Cách đây hơn 90 năm, ngày 24 tháng 10 năm 1932, theo lời mời của Đức cha Augustin Tardieu Phú, Đại diện Tông tòa Địa phận Qui Nhơn, 5 nữ tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đầu tiên đã đến phục vụ các bệnh nhân phong tại trại phong Qui Hòa. Đây được coi như cái nôi từ đó sinh ra các cộng đoàn Phan Sinh khác tại nhiều nơi trên đất nước Việt Nam.
Ngày 06 tháng 01 năm 2023 vừa qua, cũng tại Qui Hòa này một thánh lễ tạ ơn trọng thể đã được cử hành, để mừng kỷ niệm ngày thành lập Hội dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ (06.01.1877), mừng kỷ niệm 90 năm Hội dòng hiện diện và phục vụ tại Việt Nam và mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Tỉnh dòng Thánh Tâm Việt Nam.
Hôm nay, cũng tại đây chúng ta long trọng cử hành thánh lễ tuyên khấn lần đầu của 5 chị em Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ. Thánh lễ diễn ra trong bối cảnh Tỉnh dòng Thánh Tâm Việt Nam sẽ chấm dứt nhiệm vụ sau 50 năm phục vụ vào ngày 01 tháng 11 năm 2023, để nhập vào Miền dòng gồm 3 nước: Sri Lanka - Việt Nam - Philippines. Đây là lễ khấn lần đầu đối với 5 chị em tuyên khấn, nhưng là lần cuối của Tỉnh dòng. Thế là 5 nữ tu Phan Sinh lần đầu đến Qui Hòa vào tháng 10 năm 1932 đã gặp 5 nữ tu Phan Sinh tuyên khấn lần đầu tại Qui Hòa vào tháng 10 năm 2023. Thật là một huyền nhiệm!
Ơn gọi tu trì luôn luôn là một huyền nhiệm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, một huyền nhiệm tình yêu giữa Thiên Chúa với con người. Tình yêu tự bản chất là một huyền nhiệm, như thi sĩ Xuân Diệu đã từng ví von:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu,
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều,
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.
Nếu tình yêu nam nữ giữa con người với con người đã là một huyền nhiệm, thì tình yêu giữa con người với Thiên Chúa càng là một huyền nhiệm biết bao, bởi lẽ Thiên Chúa vừa là Tình yêu vừa là Huyền nhiệm. Hôm nay, trong đoạn sách ngôn sứ Hôsê (Hs 2,16.21-22), Thiên Chúa đã cho thấy tình yêu của Người đối với người được tuyển chọn như thế nào: “Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2,16). “Quyến rũ” và “thổ lộ tâm tình”, đó là những ngôn từ diễn tả tình yêu, còn “sa mạc” là nơi thanh vắng để có thể thổ lộ tình yêu. Người Do-thái không bao giờ quên thời gian 40 năm trong sa mạc, đó là thời trăng mật giữa Thiên Chúa với dân Người.
Nghi thức tuyên khấn lần đầu hôm nay diễn ra sau thời gian 2 năm nhà tập, đó là thời kỳ trăng mật của các tu sĩ. Trong thời gian tập viện vừa qua, các chị em đã được đưa vào sa mạc, cách biệt đối với thế giới bên ngoài, để chuyên tâm cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa. Đây là thời gian Chúa quyến rũ và thổ lộ tâm tình với các chị em, qua đó các chị em cảm nghiệm tình yêu của Người, và giờ đây, với nghi thức tuyên khấn, các chị em mượn lời Đức Trinh Nữ Maria để đáp trả tình yêu ấy bằng lời thưa: “Vâng, con đây là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38a), như được ghi trên đầu tấm thiệp mời dự lễ khấn.
Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ là một hội dòng vừa chiêm niệm, vừa truyền giáo. Vì thế, lời khấn của các nữ tu Phan Sinh diễn tả một tình yêu với hai chiều kích: đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Tình yêu đối với Thiên Chúa được diễn tả qua đời sống chiêm niệm, tình yêu đối với tha nhân được thể hiện qua đời sống hoạt động tông đồ.
Hai chiều kích này được Chúa Giêsu đề cập đến trong dụ ngôn cây nho mà chúng ta vừa nghe trong đoạn Tin Mừng hôm nay (Ga 15,1-8). Chúa Giêsu chính là thân nho, còn chúng ta là cành nho. Tình yêu đối với Chúa Giêsu được diễn tả qua hình ảnh các cành nho gắn liền với thân nho. Đó là chiều kích thứ nhất và quan trọng nhất của đời sống tu trì. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, chỉ vỏn vẹn 8 câu, thế mà Đức Giêsu đã sử dụng từ “ở” đến 8 lần: “Các con hãy ở trong Thầy và Thầy ở trong các con”. Đó là sự gắn bó mang tính hữu cơ, nhằm diễn tả một tình yêu không thể thiếu. Khi nói lên lời tuyên khấn đối với Chúa, các nữ tu chắc chắn phải ý thức sự cần thiết phải gắn bó với Chúa ngày càng bền chặt hơn, để có thể sống với Chúa và sống cho Chúa cách phong phú và trọn vẹn nhất. Nếu không thì đời sống tu trì trở thành vô nghĩa.
Chiều kích thứ hai của đời sống tu trì là làm cho tình yêu đối với Thiên Chúa trỗ sinh hoa trái bằng tình yêu đối với tha nhân. Chiều kích này nhất thiết gắn liền với chiều kích thứ nhất, bởi vì Chúa Giêsu đã khẳng định: “Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì” (Ga 15,5). Đời sống tu trì bắt nguồn từ sự kết hợp với Chúa bằng tình yêu nhất thiết sẽ làm phát sinh hoa trái là các việc lành phúc đức, tức là các hình thức thể hiện tình yêu đối với tha nhân. Sau những giờ phút ở với Chúa bằng việc chiêm ngắm và cầu nguyện, các nữ tu dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ bắt chước Đức Maria hăng hái lên đường thực thi việc tông đồ, tức là đem tình yêu của Chúa đến cho tất cả mọi người, nhất là những người bệnh tật, nghèo khổ, bất hạnh, đem rượu nồng đến cho những gia đình lạnh nhạt vì tinh yêu thuở ban đầu đang bị phai tàn cạn kiệt, v.v.
Hai chiều kích trên đây của tình yêu cũng được Thánh Phaolô quảng diễn qua bức thư gửi giáo đoàn Roma mà chúng ta đã nghe ở bài đọc 2 (Rm 12,1-13). Trước hết ngài kêu gọi các tín hữu hãy thực hành chiều kích thứ nhất của tình yêu bằng việc hiến thân cho Chúa như của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Chúa. Qua lời khấn, các nữ tu cũng muốn hiến dâng cho Thiên Chúa toàn thể con người và cuộc sống của mình như một của lễ, một của lễ được dâng lên Thiên Chúa mỗi ngày bằng lời cầu nguyện, cùng với những hy sinh và nỗ lực trở nên hoàn thiện, qua việc chê ghét điều ác và trìu mến điều lành cách chân thành không giả dối. Ngoài ra, trước mặt Thiên Chúa cũng như trước mặt người đời, các tu sĩ được coi là những người thoát tục, nên không thể sống theo thói đời, trái lại phải biết canh tân lòng trí để biết đâu là thánh ý Chúa, biết điều gì tốt lành đẹp lòng Chúa, để đem ra thực hành trong đời sống.
Tiếp đến, trong chiều kích thứ hai đối với tha nhân, thánh Phaolô dạy rằng mỗi người chúng ta đều là những chi thể của Đức Kitô, mỗi người lãnh nhận những ân sủng khác nhau, nhưng phải dùng những ân sủng ấy để phục vụ lẫn nhau và xây dựng nhiệm thể Đức Kitô. Cũng vậy, qua việc tuyên khấn công khai trước mặt cộng đoàn, các nữ tu ý thức về tính giáo hội của lời khấn. Đây không phải là một hành vi đạo đức cá nhân, nhưng là hành vi thờ phượng mang tính cộng đồng. Lời khấn của các chị em không chỉ nói lên một quyết tâm sống thánh thiện cho bản thân mình, mà còn hàm chứa một mẫu gương và một lời mời gọi cộng đoàn cùng với mình tận hiến cho Thiên Chúa theo cách riêng của mỗi người.
Bởi vậy cộng đoàn chúng ta không những cầu nguyện cho các chị em được luôn trung thành thực hiện lời khấn, mà còn hiệp thông với các chị em trong lời khấn, để mỗi người chúng ta cũng biết hiến dâng cho Thiên Chúa chính bản thân của mình như một của lễ và biết cùng với các chị em dấn thân phục vụ tha nhân.
Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi