Hôm nay chúng ta cử hành thánh lễ mừng kính thánh Phanxicô Assisi, một người đã sống cách chúng ta 8 thế kỷ, nhưng thông điệp cuộc đời của ngài vẫn luôn mang tính hiện đại; một con người bé nhỏ nhưng lại có một con tim thật bao la, không những ôm ấp cả mọi người, mà còn cả vũ trụ thiên nhiên. Ngài là một vị thánh được rất nhiều người yêu mến qua mọi thời đại. Chưa có vị thánh nào đã tạo được nhiều cảm hứng trong lãnh vực nghệ thuật và văn chương như ngài. Và cũng có thể nói, chưa có vị thánh nào được các nhà chính trị, các nhà cách mạng, các nhà văn hóa xã hội, các nhà bảo vệ môi trường sinh thái, ca tụng như ngài.
Điều tạo nên sự kỳ diệu vượt thời gian nơi thánh Phanxicô Assisi chính là nếp sống đơn sơ bé mọn, tâm hồn trẻ trung và tình yêu chân thành của ngài đối với mọi người và toàn thể vũ trụ theo giáo huấn Tin Mừng của Đức Kitô. Có lẽ chính Chúa Giêsu đã thấy điều gây ngạc nhiên ấy nơi thánh Phanxicô, nên trong đoạn Tin Mừng hôm nay Người đã cảm thán thưa với Chúa Cha: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha" (Mt 11,25-26). Chính Chúa Giêsu đã trở nên bé mọn, khi Người từ bỏ địa vị cao sang của Thiên Chúa, hoàn toàn trút bỏ vinh quang, để sống như người trần thế, chết như một tên nô lệ, như chúng ta vừa nghe trong bài đọc II trích thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Philipphê (Pl 2,3-11).
Nếu tình yêu là đặc tính của tuổi trẻ, thì tuổi trẻ cũng là đặc tính của tình yêu. Nếu tuổi trẻ là tuổi của tình yêu mãnh liệt, thì cũng chính tình yêu mãnh liệt khiến con người luôn trẻ trung, như lời Đức Phanxicô đã nói trong Tông huấn Chúa Kitô đang sống: "Trẻ trung đích thực có nghĩa là một trái tim có khả năng yêu thương" (CV 13). Mặc dù nghèo khó không có gì, nhưng chính tình yêu tươi trẻ của Thánh Phanxicô đối với Chúa, đối với con người và mọi loài thụ tạo đã khiến ngài trở thành con người vĩ đại đã góp công nâng dậy và giữ thăng bằng cho một Hội Thánh đang hồi nghiêng ngửa vào thời Trung cổ, như thượng tế Simon con ông Ônia đã củng cố và trùng tu đền thờ Thiên Chúa đang bị suy sụp trong thời Cựu Ước mà tác giả sách Huấn Ca đã nói đến trong bài đọc I (Hc 50,1).
Nếu ai có dịp đi hành hương Rôma và đến kính viếng vương cung thánh đường Latêranô là ngôi nhà thờ mẹ tượng trưng cho toàn thể Hội Thánh, thì sẽ thấy đối diện đền thờ có một bức tượng thánh Phanxicô Assisi trong dáng dấp gầy gò đang giơ hai cánh tay về phía đền thờ, như để gìn giữ ngôi nhà Hội Thánh đứng vững qua thời kỳ khủng hoảng và tiếp tục tồn tại cho đến nay.
Có lẽ muốn ám chỉ điều này, Đức Phanxicô đã viết trong Tông huấn Chúa Kitô đang sống: "Tuổi trẻ là một giai đoạn trong cuộc đời; nhưng trước hết tuổi trẻ là một tình trạng của tâm hồn. Vì thế, một tổ chức kỳ cựu như Hội Thánh có thể đổi mới và trẻ hoá ở những giai đoạn khác nhau trong lịch sử rất lâu dài của mình. Thật vậy, vào những thời khắc bi thảm nhất trong lịch sử của mình, Hội Thánh cảm nhận được lời mời gọi thực tâm trở về với tình yêu ban đầu" (CV 34). Và Đức Thánh Cha đã áp dụng công trình đổi mới Hội Thánh ấy cho Thánh Phanxicô khi viết: "Thánh Phanxicô Assisi là một người trẻ đầy mơ ước. Ngài nghe tiếng Chúa Giêsu mời gọi trở nên nghèo khó như Người và cải tổ Hội Thánh bằng chứng tá đời sống" (CV 52).
Ngoài việc đổi mới ngôi nhà Hội Thánh, thánh Phanxicô còn góp phần rất lớn vào việc đổi mới mối tương quan giữa con người với vũ trụ thiên nhiên, mà Đức Phanxicô gọi là ngôi nhà chung của chúng ta, để thiên nhiên luôn mang đầy sức sống tươi trẻ, không bị lão hóa và cạn kiệt vì sự khai thác quá mức của con người hiện nay. Vì thế, trong Thông điệp Laudato Si', số 10, Đức Phanxicô đã viết: "Ngài là thánh bảo trợ cho tất cả những ai đang nghiên cứu và hoạt động trong lãnh vực sinh thái".
Thánh Phanxicô cũng là thánh bảo trợ của giáo xứ Qui Hòa và cộng đoàn nữ tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ Qui Hòa. Lịch sử giáo xứ Qui Hòa gắn liền với lịch sử cộng đoàn Phan Sinh và đã trải qua chiều dài trên dưới một thế kỷ: 115 năm cộng đoàn giáo dân Qui Hòa (1905-2020) và 88 năm cộng đoàn nữ tu Phan Sinh (1932-2020). Nhờ sự bảo trợ của Thánh Phanxicô, giáo xứ Qui Hòa và cộng đoàn Phan Sinh đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để tiếp tục phát triển cho đến ngày nay, nhờ đó biết bao bệnh nhân phong đã tìm được niềm an ủi, sự cứu chữa và giúp đỡ cả tinh thần lẫn thể xác.
Chính trong bầu khí tươi vui và đầy ắp tâm tình tạ ơn của ngày lễ kính Thánh Phanxicô hôm nay, 3 nữ tu thuộc cộng đoàn Phan Sinh Qui Hòa dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân thánh hiến trong Hội dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ. Đó là nữ tu Anna Andréa Nguyễn Thị Khẩn, 92 tuổi, mừng Kim cương khánh với 70 năm tu dòng; nữ tu Elisabeth Hermine Hoàng Thị Khẩn, 82 tuổi, mừng Ngọc khánh với 60 năm tu dòng, và nữ tu Maria Mađalêna Nguyễn Thị Thanh Tâm, 51 tuổi, mừng Ngân khánh với 25 năm tu dòng.
Hồng ân thánh hiến mà các nữ tu lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa chính là hạnh phúc tuyệt vời vì được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn và được ở trong nhà Chúa với biết bao ân lộc của Người, như lời tác giả thánh vịnh 65 đã thưa với Chúa: "Phúc thay kẻ được Ngài tuyển chọn và cho ở lại trong khuôn viên đền Ngài. Ân huệ nhà Chúa chúng con tận hưởng, lộc thánh đền Ngài lại được đầy no" (Tv 65,5), hay như lời thánh vịnh 16: "Lạy Chúa, Chúa là phần gia nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con" (Tv 16,5).
Được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn, các nữ tu đã đáp lại bằng tất cả tình yêu qua việc hiến dâng trọn vẹn chính mình cho Thiên Chúa. Chính Chân phước Marie de la Passion, Mẹ sáng lập Hội dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, cũng đã tâm niệm: "Tôi đã được thánh hiến cho Thiên Chúa. Cùng đích của đời tôi là Tình Yêu". Đó cũng là nét chính trong cuộc đời của thánh Phanxicô Assisi, khiến ngài được mọi người yêu mến, như lời Đức Phanxicô đã nói về ngài trong Thông điệp Laudato Si': "Ngài yêu mến, và đã được yêu mến cách sâu sắc vì niềm vui của ngài, sự trao ban chính bản thân ngài cách quảng đại, mở rộng tâm hồn của ngài" (LS 10).
Chính tình yêu là lý do khiến cho con cái của Thánh Phanxicô và Chân phước Marie de la Passion là 3 nữ tu mừng lễ hôm nay đã sẵn sàng sống đời thánh hiến trong Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ suốt 70 năm, 60 năm và 25 năm qua. Nơi những người sống đời thánh hiến, tình yêu không phải là một nhu cầu là cái có thể thay đổi trong quá trình phát triển, nhưng là một giá trị vững bền qua dòng thời gian, do đó có sức lôi cuốn và giúp con người vượt qua mọi chướng ngại. Một tình yêu không thay đổi mặc cho cuộc đời vật đổi sao dời mới là tình yêu chân chính. Cho dầu màu thời gian có làm bạc trắng mái đầu xanh thuở nào, vẫn không làm phai mờ, trái lại càng tô thắm mối tình của người nữ tu đối với Thiên Chúa và tha nhân.
Thánh lễ tạ ơn khấn dòng của 3 nữ tu Phan Sinh được lồng trong khung cảnh phụng vụ ngày lễ Bổn mạng của giáo xứ Qui Hòa và của cộng đoàn các nữ tu Phan Sinh Qui Hòa, tại chính nơi được coi là chiếc nôi của Tỉnh dòng Phan Sinh Việt Nam, đó là một điều thật ý nghĩa. Cử hành thánh lễ tạ ơn khấn dòng tại nơi hiện diện đầu tiên của Tỉnh Dòng tại Việt Nam, giữa cộng đoàn nữ tu kế thừa cộng đoàn Phan Sinh đầu tiên và giữa các bệnh nhân phong là những người tiếp nối các các bệnh nhân đầu tiên, 3 nữ tu hôm nay muốn ngày lễ tạ ơn của mình đánh dấu các hồng ân mà Thiên Chúa đã ban không những cho riêng mình, mà còn cho toàn thể Tỉnh dòng Phan Sinh Việt Nam, toàn thể cộng đoàn Phan Sinh Qui Hòa và toàn thể các bệnh nhân và anh chị em giáo dân giáo xứ Qui Hòa trong suốt gần một thế kỷ qua. Nghe đâu lời tạ ơn của các nữ tu hôm nay như đang thì thầm qua tiếng sóng biển rì rào, qua tiếng gió thổi lao xao xuyên qua những rặng phi lao (filao) cao vút trên đồi cát trắng Qui Hòa.
Nguyện xin Thiên Chúa đón nhận tâm tình và lời cầu nguyện của anh chị em giáo xứ Qui Hòa và của cộng đoàn các nữ tu Phan Sinh Qui Hòa, đặc biệt của 3 nữ tu mừng kim cương khánh, ngọc khánh và ngân khánh khấn dòng; cũng xin Người tiếp tục ban ơn nâng đỡ để mọi người sống xứng đáng với bao hồng ân đã lãnh nhận.
Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi