Lời nguyện nhập lễ trong thánh lễ mừng kính Mẹ Marie de la Passion hôm nay nói lên con đường nên thánh của mọi kitô hữu : trở nên dấu chỉ về tình yêu thương xót của Chúa Cha. Tình yêu là điều quan trọng nhất trong cuộc đời của người kitô hữu. Các thánh là những dấu chỉ mới về tình yêu thương xót của Chúa Cha. Mẹ Marie de la Passion là một con người như vậy. Một người chị em FMM đã kể lại kinh nghiệm của mình như sau : “Khi nghe Mẹ chúng ta nói, chúng tôi cảm thấy mẹ thực sự được bao bọc bởi tình yêu thương của Chúa và Mẹ muốn truyền lửa thiêng thánh đó đến với mỗi một tâm hồn của chúng tôi”. (13/5/1885)
Mẹ Marie de la Passion, người sáng lập Dòng Nữ Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, đã sống một cuộc đời đầy tình yêu thương và dâng hiến cho tha nhân, đặc biệt là những người nghèo khổ và bị bỏ rơi. Hội dòng của ngài mang tên Dòng Nữ Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ. Danh xưng ấy tóm kết chương trình sống yêu thương của Mẹ.
1. Thừa sai :
« Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. »
Tình yêu mang tính thiên linh vì phát xuất từ Chúa Cha. Chúa Cha đã yêu thương Con một của mình và sai Con một đến trần gian để ném xuống ngọn lửa yêu thương của Chúa Cha: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12, 49)
Người thừa sai là người đã được nung đốt trong ngọn lửa ấy, luôn “ở lại trong tình thương của Thầy”, là người được sai đi và ra đi để sinh được nhiều hoa trái.
Marie de la Passion luôn đặt Thiên Chúa làm trung tâm của cuộc đời mình. Tình yêu sâu sắc đối với Thiên Chúa đã thúc đẩy mẹ hiến thân phục vụ và dấn thân vào đời sống tu trì. Sự kết hiệp với Chúa qua cầu nguyện, thánh lễ và thờ phượng Thánh Thể là nguồn động lực mạnh mẽ cho mẹ trong các công việc hàng ngày.
“Trước Thánh Thể, Mẹ đã nghe được trong chiều sâu trái tim mình lời của Chúa: “Ta là Đấng yêu thương con hơn con yêu thương Ta, Đấng đẹp tuyệt vời, không tì tích, vì Ta là Đấng vô thủy vô chung, Ta là Thiên Chúa”. Từ sự vô tận của Thiên Chúa đến một sứ mạng vô biên giới: “một ước vọng ngông cuồng làm tất cả những gì tôi nghe biết là tốt là đẹp”.
Huyền nhiệm cuộc đời mẹ được chiếu sáng trong chính mầu nhiệm Thánh Thể. Tất cả được bộc lộ và nối dài ý nghĩa trong “cuộc đời hiến dâng để cho thế gian được sống”.
2. Phan sinh
“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”.
Năm nay gia đình Phan sinh mừng kỷ niệm 800 năm thánh Phanxicô được in năm dấu thánh tại La Verna. Thánh Phanxicô được in năm dấu thánh vì cả cuộc đời ngài bước theo Đức Kitô nghèo khó và chịu đóng đinh. Ngài ước ao cảm nghiện tình yêu Chúa xưa đã yêu thương nhân loại mến mức độ nào.
Đó là con đường mà người nữ tu Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ muốn đi qua, bởi vì như Tông huấn Vita Consecrata viết: “Người tận hiến khám phá ra rằng họ càng gần thập giá Đức Ki-tô thì càng nghiệm được chân lý Thiên Chúa là Tình Yêu một cách trực tiếp và sâu xa.” VC 24
Mẹ Marie de la Passion đã viết rằng: “Là con cái của Vị mang Năm dấu thánh tại núi La Verna, chúng ta hãy cố gắng làm sao chọ sự thương khó của Thầy Chí Thánh được khắc sâu trong tâm khảm chúng ta cũng như đã từng in dấu trên thân thể của Cha thánh chúng ta vậ,y để giúp chúng ta đi theo con đường vương giả của thập giá ấy, chúng ta hãy nhớ rằng “trong thập giá có ơn cứu độ và sự sống”, và sự tăng trưởng của Hội Dòng tuỳ thuộc vào sự chúng ta kết hiệp nhiều hay ít với sự thương khó của Đức Giêsu Kitô và với năm dấu thánh của Cha thánh siêu việt của chúng ta vậy”. (Cd 116)
Sự tăng trưởng của Hội Dòng tuỳ thuộc vào sự chúng ta kết hiệp nhiều hay ít với sự thương khó của Đức Giêsu Kitô, đó là con đường phan sinh, là con đường dẫn ta đến tình yêu đích thực, phát xuất từ Thiên Chúa: “Tình yêu mà không được nuôi dưỡng bởi hy sinh thì không phải là tình yêu, đó chỉ loại tình cảm ủy mị bên ngoài”.
Hiến chương mời gọi chị em: “Qua những căng thẳng, thất bại và tiến bộ, chúng ta sống mầu nhiệm chết và sống lại, chúng ta cảm nghiệm sự tha thứ và học hỏi nhau làm thế nào để yêu mến Chúa Kitô hơn.” HC 21
Tại “nguồn suối tình yêu đó”, chị em nuôi dưỡng sự hiệp thông của mình trong bác ái huynh đệ, tìm được ở đó lời mời gọi hoán cải và tha thứ hàng ngày cũng như tính năng động cho việc tông đồ của mình.
3. Đức Mẹ
“Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người”
Cũng như thánh Gioan, người thánh hiến được mời đón nhận Đức Trinh Nữ Maria rất thánh về nhà mình : “họ sẽ yêu mến và bắt chước Mẹ một cách triệt để, theo ơn gọi riêng của mình, và bù lại, họ sẽ cảm nghiệm tình mẫu tử êm ái thật đặc biệt. Đức Trinh Nữ thông ban tình yêu để họ có thể hiến dâng cuộc sống cho Đức Ki-tô mỗi ngày, cộng tác với Người để cứu độ thế giới. Chính vì thế, lòng thảo hiếu với Đức Maria là nẻo đường ưu tiên giúp trung thành với tiếng gọi đã nhận và là một trợ giúp rất hữu hiệu để tiến tới trong việc đáp trả và sống sung mãn ơn gọi của mình.” VC 28
Mẹ Marie de la Passion ý thức điều đó, đã đặt Đức Mẹ vào danh xưng Hội dòng mình và đã giải thích rằng: “Bảo rằng: Thừa Sai Đức Mẹ là bảo rằng những người ấy sẽ tiếp tục trên trần gian hoạt động của Mẹ mình… Cùng với Chúa Cứu Thế, cùng với Mẹ Người là Đức Maria, một Thừa Sai Đức Mẹ cần phải là một hy lễ phạt tạ góp phần hết sức mình vào việc mở mang Nước Chúa và cứu rỗi các linh hồn.” Hướng về hoàn vũ, các nữ tu này sẽ có một chương trình duy nhất mà thôi, ấy là noi gương Đức Mẹ để yêu mến Chúa Kitô, phục vụ Người và loan báo Phúc Âm đến khắp cùng mặt đất.”
“Chúng ta học hỏi nơi Mẹ cho biết yêu mến, bằng cách thể hiện ơn gọi phụ nữ của chúng ta qua sự dâng hiến chính mình cách vô vị lợi, để đời sống của tha nhân tăng trưởng.” HC 79
“Giống như tình yêu là một ngọn lửa hiệp thông, nếu chúng ta yêu, chúng ta cũng làm cho người khác yêu. Đám cháy sẽ bốc lên một ngày nào đó... chúng ta đã góp chút sức nóng của chúng ta vào đám lửa đó để thiêu đốt các con tim”.
Ước gì mỗi chị em Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ cũng thốt lên như Mẹ Marie Agnès de Saint Jean Baptiste, mẹ bị bệnh đậu lào và qua đời ngày 30 tháng 4 năm 1899 tại Trung Hoa:
“Tình yêu đã dẫn chị đến ở đây,
tình yêu đã đóng đinh chị ở đây
tình yêu đã biến thành phần thưởng vĩnh cửu của chị ở đây.
Cầu chúc chị an nghỉ trong bình an.”
Lm Gioan Thiên Chúa Nguyễn Phước, OFM