Bài Giảng Trong Thánh Lễ Mừng Bổn Mạng Tỉnh Dòng

Nhìn vào tượng Thánh tâm Chúa, chúng ta còn thấy nổi lên một Thánh giá. Chúa đã hy sinh mạng sống chịu chết trên Thánh giá để tha thứ tội lỗi chúng ta

Trong những tháng qua, chúng ta được tin nhà cầm quyền Trung cộng đã và đang triệt hạ các thánh giá của các nhà thờ, đặc biệt là tại tỉnh Hà Nam, nơi các Kitô hữu chiếm khoảng 4% dân số, tỉnh có tỷ lệ Kitô hữu cao nhất.

Video cho thấy các công nhân trên những cần cẩu cao đang gỡ bỏ các cây thánh giá. Hàng chục cảnh sát đang ở trong sân để ngăn chặn những lời chỉ trích và các kháng cự của anh chị em giáo dân. Nhiều tín hữu, bất lực trước sự lạm dụng quyền lực của nhà cầm quyền, quỳ gối trên các bậc thang của nhà thờ trong lời cầu nguyện và ca hát. Các tín hữu vẫn cầu nguyện suốt cả ngày.

Không chỉ ở nước cộng sản mà ngay tại các nước phương tây cũng xảy ra điều tương tự. Mới đây theo trang mạng Church Pop loan tin thì dân chúng rất đau lòng khi biết có một nhóm người phá hoại đã chặt đầu và hai tay của tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu ở La Roda, một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Seville, Tây Ban Nha. Tượng đài này đã có hơn 70 năm nay. Vào tháng 10 năm 1952, tượng đài được khánh thành, đặt tại quảng trường của một thị trấn mang tên Quảng trường Thánh Tâm Chúa, vì Vua Alfonso XIII vào năm 1919, đã truyền dâng hiến nước Tây Ban Nha cho Thánh Tâm Chúa.

Qủa thật là đau lòng! Nhất là hôm nay khi chúng ta tụ họp để mừng kính trọng thể Thánh Tâm Chúa.

Tuy nhiên những sự kiện đó chẳng lạ gì với Thánh Tâm Chúa, vì Chúa đã tỏ lộ cho thánh nữ Magarita vào tháng Bẩy năm 1674:

Có hôm, tôi đang quỳ chầu trước tôn nhan Thánh Thể được đặt trên bàn thờ cung thánh. Lúc ấy tâm hồn tôi bỗng đắm chìm trong một trạng thái chiêm niệm lạ thường thấm nhập hết mọi quan năng, Đấng Chí Thánh dịu dàng Giêsu Kitô, đã tỏ mình ra với tôi, ngời chói hào quang, cùng với năm dấu thánh chói sáng như những tia nắng mặt trời. Từ mọi dấu thương tích trên Thánh Thể Người đều bừng bừng phát ra những tia sáng chói chang, nhưng nhất là nơi lồng ngực kính yêu của Người, bốc cháy ngùn ngụt như cái lò lửa. Lồng ngực Người mở ra, tỏ cho tôi thấy Trái Tim yêu thương và đáng mến của Người chính là nguồn sống của những ngọn lửa đang bốc cháy ấy.  Rồi Người tỏ cho tôi thấy hết mọi sự kỳ diệu không thể tả được về tình yêu thương tinh tuyền và tột cùng của Người mà Người đã cưu mang vì quá đỗi yêu thương con người là những kẻ chẳng biết báo đáp Người ngoài sự vô ơn bội bạc và khinh dể Người.  Người bảo, "điều này càng làm Người quặn đau hơn tất cả những sự Thương Khó Người đã phải chịu."  Nếu như họ có thể bồi đáp tình thương cho Cha dù chỉ một ít thôi, thì Cha sẽ chẳng ngại tiếc làm bất cứ điều gì cho họ, và Cha sẽ còn làm hơn thế nữa.  Nhưng họ chỉ có lạnh nhạt và khinh dể cho dù cha có cố hết sức để làm họ được nên tốt hơn.  Con ơi, ít ra, con còn có thể cho Cha niềm hạnh phúc để bù đắp thay cho những vô ơn bội bạc của họ, càng nhiều chừng nào càng tốt chừng nấy."

Con người quả bội bạc vì không nhận ra tình yêu của Chúa.

Mừng lễ Thánh Tâm, đay là dịp để chúng ta chiêm ngắn tình thương Chúa, được biểu lộ qua trái tim rực cháy.

Bài đọc hai khẳng định với chúng ta là “Thiên Chúa là tình yêu”: “Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này : Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.”

Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta khi từ bỏ cõi trời để đến với chúng ta. Người đã mặc khải cho chúng ta biết về tình yêu của Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”

Đó là một tình yêu đi bước trước và nhưng không:

ĐỨC CHÚA đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân. Nhưng chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em, mà ĐỨC CHÚA đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pha-ra-ô, vua Ai-cập”.

Tình yêu cốt ở điều này : không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.”

Nhìn vào tượng Thánh tâm Chúa, chúng ta còn thấy nổi lên một Thánh giá. Chúa đã hy sinh mạng sống chịu chết trên Thánh giá để tha thứ tội lỗi chúng ta. Chúa còn tiếp tục chịu đau khổ vì những vô ơn bạc nghĩa của con người.

Ngày lễ Thánh Tâm, chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.”

Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong Tông huấn “Niềm vui của Tin mừng” đã nhắc nhở lại lời mời gọi đó: “Tôi kêu mời mọi Kitô hữu ở khắp nơi, ngay lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ mới mẻ với Đức Giêsu Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình; tôi xin tất cả anh chị em không ngừng làm điều này mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời gọi này không phải dành cho mình, vì “không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến”. Chúa không làm thất vọng những ai chấp nhận sự liều lĩnh này; mỗi khi chúng ta bước một bước đến gần Chúa Giêsu, chúng ta hiểu ra rằng Người đã đang ở đó, đang mở rộng vòng tay chờ đón chúng ta. Bây giờ là lúc để nói với Chúa Giêsu: “Chúa ơi, con đã để mình bị lừa; con đã trốn tránh tình yêu của Chúa bằng muôn ngàn cách, nhưng một lần nữa con lại đến đây, để canh tân giao ước của con với Chúa. Con cần Chúa. Xin cứu con một lần nữa, Lạy Chúa, xin đưa con vào lại vòng tay cứu độ của Chúa một lần nữa”. Vui biết chừng nào khi trở lại với Người sau mỗi lần chúng ta lạc lối! Xin cho tôi lặp lại điều này một lần nữa: Chúa không bao giờ thấy mệt khi tha thứ cho chúng ta; chỉ có chúng ta thấy mệt khi đi tìm lòng thương xót của Ngài. Là người dạy chúng ta phải tha thứ cho nhau, Đức Kitô đã làm gương: Ngài đã tha cho chúng ta bảy mươi lần bảy. Ngài không ngừng vác chúng ta lên vai trở lại. Không ai có thể lấy mất của chúng ta cái nhân phẩm Ngài đã ban cho chúng ta do lòng thương vô biên của Ngài. Với một sự dịu dàng không bao giờ gây thất vọng nhưng luôn luôn có sức phục hồi niềm vui của chúng ta, Ngài làm cho chúng ta có thể ngẩng đầu lên và bắt đầu lại. Chúng ta đừng chạy trốn sự phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta đừng bao giờ ngã lòng, bất luận điều gì xảy ra. Chúng ta đừng để điều gì thúc đẩy chúng ta hơn là sự sống của Ngài, sự sống thôi thúc chúng ta tiến bước!” (số 3)

Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” Chúng ta hãy noi gương Chúa, đón nhận tất cả những đau khổ, những thất bại, những bất ưng, những thập giá nho nhỏ trong đời sống hằng ngày để đền tạ Trái tim Chúa. Chúng ta hãy thưa với Chúa như Kinh Đền tạ Trái Tim Chúa đã dạy chúng ta: “Lạy Đức Chúa Giêsu rất nhân lành, Chúa đã yêu dấu loài người quá bội, mà loài người vô tình tệ bạc, lại còn khinh mạn dể duôi. Nay chúng con sấp mình xuống trước bàn thờ Chúa, hết lòng thờ phượng cung kính, cho được đền vì những sự vô nhân bất nghĩa, khắp thiên hạ hằng làm xỉ nhục Trái Tim Chúa hay thương dường ấy. Song le chúng con nhớ lại, xưa nay chúng con cũng đã lỗi nghĩa cùng Chúa như vậy, thì chúng con hết lòng ăn năn đau đớn, xin Chúa thương xót thứ tha. Chúng con sẵn lòng đền tội chúng con, cùng xin đền tội những kẻ lạc xa đàng rỗi, hoặc bởi cố tình chẳng tin phục nhận biết Chúa là Đấng chăn chiên dẫn đàng chính thật, hoặc khinh dễ những điều đã khấn nguyện khi chịu phép Rửa Tội, mà dẫy bỏ giới răn Chúa là ách êm ái dịu dàng.” Amen.

John of God Nguyễn Phước, ofm