Tầm Nhìn Chiến Lược Truyền Giáo và Loan Giảng Tin Mừng Hôm Nay

Bài Tham Khảo về đề  tài Truyền giáo

Cần Có Tầm Nhìn Chiến Lược Truyền Giáo Không?

Xem hình

 

Theo dõi thông tin kinh tế, xã hội... chúng ta thường bắt gặp hạn từ tầm nhìn chiến lược. Tầm nhìn chiến lược là điều quan trọng trong thời đại toàn cầu hoá ngày nay. Dựa trên những quan điểm đời, người viết thử áp dụng nó vào đạo. Người viết không dám chắc về chiều sâu, chiều rộng, chiều dài và chiều cao của vấn đề nhưng cũng xin mạo muội đặt vấn đề; và đương nhiên, người viết rất mong đón nhận sự đóng góp ý kiến của quý vị để cho đề tài thêm phong phú hơn.

1. Tầm nhìn chiến lược

1.1. Tầm nhìn hay mục tiêu

Có thể hiểu nôm na về cái tầm nhìn như thế này: ước làm sao thì cố để được như vậy. Nói cách văn vẻ hơn, tầm nhìn là ước mơ hay mục tiêu đặt ra, rồi cố gắng xây dựng cuộc đời trên đó.

1.2. Chiến lược

Còn chiếc lược là những cách thức để thực hiện mục tiêu đã đặt ra, hay nói cách khác là tìm mọi cách để biến cái ước mơ của mình thành hiện thực. Mục tiêu đã đặt ra cần phải có những phương cách để thực hiện, nếu không thì sẽ thành ước mơ hão huyền. Tầm nhìn chiến lược định hướng cho những bước đi của chính công việc mình sẽ làm.

1.3. Sách lược

Khi đã có tầm nhìn và chiến lược rồi, điều cần nhất nữa là phải cụ thể hoá bằng những hành động qua những sách lược. Sách lược là tiến hành những việc làm cụ thể theo kế hoạch đã vạch ra.

2. Tầm nhìn trong kế hoạch cứu độ

2.1. Tầm nhìn chiến lược của Thiên Chúa

Sau khi con người sa ngã phạm tội, Thiên Chúa đã vạch ra một tầm nhìn vừa xa lại vừa rộng (xc. St 3,15). Thiên Chúa có tầm nhìn chiến lược, và Ngài đã dùng nhiều cách thức qua nhiều thời (xc. Dt 1,1) để biến cái mục tiêu hay ước mơ của mình thành hiện thực. Thiên Chúa đã thực hiện tầm nhìn chiến lược đó theo phương pháp sư phạm tiệm tiến.

2.2. Đức Kitô, Đấng vừa thực hiện vừa khai mở tầm nhìn

Chúa Kitô đến thế gian không phải sống như một con người không có ước mơ. Người có ước mơ. Và ước mơ của Người là đến để cho con người được sống và sống dồi dào (xc. Ga 10,10), được cứu độ và có sự sống đời đời (xc. Ga 3,16-17). Các sách Tin Mừng kể lại cuộc sống công khai của Người trong ba năm. Và trong ba năm ấy, Người đã có sách lược để thực hiện tầm nhìn chiến lược của Thiên Chúa bằng những việc làm cụ thể.

Đức Kitô đến để thực hiện tầm nhìn của Thiên Chúa, nhưng đồng thời Người cũng khai mở một tầm nhìn chiến lược mới rồi bàn giao lại cho các Tông Đồ: “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28,19-20). Tầm nhìn của Người vừa rộng vừa xa: rộng là bao trùm mọi dân tộc, xa là cho đến tận thế.

2.3. Giáo Hội thực hiện ước mơ của Đức Kitô

Giáo Hội sơ khai, buổi đầu với con số nhỏ và chỉ quanh quẩn tại Giêrusalem, sao lại có sức mạnh lan toả như vậy? Đọc sách Công Vụ của các Tông Đồ, chúng ta sẽ học được rất nhiều điều liên quan đến sứ vụ trồng và mở Giáo Hội. Tầm nhìn của Giáo Hội sơ khai được Chúa Kitô Phục Sinh phác thảo đi từ gần đến xa:  “anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất" (Cv 1,8).

Giáo Hội trải qua bao nhiêu thế kỷ đang cố gắng để thực hiện tầm nhìn chiến lược mà Đức Kitô đã hoạch định bằng những việc làm cụ thể dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Và Giáo Hội sẽ vẫn tiếp tục thực hiện mục tiêu mà Chúa Kitô đã vạch ra cho đến khi thành toàn vào ngày tận cùng thế giới.

2.4. Thánh Phaolô, gương mẫu về việc hoạch định chiến lược truyền giáo
Gương mặt nổi bật trong Giáo Hội trải qua mọi thời trong việc hoạch định tầm nhìn chiến lược truyền giáo, đó là thánh Phaolô. Người đã được mời gọi muộn màng nhưng lại có sứ vụ thực hiện một mục tiêu lớn mà Chúa Kitô Phục Sinh đã vạch ra cho thánh nhân qua ông Khanania là mang danh Chúa “đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Ítraen” (Cv 9,15). Thánh Phaolô đã cụ thể hoá tầm nhìn chiến lược đó qua những công việc cụ thể trong những hành trình truyền giáo. Đọc kỹ phần hai của sách Công Vụ Tông Đồ và các thư của thánh Phaolô thì chúng ta sẽ thấy rõ thánh nhân là người có tầm nhìn chiến lược truyền giáo như thế nào.

3. Những câu chuyện minh hoạ

3.1. Câu chuyện 1

Hai người bạn hàng xóm học cùng nhau. Một người đứt gánh giữa đường, phải bỏ học khi mới xong lớp năm vì gia đình khó khăn; còn người kia vẫn học tiếp. Trong câu chuyện này, xin kể về người bỏ học; người vẫn tiếp học sẽ được kể trong câu chuyện 2.

Sau khi bỏ học, anh giúp bố mẹ làm việc đồng áng. Lên 20, anh cưới vợ. Khi cưới vợ, gia đình chỉ có một túp lều tranh. Anh khởi nghiệp với hai bàn tay trắng. Anh cố gắng xoay xở để có một chiếc bình ắc quy 12v. Anh dùng cái bình ắc quy này để đi kích cá. Anh kiếm được mỗi ngày từ 50 ngàn đến 200 ngàn đồng, có khi hơn. Ngoài phần lo cho gia đình, anh cố gắng trích trữ lại để thực hiện những việc đã vạch ra. Anh lập kế hoạch cho gia đình mình trong 10 năm. Mỗi năm, anh đặt ra một kế hoạch lớn, và trong mỗi năm ấy anh lại chia ra thành những kế hoạch nhỏ để cố gắng thực hiện. Và sau 10 năm, vợ chồng anh có ba người con và có nhà cửa khang trang và đầy đủ tiện nghi. Sau 10 năm, anh đã hoàn thành được ước mơ hay chỉ tiêu đúng như đã định. Vợ chồng anh lại đặt mục tiêu cho 20 năm tới: tập trung mọi sức lực để nuôi ba đứa con ăn học đàng hoàng...

3.2. Câu chuyện 2

Anh bạn thứ hai đã kể ở trên tiếp tục học hết phổ thông rồi đại học. Là con nhà khá giả trong làng, anh đã được chu cấp đầy đủ để học tập. Sau khi tốt nghiệp đại học luật, anh ở lại thành phố tìm kiếm việc làm. 6 năm đi làm anh cố gắng lắm mới trang trải đủ cho các nhu cầu hằng ngày: tiền đi lại, ăn uống, thuê phòng... 12 năm phổ thông, 4 năm đại học và 6 năm làm ở thành phố, đến nay anh vẫn hoàn tay trắng. Tấm bằng đại học không thể sử dụng được, anh phải làm nghề trái chuyên môn! Tính ra 4 năm đại học, gia đình phải cấp cho anh ít là 100 triệu.Bố mẹ anh phải than rằng: “cứ tưởng cho nó đi học đại học để đổi đời, kiếm tiền giúp đỡ bố mẹ, ai dè bây giờ nó vẫn ngửa tay xin tiền bố mẹ là những người học hành chẳng ra gì!”

3.3. Câu chuyện 3

Năm 1995, người viết có dịp đặt chân đến vùng Tây Nguyên khi cà phê đang được giá. Mấy năm sau đó, cà phê mất giá, còn tiêu lại được giá. Một số bà con thấy vậy liền chặt cà phê để trồng tiêu. Ít năm sau, khi tiêu bắt đầu có trái thì lại mất giá, trong khi đó sầu riêng lại được giá. Thấy sầu riêng được giá, những người ấy lại chặt tiêu chuyển sang trồng sầu siêng. Sau mấy năm theo đuổi chăm sóc sầu riêng, đến khi sầu riêng bắt đầu có thu hoạch thì lại rớt giá. Sầu riêng hạ giá, cà phê tăng giá, những người ấy lại loay hoay đi tậu giống cà phê để trồng. Cứ thế! Những người nông dân ấy cứ quay đi quẩn lại trồng rồi chặt, chặt rồi trồng, cứ lận đận chạy theo giá cả, cuối cùng phải trả một cái giá đắt là tay trắng lại về tay không!!!

4. Một vài nhận định

4.1. Có tầm nhìn chiến lược và sách lược

Trong ba câu chuyện trên. Câu chuyện 1 cho ta thấy một con người không được ăn học bao nhiêu, nhưng có thể nói anh ta có một tầm nhìn, có chiến lược và có sách lược. Cái mục tiêu hay ước mơ anh đặt ra không phải là cao so với nhiều người, nhưng đối với anh là một người không được ăn học đến nơi đến chốn thì đó lại là một con người có tầm nhìn xa và rộng. Cái hay là anh đã vạch ra được hướng đi cho chính mình, đã có những cách để thực hiện giấc mơ của mình. Anh đã biến mục tiêu chiến lược thành những việc làm cụ thể cho mỗi một giai đoạn cụ thể. Và cuối cùng, ước mơ hay mục tiêu của anh trong 10 năm đã thành hiện thực. Đó thực là một con người có tầm nhìn, có chiến lược và có sách lược.

4.2. Có tầm nhìn chiến lược nhưng lại thiếu sách lược

Trong câu chuyện 2. Anh ta xuất phát từ một gia đình khá giả, có điều kiện để tiến thân. Gia đình cũng như chính anh đã có một tầm nhìn xa và rộng là muốn học hành để tiến thân. Nhưng oái oăm là chỉ có tầm nhìn mà thiếu chiến lược thì cũng chẳng đi tới đâu; hoặc là có tầm nhìn và có chiến lược nhưng lại thiếu những sách lược nên giống như người chỉ nói mà không làm. Cuối cùng, sau bao nhiêu năm đèn sách và với bao nhiêu tiền của, anh vẫn chỉ có hai bàn tay trắng. So sánh khả năng khi khởi nghiệp, hai người bạn này chênh nhau quá lớn. Anh bạn thất học khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, anh còn lại khởi nghiệp với tài sản có thể nói là gấp trăm lần, nhưng sau 10 năm thì anh bạn thất học có tài sản hơn anh bạn có học đến cả trăm lần. Chuyện có vẻ nực cười đấy, nhưng lại có rất nhiều trong đời sống xô bồ hôm nay!

4.3. Có sách lược nhưng lại thiếu tầm nhìn chiến lược

Câu chuyện 3 ở trên cho thấy một số người nông dân có những sách lược, nghĩa là biết làm những việc nho nhỏ hằng ngày, nhưng lại không có tầm nhìn chiến lược. Và vì vậy, trong vòng mười mấy năm trời, họ cứ làm cái việc công cốc, như muối bỏ biển...!!!

5. Có cần tầm nhìn chiến lược truyền giáo không?

Qua những câu chuyện và phân tích ở trên, đến đây có thể nói được rằng để có một sự phát triển ổn định trong mọi lãnh vực của cuộc sống thì cần có tầm nhìn chiến lược. Trong việc loan báo Tin Mừng, có cần tầm nhìn chiến lược không? Câu trả lời có lẽ thuộc về những cơ quan chức năng và những người có thẩm quyền đưa ra, ở đây người viết chỉ xin nêu lên một số vấn đề.

5.1. Ai sẽ phác thảo tầm nhìn chiến lược truyền giáo?

Một tổ chức không có tầm nhìn chiến lược, trong đó mạnh ai nấy làm, có trở nên như những người trong câu chuyện 3 ở trên không? Trong việc loan báo Tin Mừng, tổ chức nào sẽ vạch ra tầm nhìn chiến lược để định hướng hoạt động truyền giáo trên phạm vi toàn quốc, cho các thực thể thấp hơn và cho mỗi cá nhân?

5.2. Có cần hạn định thời gian cho tầm nhìn chiến lược không?

Hạt giống Tin Mừng được gieo vào lòng đất Việt trên 350 năm. Hơn 350 năm ấy mới chỉ làm cho khoảng 7% người Việt tin theo Chúa. Phải mất bao nhiêu năm nữa để làm cho khoảng 93% người Việt đón nhận Tin Mừng? Nếu không giới hạn tầm nhìn thì sẽ trở thành vô hạn, như thế thì có mông lung quá không? Nếu không hạn định thời gian cho mỗi mục tiêu thì có bị rơi vào trường hợp của người ở trong câu chuyện 2?

Cần phải hạn định tầm nhìn lại ở mức nào thì vừa? 5 năm, 10 năm, 20 năm, 30 năm, 50 năm... ? Và trong hạn định tầm nhìn, cần phải chia ra bao nhiêu giai đoạn, cần bao nhiêu bước và phải làm những gì để thực hiện mục tiêu cho từng giai đoạn?

5.3. Tầm nhìn chiến lược cần tập trung vào điểm nhấn nào?

Tầm nhìn chiến lược cần phải tập trung và cụ thể hoá bằng những việc làm cụ thể, nếu không tập trung vào một số điểm nhấn thì có rơi vào trường hợp trong câu chuyện 3? Hiện nay Giáo Hội tại Việt Nam có nhiều nhân sự, nhiều tiềm năng, nhưng nếu không được sử dụng đúng vào những việc làm cụ thể trong một kế hoạch rõ ràng thì những khả năng đó có bị lãng phí không? Cái gì cũng chung chung, ai cũng lo việc chung chung, thì cha chung ai sẽ khóc đây?

Thay lời kết

Năm 2010, nhiều sự kiện nổi bật diễn ra trong khuôn khổ mừng Năm Thánh Giáo Hội tại Việt Nam. Theo dòng thời sự, người viết nhận ra một dấu hiệu hy vọng qua hai sự kiện, đó là Đại Hội Loan Báo Tin Mừng Toàn Quốc I và Đại Hội Dân Chúa. Hai sự kiện này nêu lên nhiều thao thức trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cho đồng bào dân tộc. Người viết rất xác tín vào tác động của Thần Khí Chúa trên Giáo Hội tại quê hương mình, nhưng vẫn băn khoăn về tính khả thi theo những ưu tư mà các đại biểu của hai đại hội này đặt ra. Chúng ta ưu tư, chúng ta thao thức, nhưng
liệu chúng ta có thúc đẩy những ưu tư và thao thức đó thành những việc làm cụ thể không? Chúng ta có quyền chờ đợi trong tin tưởng và hy vọng rằng những ưu tư và thao thức đó sẽ được hoạch định rõ ràng, rồi từ đó mọi người sẽ đồng sức đồng lòng thực hiện những gì mà tất cả đều cam kết dấn thân thực hiện? Vậy thì để ước mơ đó thành hiện thực, có cần một tầm nhìn chiến lược truyền giáo không?

Fx.Trần Kim Ngọc.OP

Loan Giảng Tin Mừng Trong Thời Đại Hôm Nay

Xem hình
 

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã truyền lại và mong muốn các môn đệ của mình thực hiện sứ vụ: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin mừng nước Thiên Chúa cho muôn dân”(Mt 28,19-20).

Lệnh truyền của Chúa Giêsu luôn vang vọng đối với tất cả mọi tín hữu và đặc biệt là những người theo Chúa trong ơn gọi tu trì. Ngay từ thời kỳ đầu, các Tông đồ đã hăng say với sứ vụ mà Chúa Giêsu đã giao phó và với sự nhiệt tình này, các Ngài đã quy tụ được số người tin theo Chúa mỗi ngày một đông. Dù trong hoàn cảnh nào, Giáo hội ngày nay vẫn luôn tha thiết kêu gọi mọi người hãy lên đường làm nhân chứng cho Tin mừng, đem Tin mừng của Chúa đến với những người chưa nhận biết.

Tất cả mọi người Kitô hữu đều được mời gọi tham gia vào sứ vụ truyền giáo. Ngay khi lãnh nhận bí tích rửa tội, mỗi chúng ta đã mang trong mình một trọng trách, đó là sống và loan báo Tin mừng nước Thiên Chúa. Cuộc sống với muôn vàn những lo toan và vất vả về cơm áo gạo tiền đã lôi cuốn người tín hữu vào. Điều này đã làm cho các tín hữu không còn nhớ trách nhiệm truyền giáo của mình. Vì thế mà ngày nay sứ vụ truyền giáo dường như hoàn toàn do những tu sĩ đảm trách và được coi là công việc của các tu sĩ, những người môn đệ của Chúa Kitô trong thời đại này.

Ngày hôm nay, chúng ta là những người đang bước theo Chúa Kitô trên con đường dâng hiến. Vì thế một cách nào đó, buộc chúng ta phải lên đường thi hành sứ vụ, làm cho nước Chúa được hiện diện khắp nơi và muôn người được đón nhận Tin mừng.

NHỮNG TRĂN TRỞ VỀ HÀNH TRANG

Chúng ta không thể cho người khác những thứ mà mình không có. Muốn mời gọi mọi người đến với mình, trước hết phải có cái gì đó để cho họ. Cho ở đây không nhất thiết là cho về vật chất, nhưng có thể cho những cái mang giá trị tinh thần. Trong hành trình truyền giáo, chúng ta không biết trước được sẽ đi trong bao lâu, có khi phải đi suốt cuộc đời. Lịch sử đã cho chúng ta thấy, có những nhà truyền giáo ra đi mà không có ngày trở về quê hương. Họ sẵn sàng hy sinh thân mình, để đổi lại Lời Chúa được sinh sôi nảy nở ở nơi mình đến.

Nhắc lại lịch sử để chúng ta thấy rằng phải chuẩn bị những gì cho chuyến đi xa. Chúng ta cũng đừng quá lo lắng, bởi vì chắc chắn trong bước đường truyền giáo của chúng ta luôn có Chúa đồng hành và chuẩn bị cho chúng ta những thứ cần thiết. Trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu khi sai các môn đệ đi, Người cũng đã dặn các ông là đừng mang theo bao bị mà hãy đi người không. Hay như trong chuyến truyền giáo đầu tiên của các môn đệ, vì muốn cho tất cả các dân tộc đều nhận biết Tin mừng, Chúa Thánh Thần đã ban cho các ông được ơn nói tiếng lạ, để các ông có thể đến được với các dân tộc khác nhau (Cv 2, 1-13). Cũng vậy, ngày nay chúng ta lên đường để truyền giáo, cũng đừng mang cho mình quá nhiều những thứ không thật cần thiết. Vì nếu mang theo nhiều đồ đạc sẽ chỉ làm vướng bận và sẽ níu chân chúng ta trên bước đường truyền giáo. Chúng ta cũng phải xác định mục đích của chúng ta là gì trong việc truyền giáo. Nếu xác định được mục đích ấy, chúng ta sẽ biết mình phải chuẩn bị những gì. Truyền giáo được hiểu là loan báo Tin mừng Phục sinh của Chúa Giêsu cho những người chưa nhận biết. Vì vậy, điều cần thiết mà chúng ta phải có đó là kiến thức và sự hiểu biết về Thiên Chúa. Sứ vụ truyền giáo là giới thiệu cho người khác biết về Chúa Giêsu Kitô. Muốn cho người khác dễ dàng đón nhận Tin mừng, chúng ta cần phải có đời sống giống như Chúa Kitô. Như vậy, ngoài kiến thức ra, chúng ta cũng cần phải có một đời sống nhân bản tốt, một con tim biết yêu thương và một đời sống nhiệm nhặt trong kỷ luật. Đời sống của chúng ta trở nên như một tấm gương, để qua chúng ta, người khác có thể nhận ra được hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta phải thể hiện làm sao để cho người khác hình dung được Thiên Chúa là một Đấng gần gũi, đầy yêu thương, hiện diện thật trong cuộc sống chứ không phải là một Đấng xa lạ.

Công cuộc truyền giáo là một công việc hết sức khó khăn. Để có được kết quả tốt, mỗi người chúng ta phải tự trang bị cho mình một tinh thần nhiệt huyết, sẵn sàng dấn thân vào những nơi có thể nói là nguy hiểm nhất, không tháo lui khi gặp khó khăn gian khổ. Để qua chúng ta nhiều người được đón nhận Tin mừng và được sống trong ơn nghĩa của Thiên Chúa.

NHỮNG KHÓ KHĂN GẶP PHẢI

TRÊN BƯỚC ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO

Truyền giáo là đến những vùng đất mới, đến những nơi xa lạ với cuộc sống thường ngày của chúng ta. Khi nói đến truyền giáo chúng ta nghĩ ngay đến việc ra đi. Ra đi đến những biên giới mới, đến với những nơi mà ánh sáng Tin mừng chưa được hiện diện.Vì vậy, không thể tránh khỏi những khó khăn nhất định. Những khó khăn đó có thể đến từ thiên nhiên và cũng có thể đến từ con người. Trong bài viết này, tôi chỉ đưa ra một vài rào cản mà chúng ta dễ dàng gặp phải trong bước đường truyền giáo.

Cản trở đầu tiên chúng ta gặp phải đó là cản trở về văn hoá và phong tục tập quán. Mỗi dân tộc, mỗi vùng, mỗi miền đều có những nét văn hoá và những phong tục riêng. Để tránh được sự va chạm này, chúng ta cần phải hết sức khéo léo, phải biết hòa vào và phải biết dung hòa giữa cái cũ và cái mới. “Đáo giang chọn khúc, nhập gia tuỳ tục”, thật đúng trong trường hợp này. Chúng ta không thể áp đặt cái mới, cũng như ngay lập tức có thể thay đổi được những thói quen đã có từ bao đời của một dân tộc. Muốn cho người ta đón nhận cái mới, chúng ta phải đi từng bước một. Chúng ta phải ta biết nương theo những giá trị cũ để lồng vào những giá trị mới. Có như vậy, người ta mới dễ dàng đón nhận cái mới và không bị sốc. Ngày nay danh từ “Hội nhập văn hoá” đã được sử dụng rộng rãi. Các dân tộc nhờ sự hội nhập mà ngày càng đến gần nhau hơn. Cũng vậy Tin mừng muốn đến được với mọi người và mau chóng sinh sôi nảy nở thì cũng cần thiết phải hội nhập.

Chúa Giêsu là một tấm gương của sự hội nhập văn hoá. Trước khi bắt đầu cuộc đời rao giảng. Chúa đã học sống theo những phong tục và tập quán của người Do Thái. Chúa Giêsu đã sống lề luật và tuân thủ theo những quy định của giáo quyền cũng như thế quyền một cách triệt để. Để cho giống như dân chúng, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa của Gioan Tẩy giả. Người cũng đóng thuế thập phân cho nhà cầm quyền như những công dân khác.

Cản trở thứ hai đó là sự đối đầu với những tôn giáo bản địa. Đây thực sự là một vấn đề nhạy cảm. Chúng ta không thể ngày một ngày hai mà thay đổi được niềm tin tôn giáo của một con người. Tin mừng của Chúa không thể áp đặt mà để cho mọi người tự khám phá và tin theo. Bất cứ một tôn giáo chính thống nào cũng dạy người ta phải ăn ngay ở lành, không tôn giáo nào lại dạy phải làm điều xấu. Vì vậy, nếu chúng ta là những người đến sau, thì chúng ta phải tôn trọng về vấn đề tự do tín ngưỡng của người dân nơi mà chúng ta đến. Trong những trường hợp này, muốn ánh sáng Tin mừng hiện diện, chúng ta nên kiên nhẫn chờ đợi thời gian, “Mưa lâu thấm đất”. Công việc truyền giáo mà chúng ta nhắm tới không phải ngày một ngày hai mà có thể có kết quả, mà phải là một quá trình lâu dài.

Thực tế cho thấy có những chuyến truyền giáo theo kiểu mì ăn liền, khua chiêng múa trống rất to, nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi tắt ngúm. Truyền giáo theo kiểu này thực sự không mang lại hiệu quả. Truyền giáo thực sự không phải như vậy, nếu chúng ta chỉ gieo xuống rồi bỏ đó, thì Đức tin của những người mới đón nhận Tin mừng không thể bén rễ sâu được. Chỉ cần một biến cố nào đó xảy đến với họ trong cuộc sống, họ sẽ bỏ đạo. Thật là uổng phí công sức chúng ta bỏ ra. Vì vậy, để đức tin được vững chắc trong vùng đạo mới, ngoài gieo vãi, chúng ta còn phải chăm bón và săn sóc. Chăm bón có thể bằng những sinh hoạt về đạo, chẳng hạn như: Tổ chức các hội đoàn, các nhóm sống đạo, hay các lớp giáo lý…

Một điều rất tốt để giữ được niềm tin cho những người mới đón nhận Tin mừng chính là sự hiện diện của chính chúng ta. Không có gì sống động và thu hút người khác cho bằng chính đời sống của chúng ta. Qua đời sống của chúng ta người khác có thể nhận ra ánh sáng Tin mừng. Trong thời của thánh Đaminh, để lôi kéo được những người theo lạc giáo trở về chính đạo, ngoài việc giảng thuyết, Cha Đaminh đã dùng chính đời sống của mình để làm gương cho giáo dân. Ngài cũng đi chân đất và thực hiện việc ăn chay hãm mình như phái lạc giáo. Chính đời sống nhiệm nhặt của mình, cuối cùng thánh Đaminh cũng đã thuyết phục được rất nhiều những người theo lạc giáo trở lại với chính đạo.

Một trở lực mà chúng ta sẽ gặp phải trong công cuộc truyền giáo đó là vấn đề về ngôn ngữ. Thế giới ngày nay như xích lại gần nhau hơn. Con người đang sống trong quá trình toàn cầu hóa. Công việc truyền giáo của chúng ta ngày càng được mở rộng không chỉ gói gọn trong một quốc gia, mà còn mở rộng ra phạm vi thế giới. Chính vì vậy, vấn đề về ngôn ngữ đóng một vai trò hết sức quan trọng không thể thiếu. Chúng ta không thể nói cho người khác hiểu được nếu như chúng ta không biết ngôn ngữ của họ. Rất nhiều trường hợp chúng ta không thể dùng được tiếng Anh (ngôn ngữ mang tính quốc tế). Bởi vì việc truyền giáo thường nhắm tới đối tượng là số đông chứ không phải là một tầng lớp nào mà thôi. Theo chia sẻ của một Linh mục sau chuyến truyền giáo tại Hàn Quốc cho biết: khó khăn lớn nhất cha gặp phải đó là vấn đề ngôn ngữ. Khi mới sang vì không biết tiếng Hàn, nên mọi việc đều phải có người hướng dẫn, từ việc đi lại cho đến các giao tiếp thông thường. Trước khi sang Hàn, cha chỉ chuẩn bị vốn tiếng Anh. Nhưng khi sang đó tiếng Anh không thể sử dụng, vì đa số người dân đều nói tiếng bản địa, chỉ có một số ít nói được tiếng Anh. Cha kết luận một câu: “Thật như đứa trẻ lên ba, mọi thứ đều phải tập lại từ đầu”. Như vậy chúng ta cũng thấy được tầm quan trọng của ngôn ngữ. Để việc truyền giáo ngoài biên giới quốc gia được thành công, ngoài việc phải hiểu biết về nền văn hóa của đất nước sở tại, chúng ta cũng cần phải biết ngôn ngữ của đất nước họ.

Trên đây chúng ta mới chỉ đề cập đến việc truyền giáo ra nước ngoài. Nhưng còn việc truyền giáo trong nước thì sao? Đây cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Đất nước Việt Nam chúng ta là một đất nước đa sắc tộc với con số 54 dân tộc cùng sinh sống. Hiện nay, theo số liệu thống kê, trong cả nước mới có khoảng 7 đến 8% người nhận biết Tin mừng. Vì vậy đây vẫn là một cánh đồng trù phú cho việc truyền giáo. Để đến được với những người lương dân, chúng ta cũng cần phải biết ngôn ngữ giao tiếp của họ (dân tộc thiểu số). Có như thế chúng ta mới dễ dàng tiếp cận và gần gũi với họ được. Đa số người dân tộc thiểu số sống trong hoàn cảnh khó khăn. Đời sống kinh tế của họ còn hạn chế về nhiều mặt. Đến với họ, chúng ta cần phải trang bị một số kiến thức cơ bản, để có thể giúp cho họ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, nâng cao sự hiểu biết,… Thực hiện được điều này, chúng ta sẽ mau chóng được họ đặt niềm tin tưởng. Từ đó họ sẽ dễ dàng đón nhận ánh sáng Tin mừng.

TẠM KẾT

Công việc truyền giáo luôn là vấn đề được Giáo hội quan tâm hàng đầu. Bất kỳ thời kỳ nào người Kitô hữu cũng phải lên đường để thi hành sứ vụ đem Lời của Thiên Chúa đến với muôn dân. Chúng ta là những người đang bước theo Chúa Kitô trên con đường dâng hiến, chắc chắn rằng trong mỗi chúng ta luôn có những thao thức, trăn trở và băn khoăn đối với sứ vụ truyền giáo. Hy vọng rằng, mỗi chúng ta đã có sự chuẩn bị cho sứ vụ thiêng liêng và cao cả này, để cho Tin mừng nước Thiên Chúa ngày càng được nhiều người biết và tin theo. Dấn thân trong bước đường truyền giáo chắc hẳn rằng sẽ không tránh khỏi những khó khăn và vất vả, nhưng chúng ta cũng đừng quá lo lắng, vì Thiên Chúa luôn đồng hành cùng chúng ta. Cứ an tâm vững bước lên đường.

(trích Giữa anh em số 7)

Thomas Hoàng Anh.OP