh khủng tương đương với tội hình sự. Người Mỹ đặc biệt tôn trọng trẻ em, không phải chỉ bởi các bé còn nhỏ tuổi, non nớt, cần sự ưu ái, quan tâm chăm sóc mà còn vì trong quan niệm của họ, mỗi một con người ngay từ khi ra đời đã là một cá thể độc lập, có cá tính và những mong muốn độc lập của mình. Bất kể bố mẹ hay thầy cô giáo đều không nên áp đặt đặc quyền chi phối và hạn chế hành vi của chúng. Trẻ nhỏ được gián tiếp truyền thụ một suy nghĩ rằng, sau này trong cuộc sống, không ai kể cả cha mẹ hay thầy cô có thể thay thế chúng trong những lựa chọn và quyết định dù là nhỏ nhất. Vì thế, cần phải làm cho trẻ cảm thấy rằng bản thân chúng, chứ không phải ai khác là người quyết định và chịu trách nhiệm với chính mình.

Thế nên, mẹ Việt có thể sẽ thấy hơi kỳ lạ khi cô giáo hay mọi người Mỹ trưởng thành khác khi nói chuyện với trẻ nhỏ lại ngồi xuống để có thể giao tiếp với trẻ đầy đủ nhất bằng ánh mắt và sự lắng nghe thật sự. Khi nói chuyện với trẻ, người lớn cũng rất chăm chú nghe khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng. Khi trẻ ăn cơm, không thể nhồi, ép. Khi trẻ phạm lỗi cũng không ngay lập tức la hét, quở mắng. Khi muốn trẻ làm gì đó như thay quần áo hay đi rửa tay ăn cơm, cũng không thể to tiếng ra lệnh… Cả xã hội đều trân trọng và tôn trọng trẻ em như vậy, thì từ trong nhận thức cơ bản nhất, họ đã không có khái niệm bạo hành trẻ. Đó là cách ngăn chặn tội ác một cách triệt để nhất.

 

Trẻ em ở Mỹ thường học những gì?

Trong ấn tượng của nhiều người, giáo dục ở Mỹ theo kiểu tự thân phát huy, giáo viên tùy ý giảng dạy. Trên thực tế, nền giáo dục ở Mỹ là rất linh hoạt, cho trẻ nhỏ tiếp xúc, quen thuộc với các môn học như đọc viết, toán học, khoa học…

Ví dụ, trẻ em sẽ sử dụng các cốc đo, xi lanh và các thiết bị khác để tiến hành đo lường, trẻ không những phải động tay mà còn động não. Hoặc để cho các em đóng vai diễn kịch, dựa theo hứng thú mà tiến hành chơi trò chơi, lựa chọn đồ chơi. Nếu chủ đề của trò chơi là “nhà” thì các em sẽ sử dụng một số ốc vít, chốt, ống nhựa và các vật liệu khác, tự thiết kế, xây dựng ngôi nhà nhỏ của mình.

Giáo dục Mỹ dựa theo hứng thú mà tiến hành chơi trò chơi, lựa chọn đồ chơi.(Ảnh: bizsale.vn)

 

Ngoài ra, trường học còn mời những người chuyên nghiệp từ bên ngoài về dạy một số môn học. Ví dụ như huấn luyện viên bóng đá địa phương sẽ được mời đến dạy trẻ em chơi bóng vào thứ tư, và ảo thuật sẽ được biểu diễn vào thứ năm…

Những trường mầm non ở Mỹ cũng rất coi trọng khả năng đọc sách độc lập của trẻ em, nhưng việc này chỉ dành cho những lớp mầm non tương đối lớn. Giáo viên sẽ dạy trẻ viết và đánh vần những từ đơn giản, cũng dạy chúng đọc những quyển sách về khoa học, đời sống, kỹ thuật và nghệ thuật…, bồi dưỡng cho chúng thói quen giữ an toàn, khỏe mạnh và vệ sinh. Vì vậy các trường mầm non ở Mỹ không hề thiếu sách, họ rất quan tâm đến khả năng tự đọc sách của mỗi đứa trẻ.

Nước Mỹ phát triển và hưng thịnh như ngày nay bởi rất nhiều nguyên nhân, song có lẽ một trong những nguyên nhân quan trọng là người Mỹ đã quan tâm một cách thực sự đến việc giáo dục và đào tạo con người ngay từ giai đoạn đầu tiên. Cách mà người Mỹ dạy trẻ em ở độ tuổi mầm non có lẽ sẽ cho chúng ta nhiều gợi ý về vấn đề cần quan tâm hơn nữa trong việc giáo dục trẻ ở giai đoạn này. Bởi khi chúng ta có đầy đủ sự quan tâm, thì nhận thức và hành động của toàn xã hội mới có thể thay đổi và đúng mực hơn.

Theo ĐKN