Bài giảng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu

Kính thưa anh chị em,

Xin anh chị em chiêm ngưỡng bức tranh của danh họa Pompeo Girolamo Batoni (1708 – 1787) về Trái tim Chúa Giêsu. Năm 19 tuổi ông đến Roma để học hội họa. Ở đó, ông đã trở thành một trong những họa sĩ ở Roma nổi tiếng nhất và giỏi nhất trong thời đại của mình.

Năm 1760, Pompeo Batoni được bề trên Dòng Tên Roma trao trách nhiệm vẽ một bức ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu cho nhà thờ Il Gesu của Dòng Tên.

Anh chị em có chú ý điều gì đặc biệt trong bức tranh này hay không?

Có hai điều đặc biệt: Tay trái Chúa cầm một trái tim và tay phải Chúa chìa ra với chúng ta.

* Tay trái Chúa cầm một trái tim

Trong bàn tay trái Chúa Giêsu cầm trái tim của mình và Chúa chỉ cho mọi người trái tim của Chúa. Nhiều tia sáng rực rỡ phát ra từ trái tim. Một vòng gai bao quanh trái tim. Phía dưới bên trái, có vẻ như, vết máu đang chảy ra từ vết cắt, vết thương đâm. Phía trên trái tim như có một ngọn lửa đang cháy rực và ở phía trên và phía giữa trái tim một cây Thánh Giá nhỏ được cắm trên đó.

Hình ảnh Trái tim Chúa Giêsu có lẽ không xa lạ gì với chúng ta.

Chúng ta hãy trở về ngày 27 tháng 12 năm 1673, Chúa Kitô đã hiện ra với Thánh nữ Maria Magarita bằng hình dáng con người thực, cho Thánh nữ thấy Trái Tim cực Thánh Ngài tỏa sáng. Chúa nói với thánh nữ: "Thánh Tâm Cha tràn đầy niềm say mến nhân loại, và đặc biệt cho riêng con, không thể chứa hết ngọn lửa khao khát tình thương mến này, nên phải được tưới ra cho mọi người, qua khả năng của con”. Sứ mệnh được giao phó cho thánh nữ không phải nhỏ: rao truyền cho mọi người về Tình Yêu không bờ bến của Thiên Chúa... Từ đó các họa sĩ, các nhà điêu khắc đã lấy hình tượng trái tim Chúa để diễn tả tình yêu của Chúa Giêsu.

Thánh Gioan trong bài đọc 2 đã khẳng định cho chúng ta: “Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4,16).

Ngày lễ Thánh tâm Chúa, chúng ta chiêm ngưỡng Tình yêu của Thiên Chúa: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này : Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này : không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4, 9-10).

Tình yêu Thiên Chúa làm cho chúng ta nhớ tới hình ảnh người mục tử chạy theo con chiên bị lạc mất, hình ảnh người đàn bà đi tìm đồng bạc bị đánh rơi, hình ảnh người cha chạy đến người con đi hoang và ôm nó vào lòng, hình ảnh của Đấng tha thiết mời gọi chúng ta: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28).

Hình ảnh cây thánh giá trên trái tim bừng cháy mời gọi chúng ta nghĩ đến cái chết trên thập tự của Người: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Người tự hiến chính mình, để nâng con người lên, cứu độ họ và trả lại  cho con người quyền làm con Thiên Chúa - đó là tình yêu trong hình thức triệt để nhất.

Đức Giêsu làm cho hành động tận hiến này được tồn tại mãi qua việc Người thiết lập Bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc cuối cùng. Người tiền dự cái chết và sự Phục sinh trong giây phút này, khi trao ban chính mình cho môn đệ trong bánh và rượu, trao ban Mình và Máu Người như Manna mới. “Thiên Chúa là tình yêu : ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16). Tình yêu Chúa thật quá cao vời khi ở lại với chúng ta, khi nên một với chúng ta để biến đổi chúng ta thành tình yêu.

Chúng ta hãy luôn nhìn vào cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giêsu, nơi mà “máu cùng nước chảy ra” (Ga 19, 34), để múc lấy tận nguồn ơn cứu độ”,

Vào Chúa nhật, ngày 5 tháng 6 năm 2005, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói về lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu trong Kinh Truyền Tin của ngài: “Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, ‘trái tim’ chỉ trung tâm của con người, nơi ngự trị các tình cảm và ý định của con người. Nơi Trái Tim Chúa Cứu Thế, chúng ta tôn thờ tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, ý muốn cứu độ phổ quát của Người, lòng thương xót vô biên của Người. Vì thế, thực hành lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Kitô có nghĩa là tôn thờ Trái Tim đó, sau khi đã yêu thương chúng ta đến cùng, đã bị giáo đâm thâu và từ trên cao Thập Giá tuôn ra máu và nước, một nguồn sống mới vô tận.”

* Bàn tay phải mở ra để đón nhận

Chúng ta hãy nghe kể lại việc họa sĩ Batoni thực hiện bức tranh được yêu cầu:

Họa sĩ lập tức bắt tay vào việc. Nhưng ông vẫn cảm thấy khó khăn, mặc dù bản thân ông là một người có niềm tin tưởng mạnh mẽ và rất ngưỡng mộ trái tim Chúa Giêsu. Ông thiếu ý tưởng để vẽ. Ông phải diễn tả tình yêu vô biên của trái tim Chúa Giêsu trong bức tranh như thế nào?

Với những vấn nạn đó, Pompeo Batoni lui về cầu nguyện và tĩnh tâm. Nhưng không có ý tưởng thỏa mãn nào đến với ông. Nỗi khổ nội tâm lớn hơn nữa.

Rồi một ngày nọ, sau khi tham dự thánh lễ sớm, và trong thánh lễ đó ông thưa chuyện với Chúa về sự khó khăn khúc mắc của ông trong việc vẽ bức tranh Thánh Tâm, và ông xin Chúa soi sáng giúp đỡ ông.

Trên đường từ nhà thờ về nhà, ông gặp một người hành khất xin ông bố thí chút tiền. Danh họa Batoni do dự, vì ông chỉ mang theo một đồng xu để đủ mua đồ ăn cho bữa điểm tâm. Nhưng sau vài khoảnh khắc do dự, ông đưa đồng xu đó cho người ăn xin, chính lúc này lời cầu nguyện thầm lặng của họa sĩ đã được đáp lại.

Danh họa đưa tay bố thí đồng xu, người ăn xin liền đặt tay trái lên trái tim của mình và đồng thời khiêm tốn đưa tay phải ra để nhận đồng xu.

Khi Batoni nhìn thấy thái độ này, ông nhận được ngay một ý tưởng giúp ông tháo cởi khó khăn ông đang có để vẽ bức tranh Thánh Tâm Chúa, nghĩa là ngay lúc đó ông nghĩ đến Chúa Giêsu, Ngài cũng chìa tay ra về phía con người chúng ta, để xin chúng ta chính tình yêu của chúng ta dành cho Chúa. Đó là sự đáp trả tình yêu của chúng ta đối với tình yêu cứu độ cao cả của Chúa dành cho chúng ta. [1]

Chúa cần đến tình yêu của chúng ta. Lần hiện ra chính thứ hai là vào năm 1674, vào một ngày thứ sáu đầu tháng, Đức Kitô biểu lộ cho thánh nữ Maria Magarita một lần nữa Trái Tim cực Thánh của Ngài, "tỏa sáng ánh vinh quang với năm vết thương lóng lánh giống như năm mặt trời”. Đức Kitô phàn nàn sao nhân loại quá xa tình thương yêu của Ngài, và đáp trả lại tình thương yêu của Ngài quá ít...

Lần hiện ra thứ ba cũng vậy, Chúa Giêsu nói với thánh nữ: ”Đây là Trái Tim đã yêu thương nhân loại không bờ bến, không quản ngại một thứ gì cho đến hơi thở cuối cùng để làm chứng cho Tình yêu, nhưng bù lại, Ta chỉ nhận được từ nhiều người, một bội bạc qua sự thiếu tôn kính và lòng xúc phạm, qua sự lạnh nhạt và đôi khi cả sự khinh thường [...] Nhưng điều làm Ta cảm thấy đau nhói hơn, đó là ngay cả những người mà trái tim đã dâng hiến cho Ta, cũng làm như thế”. Ngài yêu cầu Thánh nữ xin Giáo hội thiết lập một lễ Thánh Tâm Chúa. Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu chính thức đầu tiên được cử hành vào năm 1765 tại Pháp. Gần 100 năm sau, vào năm 1856, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã mở rộng lễ này cho toàn thể Giáo Hội Tây Phương

Vào năm 1956 thánh Giáo Hoàng Piô XII đã công bố thông điệp “Haurietis aquas in gaudio – Sẽ vui mừng múc nước” về việc cổ võ lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa. Trong thông điệp có viết: “Ý nghĩa thâm sâu của việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là lấy tình yêu đáp trả tình yêu!”

Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI đã viết trong Thông điệp Deus Caritas Est số 14 nư sau: “Sự thần bí của bí tích (Mình Thánh Chúa) có đặc tính xã hội, vì khi hiệp lễ, tôi được kết hợp với Chúa cũng như với mọi người cùng hiệp lễ : “bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể". Việc kết hợp với Đức Kitô cũng đồng thời là một sự kết hợp với những kẻ khác, với những người mà Chúa tự hiến cho. Tôi không thể dành riêng Đức Kitô cho một mình tôi, tôi chỉ có thể thuộc về Người trong cộng đoàn cùng với những ai đã thuộc về Người hay sẽ thuộc về Người. Sự hiệp lễ kéo tôi ra khỏi bản thân để đến với Người và đồng thời đi vào sự hợp nhất với tất cả mọi người Kitô hữu. Chúng ta trở thành ''một thân thể'', một sự hiện hữu tan biến vào trong nhau. Tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân đã thực sự kết hợp lại với nhau : Thiên Chúa hoá thành người, lôi kéo tất cả chúng ta về với Người. Từ đó phải hiểu rằng tại sao agape lại trở thành một tên gọi của Bí tích Thánh Thể : trong Thánh Thể, Tình Yêu của Thiên Chúa mang tính xác phàm đến với chúng ta, để trong chúng ta và qua chúng ta tiếp tục thực hiện công trình của Người.”

Như vậy, hình ảnh bàn tay phải của Chúa mở ra để đón nhận nói với chúng ta rằng, sự đáp trả của tình yêu có thể là món quà mà chúng ta đặt vào bàn tay trống không dang rộng của Chúa Giêsu. Chúng ta trao tặng cho Chúa tình yêu, Ngài ở trong các anh chị em đang sống gần bên chúng ta, đặc biệt Ngài đang hiện thân trong những người hèn mọn, nghèo hèn, bệnh tật, bị khinh rẻ, không được để ý, không được dòm ngó tới và không được yêu thương.

Phải chăng đó là cách thức Chúa đang chờ đợi chúng ta khi mừng lễ Thánh Tâm Chúa?

                                                                                      Linh mục Gioan Nguyễn Phước, ofm

Giám tỉnh dòng Anh Em Hèn Mọn tỉnh dòng Việt Nam

 


[1] https://dongten.net/xin-cho-trai-tim-con-gap-duoc-trai-tim-chua/